TRÀO LƯU JAPONISME 

by admin

“Japonisme” hay sính đồ Nhật là một thuật ngữ tiếng Pháp vào thế kỉ 18, để chỉ sự ảnh hưởng của Nhật Bản đến nghệ thuật Phương Tây, vốn đặt nền móng cho trường phái hậu ấn tượng và trường phái lập thể, bất đối xứng.
Dưới áp lực của chỉ huy Hoa Kỳ Matthew C.Perry, năm 1854, Nhật Bản buộc phải mở cửa giao thương sau hàng trăm năm bế quan tỏa cảng, hàng hóa xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu qua hai cảng Yokahama và Nagasaki, nhờ vậy mà văn hóa Nhật Bản đã có cơ hội được người ngoại quốc “Phát hiện”.
đúng như nhà văn Herman Melville đã từng nói:
“Nhật Bản, cái nước đóng kín cửa khóa hai vòng kia, nếu một ngày nào phải tỏ ra hiếu khách, đó cũng là nhờ có những con tàu săn cá voi Mỹ như chúng ta. Và chuyện như thế đang sắp sửa được thực hiện”

Trước đó không lâu, Trung Quốc và Ấn Độ cũng xuất khẩu văn hóa sang Phương Tây nhưng không gây được tiếng vang mạnh mẽ, người Phương Tây chỉ thực sự phát cuồng văn hóa Phương Đông khi đến lượt Nhật Bản mở cửa.
Ảnh hưởng trước tiên là hội họa, Ukiyoe (Phù thế) một loại tranh khắc gỗ về chuyện phù phiếm của thế gian, những điều mắt thấy tai nghe, điển tích lịch sử…vv

Trường phái ấn tượng Tây Phương đòi hỏi hoạ sĩ vẽ lại chính xác vật mẫu, vẽ càng giống ngoài đời thì càng đẹp. Nhưng sự ra đời của máy ảnh khiến trường phái này bị lung lay, bởi người ta không cần một bức tranh quá chân thật nữa, đã có nhiếp ảnh gia với chiếc máy ảnh lo chuyện đó.

Trong khi đó Ukiyoe không cần chân thật, bố cục phi tuyến tính và bất đối xứng, nét vẽ mang tính tượng trưng cho phép nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, chủ đề đa dạng từ tôn giáo đến chuyện phù du trần thế. Ukiyoe khiêu dâm “Shunga” mô tả kỹ nữ giao hoan, đồng tính luyến ái, cảnh tình dục vợ chồng hoặc thiếu nữ thủ dâm…
Thế giới tự do trần tục trong hội họa Nhật Bản đã cuốn hút các họa sĩ Phương Tây, trong đó phải kể đến Vincent van Gogh, Alfred Stevens, Edgar Degas, James McNeill Whistler… Những người đã chán ngán chủ nghĩa ấn tượng Phục Hưng.

Bên cạnh Ukiyoe đầy phàm tục, Nhật Bản cũng có mặt tinh tế của Phật Giáo Thiền Tông, với chủ nghĩa tối giản độc nhất vô nhị thể hiện qua kiến trúc, đồ nội thất, gốm sứ, trà đạo và văn hóa vườn cảnh. Hai khía cạnh phàm tục và nhã nhặn của Nhật Bản đã khiến thế giới Phương Tây phát cuồng, những món đồ Nhật luôn là thứ các nhà vua và nữ hoàng muốn sưu tập.
Kimono đã ảnh hưởng đến thời trang quý tộc nữ Phương Tây, các quý ông Âu Mỹ đua nhau làm những khu vườn phong cách Nhật Bản, ngay cả nghệ thuật biểu diễn và vũ đạo Phương Tây cũng chịu sự tác động.
Sân khấu kiểu Âu được cải tiến theo sân khấu kịch Kabuki kể từ năm 1896, năm 1899 đánh dấu sự xuất hiện của ngôi sao đầu tiên đến từ Phương Đông: Kawakami Sadayakko – Biệt danh là Sada Yacco, một geisha ở quận Nihonbashi, bậc thầy trong diễn xuất, ca hát và sáng tạo vũ đạo đã gây chấn động các nhà hát lớn nhất hành tinh (Tôi từng nói khá kỹ về cô ấy ở post trước), vũ đạo của Yacco đã ảnh hưởng đến Loie Fuller, mẹ đẻ của trường phái múa hiện đại (Modern dance) và Angela Isadora Duncan, bà hoàng của Ballet đương đại. Sada Yacco nhận được nhiều lời khen của nữ hoàng Victoria sau buổi trình diễn ở cung điện của nữ hoàng.

