Đây là một câu hỏi rất thú vị. Trong một môi trường mà các quốc gia thù địch khốc liệt đang tranh giành quyền lực tối cao, việc một vị tướng thành công viết ra kiến thức của mình cho tất cả mọi người cùng đọc là điều vô nghĩa. Thêm vào đó bất kỳ người cai trị nào nắm giữ một tài liệu như vậy sẽ thấy rằng cần phải giữ kín nó vì lợi ích tốt nhất của bản thân. Vậy thì bằng cách nào mà một tài liệu về phương pháp quân sự lại trở thành một trong những tài liệu nổi tiếng và được đọc rộng rãi nhất từ thời Trung Quốc cổ đại?
Theo nhiều cách khác nhau, 孫子兵法 (Sun Zi Bing Fa, “Binh Pháp Tôn Tử”) không phải là nơi hứa hẹn nhất để tìm kiếm câu trả lời. Nguồn gốc của tác phẩm vẫn còn là một bí ẩn; tác giả có thể có trong lịch sử hoặc không; truyền thống viết tay gặp nhiều khó khăn; bản thân tài liệu này đã được Robin Yates tóm gọn lại bằng một câu “ngắn gọn và khó hiểu” và Victor Mair gọi nó là “cực kỳ ngắn gọn và khó hiểu một cách điên rồ”. Chúng ta sẽ phải đào sâu vào những vấn đề này một chút nếu muốn hiểu được mục đích mà Tôn Tử muốn đạt được.
Đầu tiên là về nguồn gốc. Thoạt nhìn thì câu hỏi này có vẻ dễ trả lời: trong 史記 (Shi Ji, “Sử ký”), học giả nhà Hán Tư Mã Thiên đã nói với chúng ta rằng Tôn Tửđược viết vào khoảng đầu thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên bởi một vị tướng quân trứ danh tên là Tôn Vũ. Tư Mã Thiên đã đưa ra một số chi tiết tiểu sử thú vị về vị tên là Tôn Vũ này, bao gồm cả câu chuyện nổi tiếng về cách ông huấn luyện các phi tần của vua nước Ngô trong cuộc tập trận bộ binh hạng nặng. Quan điểm cho rằng thực sự có một Tôn Tử trong lịch sử, người viết lại luận thuyết về chiến tranh vào cuối thời Xuân Thu, vẫn được nhiều người tin tưởng. Nếu chúng ta chấp nhận quan điểm này, vậy thì câu trả lời cho câu hỏi của bạn tương đối đơn giản: là một kẻ chạy trốn từ phía bắc nước Tề (theo một phiên bản của câu chuyện), Tôn Vũ cần gây ấn tượng với chủ nhân mới của mình là vua nước Ngô, và ngoài việc thể hiện như một người thợ khoan ra thì việc biên soạn một cuốn Mười Ba Chương (Binh Pháp Tôn Tử) của ông ta sẽ chứng minh được khả năng của mình. Truyền thống tiểu sử đã lưu ý rằng lời khuyên và khả năng lãnh đạo của ông đã cho phép nước Ngô mở rộng bờ cõi và chinh phục nước Chu láng giềng.
Vấn đề với lời kể này về nguồn gốc của Tôn Tử ấy là không có ghi chép nào trước đó về cuộc đời của một vị tướng tên là Tôn Vũ hết, và việc phân công các tác phẩm vào tay các tác giả không phải là điều mà người Trung Quốc thực sự làm cho đến sau khi thời Xuân Thu kết thúc. Việc tìm thấy một bộ sưu tập văn bản trên các thẻ tre – phương pháp ghi chép truyền thống – trong một nhóm mộ có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đã xác nhận rằng vào thời điểm đó Binh Pháp Tôn Tử ít nhiều có tồn tại dưới dạng được biết đến ngày nay, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh niên đại sớm nhất là vào những năm 400 trước Công nguyên. Hơn nữa, nếu nó thực sự có niên đại xa đến vậy thì cho đến nay nó sẽ là chuyên luận quân sự sớm nhất của Trung Quốc, với khoảng cách hơn một thế kỷ giữa nó và người kế thừa lâu đời nhất của nó.
