“Hoàng hậu Đỏ” là cuốn sách về tình dục và bản tính người dưới con mắt của một nhà động vật học đã dành 3 năm chỉ để quan sát một loài chim rồi đặt ra những câu hỏi tại sao cho các vấn đề của loài người. Đoạn trích dưới đây trong cuốn sách sẽ cho bạn thấy một góc nhìn khoa học về việc “cắm sừng”.
Tuy nhiên, những anh chồng bị cắm sừng không chỉ đứng đó và chấp nhận sự sắp đặt của tiến hóa thậm chí cho đến khi gen của anh ta bị tuyệt chủng. Birkhead và Møller nghĩ rằng nhiều hành vi của chim trống có thể được giải thích bằng giả định rằng chúng liên tục ở trong nỗi sợ việc vợ ngoại tình. Chiến lược đầu tiên của chúng là bảo vệ người vợ trong thời kỳ có khả năng thụ thai (khoảng một ngày trước khi mỗi quả trứng được đẻ ra). Nhiều con chim trống làm điều này. Chúng đi theo bạn tình của mình khắp mọi nơi, vì vậy con chim mái đang xây tổ thường có chim trống đồng hành trên mỗi bước nhưng không bao giờ giúp một tay; nó chỉ quan sát thôi. Khi chim mái hoàn thành việc đẻ một ổ trứng, chim trống buông lỏng cảnh giác và bắt đầu tự mình tìm kiếm cơ hội ngoại tình.
Nếu một con chim én trống không thể tìm thấy bạn đời của mình, nó thường kêu một tiếng rất to, khiến cho tất cả những con én xung quanh giật mình và bay lên không trung, làm gián đoạn hiệu quả mọi hành động ngoại tình đang diễn ra. Nếu cặp đôi vừa được đoàn tụ sau một thời gian chia ly hoặc nếu có một con trống lạ xâm nhập lãnh thổ và bị đuổi ra ngoài, con trống thường sẽ giao phối với vợ của mình ngay sau đó, như để đảm bảo rằng tinh trùng của nó luôn sẵn sàng cạnh tranh với tinh trùng của kẻ xâm nhập.
Việc này nói chung là hiệu quả. Những loài thực hiện việc canh chừng bạn đời hiệu quả sẽ giữ tỉ lệ ngoại tình ở mức thấp. Nhưng một số loài không thể canh chừng này. Chẳng hạn như loài diệc và chim săn mồi, vợ chồng tách nhau gần như cả ngày, một con bảo vệ tổ trong khi con còn lại tìm kiếm thức ăn. Những loài này có đặc trưng là việc giao phối cực kỳ thường xuyên. Chim ưng có thể giao phối hàng trăm lần để tạo ra một ổ trứng. Điều này không ngăn cản được việc ngoại tình, nhưng ít nhất cũng làm giảm bớt phần nào.
Giống như diệc và chim én, con người sống theo cặp một vợ một chồng trong các vùng lãnh thổ rộng. Những người cha giúp nuôi dưỡng những đứa con bằng cách cung cấp thức ăn hoặc tiền bạc. Và quan trọng nhất là do phân công lao động theo giới tính đặc trưng cho các xã hội săn bắt hái lượm trước kia (nói rộng ra, đàn ông săn bắt, phụ nữ hái lượm), cả hai giới tách rời nhau phần lớn thời gian. Vì vậy, phụ nữ có rất nhiều cơ hội ngoại tình, và đàn ông có rất nhiều động cơ để canh giữ bạn đời hoặc quan hệ tình dục thời xuyên với họ nếu không canh chừng được.
Chứng minh rằng ngoại tình là một vấn đề kinh niên ở khắp các xã hội loài người, chứ không phải là một hiện tượng khác thường của các khu chung cư hiện đại ở Anh gặp khó khăn một cách ngược đời: thứ nhất, bởi vì câu trả lời rõ ràng đến nỗi không ai nghiên cứu về nó, và thứ hai, bởi vì đó là một bí mật mà mọi người đều che giấu và do đó gần như không thể tìm hiểu. Quan sát những con chim thì dễ hơn nhiều.
