Trở thành bậc thầy thả thính: Nghệ thuật PR bản thân theo cách của riêng bạn

by admin

Hướng dẫn không thể thiếu cho những ai muốn xây dựng thương hiệu cá nhân

Nếu như trong Best-seller  “Ăn cắp như một nghệ sĩ”, Austin Kleon đã dạy bạn cách chôm chỉa ý tưởng để sáng tạo, thì “Nghệ thuật PR bản thân” sẽ dạy bạn 10 bí kíp để giúp mọi người ăn trộm ý tưởng của bạn. HẢ? Thế méo nào, đã bị cắp, lại còn phải học chiến lược làm sao để bị ăn cắp dã man hơn sao?

Nghe thì hơi mẫu thuẫn, nhưng hãy thử tưởng tượng, bạn đi câu cá Online và bắt đầu thả thính trên mạng. Tuy nhiên, thả thính thời Facebook khác thời Yahoo ở chỗ, bạn nào cũng có cần và đều muốn đi câu.

Ai cũng có ảnh selfie, ai cũng muốn bán mỹ phẩm trên mạng, ai cũng muốn “Status” mình nhiều “Like” và “Share”, ai cũng muốn ý tưởng của mình, từ mấy chị “Hot girl” bán áo ngủ, đến Review sách của Trạm Đọc, hay cứu thế giới như Bill Gates, thu hút được sự chú ý.

Ai cũng muốn thả thính, vậy ai còn muốn đớp mồi? Đáp án: Tất nhiên, cạnh tranh sẽ sinh ra những chuyên gia thả thính.

“Tạo hình nên thứ gì đó là một quá trình dài và bấp bênh, một người chế tạo nên biết cách trưng bày các tác phẩm của mình”

Vậy nên, đã qua rồi thời mỹ nhân chỉ cần thả rông là có thể khiến cả dân mạng dậy sóng. Ngày nay, ai cũng vừa là thợ câu, vừa là con cá. Thả thính đã không chỉ còn là sân chơi của những kẻ nghiệp dư, nó đã trở thành một bộ nghệ thuật đòi hỏi sự bài bản, chuyên nghiệp và một cuốn sách giáo khoa. Như dân bán hàng hay nói: “Thời nay, nếu bạn không có trang Web hay Fanpage, nghĩa là bạn không tồn tại!”, dù bạn có “nhà mặt phố, bố làm to” đi chăng nữa. Và nói theo tác giả Austin Kleon, nếu bạn không biết nghệ thuật PR bản thân và trưng bày tài năng mình, rổ cá của bạn sẽ luôn rỗng.

“Tưởng tượng ông sếp chẳng cần đọc CV của bạn bởi ông đã theo dõi Facebook cá nhân của bạn từ lâu. Tưởng tượng bạn là một sinh viên, và cả trường đã biết tên tuổi của bạn vì ca khúc bạn thu âm và tải lên mạng. Tưởng tượng bạn vừa mất việc nhưng có một hội bạn Online mê các tác phẩm của bạn và sẵn sàng giúp bạn tìm việc mới. Tưởng tượng biến một nghề tay trái hay một sở thích thành công việc kiếm cơm bởi vì bạn đã một lượng fan đông đảo hỗ trợ mình.”. Và hãy tưởng tượng tương lai rực rỡ trên khi đọc xong 10 bí quyết trong “Nghệ thuật PR bản thân” để khiến bạn trở thành một bậc thầy thả thính.

 

1. Bạn không cần phải là một thiên tài

 

“Đi tìm tiếng gọi của mình, trèo lên sân thượng và hét nó cho cả làng biết, và tiếp tục làm thế cho đến khi những người bạn tìm kiếm, tìm kiếm bạn.” — Dan Harmon

Chúng ta luôn được dạy phải đi tìm đam mê của mình. Khi tôi còn trẻ, tôi thực sự đếch biết nó có nghĩa là gì. Tôi thường lo phát chết khi tìm mãi mà không thấy mình thực sự muốn gì, hay thậm chí nhỡ mình có ước mơ gì thì sao. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra cách duy nhất để tìm ra tiếng gọi của mình là hãy cất tiếng. Nó nằm sâu bên trong, chỉ chờ được đánh thức. Nếu bạn muốn mọi người biết mình đang làm gì và quan tâm đến vấn đề gì, bạn buộc phải chia sẻ nó ra. Nói về những thứ bạn yêu thích. Tiếng gọi của bạn sẽ theo sau.

