Quebec là tỉnh bang lớn thứ 2 của Canada, có diện tích gần 1,5 triệu km² – gần gấp 3 lần nước Pháp hay bằng 7 lần Vương quốc Anh. Người Pháp là những người định cư đầu tiên tại Canada, nhưng năm 1763, các thuộc địa của họ ở miền đông Canada đã rơi vào tay người Anh. Năm 1867, Quebec đã cùng với các tỉnh nói tiếng Anh của Canada thành lập Nước Canada tự trị. Trong thế kỷ tiếp theo, tiếng Anh và văn hoá Anh-Mỹ đã thâm nhập sâu vào Quebec, khiến nhiều người Canada gốc Pháp lo sợ rằng họ sẽ mất đi ngôn ngữ và văn hoá độc đáo của mình.
Phong trào Quebec độc lập xuất phát từ nỗi sợ hãi này, nổi lên từ những năm 1960 và dẫn đến việc thành lập một đảng ly khai mạnh mẽ – Parti Québécois (Đảng Người Quebec) – vào năm 1967. Trong cuộc khủng hoảng tháng 10/1970, Mặt trận Giải phóng Quebec (FLQ), một nhóm ly khai quân sự, đã bắt cóc Bộ trưởng Lao động Quebec Pierre Laporte ở Montreal ngày 10/10. Năm ngày trước đó, những người thuộc FLQ đã bắt giữ ủy viên thương mại Anh quốc James Richard Cross. Để đổi lấy mạng sống của những người này, FLQ đã yêu cầu phóng thích hai mươi thành viên FLQ bị kết án với nhiều tội danh khác nhau, bao gồm bắt cóc, đánh bom và trộm cắp vũ khí. Khủng hoảng tháng 10 là một giai đoạn bạo lực hiếm hoi trong cuộc Cách mạng Thầm lặng (Quiet Revolution) của Quebec, một nỗ lực nhìn chung ôn hòa của các chính trị gia Quebec nhằm giành quyền tự chủ lớn hơn trong liên bang Canada nơi mà tiếng Anh chiếm ưu thế.
Tin rằng tình hình không thể kiểm soát được, chính quyền Quebec đã yêu cầu chính phủ liên bang Canada gửi quân đến tỉnh Canada nói tiếng Pháp này để giúp duy trì trật tự. Thủ tướng Canada Pierre Trudeau đã trả lời bằng cách ban hành Đạo luật Quyền hạn Chiến tranh, theo đó FLQ bị cấm hoạt động, một số quyền tự do dân sự bị đình chỉ, và hàng ngàn binh sĩ đã được gửi đến Montreal. Trong một loạt các cuộc tấn công của cảnh sát, hơn 400 người ly khai ở Quebec đã bị bắt và bị giam giữ mà không qua xét xử.
Vào ngày 18/10, thi thể của Pierre Laporte được tìm thấy trong thân xe gần Sân bay Saint-Hubert. Tòa chung cư nơi giam giữ Cross và những kẻ bắt cóc ông trú ngụ được phát hiện vào cuối tháng 11. Sau một cuộc đối đầu căng thẳng, những kẻ bắt cóc đồng ý thả Cross để đổi lấy quyền tới Cuba an toàn cho bản thân họ và gia đình. Cross được phóng thích vào ngày 4/12 sau khi cả nhóm này đến được Cuba. Những kẻ bắt cóc Laporte sau đó đã bị bắt và bị kết tội bắt cóc và giết người.
Năm 1980, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập đã bị đánh bại bởi tỉ lệ phiếu bầu 60% so với 40%.
