Tùy Văn Đế đã lên ngôi như thế nào và số phận 4 đại khai quốc công thần nhà Tùy

by admin

Nhà Tùy được kiến lập trên cơ sở nền tảng quý tộc thế gia Quan Lũng của nhà Bắc Chu. Dương Kiên nhờ được sự ủng hộ hậu thuẫn của thế lực này, tiêu biểu là họ nhà vợ ( Độc Cô Gia) mà Dương Kiên đã lật đổ được nhà Bắc Chu. Việc soán ngôi tưởng chừng có vẻ êm xuôi vì lúc này Dương Kiên là Thượng Trụ Quốc, kiêm ngoại thích, nhưng đó lại là một ngộ nhận. Trên thực tế, Văn Đế cũng phải trải qua một cuộc chiến gian nan khốc liệt mới có thể lật đổ nhà Bắc Chu tiền triều làm khai mở một triều đại mới, mở ra thời kỳ Khai Hoàng Chi Trị, và ông đã không thể thành công, nếu không có sự trợ giúp của 4 vị công thần này.

I. Tùy Văn Đế đã lên ngôi như thế nào

Đầu tiên, nói về Bắc Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân, trong nhiều bộ phim như Độc Cô Hoàng Hậu hay Độc Cô Thiên Hạ, đều miêu tả Tuyên Đế là kẻ bạo ngược, tham dâm, và có phần ngu si. Nhưng điều đó chỉ đúng một nửa vì Tuyên Đế không ngốc nhưng ta nghĩ

Tuyên Đế sau khi giết chú mình là Vũ Văn Hiến, người được coi là đòn cân gánh vác cơ nghiệp nhà Bắc Chu lúc này, khi còn sống Vũ Văn Hiến là người nhìn rõ dã tâm của Dương Kiên, ông ta đã đưa ra cảnh báo rằng mai này Dương Kiên sẽ soán ngôi họ Vũ Văn, điều này hiển nhiên vì thế lực của Dương Kiên quá mạnh, con gái Dương Lệ Hoa là hoàng hậu, cha là khai quốc công thần, bố vợ là Độc Cô Tín một trong Bát Trụ Quốc. Tại sao nghe cái tên Bát Trụ Quốc lại đáng sợ đến như vậy, câu chuyện này tôi xin phép đề cập trong một bài viết khác

Nhưng bản thân Vũ Văn Hiến cũng có một vết nhơ lớn trong đời, đó là từng làm việc cho Vũ Văn Hộ, vừa là em họ vừa là cộng sự thân tín của Hộ, mà cái tội của Vũ Văn Hộ gây ra với các hoàng đế nhà Bắc Chu nó là điều không gì chối cãi được. Sau khi Vũ Đế Vũ Văn Ung diệt trừ Hộ nể tình anh em nên tha cho Hiến, nhưng đổi lại là cái nhìn ghẻ lạnh. Vì thế từ cha đến con Vũ Đế- Tuyên Đế đều ghét Hiến ra mặt, mọi lời nói của Hiến đều không để tâm.

Sau khi giết Vũ Văn Hiến, thì Tuyên Đế mới bắt đầu giật mình ngẫm lại, ông ta cảm thấy có vẻ như mọi thứ đang đi theo kịch bản của Dương Kiên sắp đặt. Và thế là ông ta bắt đầu có động thái sửa sai, đó là việc lập 3 hoàng hậu một lúc, trong đó đáng chú ý nhất là 2 người Uất Trì Sí Phồn ( cháu gái của Uất Trì Huýnh, công thần khai quốc từ thời Vũ Văn Thái), và Nguyên Lạc Thượng- con gái của Nguyên Thịnh- đại tộc Quan Lũng, thế lực sánh ngang với Độc Cô gia của Độc Cô Tín. Trong Bát Trụ Quốc, thì Nguyên thị và Độc Cô thị là hai họ mạnh nhất

Trước đó, do si mê mà Tuyên Đế đã phong Dương Lệ Hoa ( con gái Dương Kiên) làm hoàng hậu đầu tiên. Cả 2 gia tộc này đều là những đại tộc có máu mặt trong triều đình Bắc Chu, mục đích của Tuyên Đế là muốn sử dụng họ Uất Trì- Nguyên thị để đối trọng và phân tán quyền lực với Dương- Độc Cô gia

