I. Lời dẫn
Trận chiến Bành Thành (tháng 4 năm 205 TCN) là một trận chiến giữa liên quân chư hầu do Lưu Bang làm minh chủ cùng quân Sở của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ thời Hán – Sở tranh hùng.
Đây là một trong 3 trận chiến nổi tiếng nhất trong cuộc đời của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ: trận Cự Lộc, trận Bành Thành cùng trận Cai Hạ.
Trận chiến diễn ra ở Bành Thành nước Sở (nay thuộc Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc). Trận chiến này có ảnh hưởng sâu sắc đến thế cục các nước thời Hán – Sở tranh hùng.
(Đáng ra trận Bành Thành nên gộp chung vào phân tích nhân vật Hạng Vũ hoặc Lưu Bang, nhưng do trận chiến này có rất nhiều điểm đặc sắc nên người viết tách ra thành một bài riêng biệt, còn Hạng Vũ và Lưu Bang sẽ có bài viết khác).
II. Diễn biến trận chiến
(Nguồn sử liệu sử dụng chủ yếu là Sử ký Tư Mã Thiên cùng đối chiếu nội dung với Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang)
- Trước trận chiến
Năm 206 TCN, tháng 2, Hạng Vũ phân phong cho chư hầu. Hạng Vũ phân phong cho thuộc hạ hoặc chư hầu thân cận các vùng đất giàu có và quan trọng:
- Tắc Vương Tư Mã Hân, Địch Vương Đổng Ế, Ung Vương Chương Hàm nắm vựa lúa Quan Trung.
- Tề Vương Điền Đô, Tế Bắc Vương Điền An áp chế Giao Đông Vương Điền Thi nắm vựa lúa Tề Lỗ.
- Bản thân Hạng Vũ cùng Cửu Giang Vương Anh Bố nắm giữ vựa lúa Ngô Sở.
=> Trung Quốc thời cổ tổng cộng có 4 kho lúa: Ba Thục, Quan Trung, Tề Lỗ, Ngô Sở.
- Hạng Vũ phân phong chư hầu xong thì bản thân Hạng Vũ cùng chư hầu phe cánh ủng hộ nắm giữ 3 kho lúa: Quan Trung, Tề Lỗ, Ngô Sở.
- Lưu Bang nắm giữ được kho lúa Ba Thục nhưng lại bị ngăn cách giao thông với bên ngoài. Các chư hầu khác thì không có nơi sản xuất lương thực dồi dào nên về khía cạnh hậu cần không thể so sánh với nước Sở.
Tháng 8, Điền Vinh tự lập thành Tề Vương đối địch với Sở, lệnh cho Bành Việt đem quân giúp Trần Dư đánh Triệu và gởi thư đến các chư hầu kêu gọi cùng chống Sở.
- Lưu Bang nhân đó dùng kế “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” của Hàn Tín để đánh Tam Tần lấy Quan Trung.
- Lưu Bang sai Trương Lương lấy thư của Tề Vương Điền Vinh đưa cho Hạng Vũ cùng cam kết chỉ làm Quan Trung Vương. Vì vậy Hạng Vũ không lo đến Lưu Bang đang ở phía tây; trái lại, lại cử binh về phía Bắc đánh Tề.
Từ tháng 9 – tháng 11, Lưu Bang chiếm lấy Hà Nam, Hàn, Ngụy, Hà Nội. Đồng thời cho Trương Lương đi sứ gặp Hạng Vũ.
Tháng 12, Hạng Vũ tạm thời bỏ qua cho Lưu Bang, đem quân Sở lên phía Bắc đánh Tề.
Năm 205 TCN, tháng 3, Lưu Bang lấy danh nghĩa báo thù cho Nghĩa Đế lập liên minh phạt Sở.
- Trận chiến bắt đầu
a. Liên quân vào Bành Thành
Năm 205 TCN, tháng 3, Lưu Bang lập liên quân đánh Sở để báo thù cho Nghĩa Đế.
- Lưu Bang lệnh cho Phàn Khoái chiếm cùng đóng quân ở Trâu huyện (nay là Trâu Thành), Lỗ huyện (nay là Khúc Phụ), Tiết quận (nay là Tảo Trang), Hạ Khâu (nay thuộc Duyệt Châu, đều thuộc Tế Ninh, Sơn Đông, TQ), cách Bành Thành khoảng 160 km về phía Bắc.
- Lưu Bang lệnh cho Chu Lữ Hầu tức Lữ Trạch dẫn quân đóng ở Tiêu huyện (nay thuộc huyện Tiêu, Túc Châu, An Huy, TQ), cách Bành Thành khoảng 34 km về phía Tây.
Tháng 4, liên quân 56 vạn quân chiếm được Bành Thành, Lưu Bang cùng chỉ huy liên quân thu của cải châu báu, gái đẹp, ngày nào cũng đặt tiệc rượu hội họp linh đình.
=> Đi theo bên người Lưu Bang lúc này có hai vị mưu sĩ Trương Lương cùng Trần Bình, nên việc Lưu Bang ăn chơi có thể nhằm mục đích ẩn giấu thực lực khiến các chư hầu khác mất cảnh giác với quân Hán.
