Trước khi có tên là Mickey, Disney đã có ý định đặt một cái tên “thật kinh khủng” cho chú chuột này

by admin

 

Walter Elias Disney sinh năm 1901, là con trai thứ tư của Flora và Elias Disney. Tư tưởng của cha ông là một sự pha trộn phức tạp; mẹ ông thì dịu dàng mềm mỏng hơn, một niềm an ủi cho cả gia đình.

Disney’s Land: Hành trình đưa ý tưởng điên rồ thành cỗ máy kinh doanh siêu lợi nhuận

Disney’s Land: Hành trình đưa ý tưởng điên rồ thành cỗ máy kinh doanh siêu lợi nhuận

Anh trai của Walt, Roy nói: “Chúng tôi có một người mẹ tuyệt vời. Bà có thể giúp cha vui vẻ trở lại khi ông đang chìm trong nỗi chán chường.” Khi không thể làm gì, bà cố gắng hết sức vỗ về các con trai, đôi khi bằng cách lén đưa cho chúng những lát bánh mì được phết bơ ở bên dưới, để cha chúng không cho rằng bà đang quá chiều chuộng các con. Elias đã sớm đưa cả gia đình từ vùng đô thị Chicago đến Marceline. 

Nông trại của họ, giống như mọi trang trại khác, đòi hỏi việc lao động nặng nhọc, nhưng trong trường hợp này thì quá mức: Theo Elias Disney, sử dụng phân bón cho cây trồng cũng giống như đưa whisky cho kẻ nghiện rượu. Ông từ chối làm việc đó, và kết quả không nằm ngoài dự đoán.

 

Tuổi thơ của Walt Disney: Một cậu bé run rẩy đi giao từng tờ báo

 

Trong khi các anh phải làm việc tối mắt tối mũi, Walt còn quá nhỏ nên được tự do vui chơi. Cậu bé Disney ngày ấy vô cùng thích điều đó. Ông có rất nhiều động vật bầu bạn, một chú lợn để cưỡi, một chú chó Malta ông luôn gọi là “bạn tôi” suốt cuộc đời, và ông yêu cả trục đường chính khiêm nhường của Marceline. Quãng thời gian hạnh phúc ấy đã kết thúc đột ngột năm 1911, khi Walt được cha đưa đến thành phố Kansas và những năm tháng kinh hoàng làm công việc giao báo bắt đầu. Mảnh hồn quê yên bình không còn nữa – nó biến mất như khói mỏng trước gió, nhưng những người bạn động vật sẽ tràn ngập trong các bộ phim hoạt hình của ông và con đường trong mơ sẽ trở thành đại lộ đưa ông đến thiên đường tương lai.

Tuy nhiên, Disney đã nhanh chóng có được một công việc ông ưa thích hơn giao báo rất nhiều. Có thời gian, ông trở thành cậu bé bán báo dạo trên chuyến tàu Missouri Pacific rời thành phố Kansas, băng qua các toa tàu để bán báo, đồ ăn vặt, thuốc lá cùng vài món đồ nhỏ khác cho hành khách. “Tôi thấy mình rất quan trọng khi được mặc bộ đồng phục màu xanh gọn gàng với các nút bằng đồng, đội mũ lưỡi trai và đeo huy hiệu sáng bóng trên ve áo.” Nhiều năm sau, ông cho biết đó là một công việc “ngắn ngủi, thú vị và chẳng kiếm được là bao”. Niềm vui thích đã bù đắp cho mức lương còm cõi ấy: “Khi tàu chạy từ ga này đến ga kia, tôi đứng bên cạnh người soát vé, tận hưởng ánh mắt ghen tị của những đứa trẻ đang chờ đợi trên sân ga. Giống như rất nhiều cậu bé thời đó, Disney bị mê hoặc bởi tốc độ, sức mạnh của đường tàu và khả năng tạo ra cảnh quan tươi mới cứ sau vài giây: “Đường tàu ẩn hiện trong không gian đông đúc, còn động cơ hơi nước thì lừng lững và thú vị vô cùng”, ông nhớ lại.

Có lẽ Disney không quan tâm đến việc thù lao thấp, nhưng cha ông thì có, và không lâu sau đó, Walt buộc phải trở lại công việc giao báo. Kiệt sức vì phải thức dậy quá sớm, ông thường ngủ gục trong lớp và luôn phải nhận điểm kém. Nhưng khi lớn lên, Disney quyết tâm tham gia các lớp học được tổ chức mỗi thứ Bảy tại Học viện Nghệ thuật thành phố Kansas. Có lẽ điều này cũng phản ánh những niềm vui còn lưu lại trong ký ức của ông về quãng thời gian sống ở Marceline: đó là một cậu bé vui mừng khôn xiết khi nhận được 25 xu cho bức vẽ một chú ngựa kéo xe cho hàng xóm của cậu, bác sĩ Sherwood.

