Con voi, bột giặt nhiều màu và kem đánh răng sọc thì có liên quan gì đến lòng vị tha vô thức của ta?
Giống như hầu hết những người đàn ông sống trong căn nhà có các bà nội trợ đảm đang, tôi thực đã phát điên lên với việc hàng ngày tiếp xúc với bộ phim truyền hình Mỹ Sex and the City.
Tôi bị thuyết phục rằng cả bốn nhân vật chính lẽ ra đã có thể ổn định trong một mối quan hệ hạnh phúc sớm hơn cả một thập kỷ nếu như họ không nghĩ quá nhiều, cùng với một danh sách dài vô tận những thói quen nhạt thếch và thói so sánh từng phần đóng góp của mỗi người giống như Warren Buffett làm khi ước tính một cơ hội kinh doanh.
“Lý do là chỉ nên trở thành nô lệ của đam mê và không bao giờ giả bộ làm gì khác ngoài phục tùng và nghe lời chúng.”
Tôi đồng ý với quan điểm này của nhà triết học thế kỷ 18 David Hume. Tôi tin vào bản năng của mình, khi tôi đọc càng nhiều về môn khoa học ra quyết định, tôi lại càng hoài nghi về những đánh giá hợp lý, chặt chẽ. Trong kinh doanh, theo tôi thấy thì có hai loại quyết định.
Đó là những quyết định tốt và những quyết định dễ giải thích và bảo vệ. Hai loại này không giống nhau. Việc dùng các nguyên nhân thường hướng con người ta đến loại quyết định thứ hai.
Thật không may, việc cần đến lời giải thích hay bảo vệ cho một chuỗi hành động có thể dẫn đến một quyết định tồi, bởi lẽ bản năng tự nhiên của con người nhằm ngụy biện điều gì đó thường yêu cầu ta phải ra quyết định dựa vào các yếu tố cân đo đong đếm được.
Hãy xem xét hai câu sau: “Đó là tình yêu sét đánh” và “Anh ta thuyết phục tôi ngủ với anh ấy”. Quyết định thứ hai liên quan đến sự cấn nhắc có ý thức và có lý do, nhưng tôi lại vô cùng tin mối quan hệ đầu tiên sẽ kéo dài hơn.
Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị. Có phải người ta ra những quyết định hay hành động đúng đắn hơn nếu như không viện cớ đến bất kỳ suy nghĩ lý trí nào? Dĩ nhiên không tính đến trường hợp khẩn cấp. Còn tình huống nào khác không?
Theo lý lẽ của tôi, mà điều này có thể dẫn đến lời biện hộ kỳ lạ nhất cho chủ nghĩa tư bản, rằng những hành động tốt thì thường rơi vào phân mục này (hành động không dùng đến suy nghĩ lý trí). Khi chúng ta hành động mà cuối cùng là vì lợi ích của người khác, hành động đó thường thể hiện tốt hơn khi ta không nhận thức về sự thật trong đó. Nói cách khác những hành vi làm lợi cho người khác có thể được thể hiện tốt nhất cả khi không tỉnh táo nhận thức được, làm theo một cách bản năng hay dưới vẻ ngoài như thể chúng được thúc đẩy chỉ bởi thú vui của bản thân. Và theo như ý niệm của tôn giáo, lòng vị tha đầy tính tự giác còn nguy hiểm hơn, và nên được đối xử với mối ngờ vực lành mạnh.
Nhà tâm lý học tiến hóa Jonathan Haidt đề xuất một hình mẫu của trí tuệ con người như một kẻ cưỡi voi. Người trên lưng voi đại diện cho ý nghĩ có ý thức, còn con voi là cho bản năng không tỉnh táo, tự động, không lý trí (hai hệ thống tương xứng theo Daniel Kahneman: Hệ thống Một và Hệ thống Hai đại diện cho kiểu mẫu suy nghĩ, cho rằng được thảo luận và làm theo bản năng là trái ngược nhau).
