Tư duy nhanh và chậm: CÁCH HAI HỆ THỐNG LÀM NÊN SUY NGHĨ VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÚNG TA

by admin

Hiểu được cách hoạt động của hai hệ thống trong bộ não, chúng ta lý giải được tại sao có những “chuyên gia có trực giác chính xác”, như một cao thủ của môn cờ vua có thể chỉ cần đi ngang qua, liếc mắt vào một bàn cờ trên đường phố là có thể tuyên bố “quân trắng, 3 nước, chiếu tướng” mà không cần đứng lại, hoặc một bác sĩ chỉ cần liếc mắt nhìn bệnh nhân là có thể đưa ra những chẩn đoán phức tạp của một căn bệnh.

Tư duy nhanh và chậmTư duy nhanh và chậm

Tư duy nhanh và chậm

Cách mà các suy nghĩ diễn ra trong trí não của chúng ta trước nay vẫn luôn là một chủ đề bí ẩn, thu hút vô số nhà nghiên cứu lẫn những độc giả tò mò. Có bao giờ bạn để ý mình vừa mắc phải những sai lầm thật ngớ ngẩn? Tại sao bạn cảm thấy thích hoặc không thích một ai đó ngay từ cái nhìn đầu tiên? Hay thậm chí là cách chúng ta cảm nhận cuộc sống, tại sao thời điểm kết thúc một cuộc tình lại in đậm trong ký ức hơn là cả quá trình đầy vui vẻ và hạnh phúc?…

 “Tư duy nhanh và chậm” (Thinking fast and slow) là tác phẩm dựa trên công trình nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky từ năm 1969, về những quyết định cũng như sai lầm của não bộ. Cuốn sách do Daniel thực hiện đã giành được một số giải danh giá, đặc biệt là Nobel kinh tế năm 2002 cho ông (và có lẽ cả đồng sự Amos nữa nếu ông còn sống vào thời điểm đó). Nghe có vẻ là một công trình học thuật nặng nề, tuy nhiên với cách trình bày dễ hiểu và có phần hài hước, Daniel giống như chỉ đơn giản là mở ra căn phòng của tư duy, để người đọc quan sát cách những quyết định được hình thành một cách lặng lẽ bên trong đầu óc của bạn, những cảm xúc và những trực giác được sinh ra khi trí óc của bạn hoạt động. Daniel thậm chí còn đặt một mục tiêu giản dị hơn, đó là hy vọng cuốn sách sẽ “làm giàu vốn ngữ vựng cho độc giả mỗi khi đi đến một vài quyết định nhanh trong cuộc sống”.

Hai hệ thống tư duy tồn tại trong cùng một bộ não

Khi có ai hỏi bạn đang nghĩ gì, bạn sẽ trả lời câu hỏi đó một cách dễ dàng. Bạn tin rằng bạn biết được trí não của mình được vận hành bằng một ý nghĩ chủ đạo, tuần tự từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác. Tuy nhiên, theo Daniel và Amos, đó không phải là cách hoạt động duy nhất, càng không phải là cách hoạt động điển hình của trí não. 

Nếu suy nghĩ của chúng ta là một bộ phim và Daniel là đạo diễn của bộ phim đó, ta sẽ thấy có hai nhân vật với những tính cách trái ngược nhưng luôn đi cùng nhau, Daniel đặt tên là Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Trong đó, Hệ thống 1 làm theo trực giác, luôn nhanh nhảu đưa ra quyết định trong mọi tình huống, còn Hệ thống 2 thì hành động chậm chạp, ít khi lên tiếng trừ những lúc cần kéo Hệ thống 1 lại trước những sai lầm tai hại. 