Tuy nhiên, nhiều nỗ lực đã được thực hiện. Khoảng 570 người Aché ở Paraguay vẫn là những người săn bắt hái lượm cho đến năm 1971, và họ sống trong 12 bộ lạc. Sau đó, họ dần dần tiếp xúc với thế giới bên ngoài và bị dụ dỗ vào sống trong các khu bảo tồn của chính phủ do các nhà truyền giáo điều hành. Ngày nay, họ không còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn là thịt săn được và hoa quả hái được mà tự nuôi trồng hầu hết thức ăn trong vườn. Nhưng khi phần lớn thức ăn của họ vẫn còn phụ thuộc vào kỹ năng săn bắt của đàn ông, Kim Hill của Đại học New Mexico đã nhận thấy một mẫu hình rất thú vị. Đàn ông Aché sẽ tặng bất kỳ miếng thịt dự trữ nào mà họ kiếm được cho người phụ nữ mà họ muốn quan hệ tình dục. Họ không làm như vậy để nuôi những đứa trẻ có thể là con họ mà chỉ để thanh toán trực tiếp cho một cuộc “vui vẻ”. Không dễ để khám phá ra điều này. Dần dần, Hill buộc phải loại bỏ các câu hỏi về ngoại tình trong các nghiên cứu của ông vì người Aché, dưới ảnh hưởng của truyền giáo, ngày càng khó chịu khi được hỏi về chủ đề này. Các tộc trưởng và những người đứng đầu đặc biệt miễn cưỡng khi nói về nó, một điều hầu như không ngạc nhiên trước thực tế rằng họ là những người ngoại tình nhiều nhất. Tuy nhiên, dựa vào những tin đồn, Hill vẫn có thể chắp nối để tìm ra một mẫu hình ngoại tình ở người Aché. Đúng như dự đoán, ông thấy rằng những người đàn ông có địa vị cao có dính dáng nhiều nhất, nhất quán với tư tưởng vừa muốn hưởng mọi lợi ích về di truyền khi làm cha vừa không phải trả giá gì. Song, khác với loài chim, không chỉ vợ của những người đàn ông có cấp bậc thấp mới ngoại tình. Đúng là đàn ông Aché ngoại tình liên tục tặng thịt làm quà cho tình nhân, nhưng Hill nghĩ rằng động cơ quan trọng nhất là phụ nữ Aché không ngừng chuẩn bị cho khả năng họ sẽ bị chồng ruồng bỏ. Họ đang xây dựng các mối quan hệ thay thế và có nhiều khả năng không chung thủy nếu cuộc hôn nhân có chiều hướng xấu đi. Cái đó tất nhiên là con dao hai lưỡi: Cuộc hôn nhân có thể tan vỡ nếu vụ việc bị phát hiện.
Dù động cơ của phụ nữ là gì, Hill và những người khác tin rằng việc ngoại tình có ảnh hưởng trong quá trình tiến hóa của hệ thống kết đôi ở loài người đã không được nhấn mạnh đúng mức. Trong các xã hội săn bắt hái lượm, lũ đàn ông cơ hội sẽ dễ thỏa mãn hơn nhiều khi ngoại tình so với việc có nhiều vợ. Chỉ có hai xã hội săn bắt hái lượm là theo chế độ đa thê, mà hoặc phổ biến hoặc cực đoan. Trong các xã hội còn lại, hiếm khi tìm thấy một người đàn ông có nhiều hơn một vợ và rất hiếm người đàn ông nào có nhiều hơn hai vợ. Có hai trường hợp ngoại lệ chứng minh quy luật này. Một là những người da đỏ châu Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương, vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp cá hồi dồi dào và có vẻ giống nông dân hơn là những người săn bắt hái lượm trong khả năng tích trữ thực phẩm dư thừa. Trường hợp thứ hai là một vài bộ lạc thổ dân Úc có chế độ đa thê lão trị: Đàn ông không kết hôn cho đến năm 40 tuổi, và ở tuổi 65, họ thường có tới 30 người vợ. Nhưng hệ thống kỳ lạ này khác xa với vẻ bề ngoài của nó. Mỗi ông già đều có những anh chàng trợ lý trẻ tuổi hơn giúp đỡ, bảo vệ và hỗ trợ kinh tế cho ông ta, đổi lại, họ được ông ta trả công bằng nhiều thứ, trong số đó có việc làm ngơ cho họ ngoại tình với các bà vợ của mình. Ông lão ngó lơ khi đứa cháu trai được việc dan díu với một trong những cô vợ trẻ tuổi của mình.
