Bạn có phải là một người hay trì hoãn không? Nếu bạn giống hầu hết mọi người, câu trả lời cho câu hỏi đó là có. Nhưng vẫn có khả năng rằng bạn không muốn chung sống với những nỗi lo lắng mà phong cách sống trì hoãn gây ra. Có thể bạn thấy mình đang trì hoãn rất nhiều công việc muốn hoàn thành, dẫu thế vì vài lý do nào đó, bạn vẫn cứ không chịu bắt tay vào hành động. Vấn đề trì hoãn là một phần mệt mỏi lớn trong cuộc đời.
Donald Marquis đã gọi sự trì hoãn là “nghệ thuật bắt kịp ngày hôm qua”. Còn tôi muốn bổ sung thêm vào đó rằng: “trì hoãn là nghệ thuật bắt kịp ngày hôm qua và né tránh ngày hôm nay”. Đây là cơ chế hoạt động của sự trì hoãn. Bạn biết có những thứ chắc chắn mình muốn làm, không phải vì người khác đã chỉ ra như vậy, mà bởi vì chúng là những lựa chọn có chủ ý của bạn. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó chẳng bao giờ được hoàn thành, bất kể bạn có tự nhủ với bản thân bao nhiêu lần rằng mình sẽ làm xong. Quyết định để dành một điều gì đó mà bạn có thể làm bây giờ cho tương lai là một phương án thay thế chấp nhận được cho việc thực hiện nó, và cũng cho phép bạn đánh lừa bản thân rằng bạn không hề thỏa hiệp với chính mình vì đã không làm việc do mình đặt ra. Đó là một cách thức thuận tiện kiểu như: “Mình biết phải làm việc đó, nhưng mình thực sự sợ làm không tốt, hoặc mình sẽ không thích. Nên, mình tự nhủ để sau rồi làm, và rồi không phải thừa nhận với bản thân là mình sẽ không làm việc đó. Bằng cách này, mình dễ dàng chấp nhận bản thân hơn”. Đây là kiểu thuận tiện khi có thể đem áp dụng những lý lẽ ngụy biện dối trá vào trường hợp bạn phải đối mặt với việc làm chuyện khó khăn hay không dễ chịu gì.
Nếu bạn là một người sống kiểu này mà nói mình sẽ sống kiểu khác trong tương lai, thì những lời tuyên bố đó là hoàn toàn sáo rỗng. Bạn chỉ là một người luôn trì hoãn và không bao giờ làm được việc gì cho xong.
Đương nhiên, có nhiều mức độ trì hoãn. Hoàn toàn có thể trì hoãn tới một mức độ nào đó, và rồi sau đó hoàn thành công việc trước hạn cuối. Đây một lần nữa lại là cách tự dối mình rất phổ biến. Nếu bạn chỉ dành một khoảng thời gian tối thiểu để hoàn thành công việc, vậy thì có thể ngụy biện cho kết quả không đâu vào đầu hay chưa phải tốt nhất bằng cách tự nhủ: “Chỉ là mình không có đủ thời gian thôi”. Nhưng bạn có nhiều thời gian mà. Bạn biết rằng những người bận rộn vẫn hoàn thành mọi thứ. Nhưng nếu dành thời gian kêu ca về việc bạn có nhiều việc phải làm tới mức nào (trì hoãn), thì bạn không có khoảng thời gian hiện tại nào để làm việc đó cả.
Tôi từng có một người bạn đồng nghiệp là chuyên gia trì hoãn. Anh ta luôn bận rộn theo đuổi các thương vụ và nói mình có nhiều việc tới mức nào. Khi nghe anh ta nói, người khác chỉ mường tượng về nhịp sống của anh ta cũng đã đủ thấy mệt mỏi rồi. Nhưng nhìn kỹ hơn, mới thấy thực tế người bạn đồng nghiệp đó của tôi làm rất ít. Anh ta có hàng tỷ dự án trong đầu nhưng chẳng bao giờ bắt tay vào làm bất kỳ dự án nào. Tôi tưởng tượng rằng mỗi đêm trước khi đi ngủ, anh ta tự dối mình bằng một lời hứa rằng ngày mai sẽ hoàn thành công việc đó. Anh ta còn cách nào khác để đi ngủ được nữa chứ, với hệ thống tự dối mình vẫn nguyên vẹn? Anh ta có thể biết mình sẽ không làm đâu, nhưng miễn còn thề thốt mình sẽ làm, thì ít nhất những giây phút hiện tại, anh ta vẫn an toàn. Bạn không nhất thiết phải là những gì bạn nói ra. Hành động là một thước đo con người của bạn tốt hơn nhiều so với lời nói. Những gì bạn làm ở thời điểm hiện tại là điều duy nhất thể hiện được con người bạn là ai. Emerson’ đã viết:
Đừng chỉ nói. Bạn nói quá nhiều đến nỗi tôi không còn nghe được gì rồi. Hành động của bạn mới là điều trên hết.
Lần tới khi bạn nói mình sẽ làm việc đó, nhưng biết mình sẽ không làm, thì hãy nhớ về những lời này. Chúng là thuốc giải cho bệnh trì hoãn.