Nói cách khác:

  • Hệ thống 1 là phần bộ não hoạt động theo trực giác và đột ngột, thường không có sự kiểm soát có ý thức. Hệ thống này là di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm: những lợi thế sống còn nằm bên trong khả năng ra quyết định và phán đoán nhanh chóng.
  • Hệ thống 2 là thứ ta ám chỉ khi tưởng tượng phần bộ não chịu trách nhiệm cho quá trình ra quyết định, lập luận và niềm tin của mỗi cá nhân. Nó điều khiển các hoạt động có ý thức của tâm trí như tự kiểm soát, khả năng lựa chọn và chủ ý tập trung.

Hệ thống 1 thuộc tuýp người “trông mặt mà bắt hình dong”, “miệng nhanh hơn não” khi đưa ra kết quả bằng trực giác, kinh nghiệm, và bao gồm cả định kiến sẵn có. Ví dụ, hãy xem câu đố đơn giản này, tổng giá của một chiếc gậy bóng chày và quả bóng là 1.10 đô-la. Chiếc gậy có giá cao hơn quả bóng 1 đô-la.  Đố bạn biết quả bóng có giá bao nhiêu? 

Có phải ngay lập tức bạn nghĩ đến vài con số không? 1 đô-la và 10 xu? Điểm thú vị của câu đố đơn giản đó là nó gợi ra một đáp án hiển nhiên đầy tính trực giác hấp dẫn và… sai, đó là kết quả của Hệ thống 1 khi đưa ra một đáp án nhanh gần như ngay tức thì và chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu tiếp theo bạn cảm thấy có gì đó sai sai ở đây, bạn thử cộng trừ lại những con số và biết rằng 10 xu không phải là con số chính xác, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy Hệ thống 2 đã vào cuộc, để kiểm chứng lại kết quả trước đó và nếu phát hiện lỗi sai, nó bắt đầu tập trung nhằm tìm ra câu trả lời đúng. 

Hệ thống 1 rất dễ mắc sai lầm, dễ dàng xử lý thông tin một cách nhanh chóng và tự tin nhờ vào kỹ năng hoặc chỉ đơn giản là phỏng đoán. Cứu cánh duy nhất của nó là nhờ vào Hệ thống 2 làm chậm lại và kiểm chứng lại điều đó. 

Nhưng trớ trêu thay, Hệ thống 2 là một kẻ thông minh lười biếng. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nó để mặc cho Hệ thống 1 muốn làm gì thì làm, như trong ví dụ “chày và bóng”, nếu không nghĩ lại, chúng ta sẽ rất tự tin với đáp án 10 xu ban đầu của mình. Đây chính là cách mà Hệ thống 1 mắc phải tiếng xấu như là nguồn gốc của sự sai lầm và các thành kiến.

Chúng ta có thể đổ lỗi cho Hệ thống 1 vì cái tính bốc đồng, nhanh nhảu thái quá? Hay Hệ thống 2 vì thường xuyên lười biếng? Điều gì đã khiến các quy tắc chọn lọc tự nhiên, sau hàng triệu năm, giữ lại cho loài người hai hệ thống đối lập nhau như vậy?

Bộ máy lỉnh kỉnh hay sự đầu tư khôn ngoan?

Có vẻ Hệ thống 2 thận trọng là cách mà cá nhân chúng ta nghĩ mình thuộc về. Tuy nhiên phải biết rằng, Hệ thống 2 đòi hỏi sự tập trung cao, và vì thế nó tiêu tốn nhiều năng lượng của não bộ, khiến chúng ta ở trong tình trạng căng thẳng, cảm thấy kiệt sức và không còn đủ năng lượng cho các công việc khác sau đó. Hơn nữa, trên thực tế, tổ tiên của loài người chắc hẳn sẽ tuyệt chủng từ sớm nếu như mỗi bước đi đều chờ đợi Hệ thống 2 chậm chạp đưa ra quyết định. 