Theo như phép loại suy của Haidt, người cưỡi đôi khi cũng có thể thắng dây hay làm giảm sự phấn khích quá mức của con voi, nhưng cũng có thiên hướng sử dụng những ngón nghề kinh ngạc mà tự dối mình, khuynh hướng sử dụng lý do vì lợi ích cá nhân như một luật sư bào chữa hay một trợ lý truyền thông thường làm: đưa ra lời bào chữa hợp lý nhưng lại là những câu chuyện không chính xác để biện hộ hay làm hợp lý hóa những hành động theo bản năng.
Nhận thức được những khía cạnh này trong thuyết tâm lý hai mặt của Haidt có thể vô cùng quan trọng trong bối cảnh đầy rẫy những quảng cáo, công tác đối ngoại và công cuộc đưa ra những chính sách của chính phủ. Chúng ta đã bắt gặp quá nhiều lần bản thân “lập trình sai chương trình”, nói chuyện với người cưỡi voi thay vì thỏa thuận với chính con voi.
Nói điều này không có nghĩ là con voi hoàn hảo: bạn hoàn toàn có thể đánh lừa con voi. Theo như Josheph Goebbles: “Hình thức hiệu quả nhất của sự thuyết phục là khi bạn không nhận thức được rằng mình đang bị thuyết phục”. Điều này cũng giống như làm kem đánh răng có sọc.
Khi nghĩ về loại kem đánh răng đó, có thể bạn nghĩ nó khá hài hước. Hai hay ba nguyên liệu được sản xuất riêng, với những màu sắc khác nhau, ban đầu chỉ là màu đỏ và trắng. Hai màu này vẫn được tách riêng trong tuýp, từ nhà máy sản xuất đến khi bạn mang nó về nhà. Và khi bạn bóp kem ra để đánh răng, chúng xuất hiện đồng thời ở trên đỉnh nhưng vẫn giữ hai màu riêng, cho đến khi nó ở trong miệng bạn thì chúng trộn lẫn với nhau thành màu hồng.
Bạn tự hỏi, thế sao không làm luôn kem đánh răng màu hồng đi? Tôi nghĩ điều này có thể tiết lộ một vài điều về trí óc con người, dù có biết bao nhiêu trang web đã trả lời câu hỏi “Làm thế nào mà họ cho kem đánh răng có sọc hai màu được nhỉ?”, nhưng hầu như chẳng ai thèm quan tâm đến lý do tại sao.
Còn nếu bạn cần phải biết thì có vài lý do như sau, về mặt tâm lý học chứ không phải về mặt hóa học. Đầu tiên, những dải sọc này khiến người làm ra nó có thể tự tin bảo rằng kem đánh răng này có một vài tác dụng tốt. Tôi biết chứ, chẳng có lý do gì mà kem đánh răng màu hồng không thể giúp răng trắng sáng và hơi thở thơm mát, nhưng tư duy kiểu con voi ở đây lại tìm thấy một lý do dễ tin hơn rằng hai nguyên liệu dễ phân biệt thì có tác dụng hơn chứ!
Thứ hai, nếu chúng ta thích nhìn hai màu kem đánh răng hiện ra khi bóp tuýp kem, chúng ta có xu hướng đánh răng thường xuyên hơn.
Cuối cùng, chúng ta thường cho rằng những sản phẩm phức tạp thì sẽ hiệu quả hơn. Theo thuyết tiến hóa sinh học của Amotz Zahavi: những suy luận cảm tính của chúng ta là, vì cần nhiều nỗ lực và chi phí hơn để làm kem đánh răng sọc, vậy nên chắc hẳn nó cũng phải tốt hơn theo cách nào đó.
Đây là một phép thử đúng – sai xứng đáng được trao giải “có nỗ lực”. Điều này cũng giống như cách ta nghĩ bột giặt có nhiều hạt màu sắc hơn thì sẽ giặt sạch hơn, và kem đánh răng Closeup có nhiều màu trộn lẫn thì sẽ giúp răng trắng sáng hơn.
Điều này khiến những người duy lý và những người bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gần như phát điên. Điều này đánh vào điểm yếu của con người về những vấn đề tâm lý “dựa trên kinh nghiệm bản thân và lệch lạc tâm lý” (heuristics and biases).