Chế độ đa thê rất hiếm trong các xã hội săn bắt hái lượm, nhưng ngoại tình là phổ biến ở bất cứ nơi đâu. Do đó, tương tự với loài chim sống thành đàn theo từng cặp một vợ một chồng, người ta tin rằng con người thực hiện hoặc việc bảo vệ bạn đời hoặc việc giao hợp thường xuyên. Richard Wrangham đã suy đoán rằng con người thực hiện việc bảo vệ bạn đời trong khi vắng mặt. Đàn ông nhờ người khác để mắt đến vợ của mình. Nếu người chồng đi săn cả ngày trong rừng, anh ta có thể hỏi mẹ hoặc hàng xóm xem vợ anh ta làm gì trong ngày. Trường hợp những người lùn châu Phi mà Wrangham nghiên cứu, tin đồn đầy rẫy và cơ hội tốt nhất cho người chồng ngăn cản việc ngoại tình của vợ là cho cô ấy biết rằng anh ta luôn cập nhật các tin đồn. Wrangham tiếp tục quan sát và thấy rằng điều này không thể thực hiện nếu không có ngôn ngữ, vì vậy ông đã suy đoán sự phân chia lao động theo giới tính, tổ chức hôn nhân để nuôi dưỡng con cái và việc phát minh ra ngôn ngữ, ba đặc điểm cơ bản nhất của loài người không giống với bất kỳ loài vượn nào, tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau.
——————-
Hoàng hậu Đỏ là cuốn sách về tình dục và bản tính người dưới con mắt của một nhà động vật học đã dành 3 năm chỉ để quan sát một loài chim rồi đặt ra những câu hỏi tại sao cho các vấn đề của loài người. Theo đó, Matt Ridley chỉ ra rằng quan niệm tiến hoá là nấc cao hơn và là điều tốt trong sinh học chẳng qua là một giả định sai lầm vì giữ nguyên hiện trạng mới là tiêu chuẩn của tiến hoá. Trong tự nhiên, mọi loài đều cố giữ cho mức đột biến thấp nhất, tức giữ cho sự thay đổi không xuất hiện. Tiến hoá chỉ diễn ra khi sinh vật không duy trì được điều đó nữa. Vậy điều gì đã thúc đẩy tiến hoá xảy ra?
Không thể phủ nhận sự thay đổi môi trường sống (nhiệt độ tăng hoặc giảm, thiên tai) có tác động không nhỏ đến tiến hoá, thế nhưng nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy tiến hoá được Matt Ridley lập luận là do ký sinh trùng (dịch bệnh). Cái chết hàng loạt diễn ra nhanh trên diện rộng đều có chung “hung thủ” là vật ký sinh. Để chống lại điều đó, sinh vật phải lựa chọn giữa 2 phương án: thay đổi hay là chết. Và khi sinh vật tiến hoá nhằm chống lại vật ký sinh thì vật ký sinh lại tiến hoá để phá lớp phòng ngự mới được tạo dựng. Cứ như thế tiến hoá không khác nào “cuộc chạy đua vũ trang” và kết quả của tiến hoá là tình trạng giậm chân tại chỗ. Đó cũng là nguyên lý của thuyết Hoàng hậu Đỏ. Do vậy “thế giới luôn quay lại điểm xuất phát, có sự thay đổi nhưng không có sự tiến bộ”.