 

Thời thiếu niên trong quân ngũ

 

Năm 1917, Elias tiếp tục thay đổi công việc khi quay trở lại Chicago để tham gia điều hành công ty sản xuất thạch rau câu O-Zell. Ở trường trung học, Walt đã vẽ nhân vật hoạt hình Kaiser nghịch ngợm cho tờ báo trường và tham gia các khóa học tại Học viện Mỹ thuật Chicago. 

Đối với một người dành phần lớn tuổi thơ để làm việc đỡ đần gia đình, ông rất muốn thoát ly khỏi nơi đó. Bị quân đội từ chối vì chưa đủ tuổi, Disney đã giả mạo ngày sinh sớm hơn trong giấy khai sinh. Vào tháng 9 năm 1918, khi mới 16 tuổi, ông gia nhập Hội Chữ thập đỏ với vị trí lái xe cứu thương. Ông đến Pháp ngay sau Hiệp định Đình chiến ngày 11 tháng 11. Chiến tranh chấm dứt nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm và ông đã có khoảng một năm vô cùng bận rộn ở đó, dành thời gian trang trí sườn xe cứu thương và áo khoác của đồng đội với giá 10 franc. Khi Disney trở về Mỹ vào mùa thu năm 1919, các anh em của ông cảm thấy suy sụp và mệt mỏi với sự hà khắc của cha. Chẳng mấy chốc, ông cũng cảm thấy như vậy. 

 

Bén duyên với sản xuất phim và những khó khăn thuở ban đầu

 

Không muốn làm cho công ty thạch O-Zell, cũng không tìm được việc tại một tờ báo của thành phố Kansas, ông đã thuyết phục Xưởng nghệ thuật thương mại Pesmen-Rubin nhận mình vào làm. Trong vài tuần, ông đã có một khoảng thời gian tốt đẹp với công việc lên bố cục cho quảng cáo, viết quảng cáo và thiết kế áp phích chương trình cho các rạp phim địa phương. Sau đó, Giáng sinh đến rồi đi, mang theo lượng lớn công việc ở Pesmen-Rubin và đến tháng 1, Disney cùng Ubbe Iwerks, một nhân viên thời vụ có cái tên khác thường đã phải nghỉ việc. 

Disney quý mến Iwerks và đề xuất ý tưởng lạc quan rằng họ nên hợp tác với nhau. Họ đã làm thế. Ban đầu, Disney-Iwerks, sau đó đổi thành Iwerks-Disney (không phải do Disney khiêm nhường, mà bởi ông thấy cái tên cũ nghe giống một công ty sản xuất mắt kính).

Công việc kinh doanh mới thai nghén được vài tuần, Disney đã nhảy sang một công việc khác tại Công ty Quảng cáo Phim thành phố Kansas và sớm đưa Iwerks vào làm cùng. Lúc này Iwerks đã đổi tên mới, ngắn gọn hơn nhưng không kém phần lập dị, Ub. Công ty mới của họ chuyên sản xuất phim quảng cáo dài khoảng 1 phút cho các doanh nghiệp địa phương, phát trong những rạp chiếu phim của thành phố. Ngay cả trong thời kỳ đầu ấy, phim hoạt hình vẫn rất thô sơ: nhân vật có đường viền màu đen, có bản lề ở tay và chân trông như những con rối bóng, đột ngột xuất hiện trong một vài khung hình trên nền trắng, rồi di chuyển cứng nhắc.

Disney ngay lập tức tìm kiếm công nghệ tiên tiến hơn, như ông sẽ làm trong suốt phần còn lại của sự nghiệp. Ông tìm thấy những cuốn sách về hoạt hình, mượn máy ảnh, bắt đầu thử nghiệm và chẳng mấy chốc phát hiện ra nhựa celluloid là phương tiện tốt nhất để làm phim hoạt hình. Một loạt hình vẽ trên các tấm nhựa trong suốt, thể hiện một con gà đang gáy hoặc một con mèo đang chạy, sẽ được đặt trên phông nền tĩnh – một trang trại hay một góc phố – rồi được chụp theo thứ tự.

Không lâu sau, Disney đã sản xuất những đoạn quảng cáo phim hoạt hình ngắn mà ông gọi là “Laugh-O-Grams”, tiếp đến là những bộ phim hoạt hình dài hơn được vẽ dựa theo các câu chuyện cổ tích.