- Lưu Bang dẫn liên quân vào Bành Thành lập tức ăn chơi hết mức, mục đích là để phân chia xử lý nhanh nhất số lượng tài phú cùng lương thực trong thành, cùng phá hủy toàn bộ nền tảng kinh tế của Bành Thành, hiện là đô thành của nước Sở, để đả kích hậu cần của Hạng Vũ.
- Sau trận Bành Thành, Hạng Vũ mất đi lợi thế nền tảng kinh tế hậu cần cùng quân lương, nên không thể thoải mái chinh phạt các chư hầu như trước được nữa. Điều này thể hiện rõ trong việc quân Sở hết lương phải ký hòa ước Hồng Câu, cùng trận Cai Hạ hết lương bị liên quân bao vây ở tương lai.
b. Quân Sở quay về
b.1. Lực lượng quân Sở
Năm 205 TCN, tháng 4, Hạng Vũ đang ở Thành Dương (nay thuộc Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc) thì hay tin liên quân tấn công Bành Thành liền để đại quân lại tiếp tục bình định nước Tề, còn bản thân dẫn 3 vạn tinh binh quay về cứu viện.
=> Hạng Vũ chỉ dẫn theo 3 vạn quân có tác dụng lớn nhất trong chiến thuật tiến công chớp nhoáng, dùng tốc độ nhanh nhất để quay về cứu viện Bành Thành, còn đại quân không có giá trị trong chiến dịch này thì được bỏ lại để tiếp tục bình định nước Tề.
b.2. Tốc độ hành quân
Hạng Vũ dẫn 3 vạn tinh binh Sở từ Thành Dương hành quân vượt qua quãng đường khoảng 350 km tấn công vào đất Lỗ, rồi hành quân thêm khoảng 145 km để tấn công Tiêu huyện, sau đó di chuyển thêm 34 km nữa đánh thẳng vào Bành Thành.
=> Tốc độ hành quân của quân Sở cực nhanh.
- Theo Sử ký Tư Mã Thiên cùng Tư Trị Thông Giám, một trong Chiến quốc Tứ đại cường binh là Ngụy Vũ Tốt, thuộc binh chủng bộ binh, mang theo trang bị tiêu chuẩn (áo giáp 3 lớp mặc trên người, 1 thanh kiếm, 1 cây nỏ có lực lượng 12 thạch, túi 50 cây tên nỏ, cùng 3 ngày lương thực) mỗi ngày chỉ có thể hành quân tối đa trăm dặm tức khoảng 50 km, và sau đó phải tiến hành nghỉ ngơi mới có thể tiếp tục chiến đấu.
- Do tốc độ hành quân quân Sở quá nhanh nên đã làm cho liên quân bất ngờ không kịp phòng bị (liên quân tính toán thời gian quân Sở trở về ít nhất là 8 ngày).
- Quân Sở sau khi hành quân quãng đường dài thì không cần nghỉ ngơi, vẫn có đầy đủ chiến lực lập tức tấn công vào liên quân ở Bành Thành.
Kết luận: Hạng Vũ dẫn 3 vạn tinh binh Sở có thể đều là binh chủng kỵ binh.
Theo Tư Trị Thông Giám: năm 121 TCN, Hán Vũ Đế lệnh cho Hoắc Khứ Bệnh dùng 1 vạn kỵ binh đánh Hung Nô. Kỵ binh Hán hành quân nghìn dặm tức khoảng 500 km trong vòng 6 ngày, tốc độ hành quân trung bình khoảng 84 km/ ngày, có thể dao động tùy theo địa hình.
Trong chiến dịch chống Thanh năm 1789 của nước ta, Nguyễn Văn Tuyết một mình phi ngựa từ Tam Điệp, Thanh Hoa về Phú Xuân mất 5 ngày, quãng đường 490 km, tốc độ trung bình khoảng 98 km/ ngày.
Hạng Vũ tấn công liên quân ở Bành Thành bằng chiến thuật tiến công chớp nhoáng, điều này chỉ có thể thực hiện bởi kỵ binh, bởi vì không có đội quân bộ binh nào hành quân liên tục hơn 500 km mà có thể lập tức tham chiến được. Thời gian quân Sở di chuyển chỉ khoảng 4 – 5 ngày.
b.3. Lợi thế về binh chủng
Theo Sử ký Tư Mã Thiên và Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang thì tổng số lượng ngựa chiến của bảy nước thời Chiến quốc qua lời nói của Tô Tần (năm 333 TCN) cùng Trương Nghi (năm 311 TCN) chỉ khoảng hơn 4 vạn con, tiêu hao đến lúc nước Tần thống nhất thiên hạ còn hơn 3 vạn con chiến mã là hợp lý.
Năm 221 TCN, nhà Tần diệt Tề, thống nhất bảy nước, thu lấy binh khí của thiên hạ, lại dời 12 vạn nhà phú hào khắp nước Tần đến Hàm Dương
Năm 207 TCN, tháng 7, Chương Hàm dẫn 20 vạn quân Tần đầu hàng Hạng Vũ. Tháng 12, Hạng Vũ đốt phá thành Hàm Dương.
