TƯ VẤN TÂM LÝ LIỆU CÓ ĐÁNG SỢ?

by admin

Đã bao giờ bạn tự hỏi, liệu mình có đang gặp vấn đề về tâm lý, các bệnh lý về tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,… hay chỉ giản đơn là mắc kẹt trong những tình huống mà bản thân chẳng thể đưa ra hướng giải quyết và rồi cứ thế, chúng ta chôn vùi mình vào đầy rẫy sự âu lo và căng thẳng.

Bản thân mình phải tự thừa nhận rằng, dù được tiếp xúc với các kiến thức liên quan đến tâm lý học thông qua việc đọc sách, xem các video trên youtube, podcast,… Mình vẫn luôn e ngại khi đưa ra quyết định đi tư vấn tâm lý. Mình còn bị ảnh hưởng và chi phối bởi những định kiến xung quanh tác động lên, mang lại cho mình những suy nghĩ thật tệ hại. Thế rồi, tự nhiên lại có thêm một luồng suy nghĩ làm mọi thứ càng tệ hơn. Mình stress vì mình đang bị stress? Thật khó hiểu.

Ấy thế mà, mình vẫn lựa chọn đi tư vấn tâm lý, một phần vì mình không biết tìm đến ai nữa, phần còn lại là vì suy nghĩ “cứ thử một lần xem sao”, tệ lắm thì cũng buồn thêm một chút nữa thôi. Và rồi, trải nghiệm tham gia tư vấn tâm lý lần đầu tiên của mình bắt đầu.

QUÁ TRÌNH:

Mình lựa chọn tư vấn tâm lý thông qua hình thức online với chi phí là 300.000 cho 40 phút tư vấn. Theo mình, đây là một mức chi phí không quá cao nhưng cũng vừa đủ để một đứa sinh viên như mình phải cân nhắc.

Vì là tư vấn online nên tất cả các mục cần thiết cũng đều thực hiện thông qua các thao tác trên máy tính. Cụ thể hơn là từ việc mình đăng ký, thanh toán phí đến xác nhận tham gia thì đều qua Gmail, Zalo hoặc gọi điện trực tiếp qua điện thoại. Các thủ tục không quá phức tạp và cũng không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, về lịch tư vấn thì sẽ tùy thời điểm mà có được sắp xếp đúng chính xác với thời gian chúng ta mong muốn hay không. Đợt vừa rồi mình đăng ký, cũng phải dời lại một vài ngày vì lịch của bác sĩ đã kín.

Lúc nghe tin kín lịch, mình cũng ngỡ ngàng lắm. Bởi mình chỉ muốn trò chuyện với bác sĩ ngay lập tức thôi. Ấy thế mà một lúc sau mình nhận ra, ồ, cũng có nhiều người đang gặp phải các vấn đề tâm lý tương tự như mình. Rằng mình cũng không cô đơn giữa thành phố rộng lớn này.

Mình trò chuyện trực tiếp bác sĩ thông qua phần mềm Zoom. Bác sĩ bắt đầu cuộc trò chuyện với mình bằng lời chào và những câu hỏi thăm gần gũi. Rồi bác sẽ hỏi về vấn đề mình gặp phải. Trước đó, mình từng lo lắng sẽ không biết phải giải thích với bác sĩ như thế nào về câu chuyện của mình. Không biết bắt đầu từ đâu và ra sao. Làm sao để bác hiểu,… Nhưng mọi suy nghĩ ấy đã biến tan, bởi bác sĩ hiểu rõ những vấn đề đó. Bác làm cho cuộc trò chuyện nhẹ nhàng hơn rất nhiều, mình cũng nói ra những suy nghĩ và vấn đề mình đang trải qua mà không cần quá âu lo.

CẢM NHẬN:

Sau khi đi tư vấn tâm lý, chắc chắn là sẽ chưa có “liều thuốc thần” nào giúp mình quay trở lại tâm trạng vui vẻ ngay lập tức. Nhưng, điều mình cảm nhận được rõ rệt đó là sự cởi mở trong suy nghĩ và việc biết học cách chấp nhận. Tư vấn tâm lý với mình là một cuộc trò chuyện, điều đặc biệt ở đây là mình trò chuyện với những người chuyên về mặt tâm lý. Họ sẽ hiểu được mình đang gặp những vấn đề gì, sẽ cho mình một cái nhìn vừa học thuật nhưng cũng thực tế và không kém phần logic. Bác sĩ tâm lý đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều trường hợp với nhiều vấn đề khác nhau vì thế sẽ cho mình thêm cho mình nhiều góc nhìn mới mà mình có thể chưa nghĩ đến. Dĩ nhiên, tùy vào tình trạng của mỗi người, sẽ có thêm những sự thay đổi khác sau khi tư vấn tâm lý. Ví dụ như đối với người bị trầm cảm, sẽ cần gặp và tư vấn nhiều hơn cũng như là kết hợp với điều trị thuốc,…

KINH NGHIỆM:

Bản thân mình cũng tự đúc kết một số lưu ý sau khi đi tư vấn tâm lý, và điều nổi trội nhất đó là chúng ta hãy nghĩ đơn giản và xem đây như một buổi chuyện trò nhẹ nhàng gần gũi. Chúng ta gặp một người sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện của mình. Chúng ta có thể ghi chú một vài vấn đề chính quan trọng cần được bác sĩ tư vấn. Nếu lo lắng, chúng ta có thể chuẩn bị một cốc nước lọc hoặc các loại nước trái cây nhẹ mà ta yêu thích.

Cũng đừng đặt kỳ vọng quá nhiều, điều này đồng nghĩa với việc nghĩ đơn giản như ý ở trên. Một buổi trò chuyện với bác sĩ tâm lý, cũng không thể nào thay đổi được mình hoàn toàn, không thể nào chỉ sau 40 phút chuyện trò, chúng ta trở thành một con người khác với những năng lượng tích cực được.

Và chắc chắn rằng, không phải chỉ có những người bị trầm cảm, những người có bệnh về tâm lý mới đi tư vấn tâm lý.

GỢI Ý:

Mình cũng muốn gợi ý đến các bạn một số nội dung mà mình thấy cực kỳ hay và thú vị, hỗ trợ cho mình rất nhiều trong quá trình “chữa lành”.

Sách: Hiểu về trái tim – Thầy Minh Niệm; Yêu những điều không hoàn hảo – Đại đức Hae Min; Trầm lặng – Sức mạnh tiềm ẩn của người hướng nội – Susan Cain (dành cho những bạn có xu hướng hướng nội).

HAVE A SIP EP87: Chữa lành là trở về với chính mình để tìm thuốc – Thầy Minh Niệm, Thiền sư, Tác giả sách

Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết của mình,

You may also like

Leave a Comment