Chiếc áo cổ lọ đơn màu – sản phẩm thời trang mà không chỉ mình mà rất nhiều người đều công nhận là một thứ không thể thiếu trong tủ đồ, thứ mang tới sự sang trọng – gợi cảm và tinh tế theo nhiều khía cạnh khác nhau. Và chiếc áo cổ lọ đã luôn gắn liền với cách ăn mặc của loài người từ rất lâu rồi, từ những mục đích sử dụng vô cùng căn bản rồi từ đó gắn liền với thời trang, với các thương hiệu từ đại trà – trung cấp và cao cấp. Tất cả đều luôn hiện diện chiếc áo turtle neck trong collection của mình, không cách này thì cách khác.
Mục đích đầu tiên của chiếc áo cổ lọ đó chính là bảo vệ, bảo vệ phần cổ bao gồm tránh các tác nhân bên ngoài cũng như giữ ấm ở phần trọng yếu nhất cơ thể. Trang phục luôn được sử dụng phù hợp cho từng bối cảnh mà chúng được mặc – trong nhiều thế kỷ liền nhau, turtle neck luôn là một kiểu thiết kế thiết thực cho con người. Chúng xuất hiện từ thời Trung Cổ tại Châu Âu khi các chiến binh mặc áo cổ lọ bên dưới lắp giáp dày cộm để tránh bị xước cổ do ma sát với kim loại. Sau này, áo cổ lọ được tầng lớp công nhân sử dụng nhiều cũng vì mục đích như thế – giữ ấm và bảo vệ. Nhưng như chúng ta để ý, hầu hết áo cổ lọ đều được dành cho nam giới.
Cho đến tận năm 1900s thì áo cổ lọ bắt đầu được phụ nữ để ý tới và sử dụng. Do nó quá gắn liền với nam giới nên “nghiễm nhiên” trở thành thứ thời trang của nam giới – và các bạn đều biết những định kiến giới tính ngày xưa rất nặng nề trong cả lối sống, ăn mặc và thời trang. Đến khi các cuộc đấu tranh nổ ra và được tổ chức bởi những người phụ nữ trẻ/hiện đại/tân tiến, hình ảnh những nữ sinh đại học mặc áo cổ lọ cùng với váy dài đã bùng nổ trên xã hội lúc bấy giờ.
Bám sát vào cơ thể, khoe được những đường cong cơ thể cũng như một “Sự trần trụi tự nhiên nhưng không thô lỗ” – những người phụ nữ mặc áo cổ lọ luôn có một cảm giác cứng rắn và tự chủ hơn rất nhiều. Cũng vì thế mà vô hình chung, turtle neck trong tâm trí của nhiều người mang một sức mạnh phô diễn nhất định và nó thu hút được giới trẻ – những kẻ ngông cuồng – đam mê với turtle neck.
Dù thời gian có trôi đi bao chăng nữa thì turtle neck vẫn là một thứ gì đó nghiêng về đàn ông sau này một cách không thể phủ nhận. Henry W.Clune, một nhà báo chuyên mục xã hội vào năm 1932 đã nhấn mạnh tính nam của turtle neck bằng một hình ảnh ví von không thể nào “Thực tế” và “Thô lỗ” hơn – Đó là bạn không thể phủ nhận về “Tính nam” của turtle neck khi ai mặc chúng vào cũng giống như d*ck-head với chiếc đầu lộ ra từ phần thân áo bó sát. Suốt những thập niên 90s, áo cổ lọ càng gắn liền với đàn ông với các hình ảnh nguyên mẫu tượng trưng cho sự nam tính của nước Mỹ – cội nguồn của sự pha trộn và nhiều nền văn hóa ảnh hưởng cả thế giới sau này.
