Trích dẫn chương 1, cuốn sách “Sống Tối Giản – Tối Thiểu Để Đạt Tối Đa”
Tủ Quần Áo Nói Gì Với Bạn?
Will Rogers từng nói: “Có quá nhiều người đang tiêu xài số tiền không phải do họ kiếm ra để mua những thứ họ không muốn nhằm gây ấn tượng với những người họ không thích”. Nhận định này đúng với con người trong xã hội ngày nay hơn là xã hội ở thời điểm khi nó được phát biểu lần đầu. Và tôi cho rằng nhận định này cũng đúng ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Nhưng hãy để tôi lấy nước Mỹ, đất nước của tôi, làm ví dụ để phân tích cho bạn hiểu hơn về điều này.
Ở Mỹ, chúng tôi tiêu thụ lượng hàng hóa tiêu dùng nhiều gấp đôi so với năm mươi năm trước. Cũng trong giai đoạn đó, diện tích nhà ở trung bình tại Mỹ đã tăng gần gấp ba, và ngày nay một căn nhà bình thường của người Mỹ có thể chứa khoảng ba trăm ngàn món đồ. Tính bình quân thì mỗi gia đình ở Mỹ có số lượng ti-vi nhiều hơn số nhân khẩu trong nhà. Và Bộ Năng lượng Mỹ báo cáo rằng 25% số gia đình sở hữu ga-ra có sức chứa hai chiếc ô-tô vẫn không có chỗ đậu xe vì ga-ra của họ chứa quá nhiều đồ đạc bừa bộn, và 32% chỉ có đủ chỗ đậu cho một chiếc xe. Dịch vụ sắp xếp nhà cửa, có chức năng tìm chỗ cho toàn bộ đống đồ bừa bộn của chúng ta, giờ đang là ngành kinh doanh trị giá tám tỷ đô-la với tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm ở Mỹ. Thêm vào đó, cứ mười hộ gia đình Mỹ lại có một hộ phải thuê nhà kho bên ngoài, đây là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong ngành bất động sản thương mại tại Mỹ trong bốn mươi năm qua.
Thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người Mỹ gặp vấn đề nợ nần cá nhân. Mức nợ thẻ tín dụng bình quân của một hộ gia đình ở Mỹ là hơn 15.000 đô-la, còn khoản nợ vay mua nhà đất có thế chấp bình quân lên đến hơn 150.000 đô-la.
Tôi sẽ ngừng mớ thống kê đáng sợ này tại đây, vì tôi không muốn làm bạn hoảng sợ. Bên cạnh đó, bạn không cần đến số liệu thống kê hay điều tra cụ thể ở đất nước mình thì bạn mới nhận ra là rất có thể bạn đã sở hữu quá nhiều đồ đạc. Bạn có thể nhận thấy điều đó khi đi loanh quanh nhà mình mỗi ngày. Không gian sống của bạn ngập ngụa đồ đạc đủ loại. Sàn nhà của bạn có bao nhiêu là thứ. Tủ quần áo thì chật cứng. Các hộc tủ thì đầy ắp. Ngay cả tủ lạnh cũng không đủ chỗ cho bạn chứa hết lượng thực phẩm mà bạn muốn cất trong đó. Và dường như có bao nhiêu tủ đựng đồ cũng không đủ.
Tôi nói có đúng không?
Có lẽ bạn thích hầu hết những món đồ bạn đang sở hữu, song tôi đoán bạn cũng cảm thấy số lượng đồ đạc như thế là quá nhiều và bạn muốn làm gì đó để giải quyết vấn đề này. Nhưng làm sao để biết thứ gì nên giữ và thứ gì cần bỏ? Phải làm thế nào để loại bỏ những món đồ không cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình? Khi nào thì bạn mới biết mức độ tích trữ đồ đạc của mình đã chạm mốc?
Có lẽ bạn chọn quyển sách này vì hy vọng sẽ tìm được vài gợi ý giúp bạn tinh gọn đồ đạc trong nhà. Bạn sẽ tìm thấy thôi, tôi hứa đấy. Nhưng ngoài ra thì còn nhiều điều hay ho khác nữa! Tôi sẽ chỉ cho bạn cách tìm thấy cuộc sống mà bạn mong muốn, cuộc sống đang bị vùi lấp dưới đống đồ đạc bạn đang sở hữu. Đó là dựa vào thông điệp “có ít mà được nhiều” với sự nhấn mạnh vào phần được nhiều.