Tuy nhiên mọi nỗ lực của Tuyên Đế đều vô nghĩa, khi bản thân vì hoang dâm trụy lạc mà chết đột tử, con nhỏ mới 7 tuổi, Nguyên thị nhận thấy sự suy tàn của triều đại Bắc Chu đã điểm và khả năng thắng thế của Dương Kiên nên trở mặt quay ra ủng hộ Dương Kiên- sau này nhà này gả con gái cho Dương Dũng ( con trưởng của Dương Kiên, kết làm thông gia )). Đúng là khôn không ai bằng. Lúc này chỉ còn mình Uất Trì Huýnh là chống đối với hai họ Dương- Độc Cô

Uất Trì Huýnh cũng nằm trong số anh em chiến hữu cột chèo của Thái Tổ Vũ Văn Thái năm xưa khi lập quốc, ngang hàng với Dương Trung- cha của Dương Kiên. Điều đó có nghĩa là xét về tuổi tác và kinh nghiệm chiến trận thì Dương Kiên chỉ là hàng con cháu so với Uất Trì Huýnh.

Dương Kiên nhờ sự trợ giúp của các công thần cột chèo mới đánh bại khiến Uất Trì Huýnh thua trận tự sát. 4 người họ là: Cao Quýnh, Vũ Văn Thuật, Dương Tố và Tô Uy

II. Số phận 4 vị khai quốc công thần.

  1. Cao Quýnh

Cha của Cao Quýnh là Cao Tân- thuộc hạ cũ của Độc Cô Tín, sau khi Độc Cô Tín tự sát, thì Cao Tân rất được họ Độc Cô quan tâm bồi dưỡng, do đó cha con họ Cao cũng sớm trung thành với Độc Cô gia và sau này là Dương gia

Cao Quýnh tham gia các chiến dịch đả bại Uất Trì Huýnh, diệt Trần quốc, ông còn cho xiết cổ Trương Lệ Hoa- sủng phi của Trần Tuyên Đế, vì cho đó là mầm họa-và lúc đó lại đang là crush của Dương Quảng, vì vậy mà Dương Quảng rất hận ông. Sau này Cao Quýnh còn tham gia thảo phạt Đột Quyết ở phía bắc, tất cả những công lao đó, mà Văn Đế sắc phong ông làm Thượng trụ quốc- Tề Quốc Công.

Cao Quýnh có mấy thê thiếp trong phủ, điều này khiến cho Độc Cô Hoàng Hậu ( người tôn thờ chủ nghĩa độc thê) ghét lắm, Độc Cô Hoàng Hậu hay gièm pha ông với Văn Đế, nhưng Văn Đế khá tỉnh táo nên gạt đi. Cao Quýnh cũng sớm nhìn ra việc thảo phạt Cao Câu Ly của Văn Đế lúc này của nhà Tùy là một sai lầm tai hại, mà hậu quả của nó về sau với nhà Tùy thế nào thì ai cũng rõ. Sau này vì tự tiện giảng hòa với Cao Câu Ly, thêm Độc Cô Hoàng Hậu xúc xiểm, mà Văn Đế phế tước Công của ông, nhưng vẫn cho đảm trách công việc.

Trong cuộc chiến thái tử giữa Dương Dũng và Dương Quảng, trong khi Vũ Văn Thuật- Dương Tố đã ủng hộ Dương Quảng, thì Cao Quýnh vẫn hết lòng trung thành phò tá Dương Dũng, mặc dù Dũng là kẻ kém tài vô hạnh. Số là Dương Dũng lăng nhăng bên ngoài, khiến cho vợ là Nguyên Trinh uất ức lâm bệnh mà chết, Nguyên Trinh là con gái út của Nguyên Thịnh, người mà Dương Kiên rất muốn lôi kéo về phe của mình. Nhà họ Nguyên vì thế nổi đóa chửi vào mặt Dương Kiên và Độc Cô Già La, và thế là vợ chồng Văn Đế phải đi dọn rác cho thằng con của mình. Văn Đế cũng từ đó mất cảm tình với Dương Dũng.

Đến thời Dương Quảng, vì vốn có tư thù từ trước, nhân câu chuyện sứ Đông Đột Quyết cống mỹ nữ, Cao Quýnh lấy lời khuyên ngăn, Dạng Đế lập tức khép vào tội xàm nghịch, phỉ báng triều đình mà giết ông, tịch thu gia sản, đày vợ con ra biên thùy. Năm đó, Cao Quýnh 67 tuổi.

