Ông lên ngôi khi được 4 tuổi, và được mẹ là Anna của Áo nhiếp chính. Khi lên 9 tuổi, sau những cuộc nổi loạn, ông được dẫn đi ẩn náu khỏi kinh đô Paris. Ông cảm thấy bị sỉ nhục và nhất quyết muốn tự chủ, không để ai chi phối như Hồng y Richelieu đã chi phối cha ông và Hồng y Mazarin đã chi phối mẹ ông. Cũng từ đây trở về sau, ông có ác cảm với kinh đô Paris và không bao giờ muốn trở lại thành phố này. Năm 1661, khi được 23 tuổi, Louis XIV mới chính thức cai trị vương quốc sau cái chết của Hồng y Mazarin. Là một người tuân thủ khái niệm về quyền lực thần thánh, Louis XIV chủ trương thiết lập một triều đình chuyên chế, xóa bỏ tàn dư phong kiến phân quyền đã ảnh hưởng sâu sắc toàn bộ nước Pháp, và một trong những việc này là tiến hành xây dựng Điện Versailles.
Năm 1666, ông chọn địa điểm của cung điện cho riêng ông, cách Paris 20 kílômét về hướng tây, rồi ra lệnh thi công. Ông huy động 36.000 công nhân, thêm 6.000 ngựa để chuyên chở vật liệu xây dựng. Thương vong của công nhân khá cao. Mỗi đêm, xe goòng đi nhặt xác chết do tai nạn nghề nghiệp. Hàng chục người chết mỗi tuần vì sốt rét. Năm 1682, Điện Versailles hoàn thành, trở thành một cung điện vĩ đại nhất thế giới. Điện Versailles không có thành lũy, vị vua đã xây cung điện trị vì không được che chắn, giữa đồng trống, để chứng tỏ một đấng quân vương đủ quyền lực không cần đến hào và tường thành để bảo vệ. Versailles trở thành biểu tượng của vị thế giàu có và quyền lực của đế chế hùng mạnh nhất châu Âu. Trên toàn lục địa, những quân vương khác – kể cả người đang có chiến tranh với Pháp – thể hiện tình thân hữu, lòng ganh tỵ và thách đố họ bằng cách xây cung điện theo mẫu Versailles. Mỗi quân vương đều muốn xây một Versailles cho riêng mình. Ngay cả những đại lộ dài và hoành tráng ở thủ đô Washington, D.C. của Mỹ, được quy hoạch 100 năm sau, cũng do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế tổng thể theo mẫu Versailles.
Sau khi hoàn thành Điện Versailles, Louis XIV đã triệu tập các nhà quý tộc của Pháp dời đến trong triều đình để định cư, làm dịu đi những sự phân tranh của tầng lớp quý tộc, trong đó có nhiều người tham gia vào cuộc Biến loạn Fronde khi ông còn đang giai đoạn nhiếp chính. Bằng cách này, Louis XIV đã thiết lập một chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối của các Vua Pháp, được duy trì mãi tận đến khi xảy ra cuộc Cách mạng Pháp.
Quân đội Pháp bao gồm 15 vạn binh sĩ vào thời bình và 40 vạn quân tinh nhuệ trong thời chiến. Bản thân vua Louis XIV không có kinh nghiệm chiến trường, nhưng ông là nhà chiến lược và quản lý quân sự tài ba. Kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Chiến tranh, nhà vua bàn luận về vĩ mô chiến lược với các tướng lĩnh dày dạn trận mạc của ông, rồi chỉ đạo các hoạt động cung ứng quân nhu, tuyển quân, huấn luyện, tình báo quân đội… Theo thời gian, uy tín của Louis XIV và của nước Pháp dâng cao mỗi năm. Quân đội Pháp trở nên đáng sợ nhất châu Âu. Turenne – vị thống soái được Hoàng đế Napoléon Bonaparte ngợi ca là Vị tướng Pháp vĩ đại nhất – đã phò tá dưới triều vua Louis XIV. Vào năm 1672, nhà vua sai tướng Turenne mang quân đi đánh Hà Lan nhưng không thành, phải rút lui. Vẻ lộng lẫy của cung điện Versailles dấy lên lòng ngưỡng mộ và ganh tỵ của thế giới. Tiếng Pháp trở nên ngôn ngữ phổ cập trong ngoại giao, xã hội và văn học. Dường như bất kỳ việc gì – mọi việc – đều khả thi, nếu dưới văn bản chỉ thị có mang chữ ký cao to, nguệch ngoạc “Louis”.
Những năm cuối của triều đại Louis XIV xảy ra nhiều thảm họa. Trong cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, liên quân Anh – Áo – Phổ do Công tước thứ nhất của Marlborough, Leopold I xứ Anhalt-Dessau và Vương công Eugène de Savoie-Carignan chỉ huy đập tan tác Quân đội vua Louis XIV trong trận đánh lớn tại Blenheim (1704) – một đòn đánh cực kỳ đau vào quân Pháp. Sau chiến bại thê thảm tại Blenheim, Quân đội vua Louis XIV lại bị Quận công Marlborough đại phá trong trận đánh tại Ramilies (1706). Cùng năm đó, liên quân Áo – Phổ của Vương công Leopold và Vương công Eugène đè bẹp trong trận đánh tại Turin. Mãi đến năm 1712, Quân đội Pháp do Thống chế Claude-Louis-Hector de Villars thống lĩnh mới đánh tan tác liên quân Áo – Hà Lan của Eugène trong trận đánh nhỏ tại Denain. Song, người con chính thức độc nhất, người kế vị ngai vàng của nhà vua, qua đời năm 1711. Con trai của ông, Quận công của Bourgogne, hiện thân cho niềm hy vọng của nước Pháp trong tương lai, qua đời năm 1711 vì bệnh sởi ở tuổi 30. Đứa con trai trưởng của Quận công, cháu nội của Louis XIV, cũng chết vì bệnh sởi ít ngày sau.
Chỉ còn có một đứa trẻ thuộc dòng dõi kế vị ngai vàng trực tiếp, mới lên 2, là cháu kêu Louis XIV bằng ông cố. Đứa trẻ này cũng mắc bệnh sởi, nhưng thoát chết nhờ người bảo mẫu nhốt kín cậu bé và không cho phép các bác sĩ sờ đến cậu với hai bàn tay mang những bọc mọng nước. Hoàng tôn này được sống sót để trị vì nước Pháp trong 59 năm dưới hiệu là Louis XV. Trên giường bệnh, Louis XIV triệu người chắt lên 5 tuổi đến và nói: “Cháu ạ, một ngày cháu sẽ là vị Quân chủ vĩ đại. Đừng bắt chước tính hiếu chiến của ta. Hãy luôn hành xử dựa theo Chúa và khiến cho thần dân phải trọng vọng Người. Ta đau lòng mà thấy đã để cho thần dân trong tình trạng như thế.”
Vua Louis XIV qua đời năm 1715 sau khi trị vì 72 năm, thọ 76 tuổi. Có lẽ ông là vị Vua vĩ đại nhất của Pháp. Những vị vua kế tục ông không tham vọng như ông, và huyền thoại về một lực lượng Quân đội Pháp bất khả chiến bại đã bị phá vỡ tan tành với việc họ bị Quân đội tinh nhuệ Phổ của vua Friedrich II Đại Đế đè bẹp trong trận đánh lớn tại Rossbach (1757), và sau này là đại bại trong Chiến tranh Bảy năm trước người Anh, và mất hết lãnh thổ Bắc Mỹ vào tay Anh.