Từ tối qua, xung quanh câu chuyện về sự đăng quang của hoa hậu Thùy Tiên, điều mình thấy là có nhiều người có những suy nghĩ như “tăng giá”, “lấy mác đại gia”, “chạy tour hết năng suất”…. Nếu ai không hiểu thì hàm ý của những cụm từ trên nói về những hoa hậu, hoa khôi, người đẹp mua giải, lợi dụng các giải thưởng để hoạt động mại dâm, buôn bán nhan sắc và cặp kè với đại gia, trở thành “tiểu tam”.
Chắc là nhiều người biết đến câu nói “mây tầng nào gặp gió tầng đó” rồi, xin phép không nói nhiều về ý nghĩa của cái câu đấy nữa. Là một hoa hậu, hoa khôi, họ có quyền lựa chọn một người chồng có tài xứng với họ. Tài ở đây là tài năng, tài trí và tài sản. Ngược lại, với một đại gia, thì họ cũng sẽ có những tiêu chí riêng để lựa chọn người bạn đời. Hoa hậu lấy đại gia chẳng có gì sai, đó là điều quá bình thường trong xã hội và chẳng có gì đáng phải lên án.
Chẳng lẽ giờ hoa hậu phải lấy một anh chân chất, ở trong dãy trọ thì mới vừa lòng cộng đồng? Nhưng nếu làm như vậy, thì dân mạng lại dùng câu: “Hoa nhài cắm bãi “ấy” trâu” để cà khịa và châm chọc.
Với lại, việc chọn chồng/vợ là hạnh phúc và cuộc đời của họ, họ có toàn quyền làm việc đó. Và chẳng có ai đáng phải chịu chỉ trích khi họ đưa ra lựa chọn tốt nhất cả. Khi nào họ phá hoại hạnh phúc của người khác thì mới đáng lên án.
Thực tế chuyện các hoa hậu, hoa khôi mua bán giải, lợi dụng các vương miện của các cuộc thi để làm bàn đạp “tiến thân” là có. Nhưng đó chỉ là thiểu số rất nhỏ và chỉ diễn ra ở các cuộc thi ao làng. Không phải hoa khôi, hoa hậu nào cũng như vậy. Nhiều dân mạng hay lấy một vài trường hợp cá nhân để đánh giá tổng thể cả vấn đề.
Ví dụ như trong các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, có nhiều hoa hậu vẫn đang cống hiến, làm từ thiện, trở thành hình mẫu phấn đấu của phụ nữ. Hiện nay, ngoài Thùy Tiên, chúng ta còn Đỗ Thị Hà, đại diện Việt Nam tham gia Hoa hậu Thế giới 2021, cũng đang “mang chuông đi đánh xứ người”. Đỗ Thị Hà cũng rất chăm chỉ làm từ thiện, hỗ trợ chống dịch. Hay như những tấm gương khác là hoa hậu H’Hen Niê, á hậu Mâu Thủy, á hậu Hoàng My…
Đừng đem các cuộc thi ao làng, các danh xưng không chính thống để so sánh và đại diện cho các cuộc thi tiếng tăm khác. Éo hiểu là nhiều người, không nhìn vào những gì tích cực, mà cứ nhè mấy cái tiêu cực ra để chửi bới và đả kích.
Thắng hoa hậu tại một cuộc thi ở Thái Lan có gì đáng vui? Vui chứ.
Với bất cứ một người Việt nào, họ thành công và chiến thắng ở một cuộc thi quốc tế thì đều đáng vui mừng, miễn là cuộc thi đó không xâm phạm đến lợi ích, hình ảnh và quyền lợi của Việt Nam là được. Ngoài ra, trước khi đi thi, Thùy Tiên được cấp phép làm đại diện hình ảnh của Việt Nam tham gia quốc tế. Đã là đại diện của Việt Nam, thành công và chiến thắng, đem lại vinh quang về cho Việt Nam, thì hà cớ gì phải tự nhục?
Ngoài ra, những lợi ích thấy rõ sau cuộc thi là hình ảnh Việt Nam được tăng cao, sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam được biết đến và tôn vinh. Báo chí quốc tế nhắc đến Thùy Tiên là đại diện của Việt Nam. Đó chẳng phải là những điều tích cực sao?
Có một thực trạng rất nhức nhối là nhiều người Việt – số nhiều chứ không phải số ít, luôn có một tư tưởng đố kỵ và hạ thấp đi thành quả của người khác. Thay vì thừa nhận và chấp nhận, thì họ lại có một xu hướng phủ nhận thành quả của người khác bằng những ngôn từ và nhận định sai lầm và đầy định kiến.