Năm 206 TCN, tháng 4, Hạng Vũ cướp hết tài sản của nhà Tần cùng phụ nữ di chuyển về Bành Thành.
=> Nhà Tần là nhà nước theo chế độ Trung ương tập quyền, cho nên ngựa chiến là tài nguyên chiến lược, do triều đình quản lý để trang cấp cho quân đội.
- Hạng Vũ thu được gần như toàn bộ ngựa chiến của quân Tần thông qua đội quân Tần của Chương Hàm đầu hàng, cùng ngựa chiến của nhà Tần trong thành Hàm Dương.
- Hạng Vũ là bá chủ chư hầu, cường thế một mình đoạt lấy tài phú của nhà Tần, nên thừa sức xây dựng một đội kỵ binh, trong khi các chư hầu khác đại bộ phận quân đội đều là bộ binh.
- Hạng Vũ đoạt lấy tài sản của nhà Tần coi như nắm được 9 phần tài phú của thiên hạ nên hoàn toàn không sợ chiến tranh tiêu hao.
- Hạng Vũ tuyệt đối sẽ không phân phát quá nhiều hoặc chỉ chia chiến mã tượng trưng cho các lộ chư hầu. Bởi thế kỵ binh của liên quân tuyệt đối không quá 1 vạn.
- Cho nên khi nhà Hán mới thành lập đánh nhau không lại Hung Nô, một nguyên nhân rất lớn đó chính là thiếu chiến mã.
- Theo Sử ký Tư Mã Thiên và Tư Trị Thông Giám, thì sau khi trận Bành Thành kết thúc, binh chủng quân Sở dùng để truy kích đối thủ chính là binh chủng kỵ binh.
b.4. Lợi thế về vũ khí
Năm 221 TCN, nhà Tần diệt Tề, thống nhất bảy nước, thu lấy binh khí của thiên hạ.
Năm 207 TCN, tháng 7, Chương Hàm dẫn 20 vạn quân Tần đầu hàng Hạng Vũ.
Năm 206 TCN, tháng 4, Hạng Vũ cướp hết tài sản của nhà Tần cùng phụ nữ di chuyển về Bành Thành.
=> Hạng Vũ đoạt được phần lớn vũ khí nhà Tần trang bị cho quân đội và trong kho vũ khí.
- Nước Tần áp dụng phương pháp “oxy hóa muối Crom” vào kỹ thuật luyện kim, khiến cho vũ khí quân Tần sắc bén hơn cả vũ khí nước Hàn (dựa vào chất lượng quặng sắt vượt trội) và nước Sở (dựa vào phương pháp khai phong bằng máu nên rất sắc bén).
- Nỏ Tần có lực trương dây khoảng từ 492 cân tới 738 cân (tương đương 1221-1832 Newton), tầm bắn có thể đạt khoảng từ 138 m tới 831 m, gấp đôi tầm bắn của AK47 (400m). Trên nỏ Tần có bộ phận cò súng, bộ phận ngắm bắn Vọng Sơn, cùng tiêu chuẩn hóa các bộ phận trên nỏ, giúp nước Tần có thể sản xuất hàng loạt nỏ Tần cùng linh kiện thay thế.
- Mũi tên của nỏ Tần được làm bằng đồng, có hình dáng ba cạnh giúp tăng khả năng xuyên giáp. Thân tên bằng gỗ hoặc tre giúp tên nhẹ và ổn định sau khi bắn. Tại lăng Tần Thủy Hoàng đã đào lên được hơn 4 vạn mũi tên, mỗi đầu tên đều không có sai số khác nhau quá 0,01 cm.
Kết luận: Nước Tần dùng nỏ Tần cùng kiếm Tần đánh cho 6 nước không ngóc đầu lên được. Hạng Vũ thừa hưởng gần như toàn bộ kho vũ khí của nhà Tần. Còn chư hầu phải sử dụng binh khí góp nhặt vì phần lớn binh khí trong thiên hạ đã bị nhà Tần thu hồi năm 221 TCN.
b.5. Lợi thế về giáp trụ
Năm 206 TCN, tháng 4, Hạng Vũ cướp hết tài sản của nhà Tần di chuyển về Bành Thành.
=> Hạng Vũ đoạt được phần lớn giáp trụ nhà Tần trang bị cho quân đội và trong kho quân trang.
- Theo dấu tích từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng thì kỵ binh Tần có mang giáp trụ bảo vệ.
Có 4 loại: Giáp che ngực; Giáp che ngực có các phiến giáp to; Giáp bảo vệ nửa thân trên cùng phần eo; Giáp bảo vệ nửa thân trên cùng phần eo có kèm theo áo choàng.
- Giáp trụ Tần là loại giáp cấu thành từ các phiến giáp hình chữ nhật và không đồng dạng với nhau. Theo việc nghiên cứu tượng Binh Mã Dũng thì người ta cho rằng 1 bộ áo giáp Tần hoàn chỉnh (không tính mũ trụ) thì sở hữu từ 250 tới 612 phiến giáp tuỳ theo kích cỡ.