Hầu hết những sai lầm bắt đầu từ Hệ thống 1, nhưng nói đi cũng phải nói lại, hầu hết các quyết định đúng của chúng ta cũng bắt đầu từ nó. Bạn sẽ không thể kiếm được nhân viên nào làm việc năng nổ và nhanh chóng như Hệ thống 1, chúng ta có thể sắp xếp hoạt động hiệu quả trong hầu hết thời gian là bởi vì Hệ thống 1 đã thực hiện tốt vai trò của mình

Cách để ngăn chặn những lỗi sai khởi nguồn từ Hệ thống 1 thực đơn giản trong nguyên tắc: nhận diện các dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một bãi mìn nhận thức, làm chậm lại, và yêu cầu sự tăng cường từ Hệ thống 2. Sự kết hợp của hai hệ thống chưa dừng lại ở đó, kết quả sau mỗi lần làm việc mệt mỏi từ Hệ thống 2 sẽ được bổ sung cho Hệ thống 1. Quá trình này lặp đi lặp lại cho đến một lúc, khi gặp lại một vấn đề cũ, bạn sẽ thấy trực giác của mình trong tích tắc đã đưa ra một phán đoán chính xác.

Chính vì vậy, dù biết rằng Hệ thống 1 thì dễ mắc sai lầm còn Hệ thống 2 thì thường xuyên lười biếng, nhưng theo Daniel, sự phân công lao động giữa Hệ thống 1 và Hệ thống 2 là cực kỳ hiệu quả. “Nó giảm thiểu tối đa sự nỗ lực của chúng ta và điều chỉnh kết quả theo cách mà chúng ta muốn.

Hiểu được cách hoạt động của hai hệ thống trong bộ não, chúng ta lý giải được tại sao có những “chuyên gia có trực giác chính xác”, như một cao thủ của môn cờ vua có thể chỉ cần đi ngang qua, liếc mắt vào một bàn cờ trên đường phố là có thể tuyên bố “quân trắng, 3 nước, chiếu tướng” mà không cần đứng lại, hoặc một bác sĩ chỉ cần liếc mắt nhìn bệnh nhân là có thể đưa ra những chẩn đoán phức tạp của một căn bệnh. Đối với chúng ta, trực giác chuẩn xác của các chuyên gia là một khả năng kỳ diệu, nhưng thực tế đó là kết quả tích lũy lâu dài từ Hệ thống 2 và Hệ thống 1. Mỗi chúng ta cũng có thể có được trực giác chính xác như thế nhờ luyện tập mỗi ngày. 

Tất nhiên, Daniel không hứa hẹn một sự biến đổi ngay lập tức trong não bộ của bạn sau khi đọc xong quyển sách này, bởi “chúng ta có thể đều muốn có một hồi chuông cảnh báo vang lên bất cứ khi nào chúng ta chuẩn bị phạm phải một lỗi trầm trọng, nhưng chẳng có hồi chuông nào như thế hiện hữu, và những ảo tưởng về nhận thức thường khó nhận ra nhiều hơn so với những ảo ảnh về tri giác.” Tuy vậy, còn điều gì mê hoặc hơn là được khám phá “nhận thức muộn” và những “ảo tưởng về giá trị” của chúng ta, biết được trực giác của ta đã bị đánh lừa dễ dàng như thế nào và quá trình cải thiện nó ra sao?

Nếu trong năm nay bạn chỉ được đọc một cuốn sách, tôi khuyên bạn nên chọn cuốn này” – đó là lời nhận xét của Janice Gross Stein trên tờ The Globe and Mail, và đây không hẳn là một lời tâng bốc quá đáng. Cũng như các kiến thức về việc duy trì một cơ thể tốt chưa bao giờ là thừa, việc hiểu về tâm trí của chúng ta cũng vậy. Hiểu về hai quá trình tư duy nhanh và chậm và cách chúng bổ trợ cho nhau, chính là bước đầu tiên trong việc rèn luyện trí não để đi đến những quyết định sáng suốt hơn mỗi ngày. 

You may also like

Leave a Comment