“Làm thế nào để trở nên xuất chúng – Bước đầu tiên là ngừng cố gắng trở nên xuất chúng”

[Một cách để giúp bạn tìm thấy tiếng gọi nhanh hơn: Hãy đọc cáo phó vào mỗi sáng. Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng ta vẫn thường quên béng mất sự thật đó. Nếu chỉ còn một tháng để sống, cá là bạn sẽ không ngồi xem video mèo hay tin nhảm vịt trên báo. Vậy nên, bạn cần làm gì đó để liên tục nhắc mình rằng: đời không quá dài để bạn cứ chần chừ chờ đam mê đâu]

 

2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

 

“Dân tình chỉ thích nhìn thấy thành quả của công việc. Họ chưa bao giờ thấy những vất vả đằng sau để đạt được kết quả đó.” — Michael Jackson

Từ xưa đến nay, ta được đào tạo rằng quá trình sáng tạo là thứ một thứ gì đó nên giữ cho riêng mình. Ta nên lao lực thầm kín, khóa chặt những ý tưởng trong két sắt và chờ cho đến khi mình có một sản phầm thật hoàng tráng để công bố cho thiên hạ.

Nhưng người là loài động vật quan tâm đến nhau và những gì đồng loại của mình đang làm. Bằng cách chia sẻ quá trình, ta khiến những người khác kết nối liên tục với ta và tác phẩm của mình, giúp ta hoàn thiện hơn

 

3. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nhỏ nhỏ

 

“Chia sẻ bản thân và công việc của bạn ra bên ngoài, và bạn sẽ bắt đầu gặp được những con người hay ho.” —Bobby Solomo

Một lần mỗi ngày, sau khi đã hoàn thành công việc, hãy tìm một mẩu nhỏ mà bạn có thể chia sẻ. Nếu bạn chỉ vừa mới làm làm, hãy chia sẻ những gì ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho bạn. Nếu bạn đang làm được một nửa, viết về những phương pháp và chia sẻ quá trình làm việc của bạn. Nếu bạn hoàn thành một dự án, hãy trưng bày sản phẩm cuối cùng của mình, hay viết về những gì bạn học được.

Đừng có nói bạn không có đủ thời gian. Chúng ta ai cũng bận cả, ai cũng chỉ có 24 tiếng một ngày. Mọi người thường hỏi tôi, “Cậu lấy thời gian rảnh ở đâu ra?” Và tôi trả lời, “Tớ đi tìm chúng.” Bạn có thể phải lỡ một tập phim truyền hình, bạn có thể phải mất một giờ ngủ, nhưng bạn sẽ có thời gian nếu bạn chịu tìm chúng.

 

4. Mở cửa căn phòng của những kỳ quan

 

“Tất cả những gì gây ảnh hưởng lên bạn đều đáng được chia sẻ, bởi chúng cho mọi người thấy bạn là ai và bạn làm gì – đôi khi nó còn nói lên nhiều điều hơn cả công việc.”

Nếu bạn vẫn chưa dám chia sẻ tác phẩm của mình với thế giới, bạn có thể bắt đầu bằng việc chia sẻ gu của bạn về nhạc, phim, ảnh, sách…

Bạn lấy cảm hứng từ đâu? Bạn hay nhồi vào đầu những thể loại gì? Bạn đọc sách gì? Bạn hay đọc trang Web nào trên mạng? Bạn nghe những bài hát nào? Phim nào bạn thích? Bạn có coi tranh không? Bạn có sưu tập gì không? Trong sổ nháp của bạn có gì? Bạn ghim gì trên thành tủ lạnh? Bạn ngưỡng mộ ai? Bạn hay ăn cấp tưởng của ông/bà nào? Bạn có anh hùng trong mộng không? Bạn theo dõi ai trên Facebook?