Thật vậy, bản thân tài liệu này đã được chứng minh là phản ánh hoạt động quân sự của thời Chiến Quốc (khoảng 475-221 trước Công nguyên), chứ không phải thời Xuân Thu (khoảng 771-476 trước Công nguyên) như nó được cho là đã được viết. Đội quân bộ binh được tổ chức tốt, được huấn luyện kỹ lưỡng mà Tôn Tử hình dung không thuộc về thời đại của các lãnh chúa cưỡi xe ngựa và đám tùy tùng lỏng lẻo thuộc thời Xuân Thu. Với việc tài liệu này đề cập đến nỏ thì chắc hẳn nó phải được viết vào thời kỳ sau khi những loại vũ khí này được phát minh (đâu đó vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên). Nói cách khác, tài liệu này có nhiều khả năng là sản phẩm của thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên hơn là đầu thế kỷ thứ 5; chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng sự lan truyền và công nhận tác phẩm này như một tác phẩm quân sự kinh điển bắt nguồn từ thời kỳ đầu nhà Hán.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các học giả Trung Quốc ngay từ thế kỷ 13 sau Công nguyên đã tự hỏi rằng liệu tác giả huyền thoại của Binh Pháp Tôn Tử có thực sự tồn tại chăng. Nhiều chuyên gia hiện đại đã bị thuyết phục bởi lập luận của Jens Østergard Petersen rằng các chi tiết về tiểu sử Tôn Vũ của Tư Mã Thiên là quá chung chung và tất cả các yếu tố của nó cũng có thể được tìm thấy trong tiểu sử của các vị tướng khác. Tên của Tôn Vũ (thực chất có nghĩa là “chiến binh phiêu bạt”) được coi là quá thuận tiện và bối cảnh lịch sử của ông quá mơ hồ để có thể nghiêm túc coi ông là một nhân vật cuối thời Xuân Thu. Thực tế thì có bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của một vị tướng và chuyên gia quân sự họ Tôn – nhưng tên của ông là Tẫn, và ông đã sống một cuộc đời viên mãn trong hơn một thế kỷ sau thời kỳ được cho là hưng thịnh của Tôn Vũ, và ông được ghi nhận là người có công viết một chuyên luận hoàn toàn riêng biệt về các vấn đề quân sự, vốn được phát hiện lại trong cùng bộ sưu tập đã cung cấp cho chúng ta những dấu vết sớm nhất còn tồn tại về Binh Pháp Tôn Tử. Rất có thể cái họ Tôn, nổi tiếng gắn liền với chuyên môn về quân sự, đã gắn liền với một bộ sưu tập trí tuệ về võ thuật ngày càng mở rộng được biên soạn trong suốt thời kỳ Chiến Quốc. Việc mở đầu mỗi chương của văn bản bằng công thức “Tôn Tử nói:” nghịch lý thay lại là dấu hiệu cho thấy chưa bao giờ có một “Tôn Tử” cả – mà chỉ có sự nối tiếp của các tác giả hợp pháp hóa trí tuệ của mình thông qua danh tiếng của ông. Có thể dự đoán được rằng Tôn Tẫn về sau được cho là hậu duệ của Tôn Tử huyền thoại, người thừa hưởng trí tuệ rõ ràng là di truyền trong gia tộc.
Thực tế là cách ghi chép văn bản Trung Quốc thời cổ đại bằng cách sử dụng các thẻ tre đã được nhắc tới ở trên là cực kỳ có lợi cho loại văn bản truyền thống này. Những thẻ tre đơn lẻ ghi không quá một hoặc vài dòng văn bản; các dải được nối lại với nhau bằng sợi dây. Khi dây bị đứt hoặc phân rã, văn bản trở nên lộn xộn và những người chỉnh sửa sau này thường hoàn toàn không thể khôi phục chúng về thứ tự ban đầu. Theo quan điểm của chúng tôi thì việc thêm hoặc bớt các dòng là điều rất dễ xảy ra. Một trong những điều khó chịu của Binh Pháp Tôn Tử chính là phần lớn siêu văn bản của nó – những từ “kế tiếp” và “tức là” – thực sự không hề có ý nghĩa gì, và chưa có nghiên cứu ngữ văn nghiêm túc nào dành cho việc khôi phục tài liệu. Dẫu cho còn nhiều điều chưa chắc chắn, chúng ta có cơ sở an toàn hơn nhiều khi nhận định rằng tác phẩm này là sản phẩm của nhiều bàn tay trong một thời gian dài (khoảng thế kỷ thứ 4 và đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên) hơn là tác phẩm của một thiên tài quân sự huyền thoại.
Vậy thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đến đâu nếu dựa trên câu hỏi của bạn? Tại sao Binh Pháp Tôn Tử lại được viết? Ai được hưởng lợi từ việc viết nó và truyền bá nó đi khắp nơi?
Ở đây chúng ta có thể tìm thấy một sự tương đồng hữu ích trong truyền thống của văn học Hy Lạp cổ đại. Ở Hy Lạp, cũng như ở Trung Quốc, các chuyên luận quân sự không phát triển một cách chân không, khi một bậc thầy quân sự cụ thể quyết định truyền bá trí tuệ của mình cho con cháu đời sau. Đúng hơn thì chúng bắt đầu xuất hiện trong một thời đại chứng kiến sự thay đổi chung trong quan niệm về học tập, trong đó truyền thống truyền miệng và tư duy trừu tượng bắt đầu nhường chỗ cho các tác phẩm viết thực tế, cho phép kiến thức trong các lĩnh vực chuyên môn kín đáo được nhân rộng và giảng dạy. Ở Hy Lạp cũng như ở Trung Quốc, nghệ thuật chiến tranh đã bị cuốn theo phong trào này bởi các điều kiện của thời đại: ở Hy Lạp, các cuộc chiến tranh bá quyền thuộc thời kỳ Cổ điển (trong đó Chiến tranh Peloponnese dường như đặc biệt quan trọng với tư cách là động lực thúc đẩy), còn ở Trung Quốc thì đó là thời kỳ Chiến Quốc kéo dài và tàn khốc. Ở cả hai nền văn hóa, những tác phẩm triết học được viết sớm nhất đã xuất hiện trước đó một thời gian và khởi xướng truyền thống ghi lại những tư tưởng tiến bộ vì lợi ích của người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các danh mục của Trung Quốc xếp Binh Pháp Tôn Tử vào truyền thống Đạo giáo (tức là triết học). Nó và nhiều chuyên luận quân sự khác xuất hiện ngay sau đó đều phù hợp với cùng một cách tiếp cận mới đối với việc truyền bá kiến thức. Mục đích của tài liệu này là nhằm giảng dạy để các thế hệ tương lai đang đối mặt với các vấn đề quân sự sẽ không lặp lại vết xe đổ.