Những bài test IQ (chỉ số thông minh) được ra đời vào năm 1905 bởi nhà tâm lý học Fred Binet, nhằm phục vụ cho mục đích kiểm tra các học sinh học kém, từ đó giáo viên có thể giúp đỡ kịp thời. Bài kiểm tra này được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và Pháp thời bấy giờ.
Tuy nhiên chính Binet đã nhận định rằng bài test IQ không toàn diện và chưa đánh giá được về trí tuệ cảm xúc hay khả năng sáng tạo. Điều ấy càng được chứng minh rõ khi ngày càng có nhiều nhà tâm lý học đánh giá cao quyền năng của trí tuệ xúc cảm (EQ), trong đó có Daniel Goleman cùng cuốn Trí tuệ xúc cảm.
Trí tuệ xúc cảm của Daniel Goleman giới thiệu về trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) và cách mà loại trí tuệ này ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trong nhiều mặt. Tác giả cho rằng trí tuệ cảm xúc cũng quan trọng như chỉ số IQ để thành công, bao gồm các khía cạnh: học tập, nghề nghiệp, xã hội và giữa các cá nhân trong cuộc sống của một người.
Daniel Goleman là nhà khoa học và nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới. Ông phụ trách mục Khoa học nghiên cứu về Thói quen ứng xử và trí tuệ con người của tờ New York Times. Ông là tác giả của hàng loạt đầu sách về tâm lý học và hành vi con người như: Trí tuệ xúc cảm, Trí tuệ xúc cảm: Ứng dụng trong công việc, Trí tuệ xã hội, Sức mạnh của sự tập trung…
Trí tuệ xúc cảm giải thích một số thời điểm gây rắc rối trong cuộc đời mỗi người và thế giới xung quanh ta. Nó giúp ta hiểu tại sao trí tuệ có thể hòa hợp với xúc cảm và sự hòa hợp đó diễn ra như thế nào.
Cấu trúc não bộ – nguyên nhân của trạng thái bối rối
Tác giả bắt đầu cuốn sách bằng việc xem xét những phát hiện mới nhất về cấu trúc bộ não để giải thích trạng thái bối rối của con người, khi tình cảm lấn át lý trí. Mối tương tác giữa cấu trúc bộ não quy định thái độ giận dữ và sự sợ hãi, đam mê và vui mừng, cho phép chúng ta hiểu được cách lập lại những thói quen tâm lý từng làm thất bại những ý đồ tốt của chúng ta. Các dữ kiện thần kinh logic cho phép chúng ta thấy được khả năng làm biến đổi các thói quen tâm lý của con em mình.
Thần kinh-logic – bản chất của trí tuệ xúc cảm
Tiếp theo, tác giả đưa ra những dẫn chứng về thần kinh-logic được thể hiện như thế nào qua hành vi − cái mà chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc. Chẳng hạn, có thể làm chủ xung lực tình cảm, hiểu rõ tình cảm của người khác, kết nối những mối liên hệ hòa hợp với người khác. Theo cách nói của Aristote, đó là khả năng hiếm có để “tức giận đúng người với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng”.
Quan niệm mới về “trí tuệ”
Quan niệm mới này đem lại vai trò hàng đầu cho những xúc cảm, chúng ta sẽ thấy tại sao “trí tuệ” này được coi là có vai trò quyết định trong việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, hay thiếu nó sẽ ngăn cản sự tiến thân của chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ hiểu được những xúc cảm tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như thế nào và sự cân bằng tâm lý góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta ra sao.
Tính khí không đồng nghĩa với số phận
Di sản di truyền quy định tính khí chúng ta nhưng tính khí không đồng nghĩa với số phận. Trong phần thứ tư của cuốn sách, Daniel Goleman chỉ ra rằng những bài học tâm lý từ thời thơ ấu được dạy ở nhà hay trường học sẽ uốn nắn tinh thần của chúng ta, cho phép chúng ta tìm thấy cơ sở của trí tuệ xúc cảm. Nói cách khác, đây là những thời kỳ then chốt để rèn luyện thói quen tâm lý chi phối cuộc sống sau này của một đứa trẻ.
Mối nguy hiểm đối với những ai không làm chủ được xúc cảm
Trong phần cuốn của cuốn sách, tác giả nói về những nhược điểm về trí tuệ xúc cảm làm tăng thêm mối nguy hiểm như thế nào. Phần này cũng giải thích việc rèn luyện những thói quen tâm lý và xã hội cho trẻ là hết sức cần thiết.
Trí tuệ xúc cảm là cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến tâm lý học, đặc biệt về hành vi của con người. Những thông tin và quan điểm của tác giả về trí tuệ cảm xúc sẽ là “kim chỉ nam” cho những người đang trải qua thăng trầm cuộc sống.
Những bài học có thể rút ra từ Trí tuệ xúc cảm
1/ Cảm xúc của chúng ta chính là thứ gắn kết hoặc ngăn chặn các mối quan hệ. Cách chúng ta thể hiện cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của người khác tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin – nền tảng của sự thành công trong đội nhóm.
2/ Cách nhìn của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sự thành công. Người lạc quan coi thất bại bắt nguồn từ một điều gì đó có thể được thay đổi để đi thành công lần tiếp theo, còn người bi quan thì tự trách móc và gán cho nó một tính chất không thể thay đổi.
3/ Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các năng lực cảm xúc như: nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của chính bản thân cũng như năng lực nhận biết, hiểu và thúc đẩy cảm xúc người khác đều có thể học được
4/ Cảm xúc của chúng ta luôn trung thực, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng không đúng với thực tế. Chúng ta có thể mỉm cười khi chúng ta cảm thấy muốn khóc hoặc cười khi chúng ta giận dữ. Nhưng cảm xúc bên trong của chúng ta không thể kiểm soát dễ dàng như cách nở một nụ cười.
5/ Khi muốn phê phán, nhà lãnh đạo cần chú ý rằng cách đưa ra những sự phê phán và cách mọi người cảm nhận chúng là điều chủ yếu làm cho họ cảm thấy hài lòng hay không với công việc của mình, với đồng nghiệp và với những người họ phải báo cáo công việc của mình. Khi buông ra những lời phê phán tiêu cực và mang tính mạt sát nhiều hơn là giúp người khác cải thiện, người nhận lời phê phán sẽ có phản ứng tiêu cực như oán giận và bất lực.
– Trạm Đọc –