Cột mốc Chiến tranh thế giới (WW1 và WW2) luôn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc thể hiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội khi họ là tác nhân không thể thiếu trong bất kì “Việc lớn” nào của quốc gia. Họ công khai sử dụng các sản phẩm “được cho” là của nam giới rộng rãi và tuyên bố tinh thần của riêng mình. Biểu tượng Gợi cảm của nước Mỹ và thế giới – Marylin Monroe (Mà mình cũng từng có bài viết) đã đưa chiếc áo cổ lọ màu đen và quần capri trắng trở thành trang phục được nhiều phụ nữ sử dụng nhất bấy giờ.
Bề dày của áo cổ lọ khiến nó trở thành trang phục của “Sự phản kháng, sự phản văn hóa”. Ai mặc áo cổ lọ đều biết nó vừa “Che lấp” cơ thể, vừa “Khoe” được cơ thể dựa trên những đường bó sát, vừa “Bí ẩn” với phần cổ được che lại và có thể kéo lên khuôn mặt – một sự “Tối giản” đến Im lặng không cần nói nhiều nhưng thể hiện được sự tự tin và một thông điệp rõ ràng về người mặc. Đó là họ tự tin về cơ thể, về những gì họ thể hiện ra mà không cần “quá cố” với những thứ trang phục màu sắc và rườm rà khác. Phoebe Philo, cựu giám đốc sáng tạo của Céline cũng rất yêu thích chiếc áo cổ lọ và bà xuất hiện khá nhiều với sản phẩm này trong những lần xuất hiện trước công chúng của mình. Hình ảnh được tìm thấy nhiều nhất về Phoebe Philo đó là bà mặc một chiếc áo cổ lọ bằng len, kéo lên miệng với phần tóc được búi gọn, đôi mắt sáng lên – “hồn”, “lực” và “Gợi cảm” là những gì mình cảm nhận được. Phoebe Philo là 1 trong những nhà thiết kế nữ yêu thích nhất của mình với tuyên ngôn thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ lúc bấy giờ. “Tôi thực sự nghĩ rằng có quá nhiều hình ảnh người phụ nữ bị gợi dục hóa và phải ăn mặc theo ý của người khác. Chúng ta đã tước đi quyền tự quyết định của họ và người phụ nữ của Céline là những người đủ năng lực để bước qua rào cản đó”. Thế nên chẳng lạ gì, turtle neck vẫn tồn tại theo nhiều hình dạng khác nhau trong collection của Céline. Rick Owens, một trong những fashion designer được yêu thích nhất tính tới thời điểm hiện tại – cũng vô cùng thích turtle neck với lí do nó mang tính “Kiến trúc, trang trọng, nghiêm túc” (Architectual, Formal, Servere”. Nó khiến người mặc cảm thấy an toàn, bao bọc để từ đó sản sinh ra sự tự tin – Hoàng Tử của Bóng Đêm trả lời.
Cũng không ngoa khi xét tới những lời của Rick Owens – turtle neck thống nhất được sự liền mạch của phần vai, ngực, cánh tay và cổ thành 1 khối nhưng “Chia cắt” được giữa Đầu – thân – eo thành các phần khác nhau riêng biệt. Chỉ tính tới phần cổ thì áo cổ lọ cũng tạo ra 3 lớp layer riêng biệt với phần inner là skin (Lót trong – Da), middle layer là turtle neck và outside cùng đó là hair (Tóc). Cho nên người có cổ thon và dài mặc turtle neck rất đẹp vì nó tôn được vẻ gợi cảm chết người của phần cổ – nhưng không có nghĩa người cổ ngắn hơn không thể sử dụng được turtle neck với việc giảm bớt độ dài của phần cổ cũng có thể mang tới được những layers trên. Turtle neck là 1 item dễ tính vì nó có thể mix với nhiều kiểu quần, kiểu áo ngoài khác nhau mà vẫn giữ được tính “Trang trọng” của mình.
Thế nên sự gợi cảm đến rất nhiều yếu tố khác nhau và không phải nào cũng lồ lộ là đẹp. Và cũng không phải cứ mặc cổ lọ là sóp boi theo lời của một ai đó.