Trong đời thực, các sản phẩm phức tạp và bao bì bắt mắt có lẽ cũng không phải một ví dụ xấu của việc “trông mặt mà bắt hình dong”. Những ai đã kỳ công bỏ sức ra cho những hạt màu sắc sặc sỡ vào trong bột giặt, hay cho hai loại kem màu sắc vào tuýp kem đánh răng, suy cho cùng cũng để ý ít nhiều vào chất lượng tổng thể của sản phẩm. Doanh nghiệp nào thuê được công ty thiết kế bao bì tốt thì cũng có thể thuê được các nhà khoa học giỏi tạo ra sản phẩm tốt. Điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các sản phẩm, nhưng nếu bao gói sản phẩm đẹp mắt thì chắc chắn sẽ được yêu thích hơn những sản phẩm đóng gói cẩu thả.
Trong trường hợp đó, việc tranh luận về các vấn đề tâm lý chẳng có nghĩa lý gì, trừ khi bạn muốn quay trở lại mấy nghìn năm tiến hóa hay bắt đầu lại mớ bòng bong trong bộ não con người. Đó đơn giản chỉ là cách bộ não chúng ta hoạt động. Hầu hết những quyết định đời thường đều phụ thuộc vào những lựa chọn xuất hiện ngay tức khắc mà chẳng có thông tin gì mấy, đó chính là cách bản năng giúp ta thực hiện việc ra quyết định.
Nhưng hiểu những suy đoán mơ hồ này rốt cuộc thì mang lại điều tốt gì không? Khi mà chúng đã vốn mơ hồ như thế?
Chúng giúp con người làm những điều tốt theo cách gián tiếp mà con người không nhận thức được sự thật việc mình đang làm.
Hãy coi bạn là một giám đốc nhà máy sản xuất bột giặt, và vì những lý do bảo vệ môi trường, bạn muốn giảm lượng bột giặt phải vận chuyển và lượng bao bì phải sử dụng. Bạn có thể biến chúng thành nước giặt đựng trong chai nhựa. Nhưng chai nước giặt sẽ nhỏ hơn so với túi bột giặt ban đầu, thành ra bạn lại đang lãng phí, không tận dụng được vốn. Và những chai nước giặt thì lại kém nổi bật hơn trong các giá siêu thị, mỗi khi người tiêu dùng sử dụng ít bột giặt hơn, họ không cảm thấy như mình đang làm việc tốt, dù thực tế thì họ đang làm vậy.
Kế hoạch B là đánh trực tiếp vào cảm tính của con người, sử dụng nhãn mác “thân thiện với môi trường” cho loại sản phẩm mới. Thật không may khi chẳng có mấy người quan tâm đến vấn đề sản phẩm có “xanh” không, và thậm chí với những người này, cụm từ “thân thiện với môi trường” chẳng mảy may động chạm đến quyết định mua hàng của họ. Bởi lẽ trong tiềm thức của chúng ta, cụm từ “xanh” ấy đồng nghĩa với “không hiệu quả bằng những loại bột giặt tẩy rửa mạnh”. Chúng ta giả định rằng phải có một sự đánh đổi nào đó, kể cả khi thực tế không có.
Hoặc theo đuổi kế hoạch C: bạn thay thế bột giặt thành các viên nén, dù sẽ có số lượng ít hơn so với loại bột ban đầu, nhưng trông chúng khá là phức tạp, phải không. Sẽ có một quả viên hình bóng màu đỏ, mà tôi sẽ gọi là Powerball, được đặt phía trên đỉnh và được cấu tạo từ hai thành phần, dạng bột và dạng gel, sắp xếp theo hình âm dương xung quanh quả bóng đó. Thực ra miêu ta này khá giống với viên rửa chén Finish Quantum trong căn bếp nhà tôi hiện giờ. Tôi dùng ít sản phẩm hơn và ít bao bì hơn, nhưng lại hoàn toàn mơ hồ về tính hiệu quả của sản phẩm sau khi được cắt giảm như vậy. Thực ra thì tôi nghĩ chúng sẽ giặt sạch hơn so với bột giặt. Và tôi cũng sẽ trả tiền mua chúng. Đấy, xong việc rồi.
