Vậy chúng ta yêu quý người không đáp lại tình bạn hay tình thương mến của mình như thế nào?
Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
Người Khắc kỷ tin rằng yêu quan trọng hơn được yêu. Chúng ta vốn dĩ là động vật có tính xã hội, vì vậy mục tiêu sống hòa hợp với Tự nhiên, bao hàm sống hòa hợp với nhân loại, kể cả với người xấu, những người đối xử với ta như kẻ thù. Tuy vậy, được gia đình và bè bạn yêu thương vẫn thích hơn nhiều so với bị kẻ thù vây quanh, trong chừng mực số phận cho phép. Trớ trêu thay, các triết gia cho rằng làm cho bản thân thật sự đáng yêu thương là cách tốt nhất để có được những người bạn chân chính, và ta làm vậy nhờ có một phẩm cách tốt đẹp và nuôi dưỡng tình bạn lý trí với người khác.
Tương tự, Seneca đùa rằng triết gia Khắc kỷ Hecato xứ Rhodes đã phát hiện ra một loại “bùa yêu” rất mạnh: “Nếu anh muốn được yêu thì hãy yêu” (Letters, 9). Quan niệm cho rằng đức hạnh là “bùa yêu”, là “câu thần chú” để kết bạn và được yêu quý, được cho là bắt nguồn từ Socrates trong các tác phẩm Memorabilia và Symposium (tạm dịch: Yến hội) của Xenophon. Tuy nhiên, dù chúng ta có thể thích ai đó đáp lại tình cảm của mình, thì về cơ bản, việc họ có thật sự yêu mến ta hay không là “không quan trọng”.
Vậy chúng ta yêu quý người không đáp lại tình bạn hay tình thương mến của mình như thế nào? Các nhà Khắc kỷ đã được rèn luyện kỹ lưỡng để xử sự với những người khó chịu, đặc biệt để tránh phản ứng cáu giận. Theo gương Socrates, họ khuyên chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu rằng họ có lý do khi hành động theo cách của họ, ở một mức độ nào đó, giả định (một cách sai lầm) rằng hành động của họ là phù hợp và vì lợi ích của họ. Chẳng hạn, hãy thử làm theo lời khuyên sau đây:
Bất cứ khi nào anh gặp ai đó, ngay từ đầu hãy tự hỏi: “Anh ta nhận định thế nào về những điều tốt và xấu căn bản trong cuộc sống?”. Khi ai đó hành động như kẻ thù của anh, thóa mạ hay chống lại anh, hãy nhớ anh ta chỉ làm vậy vì anh ta cho rằng làm vậy là đúng, anh ta không biết điều gì hay hơn, và hãy tự nhủ: “Điều đó với anh ta có vẻ là đúng” (Encheiridion, 42)
Đừng ngạc nhiên vì cách người khác hành động. Nếu họ coi khoái lạc là điều quan trọng nhất trên đời, hay của cải, địa vị là những thứ tốt về bản chất, thì họ ắt sẽ hành động tương ứng với quan niệm ấy. Hãy coi họ là những đứa trẻ ngốc nghếch hay lầm lạc hơn là những kẻ xấu xa. Hãy nhớ rằng họ hành động như kẻ thù vì họ không biết rằng xử sự khôn ngoan hay đúng đắn chính là vì lợi ích của họ, và vì vậy họ cứ tiếp tục lệ thuộc vào ảo tưởng về những cái “tốt” bên ngoài.