- Không những vậy ngoài giáp trụ cho binh sĩ, nước Tần còn trang bị cả giáp trụ cho chiến mã. Các chiến mã có phủ lớp giáp mỏng để bảo vệ thân ngựa.
=> Giáp trụ bằng kim loại thời cổ đại rất khó chế tạo, do số lượng quặng kim loại rất hạn chế. Quân đội nhà Tần phần lớn mặc áo gọn nhẹ, chỉ có tinh binh như Tần Duệ Sĩ hay sĩ quan trở lên mới có giáp trụ. Giáp trụ nước Tần tích lũy từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc số lượng không nhiều nhưng cũng không thể quá ít, vì có thể sửa chữa để sử dụng lại. Thế nên Hạng Vũ hoàn toàn có thể móc từ kho vũ khí của nhà Tần vài ngàn bộ giáp trụ để trang bị cho quân đội mình.
b.6. Tính thống nhất của quân đội
Quân Sở chỉ thuộc về một mình Hạng Vũ chỉ huy. Hạng Vũ là thống soái cao nhất,có quyền chỉ huy tuyệt đối. Có thể nói quân Sở là một đội quân thống nhất, có kỷ luật nghiêm minh, là đội quân thân tín của Hạng Vũ.
Liên quân bao gồm 11 thế lực liên minh với nhau: Hán Vương Lưu Bang, Tắc Vương Tư Mã Hân, Địch Vương Đổng Ế, Ngụy Vương Ngụy Báo, Hà Nam Vương Thân Dương, Ân Vương Tư Mã Ngang, Thường Sơn Vương Trương Nhĩ, Hàn Vương Hàn Tín, Đại Vương Trần Dư, Triệu Vương Triệu Yết, tướng quốc nước Ngụy Bành Việt.
=> Tất cả các thế lực này đều ngang bằng nhau, không phụ thuộc lẫn nhau và không ai chỉ huy ai, mỗi thế lực đều có tâm tư riêng. Thế nên liên quân không thể nào có được sự thống nhất mệnh lệnh chỉ huy trong một khoảng thời gian ngắn. 56 vạn quân chẳng khác nào 11 đạo quân rời rạc đứng chung với nhau. Ví dụ tương tự nhất chính là sự kiện các lộ chư hầu phạt Đổng thời Tam Quốc.
b.7. Lợi thế về tâm thế chiến tranh – địa hình – tình báo
Quân Sở: liều mạng trở về cứu lấy gia đình, vợ con, nhà cửa đang chịu nỗi nhục bị kẻ thù chà đạp; mỗi người lính đều mang lòng hận thù sâu sắc, thề giết cho được toàn bộ kẻ thù.
Liên quân: vào được Bành Thành, dễ dàng đạt được tài phú, quân lương, phụ nữ, suốt ngày chỉ lo hưởng thụ, xuất hiện tâm lý e ngại chiến tranh, muốn đem chiến lợi phẩm về nước.
=> Quân Sở mang theo tâm thế liều mạng chiến đấu quay về; liên quân mang tâm thế hưởng thụ an nhàn. Bên mạnh bên yếu đã thấy rõ.
Ngoài ra quân Sở còn có lợi thế nắm rõ về địa hình do Bành Thành vốn thuộc nước Sở; lợi thế về tình báo do người Sở bị liên quân chà đạp nên sẽ tích cực cung cấp thông tin về binh lực cùng nơi đóng quân cho Hạng Vũ. Còn liên quân hoàn toàn không biết gì về quân Sở.
b.8. Lợi thế về chiến thuật khởi đầu
Trận Bành Thành là lần đầu tiên có một đội quân thuần chất kỵ binh tham gia tác chiến.
Trước đó, thời Xuân Thu – Chiến Quốc kỵ binh chủ yếu có nhiệm vụ cơ bản là tuần tra, trinh sát, quấy rối, truy kích cùng phối hợp với các binh chủng khác.
Các nhiệm vụ như xung phong chiến đấu, đập nát đội hình kẻ địch là nhiệm vụ của bộ binh, đặc biệt là các đơn vị chiến xa.
Hạng Vũ là một mãnh tướng, lại may mắn có được gần như trọn vẹn tài phú cùng trang bị quân sự của nhà Tần nên có điều kiện xây dựng và huấn luyện được quân đoàn kỵ binh đầu tiên trong lịch sử.
Quân đoàn kỵ binh này đã được sử dụng trong lần quân Sở thảo phạt nước Tề. Chỉ trong vòng 3 tháng, quân Sở đã bình định xong nước Tề. Nếu không phải Hạng Vũ quá tàn bạo, thả cho quân tàn sát dân Tề, thì có lẽ quân Sở đã không sa lầy vào sự phản kháng của dân Tề. Nhưng nhờ vậy mà Hạng Vũ đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong việc dùng kỵ binh áp chế bộ binh.