Ông phá sản năm 1923, sau khi hoàn thành một dự án đầy tham vọng mang tên Alice’s Wonderland (Xứ sở thần tiên của Alice). Bộ phim hết hợp những hành động trực tiếp giữa nhân vật chính là một cô gái trẻ và các nhân vật hoạt hình. 

New York là thủ phủ của ngành công nghiệp phim hoạt hình non trẻ, nhưng Disney đã chuyển đến Los Angeles để làm cùng anh trai Roy, khi một bản mẫu của bộ phim Alice mà ông gửi về Bờ Đông thu hút được sự chú ý của nhà phân phối phim Margaret Winkler, người sắp mất quyền phát hành bộ phim hoạt hình nổi tiếng Felix the Cat (Chú mèo Felix). Cô đã thỏa thuận một hợp đồng về sáu tập phim Alice với Disney. Có Roy làm quản lý doanh nghiệp – sau này là người gắn bó với Walt trong suốt quãng đời còn lại – ông bắt đầu thuê thêm nhân viên, rồi thuyết phục Ub Iwerks tham gia cùng mình. Một trong những nhân viên mới đảm trách vị trí thư ký năm 1925 là một cô gái đến từ Idaho tên Lillian Bound. Cô và Disney kết hôn vài tháng sau đó với niềm hạnh phúc ngập tràn, dù Lillian chưa bao giờ quan tâm đến Hollywood, cũng không hứng thú lắm với các bộ phim của Walt.

Alice không còn được ưa chuộng vào năm 1927. Margaret Winkler sau đó chuyển giao công việc kinh doanh phân phối cho chồng mình, Charles Mintz, người đã thúc giục Disney đề xuất ý tưởng mới mẻ để ông có thể tiếp thị thông qua Universal Pictures. Disney đã đáp lại bằng nhân vật chú thỏ may mắn Oswald. Và nó thành công đến mức tới đầu năm 1928, Disney đã tự tin cùng Lillian đến Bờ Đông để gặp Mintz, yêu cầu thêm tiền đầu tư. Mintze đề nghị một mức thấp hơn. Disney phẫn nộ từ chối và phát hiện ra Universal không chỉ sở hữu bản quyền nhân vật Oswald, mà Mintz còn thuê lại toàn bộ nhân viên của Disney, ngoại trừ Iwerks. Nhà phân phối cứng rắn nói với ông: “Hoặc anh chấp nhận mức giá của tôi, hoặc tôi sẽ lấy đi công ty của anh. Tôi đã tuyển dụng tất cả những nhân viên chủ chốt của anh rồi.”

 

Ý tưởng về nhân vật mới và sự ra đời của Mickey Mouse

 

Disney không bao giờ do dự, nhưng ông và Lillian đã có một chuyến trở về đầy tuyệt vọng. Ai biết chuyện gì đã xảy ra trên chuyến tàu đầy ưu tư đó? Ý tưởng về nhân vật tiếp theo của Disney bị che mờ trong những câu chuyện mâu thuẫn. Nhưng Lillian nói rằng trong khi bà ngồi suy tư, “ngắm nhìn màu xanh của miền Trung Tây chuyển dần sang sa mạc khô cằn”, Walt đã nguệch ngoạc viết kịch bản về một chú chuột hài hước tên là Mortimer. Ông đọc kịch bản cho bà nghe và tất cả những lo lắng của Lillian về tương lai bất định bỗng chốc tụ hội quanh cái tên đó; bà thấy nó thật nặng nề, kiểu cách và khoe khoang. Không mặn mà với công việc kinh doanh của chồng, nhưng có lẽ Lillian Disney đã có một đóng góp quan trọng nhất cho nó: “Mortimer là cái tên quá kinh khủng cho một chú chuột!”

Disney thích cái tên “Chuột Mortimer”, nhưng sau khi suy nghĩ một lúc, ông đã nghĩ ra một cái tên thân thiện hơn.

Quay trở lại Los Angeles, ông và Iwerks bắt đầu phát triển nhân vật chuột Mickey: đầu tròn, tai tròn, quần ngắn hai nút (chưa có găng tay), trông khá ổn.