Và bạn chẳng cần phải kêu gọi lòng trắc ẩn từ người khác. Bạn chỉ việc để họ từ làm việc tốt trong khi vẫn chẳng mảy may nhận thức được điều tốt đẹp ấy từ việc mình đang làm, nhờ đánh vào bản năng tư lợi của họ.
Và hầu hết các bạn đọc đến đây sẽ có chút khó chịu với điều này.
Có chắc rằng một lời kêu gọi lòng trắc ẩn sẽ cao thượng hơn? Chúng ta cần giáo dục con người là để họ trở nên sẵn lòng hơn khi giúp giải quyết các vấn đề môi trường mà lòng tốt xuất phát từ chính trái tim họ, qua một hành động có chủ đích chứ không phải qua một sản phẩm phụ của việc kiếm lợi bản thân. Và có chắc là chúng ta nên liên tục nhắc nhở họ về việc tốt họ làm, để họ có thể nhận thức rõ hơn về nó?
Tôi cũng từng nghĩ về vấn đề này rồi. Nhưng giờ thì tôi cũng không chắc nữa. Bạn thấy đấy, tôi bắt đầu nghĩ rằng nếu kêu gọi một lòng trắc ẩn tỉnh táo có khi còn nguy hiểm hơn. Khi làm việc trong các dự án tương tự tại công ty quảng cáo Ogilvy & Mather, chúng tôi đã hai lần đề nghị rằng yếu tố “thân thiện với môi trường” của sản phẩm mới nên được giấu kín đối với người dùng. Tại sao ư?
Chà, có lẽ theo như Goebbels thì
“Hình thái tốt nhất của lòng vị tha là khi người ta không biết rằng mình đang vị tha.”
Nếu bạn đọc về các thuyết tiến hóa tuyệt vời nhất thì bạn sẽ thấy chúng có một chút hoài nghi về ý tưởng của lòng vị tha thuần khiết. Luôn có một sự đút lót ở đâu đó, hay vài sự mong đợi ngầm rằng mình sẽ được trả ơn. Thành công của xã hội chúng ta có được là nhờ kỹ năng cộng tác ý muốn làm lợi cho bản thân của ta với của người khác. Và động lực đằng sau lòng trắc ẩn đó có thể chỉ đơn giản là vì ta sẽ có chút lợi lộc nào đó.
Thật thú vị khi các vấn đề môi trường và chính trị lại chẳng có mấy người quan tâm, không, đúng hơn là nó không đủ hấp dẫn để ta xem xét lại mình. Vậy nên vài bộ óc tôn sùng chúng thường chỉ nhận được sự thờ ơ khi họ đề cập đến trong các cuộc trò chuyện. Vậy nên tôi muốn bạn cần cân nhắc vài điều sau mỗi khi chúng ta nhắc đến các vấn đề môi trường.
Đầu tiên, có thể sẽ có vài hậu quả tiêu cực không lường trước được khi đánh đồng một cử chỉ như một biểu hiện của lòng trắc ẩn. Những người đi xe đạp là những người chạy xe hoàn hảo cho đến khi người ta bảo họ là đang bảo vệ môi trường. Chỉ đến khi đó, 1% số người đi xe đạp đột nhiên thấy mình có quyền đối xử với những người dùng phương tiện khác với thái độ khinh khỉnh, điều mà có thể gây hại đến việc đạp xe nói chung.
Theo như niềm tin của nhiều người, nếu như có một loại cân bằng đạo đức bên trong trí óc mỗi con người, vậy thì liệu hành động tử tế có chủ ý trong một lĩnh vực thì có cho phép người ta cư xử ích kỷ ở lĩnh vực khác không? Hay có lẽ những con người hiện đại không còn mong chờ phần thưởng lên thiên đường nữa, mà thay vào đó, họ yêu cầu được đền đáp ngay trong cuộc đời này?
Có khá nhiều minh chứng cho loại cân bằng đó trong cách hành xử của con người. Việc bắt buộc phải thắt dây an toàn khiến người ta lái xe có vẻ nguy hiểm hơn. Đi bộ thể dục trong nửa giờ đồng hồ khiến họ nghĩ mình có quyền ăn một chiếc bánh burger cỡ lớn. Máy quay lia nhanh có thể khiến mọi người lái xe nhanh hơn trên những con đường không có rào chắn. Và làm việc trong lĩnh vực công chúng có thể mang lại cảm giác quyền lực nào đó.