Dù cho thông minh như Trương Lương, Trần Bình, thiên tài quân sự như Hàn Tín nhưng lần đầu đứng trước chiến thuật tác chiến dùng thuần chất kỵ binh của Hạng Vũ đều không có kinh nghiệm đối chiến.
Có thể nói Hạng Vũ đã mở ra một thời đại mới trong chiến tranh, thời đại binh chủng kỵ binh là vua chiến trường.
Theo lịch sử, đến thời Hán Vũ Đế mới dùng chiến thuật kỵ binh đấu với kỵ binh, mãi đến các thời đại sau này mới bắt đầu có chiến thuật bộ binh dùng quân trận kết hợp với các loại vũ khí đặc biệt để đối đầu với binh chủng kỵ binh.
Hạng Vũ có 3 vạn kỵ binh không hề yếu hơn so với 56 vạn liên quân mà chỉ là ít quân hơn. Bất quá ít hơn không có nghĩa là yếu, bởi “binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (binh lính quý giá ở chỗ tinh nhuệ, chứ không phải quý giá ở chỗ số lượng).
=> Trận chiến này chưa bắt đầu thì liên quân đã nằm ở thế bại, ta chưa biết địch như thế nào, nhưng địch đã nắm được điểm yếu của ta rồi.
c. Quân Sở tấn công
c.1. Dọn dẹp cứ điểm cảnh giới
Kỵ binh quân Sở hành quân thần tốc từ nước Tề, bất ngờ xuất hiện tổ chức đánh lén, tấn công vào doanh trại đồn trú và tiêu diệt liên quân do Phàn Khoái chỉ huy ở đất Lỗ.
Sau đó, Hạng Vũ chỉ huy quân Sở suốt đêm hành quân từ đất Lỗ ra khỏi Hồ Lăng xuôi nam. Đến rạng sáng, quân Sở tập kích và tiêu diệt liên quân do Lữ Trạch chỉ huy ở Tiêu huyện, không cho cơ hội về Bành Thành báo động.
=> Các đồn tiền tiêu do Lưu Bang sắp đặt nhằm mục đích để ngăn chặn tốc độ quân Sở xuôi nam và báo động cho liên quân ở Bành Thành bị tiêu diệt quá nhanh, kế hoạch phòng bị của Lưu Bang phá sản.
c.2. Đối chiến ở Bành Thành
Dọn dẹp xong liên quân ở Tiêu huyện, Hạng Vũ liền dẫn quân tiến về phía Đông. Chỉ vài giờ sau, quân Sở đã bất ngờ xuất hiện và đánh lén liên quân đang đồn trú bên ngoài Bành Thành.
=> Hạng Vũ tập kích bất ngờ khiến cho liên quân không thể tổ chức phòng thủ hữu hiệu, để mặc cho quân Sở thành công chia cắt trận hình của quân đội liên quân.
Liên quân bị đánh bất ngờ không kịp tổ chức thế trận phòng bị, nên dễ dàng bị quân Sở đánh thẳng vào doanh trại. Đến giữa trưa thì toàn bộ liên quân tan tác, bỏ chạy tứ tán.
=> Hạng Vũ tận dụng hết các lợi thế quân sự mình đang có để biến thành ưu thế trong chiến tranh:
- Dùng kỵ binh mới có thể hành quân đoạn đường dài với tốc độ nhanh mà vẫn có thể đảm bảo chiến lực, lập tức chiến đấu cùng liên quân. Bộ binh không thể liên tục chiến đấu, truy kích cường độ cao: Hành quân trên 500 km, đánh nhau liên tục từ tối đến giữa trưa (kéo dài trên 10 giờ) mà vẫn còn tinh lực truy sát và bao vây kẻ địch.
- Hạng Vũ chỉ cần cho quân Sở dùng nỏ Tần bắn 1 lượt để áp chế và khiến đội hình liên quân rối loạn. Sau đó tận dụng ưu thế kỵ binh, dùng kỵ binh mặc giáp trụ làm mũi nhọn xung phong, còn khinh kỵ binh thì theo sau mở rộng thành quả chiến tranh. Bên cạnh đó, quân Sở có thể còn được trang bị thêm kiếm Tần để chiến đấu cận chiến.
- Liên quân với phần lớn là bộ binh, cho dù tập hợp được kỵ binh cũng không có được bao nhiêu, đứng trước quân Sở được trang bị vũ khí cùng vật dụng chiến tranh vượt trội thì không khác gì một bầy cừu đợi bị làm thịt, bất chấp theo tính toán 1 kỵ binh Sở phải đối đầu với ít nhất 18 binh sĩ liên quân.
d. Quân Sở truy kích
d.1. Sự dũng mãnh của kỵ binh Sở.
Liên quân tan tác toàn tuyến, lại bị kỵ binh quân Sở đuổi theo nên thi nhau nhảy xuống sông Cốc và sông Tứ. Hạng Vũ đem quân truy sát giết hơn 10 vạn lính liên quân.
=> Do quân Sở là kỵ binh nên bộ binh liên quân sau khi đã bị cắt vụn đội hình thì trở nên rối loạn, liền lựa chọn nhảy xuống sông để trốn thoát khỏi sự truy sát của kỵ binh phía sau.