Thành quả mà bạn có được không chỉ là một ngôi nhà gọn gàng, mà còn là một cuộc sống ý nghĩa hơn và khiến bạn thấy hài lòng hơn. Tối giản là chiếc chìa khóa không thể thiếu để mở cánh cửa đến với cuộc sống tốt đẹp hơn mà bạn tìm kiếm bấy lâu nay.
Tôi sẽ thành thật với bạn. Từ tận đáy lòng, tôi ấp ủ một ước mơ lớn lao dành cho quyển sách này: Tôi muốn giới thiệu cách sống tối giản đến với cả thế giới. Trung bình một ngày chúng ta bắt gặp khoảng năm ngàn mẩu quảng cáo không ngừng ám thị ta hãy mua thêm, mua thêm đi; có thể ở nước bạn hơi khác nhưng tại Mỹ quê tôi là thế. Vì vậy, tôi muốn trở thành tiếng nói thúc giục mọi người mua sắm ít lại, vì thế giới của chúng ta sẽ nhận được nhiều lợi ích to lớn khi hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người thay đổi được đời mình nhờ sống tối giản.
Lợi Ích Chung Của Lối Sống Tối Giản
Khi sở hữu ít đi, chúng ta sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn so với khi theo đuổi quá nhiều thứ. Trong một thế giới liên tục thôi thúc chúng ta mua thêm và thêm nữa, chúng ta thường không nhận ra được cám dỗ này. Nhưng hãy nghĩ đến những lợi ích mà bạn sẽ có được từ lối sống mới. Khi thực hiện theo các nguyên lý của lối sống tối giản được nêu trong quyển sách này, bạn sẽ đạt được thành quả trong từng lĩnh vực sau:
Có nhiều thời gian và năng lượng hơn: Những món đồ mà chúng ta sở hữu khiến chúng ta tiêu tốn nhiều thời gian và năng lượng, nào là kiếm tiền để sắm sửa, tìm hiểu để chọn mua, dọn dẹp và sắp xếp, sửa chữa, thay thế hoặc bán chúng đi. Vậy nên có càng ít đồ đạc thì chúng ta càng có thêm thời gian và năng lượng để dành cho những nhu cầu thật sự quan trọng và có ý nghĩa với chúng ta.
Có nhiều tiền hơn: Điều này rất đơn giản và dễ hiểu. Mua sắm ít lại thì bớt tốn tiền hơn. Không chỉ bớt tốn tiền sắm sửa đồ đạc mà còn tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng nữa. Có lẽ con đường dẫn đến tự do tài chính của bạn không phải là kiếm nhiều tiền hơn, mà là sở hữu ít đi.
Trở nên hào phóng hơn: Lối sống ít tốn kém, ít tích trữ đồ đạc giúp chúng ta có thể dành tiền bạc cho những điều mình quan tâm. Tiền của chúng ta có giá trị bằng với giá trị của những điều ta dùng tiền để thực hiện, và có vô số điều đáng để ta bỏ tiền ra làm hơn nhiều so với việc tích lũy vật chất.
Trở nên tự do hơn: Đồ đạc dư thừa có thể biến ta thành nô lệ của chúng về mặt thể chất, tâm lý lẫn tài chính. Đồ đạc thường cồng kềnh và khó di chuyển. Chúng đè nặng lên tâm hồn ta và khiến ta thấy nặng nề. Thế nên, mỗi lần bỏ đi một món đồ không cần thiết, ta sẽ giành lại được một chút tự do.
Giảm bớt căng thẳng: Cứ thêm một món đồ là cuộc sống của chúng ta lại tăng thêm một chút lo lắng. Hãy thử tưởng tượng hai căn phòng: một căn bừa bộn và lộn xộn, còn căn kia thì gọn gàng và ít đồ đạc. Căn phòng nào khiến bạn cảm thấy lo âu? Căn phòng nào giúp bạn thấy bình tĩnh? Lộn xộn + thừa mứa = căng thẳng.