Chúng ta không phải chỉ mỗi nên sử dụng tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch thôi đâu. Chúng ta nên coi những lòng vị tha có chủ ý như một nguồn hữu hạn, và tránh phải dùng đến nó càng nhiều càng tốt. Vậy nên, thay vì yêu cầu mọi người hạ thấp nhiệt độ trong máy giặt, chúng ta đơn giản chỉ cần yêu cầu nhà sản xuất gắn mác 30 độ C cho mức “tiêu chuẩn”, 20 độ C cho mức “bảo vệ môi trường” (dù chẳng có ai thèm dùng, nhưng nó làm 30 độ C có vẻ nóng hơn), và mác 40 độ C cho mức “rất bẩn”, và kèm theo đó là một loạt những mức nóng không thoải mái hơn như kiểu “nóng thôi rồi” hay “sạch đến chết người”. Nhờ vậy mà bạn có thể giải quyết được vấn đề lãng phí năng lượng, hiệu ứng lan tỏa khiến mọi người cảm thấy mình tốt đẹp từ những việc họ làm.
Tôi rút ra được hai điều.
Đầu tiên là chúng ta quá bận rộn xem xét động cơ và ý định để đánh giá hành động của con người thay vì cân nhắc đến kết quả.
Chúng ta ca ngợi những người lát vỉa hè chính xác đến từng viên gạch bởi vì họ rất thiện chí. Và chúng ta trả cho họ một khoản tiền thấp đến kinh ngạc. Và bởi vì Bưu điện không hoạt động vì lợi nhuận nên chúng ta coi nó gần như một trung tâm bán từ thiện, và sẵn sàng tha thứ cho sự thiếu linh hoạt của nó khi là nơi duy nhất đóng cửa sớm vào ngày thứ Bảy.
Thứ hai, chúng ta cũng quá miễn cưỡng khi xem xét lợi ích cho người khác như một sản phẩm phụ của việc tư lợi cho bản thân.
Tháng trước, tôi đến thăm một nhóm từ thiện tại phố Tunbrigde Wells nhằm giải quyết phần nào vấn đề lòng tự trọng của giới trẻ bằng cách liên hệ với một nhà máy thỏa thuận cung cấp cho thanh niên các món hàng thanh lý với giá rẻ. Gần đó là một doanh nghiệp xã hội cung cấp đồ ăn ngon với giá rẻ để phục vụ cộng đồng. Và bạn nghĩ những con người này kiểu gì cũng sẽ xuất hiện trên chuyên mục Người tử tế, đúng không?
Ngoại trừ việc tôi quên mất không nói, thực ra tôi đến thăm một chi nhánh của TK Maxx (chuỗi cửa hàng quần áo bán lẻ) và doanh nghiệp gần đó là Asda (cửa hàng bán đồ ăn online). Họ thậm chí còn chẳng phải là hội từ thiện nữa. Một khi bạn biết những tổ chức đó mục đích là để kiếm tiền, bạn không còn thấy thích họ nữa đúng không? Nhưng rốt cuộc thì chúng ta lại chỉ đánh giá họ dựa vào động cơ thay vì kết quả cuối cùng.
Lòng vị tha hiển hiện thường nguy hiểm bởi vì nó miễn cho con người ta khỏi những lời phê phán hay những câu hỏi hoài nghi về kết quả thực sự về hành động của họ, chỉ tập trung vào tinh thần thể hiện khi họ thực hiện những hành động đó. Đó là lý do mà chúng ta ghét quân phát xít hơn hẳn những chủng quân khác, bởi lẽ quân phát xít còn chẳng thèm giả vờ thiện chí.
Lòng vị tha hiển hiện ấy cũng nguy hiểm là vì chúng ta dễ có khuynh hướng tha thứ, quên đi hay bỏ qua những kết quả tiêu cực. Có lẽ cách tốt nhất để cứu thế giới là làm anh hùng giấu mặt mà thôi.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Rory Sutherland – Wired