Ngày 30/10/1995, với tỷ lệ sít sao 50,6% so với 49,4%, người dân tỉnh Quebec đã bỏ phiếu chọn tiếp tục ở lại trong liên bang Canada. Một số đổ lỗi cho câu hỏi trưng cầu được soạn thảo vụng về và dễ gây nhầm lẫn, với hàm ý sự mất mát. Trái ngược với câu hỏi rất đơn giản của Scotland trong tuần trước: “Scotland có nên là quốc gia độc lập?”. Và câu trả lời cũng chỉ “Yes” hoặc “No”. Trở lại vào năm 1995, các cử tri ở Quebec phải đối mặt với câu hỏi trưng cầu rất rối rắm: “Bạn có đồng ý rằng Quebec nên trở nên có chủ quyền, sau khi đã thực hiện một đề nghị chính thức đến Canada cho một đối tác kinh tế và chính trị mới, trong phạm vi của dự luật tôn trọng tương lai của Quebec và các thỏa thuận ký kết vào ngày 12-6-1995?”.
Với cách biệt phiếu thấp hơn rất nhiều so với năm 1980, cuộc trưng cầu dân ý năm 1995 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự thống nhất của Canada trong suốt 128 năm tồn tại của đất nước này, mang theo khả năng làm mất gần một phần ba dân số Canada nếu đa số bỏ phiếu chọn Oui (Đồng ý). Các nhà vận động ly khai cho Quebec đã kiềm chế bất cứ hành động bạo lực nào sau thất bại sít sao này, nhưng cựu lãnh đạo Québécois, Jacques Parizeau, đã gây thêm căng thẳng chủng tộc bằng cách tuyên bố rằng chiến dịch của ông đã bị đánh bại bởi “tiền bạc và lá phiếu sắc tộc.” Tuy nhiên, bản sắc riêng biệt của Quebec vẫn rất rõ ràng khi họ tổ chức lễ hội kỷ niệm lịch sử của tỉnh với cờ màu xanh và trắng bay khắp các thị trấn và thành phố, tiếng Pháp vẫn được sử dụng rộng rãi như một ngôn ngữ chính thức của khu vực.
Ngày 28/11/2006, quốc hội Canada thông qua đề nghị của chính phủ công nhận tỉnh Quebec là một quốc gia nằm trong Canada thống nhất với 266 phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 16 phiếu chống. Đề nghị này, trong đó có đề cập đến Canada như một quốc gia thống nhất, được đưa ra nhằm “loại bỏ” một đề xuất tương tự từ đảng của lực lượng ly khai Quebec yêu cầu không đề cập tới một Canada thống nhất. Thủ tướng Canada Stephen Harper lúc đó nói rằng ông đưa ra đề nghị này nhằm xúc tiến hòa giải dân tộc về vấn đề quy chế cho Quebec vốn gây chia rẽ. Các chuyên gia luật cho rằng đề nghị này không có sức nặng về pháp lý và sẽ không thể mang lại cho lực lượng ly khai Quebec một đòn bẩy để “rút” thêm nhiều quyền lực chính trị từ Ottawa. Phát biểu tại Quốc hội Canada, Bộ trưởng Công nghiệp Maxime Bernier, nhà lập pháp hàng đầu Quebec nói: “Đề xuất này sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống hàng ngày của họ (người dân Quebec). Nó sẽ không mang lại cho người dân Quebec thêm quyền lực”. Thủ tướng Harper cũng coi đề xuất này là một cử chỉ để công nhận di sản văn hóa độc nhất của Quebec trong đất nước Canada.
Các chính trị gia cố gắng né tránh vấn đề nhạy cảm này vì lo sợ bùng nổ một cuộc khủng hoảng về hiến pháp hoặc mất đi sự ủng hộ của cử tri ở Quebec trong các kỳ bầu cử. Quebec được 25% ghế trong Quốc hội. Những người sống ở Quebec thường hiểu thuật ngữ “một quốc gia” với nghĩa “một dân tộc”, trong khi đó những người Canađa nói tiếng Anh thì nghĩ quốc gia sẽ có tất cả trách nhiệm và lợi ích quốc tế đi kèm. Thế nên đối với họ việc hình thành quốc gia Quebec là điều không thể.
Sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Cộng hòa tự trị Crimea năm 2014, chính phủ Canada hồi tháng 10/2013 đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu vô hiệu hóa điều luật 99 của chính quyền Quebec. Điều luật 99 quy định Quebec có quyền ly khai và tuyên bố độc lập nếu ít nhất 51% cử tri ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân.