Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG. Ông Bình cho rằng, Nhà nước cùng các cơ quan ban ngành chức năng, các đơn vị truyền thông một mặt vẫn nên khuyến khích người trẻ hướng đến khởi nghiệp, lập nghiệp; mặt khác cũng cần thẳng thắn thông tin về rủi ro và tỷ lệ thất bại của việc khởi nghiệp khi những người trẻ còn quá non nớt về mặt kiến thức, kinh nghiệm. Cần phát triển cung cấp thêm nền tảng để tăng sự vững chắc của các
Nhìn về những cuộc thi khởi nghiệp
Vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp phát triển rất mạnh mẽ trên toàn quốc. Các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức ở nhiều trường đại học, nhiều thành phố, địa phương trên cả nước. Các bộ ban ngành, đài truyền hình địa phương và quốc gia cũng liên tục nhau có các gameshow về khởi nghiệp.
Tôi cũng là một người tham gia nhiều vào các hoạt động này, khi trong gần 10 năm qua triển khai xuất bản hàng chục cuốn sách về khởi nghiệp, trong đó rất thành công với cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” hay các cuốn sách về tư duy, mô hình kinh doanh như “Chiến lược Đại dương Xanh” và “Tạo lập mô hình kinh doanh”. Tôi cũng tham gia các chương trình khuyến khích khởi nghiệp, kinh doanh trên truyền hình như “Làm giàu không khó”, “Chìa khóa thành công”, và trực tiếp đầu tư, điều hành một số dự án startups với các bạn trẻ.
Bên cạnh sự lạc quan ban đầu, thì càng gần đây, tôi thấy lo lắng nhiều hơn cho những bạn trẻ tham gia vào phong trào này. Tôi cũng lo lắng cho những nhà đầu tư, cho các doanh nghiệp, thậm chí cả cho những doanh nghiệp không liên quan gì đến phong trào này. Và tôi muốn liệt kê ra ở đây những lý do khiến tôi có suy nghĩ đó.
Thứ nhất là do thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ khởi nghiệp thất bại ở các cuộc thi, phong trào này rất cao, đâu đó 80- 90% thậm chí là 95% các ý tưởng khởi nghiệp đều thất bại theo hình thức này hay hình thức khác. Thất bại này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, mà không phải lúc nào cũng như mọi người nói “thất bại là mẹ thành công”. Thất bại ở đây chính là mất đi tiền bạc của bản thân các em, của gia đình và của các doanh nhân đầu tư trong quá trình khởi nghiệp. Thất bại còn bao gồm cả việc làm lụi tàn đi sự khao khát, sự vươn lên và những tính cách khác của các em trong những năm tháng khởi nghiệp đầy vất vả này. Tôi thấy thương khi chứng kiến nhiều em thấy bế tắc và chịu những tổn thất cả về vật chất và tổn thương tinh thần khi thất bại. Quá nhiều lời ca ngợi cho những startup thành công, những kỳ lân, unicorn mà quá ít những động viên, những tư vấn cho những case thất bại.
Thứ hai, khi có một lực lượng lớn các bạn trẻ đổ xô đi khởi nghiệp, các doanh nghiệp mất đi một nguồn lao động lớn tương đối có chất lượng. Bản thân các bạn trẻ khởi nghiệp cũng khó đạt được thành công đáng kể (nguyên nhân chính là thiếu kiến thức, kinh nghiệm điều hành phát triển doanh nghiêp) thành ra chúng ta có rất nhiều những công ty li ti, nho nhỏ, cùng lắm là vừa vừa thôi.
Thứ ba là sự lãng phí các nguồn lực xã hội khác. Tôi nhìn thấy rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật quan trọng trong chính phủ và các cơ quan ban ngành chức năng dành quá nhiều thời gian cho phong trào khởi nghiệp, trong khi nhiều mảng phát triển doanh nghiệp, kinh tế quan trọng khác lại bị bỏ sót, không được quan tâm, đầu tư đích đáng.
Bản chất và mục đích của khởi nghiệp chỉ là thúc đẩy một cách thức để phát triển nền kinh tế mạnh và năng động, nhưng với một nguồn lực ít ỏi như ở Việt Nam, bao gồm cả vốn, tiền bạc, con người; thì cần phải tiết kiệm. Liệu có đúng không nếu chúng ta đầu tư vào những thứ mà xác suất thất bại rất cao, lên đến 80-90%. Những quyết định đầu tư vào như vậy không phải lúc nào cũng là những quyết định sáng suốt.
Tôi nghĩ điều nên làm hơn lúc này, khi phong trào khởi nghiệp đang lan rộng đó là Nhà nước, xã hội nên đầu tư vào những dự án hiện nay, đầu tư vào phát triển các doanh nghiệp đã chứng minh được khả năng tồn tại và phát triển của mình; đồng thời đây cũng là môi trường rèn giũa hiệu quả cho các bạn trẻ, trước khi chính thức khởi nghiệp. Và tôi nghĩ việc đầu tư vào những doanh nghiệp này sẽ có xác suất thành công lớn hơn nhiều, ít nhất là gấp đôi so với đầu tư cho những dự án khởi nghiệp.