Chuột Mickey được giới thiệu với tư cách là một phi công trong bộ phim Plane Crazy (Máy bay điên rồ), với hy vọng khiến mọi người liên tưởng đến chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của Charles Lindbergh. Sau đó là tập phim lấy ý tưởng từ những cuộc xô xát ở vùng Tây Nam mang tên The Gallopin’ Gaucho. Cả hai bộ phim hoạt hình ban đầu được quay không có âm thanh, và Disney không cảm thấy hài lòng. Năm 1927, có một thành tựu vĩ đại không kém chiến thắng của phi công Charles Lindbergh, đó là bộ phim The Jazz Singer (Ca sĩ nhạc Jazz) của diễn viên hài Al Jolson, tuy chỉ có một đoạn hội thoại ngắn giữa phim, nhưng vẫn là luồng gió mới lạ đủ làm thay đổi cả một nền công nghiệp. Đối với tập phim Mickey thứ ba, Disney đã thuê một dàn nhạc và người hòa âm để sản xuất Steamboat Willie (Tàu bởi nước Willie), phim hoạt hình đầu tiên có âm thanh.

Đó là cả một cú hích. Khi Oswald lặng lẽ tham gia đội ngũ những nhân vật hoạt hình bị lãng quên, Mickey và cả Disney đã vươn lên một tầm cao mới, đến mức chỉ vài năm sau khi Mickey ra đời, nhà báo chuyên khai thác chuyện của giới nghệ sĩ Louella Parsons đã viết: “Chuột Mickey có số lượng người hâm mộ nhiều hơn hầu hết ngôi sao ở Hollywood.”

Mickey thuở đầu là một kẻ đáng ghét: uống bia như uống nước, nhảy múa lả lướt với chuột Minnie, hút thuốc, nói chung là khá xấu tính. Tuy nhiên, khi mức độ nổi tiếng tăng lên, tính cách và phác thảo về Mickey trở nên mềm mại dần, cho đến khi nó không còn đơn thuần là một nhân vật nữa, mà trở thành linh hồn đại diện cho cả Tập đoàn Disney hùng hậu.

Trong khi đó, những bộ phim hoạt hình của Disney ngày càng trở nên tinh tế và mượt mà hơn. Ông thêm sắc màu cho chúng và bắt đầu nhận được hàng loạt Giải thưởng Hàn lâm. Năm 1933, Disney đã phát hành bộ phim mà một nhà sử học về truyền thông gọi là “bộ phim hoạt hình ngắn thành công nhất mọi thời đại”, Little Pigs (Ba chú heo con), với bài hát nhạc phim “Who’s Afraid of the Big, Bad Wolf” trở thành giai điệu thách thức những năm Đại Suy thoái. Về thành công của mình, Disney cho biết: “Điểm chính yếu là sự công nhận nhất định từ ngành điện ảnh và công chúng rằng những bộ phim này chứa đựng nhiều hơn một chú chuột chỉ chạy nhảy loanh quanh. Bị thúc giục làm phần tiếp theo, Disney từ chối với triết lý ngắn gọn: “Anh đâu thể phát triển nếu cứ quanh quẩn với hình ảnh mấy chú heo.”

Điều đó cho thấy ông đã mệt mỏi với những bộ phim ngắn, dù chúng rất thành công. Năm 1934, Disney bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình dài đầu tiên. Ông dự trù kinh phí nửa triệu đô-la cho Snow White and the Seven Dwarf (Bạch Tuyết và bảy chú lùn); song cuối cùng nó tiêu tốn hết 1,5 triệu đô-la và bốn năm trời. Vào thời điểm phát hành năm 1937, ở Hollywood, người ta gọi bộ phim là “sự ngu ngốc của Disney”.

Bạch Tuyết đã thành công vang dội. Nó trở thành tác phẩm lớn nhất năm 1938 và là bộ phim lồng tiếng có lợi nhuận cao nhất được thực hiện. Bạch Tuyết thu về 6,5 triệu đô-la, thúc đẩy Disney sản xuất thêm Pinocchio và bộ phim phức tạp Fantasia (có lẽ là thổi phồng). Vài năm sau đó là khoảng thời gian Disney cảm thấy hài lòng nhất, cho đến khi ông bắt đầu chơi đùa với ý tưởng về một công viên giải trí.

 

Thời kỳ trượt dốc

 

Tình hình trở nên xấu đi nhanh chóng. Hai bộ phim tiếp theo của ông được khán giả phòng vé đón nhận hời hợt. Một phần vì chiến tranh bắt đầu nổ ra khi Hitler xâm chiếm Ba Lan, bóp nghẹt thị trường châu Âu. Doanh thu bị thu hẹp, ông phải cổ phần hóa công ty, và việc cắt giảm mạnh tiền lương đã gây ra một cuộc đình công khủng khiếp tại xưởng phim. Dù chỉ kéo dài năm tuần, cuộc đình công đã khiến Disney phải chịu sự trách cứ suốt đời. Ông ngày càng trở nên khắc kỷ (một số nhân viên còn nghĩ ông là một kẻ rất chuyên chế), xa cách và bảo thủ. Disney tin rằng cuộc đình công phần lớn là do những người có tư tưởng chống đối khơi mào. 