- Thời cổ khi kỵ binh xung phong, chỉ cần có thể cắt chém trận hình bộ binh, kết quả chính là nghiền ép. Nếu hạn chế không được tốc độ của kỵ binh, thì cho dù đem đến bao nhiêu người đều chỉ là đưa đầu người cho kỵ binh thu gặt mà thôi.
Liên quân tiếp tục tháo chạy về hướng Nam, kỵ binh Sở không ngừng truy sát liên quân đến bờ sông Tuy ở phía Đông của Linh Bích (nay là Linh Bích, Túc Châu, An Huy, TQ). Hơn 10 vạn liên quân lao xuống sông Tuy để chạy trốn.
=> Do quân Sở là kỵ binh nên bộ binh liên quân chỉ còn biết cách nhảy xuống sông để mong thoát chết, chứ tiếp tục chạy trốn trên bộ thì chắc chắn phải chết, vì tốc độ của kỵ binh cao hơn tốc độ chạy trốn bộ binh rất nhiều, 2 cái chân sao chạy lại 4 cái chân.
- Bộ binh đối bộ binh không có năng lực truy kích và năng lực tiến công khiến đối phương sụp đổ trong thời gian ngắn như vậy.
- 3 vạn kỵ binh mạnh hơn 56 vạn bộ binh quá nhiều, nhất là ở vào thời cổ đại.
Quân Sở tiếp tục bao vây liên quân 3 vòng. Đúng lúc có trận cuồng phong nổi lên làm rối loạn đội hình kỵ binh Sở nên số binh lính còn lại của liên quân mới có thể thoát thân.
=> Nhờ sự dẻo dai, sung sức của kỵ binh, quân Sở của Hạng Vũ liên tục tác chiến hơn 10 giờ với liên quân, lại có thể còn sức lực tiêu diệt gần 30 vạn binh lính liên quân cùng bao vây mười mấy vạn binh lính còn lại, nếu không nhờ bão cát thì chiến quả của quân Sở có thể còn cao hơn nữa. Từ kết quả trên có thể thấy được chiến lực cực mạnh của binh chủng kỵ binh trong chiến tranh thời kỳ cổ đại.
d.2. Quân đội Lưu Bang có thể là lực lượng bỏ chạy đầu tiên
Ngay từ khi lấy danh nghĩa minh chủ liên quân vào Bành Thành, Lưu Bang đã mang theo mục đích muốn liên quân chư hầu cùng quân Sở chém giết lẫn nhau để quân Hán có thể lấy được lợi ích lớn nhất, bởi thế nên Lưu Bang mới liên tục mở tiệc rượu ăn chơi phè phỡn khi chiếm được Bành Thành.
Hạng Vũ dẫn kỵ binh quân Sở giết chóc gần 30 vạn liên quân ở Bành Thành, Lưu Bang với danh nghĩa minh chủ liên quân thì đáng ra quân Hán phải là lực lượng chủ lực đối chiến với quân Sở, đồng thời cũng phải là thế lực phải chịu thiệt hại nặng nề nhất, thậm chí có thể toàn quân bị diệt.
Thế nhưng trên thực tế, sau trận Bành Thành, một phần quân Hán tháo chạy đã nhanh chóng được Lữ Trạch tập hợp ở Hạ Ấp (nay là Hạ Ấp, Thương Khâu, Hà Nam, TQ) cách Bành Thành khoảng 100 km về phía Tây. Lưu Bang sau khi chạy thoát khỏi Bành Thành liền đến Hạ Ấp.
- Một phần quân Hán còn lại được Hàn Tín thu nhặt đóng binh ở Huỳnh Dương (nay là Huỳnh Dương, Trịnh Châu, Hà Nam, TQ) cách Hạ Ấp khoảng 250 km về phía Tây.
- Năm 205 TCN, tháng 5, Lưu Bang đem quân từ Hạ Ấp đến Huỳnh Dương, thu lấy binh quyền của Hàn Tín, lại nhận được viện binh do Tiêu Hà gởi đến từ Quan Trung. Lưu Bang cử Hàn Tín cùng Quán Anh làm tướng chỉ huy quân Hán, đánh bại kỵ binh quân Sở truy kích ở phía nam Huỳnh Dương.
=> Khi bỏ chạy khỏi Bành Thành, Lưu Bang chỉ mang theo mấy chục kỵ binh thân vệ. Đến khi kỵ binh quân Sở đuổi theo thì bên cạnh Lưu Bang chỉ còn có Hạ Hầu Anh.
- Quân Hán với vai trò là quân đội chính tất nhiên phải có số lượng đông nhất trong liên quân. Sau trận Bành Thành, quân Sở tàn sát liên quân gần 30 vạn mà quân Hán lại có thể nhanh chóng tập hợp lực lượng đánh bại quân Sở, từ đó suy ra lực lượng quân Hán không bị thiệt hại quá nhiều.
- Điều đó chứng tỏ quân Hán đã được sắp xếp ở vị trí thuận lợi nhất, nếu thấy tình hình chiến sự không ổn có thể trực tiếp rút lui khỏi chiến trường và tập kết ở các địa điểm đã hẹn trước, ở đây là Hạ Ấp và Huỳnh Dương.