  1. Vũ Văn Thuật

Vũ Văn Thuật là con trai của Vũ Văn Thịnh- thượng trụ quốc nhà Bắc Chu. Đương thời, Vũ Văn Thịnh có mối thâm giao khăng khít với Dương Kiên, nên sau khi Thịnh chết, Vũ Văn Thuật kế thừa tập tước của cha là thế hệ tướng lĩnh trẻ, cũng rất được Dương Kiên để ý, bồi dưỡng

Vũ Văn Thuật từng làm phó tướng cho Vi Hiếu Khoan, nhờ vậy học được khá nhiều kinh nghiệm dụng binh đánh trận của Vi Hiếu Khoan, Vũ Văn Thuật đánh bại Uất Trì Đôn ( cháu của Uất Trì Huýnh) chém hơn 3000 thủ cấp. Sau trận đánh này, thế lực họ Uất Trì suy hẳn. Nhờ chiến công này, Vũ Văn Thuật được phong Hữu Vệ Đại Tướng Quân- tước Hứa Quốc Công.

Vũ Văn Thuật bình sinh rất thân thiết với Dương Quảng, cũng sớm có ý khuyên Dương Quảng nên tranh ngôi thái tử với anh, bằng cách liên kết với Dương Tố để tạo vây cánh. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của bộ đôi này, mà Dương Quảng thành công đăng cơ trở thành Tùy Dạng Đế

Đến thời Dạng Đế, Vũ Văn Thuật làm đô thống chế thủy quân, mang một cánh quân vượt sông Áp Lục nhưng bị tướng Ất Chi Văn Đức của Cao Câu Ly đập cho tan tác chim muông, bản thân Vũ Văn Thuật cũng kinh hoàng bạt vía chạy trốn mới thoát được khỏi sự truy sát của quân Cao Câu Ly.

Vũ Văn Thuật bí mật buôn lậu trà ngựa với Đột Quyết, và ông ta đã giàu có một cách bất thường. Việc này đương nhiên không qua mắt nổi Dạng Đế, Dạng Đế xử phạt cách hết chức tước hai con ông là Hóa Cập và Trí Cập để cảnh cáo. Vũ Văn Thuật biến thành một nịnh thần đúng nghĩa, ông ta gièm pha với Dạng Đế rằng trong nước bốn phương phẳng lặng, không có khởi nghĩa nông dân nào, Dạng Đế ưa nịnh nên hài lòng lắm. Vũ Văn Thuật chết năm 616, con ông sau này là Vũ Văn Hóa Cập sát hại Dạng Đế ở Giang Đô rồi tự lập làm hoàng đế nước Hứa, sau bị Đậu Kiến Đức đánh bại rồi giết chết. Con út của ông là Vũ Văn Sĩ Cập lại là công thần nhà Đường, phục vụ Cao Tổ và Thái Tông

  1. Dương Tố

Dương Tố là tộc trưởng của Hoằng Nông Dương Thị, một đại tộc lớn ở Quan Trung và có quan hệ thân thiết với anh em Dương Kiên. Cha và ông của Dương Tố đều làm quan cho nhà Bắc Chu, Dương Tố không những võ nghệ siêu quần, mà cũng rất giỏi văn chương thơ phú, hợp với tính cách của Dương Kiên lắm. Nhờ cư xử khéo léo mà Dương Tố cũng rất được Độc Cô Hoàng Hậu quý mến.

Dương Tố sau trận chiến với Uất Trì Huýnh, ông được gia phong Thượng Khai Phủ, tước Việt Quốc Công. Sau này khi Dạng Đế đăng cơ, nhờ có ông hộ lập, mà Dương Tố được phong Tư Đồ, tước Sở Quốc Công, quyền cao không sao kể xiết

Dương Tố là người tham lam, nhỏ nhen và hiểm độc, thời Văn Đế, ông ta trông coi việc xây cung Nhân Thọ, ông ta bắt phu dịch nặng nề, làm chết hàng trăm mạng nhân công, Văn Đế tức giận muốn trị tội, nhưng Độc Cô Hoàng Hậu xin cho nên Dương Tố được tha, thậm chí còn được thưởng nhẹ

Dương Tố tham lam tiền của, ra sức vun đắp gia sản, ở Đông Kinh, Tây Kinh đều có phủ đệ, hết sức xa xỉ. Lại còn chiếm đất mở rộng nhiều ruộng vườn nhà cửa, phân bố cả nghìn nơi ở các châu huyện. Việc này làm Dạng Đế ngứa mắt lắm, Dạng Đế càng nghi kỵ và xa lánh Dương Tố hơn, định bụng sẽ tìm ra sơ hở của Tố để trị tội. Chả biết phúc cho Dương Tố hay không, mà ông ta lăn đùng ra chết vào năm 615, thoát khỏi việc bị trị tội. Nhưng con ông sau này là Dương Huyền Cảm lại làm một cuộc binh biến vô tiền khoán hậu. Cuộc binh biến nổ ra đúng lúc Dạng Đế đang viễn chinh Cao Câu Ly lần 2 như một cú thọt sau lưng đau nhói. Cuộc binh biến bị dập tắt, toàn gia họ Dương cũng bị Dạng Đế truy sát để trả thù.