Những gì ảnh hưởng đến bạn đều đáng để chia sẻ bởi vì nó cho biết bạn là ai và bạn muốn làm gì.

 

5. Kể những câu chuyện

 

“Con mèo ngồi trên tấm thảo không phải là một câu chuyện. “Con mèo ngồi trên tấm thảo của một con chó mới là một câu chuyện” — John le Carré

Những nghệ sĩ thích câu, “Sản phẩm của tôi sẽ tự lên tiếng,” nhưng sự thật, bản thân sản phẩm không biết nói. Con người muốn biết nguồn gốc của nó từ đâu, nó được làm gì thế nào, người nào làm gì nó. Những câu chuyện bạn kể về công việc bạn làm có ảnh hưởng lớn đến cảm nhận và nhận thức của mọi người, chính nó sẽ ảnh hưởng ngược lại đến cách đánh giá của họ về giá trị của tác phẩm.

Vòng đời một câu chuyện

Bạn nên giải thích được tác phẩm của mình cho trẻ mẫu giáo, hội cao tuổi và những ai nằm giữa độ tuổi đó đều có thể hiểu được. Ai ai cũng thích một câu chuyện hay, nhưng không phải ai cũng có nghệ thuật kể chuyện. Nó là một kĩ năng cần cả đời để thành thục. Vì vậy, hãy nghiên cứu nhưng câu chuyện hay nhất và rồi hãy tự tìm ra cho bạn một vài câu chuyện. Nó sẽ dần trở nên tốt hơn khi bạn kể đi kể lại.

 

6. Dạy những gì bạn biết

 

“Ham muốn giữ những gì bạn học được cho bản thân mình không chỉ đáng xấu hổ, nó còn phản tác dụng. Bất cứ thứ gì bạn không dám tự do hào phóng cho đi sẽ mai một dần. Bạn mở két sắt và chỉ thấy đống tro tàn.” — Annie Dillard

Giây phút bạn học được điều gì hãy, hãy quay lại và dạy nó cho người khác. Chia sẻ những cuốn sách bạn yêu thích. Chỉ cho người khác những nguồn tham khảo hữu ích. Quay lại video hướng dẫn thứ gì bạn giỏi và đăng chúng lên mạng. Sử dụng hình ảnh, từ ngữ và video. Giúp mọi người từng bước một. Như Kathy Sierra nói, “Giúp mọi người giỏi thứ mà họ muốn giỏi.”

Dạy người khác không làm giảm giá trị trong tác phẩm của bạn, mà còn bổ sung cho nó. Thực tế, khi bạn dạy ai cách làm ra tác phẩm của bạn, bạn đang sản sinh nhiều sự hứng thứ với nó hơn. Mọi người cảm thấy gần gũi với nó bởi vì bạn cho họ hòa vào quá trình sáng tạo tác phẩm

 

7. Đừng biến thành chiếc máy SPAM

 

“Điều bạn muốn là theo dõi và được theo dõi bởi những con người quan tâm đến vấn đề mà bạn quan tâm. Đây là thứ chúng ta làm cùng nhau. Nó là chuyện của trái tim và trí óc, chứ không phải con mắt.” — Jeffrey Zeldman

Nếu bạn chỉ chú tâm đến sản phẩm của mình, bạn đang mắc sai lầm. Nếu bạn muốn có fan, bạn phải là fan trước đã. Nếu bạn muốn được mọi người để ý, bạn phải để ý mọi người trước đã. Dán khẩu lại và tập lắng nghe đi.