- Cho nên, khi quân Sở tấn công liên quân ở Bành Thành, Lưu Bang nhận thấy tình hình bất lợi đã tức khắc ra lệnh cho đại quân Hán nhanh chóng tháo chạy theo kế hoạch, bỏ mặc quân đội chư hầu, trực tiếp phá hủy đội hình liên quân, gián tiếp tạo điều kiện cho kỵ binh quân Sở thoải mái tàn sát quân chư hầu.
III. Kết quả
- Sơ lược
Sau trận Bành Thành:
- Quân Sở:
- Hạng Vũ mất đi sự khống chế đối với kho lúa Quan Trung, kho lúa Tề Lỗ lại đang lâm vào cảnh tranh đoạt với nước Tề, chỉ còn nắm được kho lúa Ngô Sở.
- Hạng Vũ mất gần như toàn bộ tài phú cùng lương thực lấy được của nhà Tần.
- Nền tàng nông nghiệp, kinh tế của Bành Thành cùng các vùng xung quanh đều bị liên quân phá hoại tan tành.
- Hạng Vũ từ địa vị bá chủ mạnh nhất có thể 1 mình đánh với 3 – 4 chư hầu, sau trận chiến chỉ có thể cùng1 lúc đánh 1-2 chư hầu. Cán cân lợi thế chiến tranh không còn nghiên về Hạng Vũ nữa, và càng về sau tệ nạn về việc thiếu lương thực lại càng thể hiện rõ.
- Lưu Bang từ chỉ là Hán Vương cai quản Ba Thục, Hán Trung nay làm chủ 2 vựa lúa Ba Thục, Quan Trung, thu hàng Thường Sơn Vương Trương Nhĩ, chiếm được lãnh thổ nước Hàn, vùng Hà Nam, Hà Nội.
=> Lưu Bang từ một chư hầu có thực lực trung bình đã tăng mạnh trở thành chư hầu mạnh thứ 2 thiên hạ, có thể đối đầu trực diện với quân Sở của Hạng Vũ.
- Nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường được thiên hạ đều nhờ vào nền tảng 2 kho lúa Ba Thục, Quan Trung.
- Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đề ra Long Trung đối sách cùng 6 lần ra Kỳ Sơn cũng chính vì muốn đoạt lấy 2 kho lúa Ba Thục, Quan Trung. Cho nên mới có câu: “Ngày lương thảo hết, chính là thời điểm quốc gia diệt vong”.
- Lời bình của người viết
Tôn Tử binh pháp, thiên Hư Thực có viết: “Thắng lợi trên chiến trường là do ta biết tránh chỗ cứng, chỗ thực của quân địch mà đánh vào chỗ mềm, chỗ hư của địch.”
Có nghĩa là phải đem chỗ mạnh của địch hóa thành chỗ yếu, đem điểm yếu của bản thân hóa thành điểm mạnh mới có thể chiến thắng đối thủ.
Cho nên, chiến tranh chỉ có mạnh thắng yếu, ít thắng nhiều chứ tuyệt đối không có lấy yếu thắng mạnh. Có thể lấy Tào Tháo thời Tam Quốc làm ví dụ:
- Trận Quan Độ: Tào Tháo lấy ít thắng nhiều, vận dụng mưu kế đốt kho lương thảo ở Ô Sào để chiến thắng Viên Thiệu.
- Trận Xích Bích: Chu Du lấy ít thắng nhiều, dùng lợi thế thủy quân cùng binh lính quen thủy chiến để đánh thắng quân Tào Tháo ở Xích Bích.
Trận Bành Thành được xem như một ví dụ tiêu biểu cho việc lấy ít thắng nhiều trong binh pháp, cùng với việc đưa binh chủng kỵ binh lên vũ đài lịch sử, trở thành vua chiến trường trong một thời gian dài cho đến khi vũ khí nóng được sử dụng rộng rãi.
Hạng Vũ chiếm gần như toàn bộ chiến mã, vũ khí, giáp trụ cùng phương pháp luyện chế của khí của nhà Tần. Lại dùng tài phú cùng lương thực của nhà Tần để xây dựng một đội quân kỵ binh tinh nhuệ thuộc về mình.
Có thể nói đội kỵ binh này của Hạng Vũ là đội quân mạnh nhất đương thời, không có bất kỳ đội quân hay tướng lĩnh chỉ huy nào có thể trực tiếp chiến thắng trên chiến trường.
Bất quá, đội kỵ binh này cũng bộc lộ ra nhược điểm đó chính phải có chỉ huy thông thạo kỹ thuật kỵ chiến mới có thể đạt được hiệu quả, nếu không vẫn phải nhận lấy thất bại như thường.
Trận Huỳnh Dương vào tháng 5 năm 205 TCN đã chứng minh điểm này. Quân Hán dưới sự chỉ huy của Hàn Tín, Quán Anh với chuẩn bị sẵn sàng đã phản kích thành công, đánh bại kỵ binh quân Sở ở Huỳnh Dương.