  1. Tô Uy

Tô Uy xuất thân trong một gia đình danh giá thời Bắc Chu, cha là Tô Xước, từng là thuộc hạ của Thái Tổ Vũ Văn Thái. Sinh thời, Tô Uy nghiên cứu cả về Phật Giáo và Nho Giáo và có phong thái của một nho sinh. Sau khi Vũ Văn Thái chết, cháu Vũ Văn Hộ khuynh đảo triều chính, bất bình Tô Uy cáo quan lên núi trí sĩ. Dương Kiên biết Tô Uy là hiền tài, nên tìm cách mời ông về phục vụ, nhưng ông từ chối

Ban đầu, Tô Uy chỉ trích gay gắt Dương Kiên là gian thần âm mưu cướp ngôi, sau đó cảm kích trước tấm lòng đại nghĩa của Văn Đế, mà ông đã ra tận tâm phục vụ Dương Kiên với tư cách mưu sĩ, hiến kế đánh bại Uất Trì Huýnh, công lao của Tô Uy với nhà Tùy là cực kỳ to lớn.

Tô Uy được phong làm Thiếu Bảo- tước Bỉ Quốc Công, sau còn được gia phong chức Thượng Thư Bộ Hình, ông là một trong những người chắp bút chế định luật lệ nhà Tùy

Đến thời Dạng Đế,Tô Uy vì thân với Cao Quýnh, nên bị Dạng Đế ghét lây bãi miễn quan chức, Tô Uy bình thản không hề chống đối, nhưng sang năm sau Dạng Đế lại cho ông làm Thái thường khanh gọi về kinh phụng sự Sang năm 612, khi Văn Đế chinh phạt Cao Câu Ly, lại phong ông làm Tả Vũ Vệ đại tướng quân, Quang lộc đại phu, tước Ninh Lăng hầu, sau đó thăng làm Phòng quốc công. Lúc đó ông đã 70 tuổi, dâng biểu từ chối, Dượng Đế không nghe, lại phong ông làm Tham chưởng tuyển sự. Sau đó, ông cùng Dạng Đế xuất chinh Liêu Đông, được phong Hữu Ngự vệ đại tướng quân.

Khi quần hùng nổi dậy kháng Tùy, Tô Uy nhiều lần khuyên Dạng Đế tiết giảm lao dịch và chiến tranh để giảm bớt sự căm phẫn của dân, Dạng Đế không nghe.

Năm 615, Dạng Đế đến Nhạn Môn quan, bị Thủy Tất Khả hãn của Đột Quyết bao vây. Các đại thần khuyên Dạng Đế phá vòng vây thoát ra, Tô Uy can ngăn không nên khinh suất mạo hiểm, Dạng Đế đồng tình. Sau khi quân Đột Quyết giải vây rút về, Dạng Đế muốn đến Lạc Dương, Tô Uy can ngăn, khuyên Dạng Đế đến Trường An vì trong nước đã đại loạn, không nên tiếp tục tuần du nữa. Dạng Đế không nghe, vẫn đến Đông Đô. Tháng 4 năm 616, Dạng Đế hỏi Vũ Văn Thuật về các cuộc khởi nghĩa trong nước, Thuật nói đã bị dẹp gần hết. Dạng Đế lại hỏi Tô Uy, Uy thành thực trả lời rằng triều Tùy đã rất nguy cấp và cảnh báo Dạng Đế. Dạng Đế nghe xong tức giận, giáng ông làm dân thường. Sau đó có người tố cáo ông có tư thông với Đột Quyết, Dạng Đế muốn giết. Ông tự biện hộ rằng mình phục vụ hai triều vua nhà Tùy hơn 30 năm mà hành vi còn làm vua nghi ngờ thì tội đáng chết vạn lần, Dạng Đế bèn tha không giết.

Tô Uy theo phò Vương Thế Sung ở Lạc Dương, lúc này ông đã 80 tuổi, sau khi Vương Thế Sung bị nhà Đường tiêu diệt, cảm khái trước đức độ của Lý Thế Dân, ông đã đi theo phục vụ nhà Đường. Ông lại tiếp tục được nhà Đường trọng dụng, ông phục vụ nhà Đường thêm 2 năm rồi mới mất, thọ 82 tuổi.

Có thể thấy Tô Uy là đại thần có kết cục viên mãn nhất trong 4 đại khai quốc công thần của nhà Tùy, ông là nguyên lão đại thần phục vụ cả 3 triều Bắc Chu, Tùy, Đường

Uci

You may also like

Leave a Comment