“Biết cách nói chuyện với mọi người, quan sát, lắng nghe, học cách làm việc với những người khác, ghi nhận đóng góp của mọi người và biết tránh đường”

Nếu bạn muốn có những người theo dõi, tự hỏi xem mình có đáng được mọi người theo dõi không. Đừng có lên đồng. Đừng có làm Kenny Sang. Đừng có lãng phí thời gian của người khác. Đừng hỏi quá nhiều. Đừng bao giờ yêu cầu mọi người theo dõi bạn. “Follow Facebook tớ đi?” là câu hỏi chán đời nhất trên Internet.

 

8. Học cách chịu đấm

 

“Bí quyết không phải là phớt lờ tất cả và bơ đi mà sống. Bạn chỉ cần biết quan tâm đến suy nghĩ của ĐÚNG người.”  —Brian Michael Bendis

Khi bạn công khai tác phẩm của mình cho cả thế giới, bạn phải sẵn sàng nhận những lời khen ngợi cũng như gạch đá. Bạn càng nổi tiếng, bạn càng phải đối mặt với nhiều chỉ trích.

Để chịu đòn tốt hơn, bạn chỉ cần chịu đòn nhiều hơn. Cứ để mọi người ném gạch, càng nhiều gạch đá, bạn sẽ càng nhận ra chúng không thể làm hại bạn, mà còn làm bạn kiên cường hơn.

 

9. Bán rẻ nghệ thuật

 

“Chúng tôi không làm phim để kiếm tiền, chúng tôi kiếm tiền để làm nhiều bộ phim hơn” —Walt Disney

Nghệ sĩ cũng phải ăn, như bao con người khác. “Michelangelo vẽ kiệt tác trên vòm nhà nguyện Sistine bởi vì giáo hoàng tài trợ cho nó. Mario Puzu viết Bố già để kiếm tiền: ông đã 45 tuổi, quá chán nản với đời nghệ sĩ, và nợ họ hàng thân thích, ngân hàng, nhà xuất bản, bọn cho vay nặng lãi $20,000. Ai cũng nói họ muốn nghệ sĩ kiếm tiền, và khi họ kiếm được, ai cũng ghét bỏ họ”.

Làm ơn trả lương tôi

Vậy nên hãy cứ sống tham vọng. Hãy luôn bận rộn. Nghĩ lớn. Mở rộng khán giả của mình. Đừng có ám ảnh với từ “nghệ thuật đích thực,” hay “thà chết chứ không bán rẻ.” Hãy thử những thứ mới. Nếu cơ hội đến giúp bạn làm nhiều công việc mình yêu thích hơn, hãy nói Có. Nếu có cơ hội tuy kiếm được nhiều tiền, nhưng lại không phục vụ được đam mê của bạn nhiều. hãy nói Không.

 

10. Đừng bỏ cuộc

 

“Công trình chẳng bao giờ là hoàn thành, chỉ là bị bỏ dở.” —Paul Valéry

Đời công việc ai cũng có lúc thăng trầm. “Nếu bạn muốn một kết thúc có hậu,” diễn viên Orson Welles viết, “tất nhiên, nó sẽ phụ thuộc vào xem bạn muốn dừng câu chuyện ở chỗ nào.”

Đừng bỏ cuộc

Lắng nghe này, đừng từ bỏ quá sớm. Khác biệt giữa người thành công với người thất bại ở chỗ họ là người bỏ cuộc cuối cùng.

Bạn không thể lên kế hoạch cho mọi thứ. Bạn chỉ có thể đi làm, như Isak Dinesen viết, “mỗi ngày, không hi vọng cũng như không tuyệt vọng.” Bạn không thể tính được thành công mà chỉ có thể bắt lấy những cơ hội ngay khi chúng đến với bạn.

Bạn đã đọc xong 10 cách để trở nên sáng tạo và được mọi người chú ý. Còn bây giờ, nghiền ngẫm những gì tác giả nói và bắt đầu đi thả thính thôi nào?

Mia, Trạm Đọc

Tham khảo Austin Kleon

You may also like

Leave a Comment