Những cảm xúc không tốt đẹp đọng lại khi mọi người va chạm với Disney đã hình thành nên cái nhìn đen tối hơn cả sự độc đoán sự không có nhiều bằng chứng cho việc đó. Ông sa thải hai luật sư của ông: ngày nay, nhiều người tin Disney là người bài Do Thái. Thật sự không có nhiều bằng chứng cho việc đó. Ông sa thải luật sư khi tình cờ biết họ chê bai những nhạc sĩ người Do Thái của ông; Disney cũng hạnh phúc khi các con gái của mình hẹn hò với các chàng trai Do Thái. Năm 1955, ông còn được Tổ chức B’nai Brith ở Beverly Hills lựa chọn là “Nhân vật của năm”. Khi những tin đồn này đến tai Kay Kamen, người đứng đầu bộ phận thu mua của công ty Disney, cũng là một người Do Thái, ông bác bỏ chúng với nhận xét rằng tổ chức của Disney còn “có nhiều người Do Thái hơn cả trong Sách Lê-vi”. Khi hợp tác với công ty đồng hồ Ingersoll, Kay Kamen đã tặng cho ông chủ của mình và cả thế giới chiếc đồng hồ Mickey Mouse cực kỳ thành công.

Khi chiến tranh nổ ra ở Mỹ, Disney đã trải qua những năm tháng đầy khó nhọc. Đơn vị Phim tài liệu Walt Disney của ông chỉ có thể làm ra những bộ phim ngắn với tựa đề như Four Methods of Flush Riveting (Bốn phương pháp sử dụng đinh tán đầu chìm). Đến năm 1945, Disney kiệt sức và ngập trong nợ nần. Tinh thần của ông cũng không được cải thiện là bao dù loạt phim ngắn sau chiến tranh, The ABC of Hand Tools (Các loại công cụ cầm tay), thu về lợi nhuận không nhỏ. Và ông cũng từ bỏ nó vào năm 1946, chỉ sau 12 tập phát sóng.

Cũng như hàng chục nghìn người khác, trong khoảng thời gian hậu chiến, ông nói: “Dường như thật vô vọng để bắt đầu trở lại. Con gái ông, Diane đã viết: “Tôi nghĩ cha đã mất hết hứng khởi kể cả khi chiến tranh qua đi. Tôi có thể cảm nhận được điều đó. Tôi biết ông không hài lòng với bất cứ điều gì mình đang làm”.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp nhỏ đã khiến ông thấy hài lòng, nó ít nhiều liên quan đến môn nghệ thuật mà ông đã rất nỗ lực phát minh ra và cũng là một bậc thầy không thể chối cãi.

Giáng sinh năm 1947, ông mua cho mình một món quà, “thứ mà cả đời tôi muốn có”: một bộ mô hình tàu lửa bằng điện của Lionel. Ông đặt nó ngay bên cạnh văn phòng để có thể chơi trong những giờ rảnh rỗi. Sau đó, ông nghĩ sẽ đẹp hơn nếu gắn thêm cái này cái kia, rồi một chút cảnh quan chỗ này chỗ nọ, v.v. Bất kỳ nhà sưu tập hay người có cùng sở thích nào cũng nhận thấy mô hình của ông đã được mở rộng khủng khiếp.

Đầu những năm 1950, khi nhà phê bình phim Bosley Crowther của tờ New York Times đến thăm Disney, anh tỏ ra vô cùng thất vọng  khi thấy “thần tượng” của mình “không còn để ý gì đến phim ảnh mà chỉ hoàn toàn chú tâm xây dựng động cơ tàu lửa thu nhỏ cùng những toa tàu… Tất cả niềm say mê phát minh của ông ấy, những tưởng tượng đầy sáng tạo, dường như đã dành hết cho thứ đồ chơi này. Tôi đành rời đi và cảm thấy rất buồn”.

– Trích dẫn từ cuốn sách “Disney’s Land: Hành trình đưa ý tưởng điên rồ thành cỗ máy kinh doanh siêu lợi nhuận”. Tên các mục trong bài viết do người trích dẫn tự đặt với mục đích giúp bạn đọc dễ theo dõi – 

You may also like

Leave a Comment