Theo tôi, những nguồn lực này nên chia theo tỷ lệ: 50% dành cho các tập đoàn lớn, 45 % dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và chỉ cần 5% cho khởi nghiệp mà thôi, chứ không phải như hiện nay.
Điểm then chốt thứ hai là phải nuôi dưỡng đội ngũ điều hành chuyên nghiệp. Nhìn ra các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ, tôi thấy đó là quốc gia sản sinh ra hàng loạt những nhà điều hành lớn, đang giữ vai trò quan trọng của những tập đoàn lớn trên thế giới từ Microsoft đến Google…
Bên cạnh đó, theo kết quả thống kê tại các quốc gia phát triển trên thế giới, độ tuổi khởi nghiệp thành công giao động từ 35-40 tuổi, thậm chí 45 tuổi. Đây là giai đoạn người khởi nghiệp tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như vốn liếng để có thể khởi nghiệp thành công. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, một số người đã khởi nghiệp và gặt hái thành công ở độ tuổi trẻ hơn. Nhưng số lượng các doanh nhân này chỉ chiếm phần thiểu số.
Vì vậy, với phong trào khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam, cùng với việc khuyến khích người trẻ hướng đến khởi nghiệp, lập nghiệp; Nhà nước và các cơ quan chức năng nên thẳng thắn về tỷ lệ thành bại của việc khởi nghiệp khi còn quá non nớt về mặt kiến thức, kinh nghiệm; khuyến khích họ học tập trau dồi trong các môi trường kinh doanh/các doanh nghiệp khác, cho đến khi chín muồi thì mới khởi nghiệp. Đồng thời cần dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển những nền tảng hậu thuẫn cho các startups như tri thức, kiến thức, kinh nghiệp, không gian, tư vấn, hỗ trợ…
Nền tảng cho sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp
Sự thành công của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, thậm chí cả nền kinh tế còn phụ thuộc vào một nền tảng vô cùng quan trọng, đó là nền tảng kiến thức và tư duy về quản trị kinh doanh, tri thức, đặc biệt là tri thức về công nghệ trong thời đại công nghệ phát triển bùng nổ như hiện nay.
Ở khía cạnh này, tôi nhìn thấy những khoảng trống khổng lồ về tri thức đặc biệt là tri thức về khoa học công nghệ ở Việt Nam. Nền tảng trí thức về công nghệ không hề tương xứng với phong trào khởi nghiệp và môi trường kinh doanh. Sách về STEM, về khoa học, kĩ thuật, công nghệ quá ít ỏi, không giúp được các em học sinh, sinh viên trưởng thành có tình yêu với khoa học, có một nền tảng kiến thức hiện đại tương xứng với học sinh, sinh viên trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta hầu như chỉ nói về cái ngọn, mà thiếu đi những vun trồng vào cái gốc rễ, đó là nền tảng khoa học công nghệ và con người lao động có tư duy khoa học, hiện đại.
Xa hơn nữa toàn bộ hệ thống giáo trình đại học ở hầu hết các trường đại học hiện nay đang rất lạc hậu. Khi trở về trường Đại học Bách khoa, cũng như vào một số trường đại học khác, tôi thấy chỉ có mảng giáo trình kinh tế còn có đôi chút đổi mới và hiện đại; còn ở hầu hết các mảng khác thì chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng giáo trình từ nhiều năm trước. Không hề có những cuốn sách Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, AI, Big Data, Tự động hóa… hiện đại được cập nhật của thế giới đưa về. Với những kiến thức lạc hậu và chất lượng không cao như vậy, sẽ càng khó cho những startups vượt qua những khó khăn của thuở ban đầu.
Điều này đặt ra yêu cầu tổng thể về mặt giáo dục, đào tạo, tự đào tạo nhằm được trang bị đầu đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người khởi nghiệp. Trong khả năng nhỏ bé của mình, để góp phần nâng tầm tri thức cho lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng và người lao động nói chung, nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển đổi số, hiện nay cá nhân tôi và Alpha Books đang làm, đó là mang những tri thức có chiều sâu từ thế giới về thông qua con đường xuất bản. Hiện nay, sách Alpha Books cung cấp ra thị trường không chỉ là những ấn phẩm liên quan đến kiến thức kinh doanh, quản lý nói chung như sales, marketing, nhân sự, thương hiệu… mà chúng tôi đang phát triển các sản phẩm có chiều sâu hơn thế, có tính thực tiễn hơn. Đó là các case study, những đề án startups trên thế giới và của Việt Nam, các đề tài nghiên cứu, các phân tích thị trường của thế giới từ các chuyên gia và nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới như Harvard Business Review, và cả những bài học kinh nghiệm đầy thực tiễn, xương máu của các doanh nhân Việt Nam.
Xa hơn nữa đó là tri thức về những phát minh, sáng chế, đề tài khoa học…, để người Việt có thể thừa hưởng, kế tục nhanh chóng bắt kịp những thành quả từ các các quốc gia tiên tiến và rút ngắn con đường đi đến thành công. Chúng tôi kỳ vọng các bạn trẻ lứa tuổi 12-17 được tiếp cận dòng chảy này và sẽ sớm hình thành nên những ý tưởng, công nghệ, startup mới, hoà nhập vào dòng chảy thế giới.
Nguyễn Cảnh Bình
Nguồn Cafebiz