Ít bị phân tâm: Mọi thứ đồ đạc quanh ta đều tranh nhau đòi ta phải chú ý. Những sự phân tâm nhỏ này có thể dồn lại, tạo thành một mối phiền nhiễu lớn. Sự phiền nhiễu đó ngăn ta tập trung vào những thứ mình thật sự quan tâm. Và trong cuộc sống tất bật thời nay, ai lại cần thêm những mối bận tâm cơ chứ?
Giảm tác động tiêu cực đến môi trường: Tiêu thụ quá mức đẩy nhanh tốc độ tàn phá tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta tiêu thụ càng ít thì những tổn hại ta gây ra cho môi trường sẽ càng giảm, và điều đó có lợi cho mọi người, trong đó có thế hệ con cháu của chúng ta.
Dùng đồ có chất lượng cao hơn: Càng ít tiêu tiền cho những thứ thừa thãi, bạn càng có cơ hội mua những món đồ chất lượng khi cần. Sống tối giản không nhất thiết là phải tằn tiện. Triết lý của lối sống tối giản cho rằng sở hữu nhiều đồ đạc không hẳn sẽ tốt hơn mà sở hữu những món đồ chất lượng hơn mới là tốt hơn.
Trở thành tấm gương tốt cho con cái: Điều bạn hay nói cho con cái nghe nhiều nhất là gì? Có phải là “Cha mẹ yêu con” không? Hay là “Cha mẹ muốn cái kia”, “Món này đang được khuyến mãi”, hoặc “Đi mua sắm nào!”? Làm gương cho con cái là rất quan trọng để giúp chúng có khả năng kháng lại lối sống mất kiểm soát đang được quảng bá nhan nhản ngoài kia.
Giảm bớt việc cho người khác: Nếu không nỗ lực phân loại và cắt giảm đồ đạc của mình, vậy thì đến lúc chúng ta qua đời hoặc không thể tự chăm lo cho bản thân nữa, có người (rất có thể là một người thân thiết) phải nhận lấy gánh nặng này. Lối sống tối giản của chúng ta sẽ giúp người khác được nhẹ nhàng hơn.
Ít so sánh hơn: So sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của những người xung quanh là khuynh hướng tự nhiên của con người. Thêm vào đó, sự thật là chúng ta thường có khát khao gây ấn tượng với người khác bằng cách sở hữu thật nhiều đồ, càng nhiều càng tốt. Chúng ta không biết rằng đó chính là công thức tạo ra thảm họa. Quyết tâm sở hữu ít đi sẽ dần đưa ta thoát khỏi trò ganh đua mà chẳng ai có thể giành phần thắng.
Cảm thấy mãn nguyện hơn: Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng mình có thể giải quyết nỗi bất mãn bằng cách sắm một món đồ mà nếu thiếu nó thì có lẽ ta sẽ không được vui. Nhưng của cải, vật chất sẽ không bao giờ khiến ta hoàn toàn thỏa mãn được những khao khát trong lòng. (Đó là vì sao sau mỗi lần mua sắm, ta thường nhanh chóng thấy bất mãn trở lại.) Chỉ khi nào ta quyết tâm phá vỡ vòng lẩn quẩn “mua, mua nữa, mua mãi” thì ta mới có thể bắt đầu nhận thức được những nguyên nhân thật sự gây ra sự bất mãn trong cuộc sống của mình.
Có nhiều thời gian và tiền bạc hơn, đỡ căng thẳng, ít bị phân tâm, lại tự do hơn nữa…, nghe thật hấp dẫn đúng không? Trong phần còn lại của quyển sách này, bạn sẽ còn đọc được nhiều hơn về những chủ đề trên, vì tôi sẽ hướng dẫn bạn cách biến những lợi ích chung nói trên thành của riêng mình.
Ngoài những lợi ích chung nói trên, mỗi người chúng ta sẽ còn đạt được nhiều lợi ích cá biệt nhờ thực hành lối sống tối giản. Loại bỏ những thứ không cần thiết là bước đầu trong việc tạo nên cuộc sống bạn mong muốn.
