(PLO)- Không ai trong số 35 người nhiễm virus Langya henipavirus (LayV) tiếp xúc gần với nhau hoặc có tiền sử phơi nhiễm chung.
Tuần trước, tạp chí y khoa New England (Mỹ) đăng tải một nghiên cứu về một chủng virus henipavirus mới, có tên gọi Langya henipavirus (LayV), phát hiện lần đầu ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam (TQ).
Đây là loại virus lây từ động vật sang người, thuộc họ virus Paramyxoviridae (gây bệnh quai bị, các bệnh về hô hấp và có thể gây chết người).
Theo đài RT, ít nhất 35 người Trung Quốc (TQ) đã bị nhiễm virus này. Các bệnh nhân nhiễm virus đều có triệu chứng sốt cao, trong đó ít nhất một nửa số bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, ho, chán ăn và suy giảm bạch cầu, hơn 1/3 bị suy gan và 8% bị suy thận.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu mầm bệnh có thể lây lan từ người sang người hay không. Theo ông Trang Nhân Tường – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Đài Loan, không ai trong số 35 người bị nhiễm tiếp xúc gần với nhau hoặc có tiền sử phơi nhiễm chung. Kết quả truy vết tiếp xúc cho thấy những người tiếp xúc với bệnh nhân không bị nhiễm bệnh. Không có bất kỳ ca nhiễm nào tử vong.
Các xét nghiệm trên động vật tại các khu vực bị ảnh hưởng cho thấy 5% số chó và 2% số dê đã bị nhiễm bệnh. Chuột chù có thể là nguồn lây chính khi có tới 27% cá thể dương tính với virus LayV.
Trước tình hình trên, hôm 7-8, ông Trang Nhân Tường – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Đài Loan – cho rằng các phòng thí nghiệm tại Đài Loan cần thiết lập một quy trình chuẩn hóa để giải trình tự gen. Ông nói thêm việc giải trình tự gen của virus này dự kiến mất khoảng 1 tuần, trang Focus Taiwan đưa tin.
Ông cũng cho biết CDC sẽ làm việc với các cơ quan quản lý nông nghiệp Đài Loan để nghiên cứu xem liệu các mầm bệnh tương tự có tồn tại trong các loài động vật tại hòn đảo hay không.