Nhiều nghệ sĩ hàng đầu đã chọn Nhật Bản làm chủ đề cho tác phẩm, chẳng hạn như vở kịch siêu kinh điển “The Mikado” do Gilbert ra mắt năm 1885 lấy bối cảnh Nhật Bản, vở kịch đã gây chấn động Anglo-Saxon, được diễn đi diễn lại 672 lần tại Luân Đôn, 150 công ty ở các nước Âu Mỹ khác đã remake thành phim, nhạc, truyện tranh, phim hoạt hình…vv Tính đến nay “The Mikado” là siêu phẩm giữ kỷ lục có nhiều phiên bản nhất trong lịch sử, và nó vẫn liên tục được sản xuất bất kể đã 125 năm tính từ phiên bản đầu tiên. Năm 1887, The Mikado là bộ phim truyền hình ăn khách nhất nước Đức trong suốt những năm 1890. Sau cơn sốt này, các bộ phim lấy bối cảnh châu Á và có nhân vật châu Á xuất hiện liên tiếp (Mà chủ yếu là Nhật Bản), cả trong truyện tranh và kịch nói.
Tiếp nối thành công này là vở Opera The Geisha của Sidney Jones (ra mắt năm1896) đã đánh dấu ​​sự bùng nổ của những bộ phim về geisha Châu Âu, đặc biệt là vở “Madame Butterfly” của Puccini, dựa trên câu chuyện có thật về mối tình giữa một sĩ quan Hoa Kỳ và một geisha Nhật Bản:

Nam chính Pinkerton đã kết hôn với geisha Cho-Cho-San, sau khi làm cô có thai, Pinkerton bỏ lại cô và trở về Mỹ sinh sống. Cho-cho-san luôn trung thành chờ đợi ông, 3 năm sau, Pinkerton quay trở lại và dẫn theo người vợ Mỹ tóc vàng tên là Kate. Kate đã xin nuôi con của Cho-Cho-san vì hai vợ chồng họ không có con.
Cho-cho-san gửi thư nói rằng sẽ đồng ý giao đứa con nếu Pinkerton tự mình đến gặp cô, ông đến và thú nhận rằng mình là một kẻ hèn nhát, không dám đối mặt với cô. Cho-cho-san quỳ lạy bài vị tổ tiên, cầu nguyện, nói lời tạm biệt với con trai rồi rủ Pinkerton chơi trò chơi. Cô bịt mắt ông lại, đặt vào tay ông một lá cờ Mỹ rồi lẳng lặng tự sát, khi Pinkerton tháo bịt mắt ra, ông vội lao đến nhưng đã quá muộn, Cho-Cho-san đã chết.

Đứa con của Cho-cho-san khi lớn lên chính là người đã kể lại bi kịch của mẹ mình cho Jonh Luther Long. Đã hàng thế kỉ trôi qua, Madame Butterfly cũng giống như The Mikado, chúng đã trở thành vở nhạc kịch bất tử, thuộc hàng kinh điển trên thế giới.

Trào lưu Japonisme nổi tiếng ở trời Tây là thế, nhưng đa số người Nhật đương thời đã không biết điều đó cho tới thập niên 20 của thế kỉ 20.
Ngày nay văn hóa Nhật lại len lỏi vào đời sống Phương Tây theo cách khác, điển hình là anime và manga.

Nguồn: Văn hoá lịch sử Nhật Bản

You may also like

Leave a Comment