TRAP BOY/TRAP GIRL VÀ HỘI CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ

by admin

Nguồn: Trốn Tìm Podcast

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, bản tính ái kỷ có mối liên hệ mật thiết với kiểu tình yêu chơi đùa, không muốn nghiêm túc hay nghĩ chuyện lâu dài (Finkel, 2022). Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong số những người thích chơi đùa tình cảm của người khác – những “trap boy”, “trap girl” mà mọi người vẫn hay nói tới, một số người thực chất đang tìm kiếm quyền lực và cả tự do trong tình yêu, và đương nhiên là hoàn toàn không muốn tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc.

VÌ SAO ĐẶC TÍNH ÁI KỶ LẠI BIẾN HỌ TRỞ THÀNH NHỮNG KẺ CHƠI ĐÙA TRONG TÌNH YÊU?

Bên cạnh những giả thiết cho rằng gen di truyền tác động, rối loạn ái kỷ cũng hình thành khi một trải qua thời thơ ấu trong cô đơn, thiếu vắng đi tình yêu thương khiến họ buộc phải xây dựng một lớp phòng vệ để tin rằng mình đặc biệt và có giá trị, hoặc được nuông chiều quá mức và thiếu sự dạy bảo. Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, lớp phòng vệ đó có thực sự bảo vệ và mang lại cho họ cảm giác đó hay không?

Khi một người không thể yêu bản thân mình, đương nhiên họ sẽ khó có thể tin rằng ngoài kia có người sẵn sàng trao cho họ điều đó. Vì vậy việc bắt đầu một tình yêu lành mạnh, một hôn nhân lâu dài dường như là điều mà những người này luôn tìm cách né tránh. Họ có thể nói lời yêu ai đó, nhưng chúng ta phải quan sát xem hành động của họ có đi đôi với lời nói đó hay không.

Theo sự chia sẻ của host Hoài Thương trong chương trình Trốn Tìm podcast số đầu tiên https://www.youtube.com/watch?v=_wvUzDzIHfs&t=73s những người chơi đùa với tình cảm của người khác, hay còn gọi là tra nam, thực chất họ rất cô đơn. Trong tâm lý, những người này luôn cố gắng tìm kiếm sự chú ý từ bên ngoài vì bản thân họ không công nhận giá trị của chính mình. Họ luôn cần người khác phải cho mình cái sự công nhận đó để khiến bản thân có giá trị hơn.

Đối với những người ái kỷ, tình cảm lãng mạn thực chất giống như một giao dịch hơn là trao đi và nhận lại tình yêu. Miễn là đạt được lợi ích của mình thì họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ, thậm chí dù biết nó sẽ gây ra tổn thương hoặc hủy hoại người khác như lừa dối, phản bội, chơi đùa tình cảm của một người. Dường như trong từ điển của họ, hi sinh cho hôn nhân hay vì tình yêu là điều không bao giờ tồn tại.

Đối với các mối quan hệ tình cảm, người ái kỷ thường muốn tìm kiếm một người có thể mang lại cho họ cảm giác được nâng cao giá trị, lòng tự trọng và thậm chí là đẳng cấp bản thân hơn là đi tìm kiếm một tình yêu lành mạnh, nghiêm túc. Có thể nói, với những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ, giá trị của bản thân họ mới là điều quan trọng nhất.

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MỘT NGƯỜI ÁI KỶ

  • Có biểu hiện đánh giá quá cao khả năng và thành tựu của bản thân.
  • Luôn cần đến sự chú ý, sự công nhận và khao được khẳng định bởi người khác.
  • Tin rằng bản thân là người thực sự đặc biệt, phi thường và khác hẳn với những cá nhân khác.
  • Luôn mang theo (một cách cố chấp) những mong đợi cao về việc đạt lấy thành công và quyền lực vượt trội.
  • Luôn có cảm giác ghen tị, đố kị với người khác, hoặc tin rằng những người khác đang tị nạnh, đố kị với mình.
  • Có những biểu hiện kiêu căng, hống hách hoặc được những người xung quanh nhìn nhận là những hành vi tương tự.

(4th ed.; DSM–IV; American Psychiatric Association, 1994)

RỐI LOẠN ÁI KỶ – LIỆU HỌ CÓ THỰC SỰ YÊU BẢN THÂN HAY ĐANG CỐ THỂ HIỆN?

Loại tính cách này xuất hiện như một cách mà người ái kỷ đang tự bảo vệ chính mình khỏi những cảm giác không an toàn. Có thể trong quá khứ họ đã từng bị đánh giá thấp và họ cảm thấy bản thân mình vô dụng, không có giá trị; vì vậy rối loạn nhân cách ái kỷ xuất hiện để che chắn họ khỏi những xấu hổ và sự sỉ nhục, mang lại cho họ cảm giác an toàn “ảo”.

Có thể thấy, những người mắc chứng ái kỷ luôn cố gắng theo đuổi một hình tượng độc lập, mạnh mẽ, thậm chí có phần hơi bất cần. Họ thích thể hiện cho mọi người thấy những quy chuẩn đạo đức, những chuẩn mực xã hội mà mình đang tuân theo rất tốt. Nhưng tất cả thực chất chỉ là những nỗ lực đáng thương để che giấu đi sự yếu đuối, sự khao khát được công nhận và nỗi sợ bị bỏ rơi của mình.

Bởi vì đã trải qua một tuổi thơ không mấy vui vẻ nên trong vô thức, những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ đã tạo nên cho mình một vỏ bọc và sống với vỏ bọc đó, thay vì sống bằng chính con người thật của mình. Họ tự lừa dối bản thân rằng mình xứng đáng với những người, những điều tốt đẹp nhất, họ là người đặc biệt nên đương nhiên phải được đối xử đặc biệt hơn. Đôi khi chính suy nghĩ như vậy đã khiến họ trở nên ngỗ ngược, bất hảo và thiếu sự tôn trọng. Trong vô thức, những cảm xúc đền bù họ tự tạo ra tác động vào tính cách tương lai của họ mà chính họ cũng không nhận ra.

Cũng giống như các chứng rối loạn nhân cách khác, ái kỷ rất khó để chữa, và đặc biệt là khó nhận ra vì họ không rõ đây là tự tin, tự yêu bản thân mình hay chỉ đang cố giả vờ.

Nguồn tham khảo: Psychological facts – Tâm lý học và Xã hội học Việt Nam

Bài viết khách quan dựa trên tâm lý học về những người thật sự bị ái kỷ, không cổ xuý cho trap boy/trap girl nhé.

You may also like

Leave a Comment