Về Lưu Bang, có một số điểm đáng chú ý ở trận chiến này như sau:
- Bỏ mặc quân đội ăn chơi cướp đoạt, tổ chức tiệc rượu đại hội liên tục khi vào Bành Thành: Lưu Bang giấu dốt để làm các chư hầu khác mất cảnh giác cùng muốn tiêu hao nhanh nhất có thể đối với tài phú và quân lương của quân Sở. Với lại Lưu Bang cũng không hoàn toàn có quyền thống lĩnh đối với tất cả các thế lực trong liên quân.
- Không đóng quân ở trong Bành Thành, lại đóng quân ở ngoại thành: Bành Thành không thể cùng lúc đón nhận 56 vạn liên quân. Liên quân đóng quân ở ngoại thành để đảm bảo không thể bị bao vây cắt đứt nguồn nước cùng đường vận lương. (Có thể tham khảo trận Nhai Đình thời Tam Quốc để hiểu rõ hơn về kiến thức đóng binh này).
- Lưu Bang lâm trận mang binh bỏ trốn, khiến cho liên quân tan tác, tạo điều kiện cho kỵ binh Sở thảm sát: Còn sống là còn hi vọng, “Tử đạo hữu, bất tử đồng đạo”; chết ai thì chết đừng chết binh của mình là được. (khá bỉ ổi nhưng rất thực dụng).
- Lưu Bang trong lúc hưởng thụ vẫn phòng bị quân Sở: Lưu Bang bố trí Phàn Khoái ở đất Lỗ, Lữ Trạch ở Tiêu huyện để đề phòng quân Sở đánh úp. Chỉ đáng tiếc bị Hạng Vũ dùng kỵ binh quét sạch tất cả 2 cứ điểm, lại còn dùng chiến thuật tiến công chớp nhoáng cùng đánh lén khiến cho Lưu Bang cùng đám quân sư và tướng lĩnh liên quân bó tay chịu trận. Nếu không phải Lưu Bang phản ứng nhanh thì không chừng quân Hán đã chôn xác toàn bộ ở Bành Thành.
Cho nên, trong chiến tranh tuyệt đối không có trường hợp lấy yếu thắng mạnh, mà chỉ có lấy ít thắng nhiều, lấy sở trường chiến thắng sở đoản cuả quân địch.
Liên quân thua trận thảm hại nhưng Lưu Bang đã đạt được các mục tiêu đặt ra:
- Chiếm vùng Quan Trung để làm chủ toàn bộ lãnh thổ nước Tần cũ thời Chiến Quốc; Tiêu hao sạch tài phú cùng lương thực mà Hạng Vũ cướp được từ nhà Tần; Tàn phá hết khả năng nền tảng của nước Sở; làm suy yếu, thậm chí hủy diệt các thế lực chư hầu. Chỉ duy nhất mục tiêu làm suy yếu quân đội nước Sở là chưa đạt yêu cầu do Lưu Bang không đoán ra được Hạng Vũ có binh chủng kỵ binh quy mô lớn.
- Kế đến, Lưu Bang sau khi đánh bại quân Sở ở Huỳnh Dương, liền để lại 1 đạo quân ở tại trấn thủ Huỳnh Dương để cầm chân quân Sở, phần quân đội còn lại thì Lưu Bang đục nước béo cò, bắt đầu điều động Hàn Tín cùng các tướng Hán khác đi tiêu diệt các chư hầu vương, vốn đã cực kỳ suy yếu sau trận Bành Thành.
Tóm lại:
- Về phía Hạng Vũ: trận Bành Thành là đỉnh cao quân sự của Hạng Vũ nhưng đây chỉ là chiến thắng cục bộ, xét theo chiến lược bá chủ chư hầu lúc đầu thì Hạng Vũ đã mất hơn phân nửa chư hầu phụ thuộc, lại mất đi 2 vùng đất chiến lược quan trọng là Quan Trung, Tề Lỗ (chưa kể vựa lúa Ngô Sở sau này bị Bành Việt phá hoại liên tục). Nên Hạng Vũ từ nay về sau càng đánh thì quân đội càng yếu do vấn đề cung cấp lương thực ngày càng khó khăn.
- Về phía Lưu Bang: Chiếm được toàn bộ lãnh thổ nước Tần cũ, lại lấy thêm được các vùng đất khác như lãnh thổ nước Hàn, vùng Hà Nam, Hà Nội; suy yếu thành công các chư hầu vương khác, tạo thế cho việc đánh chiếm sau này. Từ trận Bành Thành về sau, Lưu Bang có lương thực cùng nhân khẩu sung túc, lại dời tất cả chiến sự sang phía Đông Hàm Cốc Quan, nên Lưu Bang có thể thoải mái đánh tiêu hao chiến, không chỉ với Hạng Vũ mà còn với tất cả các chư hầu trong thiên hạ.
Cho nên, có thể kết luận Hạng Vũ chiến thắng cục bộ trận Bành Thành, nhưng thất bại toàn cục Hán – Sở tranh hùng.
Ảnh: Sưu tầm.