TRỤC THÁI ĐỘ TEAMWORK: Góc nhìn về làm nhóm.

by admin

Teamwork (“Làm việc nhóm”) nói lên rất nhiều điều về thái độ của con người. Trong một nhóm sẽ có cả người làm ít, làm nhiều và không làm. Vì theo học một trường đại học có truyền thống teamwork, tôi mạnh dạn dựa vào trải nghiệm để làm ra chiếc Trục Thái độ gửi đến các bạn.

Có tám mục trên cột này. Bạn đã từng chứng kiến điều nào trong số đó?

—–

Tầng I: Những chú ong cần mẫn.

Nổi bật nhất là những người thuộc mục 1, 2 và 3, những đối tượng được “săn đuổi” nhiều nhất trong teamwork. Có nhiều lý do đằng sau sự chăm chỉ của họ:

  • Vì họ đang săn học bổng
  • Đó là lĩnh vực/môn học họ yêu thích
  • Hay đơn giản nhất, họ đã mang sẵn trong mình đam mê học tập, tính cách cầu toàn hướng tới sự hoàn hảo.

Với tâm huyết đó, ai chẳng muốn làm việc cùng những siêu nhân này. Điều đó dẫn tới lý do phổ biến và bẽ bàng nhất: Họ buộc phải chăm chỉ để gánh cho cả nhóm.

Khi đã cất công mời được người giỏi như vậy về, dù không ai nói ra nhưng trong nhóm tất yếu sẽ có sự dựa dẫm. Các thành viên đều ngầm hiểu và bạn học giỏi kia cũng hiểu. Đôi vai của chú ong lại nặng hơn vì không còn ai khác chăm chỉ nữa, hay nói cho khách quan là không chú trọng đến môn học/việc học nhiều như họ.

Tầng II: Những công dân gương mẫu.

Công dân gương mẫu trong teamwork là những thành viên tốt, giao gì làm nấy và hoàn thành đúng hạn. Trong Trục Thái độ, cung cách làm việc của họ nằm ở mục 4 và 5.

Một nhóm trưởng không thể hoàn thành nhiệm vụ mà thiếu những thành viên cần mẫn này. Nhược điểm là hầu hết thời gian, họ chỉ làm đúng phần được giao và không có (không biết) góp ý gì cả. Buộc nhóm trưởng phải tự tổng hợp, căn chỉnh và biên tập bài làm của mọi người cho đúng với tầm nhìn của mình.

Tầng III: Những bóng ma.

Chúng ta đến với phần dưới của trục – mục 6, 7, 8. Đây là phần tôi viết với hy vọng một ngày, thái độ làm việc này sẽ không còn tồn tại.

Các bạn biết nhiều tên gọi cho cách teamwork này phải không? “Chậm deadline”, “cao su”, “sủi” hoặc “biến mất”. Giống như cô hồn về nhà một năm hai lần, những bóng ma teamwork thường chỉ xuất hiện đúng hai lần: khi tìm nhóm và khi xin điểm.

Công bằng mà nói, cũng không thể cưỡng cầu họ được. Đại học là độ tuổi mà bài tập trên lớp không còn là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Các lý do cần được nhìn nhận chính đáng và tôn trọng:

  • Họ có cái nhìn khác biệt về học tập. Nếu anh A muốn bằng xuất sắc, anh B muốn học bổng thì anh C có khi chỉ cần qua môn.
  • Đã có định hướng riêng và muốn theo đuổi nó (làm thêm, thực tập, hoạt động xã hội…)
  • Lý do bất khả kháng (việc gia đình, sức khoẻ)

Nhưng nếu không thể cân đối với trách nhiệm chung, họ tất yếu trở thành cái gai trong mắt tập thể. Tất cả năng lượng tiêu cực: sự mệt mỏi vì không liên lạc được, nỗi thất vọng khi thấy bài làm trắng trơn, sự ức chế khi họ lấy dự định cá nhân để bao biện… Những ai đang định “sủi” teamwork, hãy suy nghĩ thật kỹ xem mình có nên để lại ấn tượng như thế trong các thành viên nhóm không.

—–

Giống như các bài viết của tôi trước đây, Trục Thái độ cũng mang tính chủ quan, có thể không đúng với mọi người. Tôi làm ra nó để phản ánh thực tế mà mình đã trải qua, và rất mong được nghe những câu chuyện của bạn – cả đáng nhớ lẫn đáng quên – về làm việc nhóm.

Teamwork đang và sẽ là xương sống của giáo dục, giúp mình trang bị kỹ năng làm việc tập thể và xa hơn nữa là cùng chung sống trong cộng đồng. Càng thích nghi với điều đó nhanh thì càng rộng đường phát triển, mình cũng bớt khả năng “tạo nghiệp” với các teammate.

Một cây làm chẳng nên non, xin chớ để nó vừa gánh hai cây vừa làm nên hòn núi cao.

Sơn Nguyễn suy nghĩ

May be an image of text that says "Gánh vác toàn bộ»™ 2 3 5 Việc nhiều, góp ý nhiều Việc ít hơn Trục nhưng góp ý nhiều, biết quan sát tổng thể Trung lập, làm bài đúng hạn thái Ä‘ộ» và không góp ý gì thêm Làm đúng hạn nhưng gần Teamwork chót, phải để nhắc Làm trễ, áy náy nhiều Làm trá, áy náy một chút Trốn việc 7 8 @sonnguyenthinks"

You may also like

Leave a Comment