Thực Hiện Những Đam Mê Cháy Bỏng
Khi đón nhận lối sống tối giản, chúng ta ngay lập tức được tự do để theo đuổi những đam mê cháy bỏng nhất của mình. Đối với vài người trong số chúng ta, hẳn là lâu lắm rồi ta mới có được nguồn lực cần có để theo đuổi những niềm vui trong cuộc sống, bất kể chúng ta định nghĩa những niềm vui đó như thế nào. Sống đơn giản hơn giúp chúng ta có thêm thời gian dành cho các hoạt động ý nghĩa, được tự do hơn để đi đây đi đó, hiểu rõ hơn những khát khao của tâm hồn, năng lực tư duy được tăng cường để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, có nguồn tài chính dồi dào hơn để ủng hộ cho những gì mình tin tưởng và linh hoạt hơn để theo đuổi sự nghiệp mình mơ ước.
Đối với tôi, đam mê mà tôi được tự do theo đuổi là mời gọi nhiều người khác cùng khám phá những lợi ích của lối sống tối giản. Theo cách nào đó, tôi cảm thấy mình muốn đóng vai anh hàng xóm trong cuộc đời người khác. Tôi rất biết ơn bà June, hàng xóm của tôi vì đã giới thiệu cho tôi biết về lối sống tối giản. Tôi cũng thấy rất biết ơn khi mình có cơ hội truyền đạt lối sống ấy cho người khác.
Các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn là một phần quan trọng trong số những lợi ích tôi đạt được nhờ sống theo chủ nghĩa tối giản. Tôi thích có thêm thời gian rảnh để ở bên gia đình nhỏ của mình, cũng như ở bên người thân và bạn bè. Tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà thờ, tình nguyện làm nhiều việc mình từng làm khi còn phục vụ trong nhà thờ. Đồng thời, tôi được thoải mái theo đuổi mối quan hệ của mình với Đấng Tạo hóa một cách tự do và ít bị phân tâm hơn, và điều này có ý nghĩa lớn lao đối với tôi.
Gần đây, tôi rất phấn khởi vì nhờ lợi nhuận thu được từ quyển sách này, vợ chồng tôi đã có thể thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên The Hope Effect (tạm dịch: Hiệu ứng Hy vọng). Nhiệm vụ của tổ chức này là thay đổi phương thức chăm sóc trẻ mồ côi trên thế giới bằng cách lập ra mô hình chăm sóc trẻ mồ côi có khả năng nhân rộng và mô phỏng hình thức gia đình. Khi nảy ra ý tưởng về tổ chức phi lợi nhuận này, tôi và Kim đã nói với nhau: “Sao lại không nhỉ? Ta hãy làm điều gì đó có ý nghĩa bằng nguồn tài chính của mình”. Vì các nhu cầu tiêu xài của chúng tôi chỉ ở mức tối thiểu, nên chúng tôi có đủ nguồn tài chính để lo liệu cho dự án này. Tôi sẽ kể chi tiết hơn trong phần sau của sách.
Cuộc sống của tôi chính là bằng chứng cho thấy việc bỏ bớt những món đồ không cần thiết sẽ làm tăng cơ hội theo đuổi những điều ta quan tâm lên gấp bội. Kết quả là cảm giác thỏa mãn cũng sẽ tăng lên theo cấp độ lũy thừa. Có lẽ cuộc sống bạn hằng mong đang bị vùi lấp bên dưới đống đồ đạc bạn đang sở hữu đấy!
Vậy để tôi hỏi bạn nhé, những đam mê cháy bỏng nhất còn chưa được thực hiện của bạn là gì? Nếu giảm đồ đạc mình sở hữu đến mức tối thiểu, bạn sẽ có được tiềm lực để tận hưởng, theo đuổi và hoàn thành những đam mê nào? Bạn có muốn gắn kết sâu sắc hơn với những người thân yêu của mình hay không? Bạn có muốn ngắm nhìn thế giới này?
Bạn có muốn làm ra các tác phẩm nghệ thuật? Còn việc cải thiện sức khỏe thể chất, có được sự đảm bảo về tài chính, hay cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp thì sao?
Hãy ghi nhớ những ước mơ đó, vì đó chính là mục đích của quyển sách này. Quyển sách bạn đang cầm trên tay không chỉ xoay quanh việc sở hữu ít đồ đạc hơn, mà trên hết, còn nói về việc ta có thể sống một cuộc đời ý nghĩa hơn!
Trạm Đọc trích đăng | Nguồn ảnh sưu tầm