Vài nét về thân phận phụ nữ trong xã hội Hy Lạp cổ đại

by admin

Mỗi thành bang có một mức độ nhất định về sự tự do của phụ nữ, nhưng xã hội Hy Lạp vẫn chủ yếu xoay quanh phái mạnh.

Thần thoại Hy Lạp lưu truyền câu chuyện về bộ tộc Amazon gồm toàn các nữ chiến binh hùng dũng, mạnh bạo, sống trên vùng thảo nguyên Eurasia.

Trật tự ở Amazon đảo lộn so với “quy chuẩn” thông thường: phụ nữ chiến đấu trên lưng ngựa, còn đàn ông lo việc nhà cửa.

Nhưng với người Hy Lạp cổ đại thì dường như một xã hội như vậy là rối loạn cương thường. Nên trong các câu chuyện thần thoại dân tộc Amazon bị tiêu diệt dưới tay anh hùng Herakles, một biểu tượng cho sự thắng thế của phái mạnh.

Nếu muốn tìm hình mẫu người phụ nữ lý tưởng của người Hy Lạp xưa, hãy nhìn vào Penelope, vợ của Odysseus trong trường ca Odyssey của Homer. Dù bị bủa vây trong một đoàn nam nhân tới cầu hôn, nhưng nàng trước sau vẫn giữ lòng son, chung thủy với người chồng đang lưu lạc phương trời không rõ sống chết.

Khi nói tới Hy Lạp cổ đại, ta cần hình dung đó là tập hợp một loạt các thành bang độc lập y như các liệt quốc thời Xuân Thu, Chiến Quốc bên Trung Hoa. Mỗi thành bang đều khác nhau về văn hóa, lối sống, tổ chức xã hội.

Vai trò phụ nữ cũng thay đổi theo mỗi thành bang.

Nguồn sử liệu còn tới ngày nay chủ yếu nói về thành Athens, thành bang phát triển nhất thời đó, trung tâm của thế giới Hy Lạp. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng phụ nữ ở Athens thế nào thì ở các thành bang khác cũng vậy. Trái lại, có những nơi rất khác, chẳng hạn như Sparta.

Ngoài nơi sinh sống, thì địa vị của người phụ nữ cũng sẽ khác nhau tùy hoàn cảnh gia đình. Gia đình càng giàu có thì người phụ nữ càng “tự tin về sự hiện diện của họ.”

Chúng ta thử đào sâu hơn về những điểm khác nhau của phụ nữ trong thế giới Hy Lạp cổ đại.

LÀM MẸ VÀ LÀM VỢ

Tương tự Á Đông, phụ nữ Hy Lạp chủ yếu quanh quẩn trong nhà. Chuyện của cánh đàn ông là quốc gia đại sự, chuyện của phận đàn bà là mái nhà êm ấm, lo nuôi con và chăm sóc gia đình, nhà cửa. Mà ngay cả trong nhà họ cũng có một khu riêng gọi là gynakon nằm trên lầu.

Lứa tuổi kết hôn thông thường là 13 đến 15 tuổi, khi thiếu nữ bước vào độ tuổi cập kê, hay kore theo cách gọi của họ. Sau khi sinh con đầu lòng họ trở thành thiếu phụ – gyne.

Tiết hạnh của một phụ nữ là điều hệ trọng. Sử gia Thucydides viết rằng: “người phụ nữ càng có tiết hạnh thì càng ít bị đàn ông nhắc tới, bất kể là khen hay chê.” Phụ nữ Athen mỗi khi ra đường luôn bị họ hàng nam giới nhòm ngó, xét nét, thậm chí có thể bị ngăn cản ra ngoài.

Nhưng với phụ nữ Sparta thì lại khác. Họ hiếm khi lấy chống trước 20 tuổi, còn nếu sinh con thì địa vị họ được nâng lên. Việc nuôi dưỡng những chiến binh tương lai là một trong những việc quan trọng nhất đối với xã hội Sparta.

Phụ nữ ở Sparta, và một số thành bang khác như Delphi, Gortyn, Thessaly, và Megara, có quyền sở hữu bất động sản. Và vì cánh đàn ông thường đi chinh chiến luôn nên mọi việc ở nhà đều do tay phụ nữ đảm nhận.

LAO ĐỘNG

Tuy chịu nhiều nhiều ràng buộc, nhưng tôn giáo mang lại cho phụ nữ Athens, nhất là giới thượng lưu, “công ăn việc làm” ổn định, và “có tương lai”. Vì hầu hết mọi chức sắc tôn giáo, bao gồm cả chức thượng tế, và những nghi lễ cúng bái hầu hết đều do phụ nữ đảm nhiệm. Ở vào vị trí này, họ ít nhiều cũng “có tiếng nói” trong cộng đồng, và thậm chí có thể tích góp của cải.

Có một câu chuyện kể về một thiếu phụ tên là Agnodice. Chứng kiến nhiều phụ nữ trẻ chết vì sinh con, nàng quyết định cải nam trang để học nghề y. Khi hành nghề thì nàng sẽ bí mật tiết lộ cho bệnh nhân biết nàng là nữ để họ yên trí.

Tuy sự tồn tại của nàng vẫn còn là vấn đề tranh cãi, nhưng từ thế kỷ 17 giới vận động nữ quyền luôn lấy nàng ra làm minh họa cho vai trò của phụ nữ trong y khoa.

Bán hoa là một công việc phổ biến thời ấy. Giới bán hoa cũng phân làm hai đẳng cấp: hetairai – hạng sang và pornai – hạng xoàng. Hetaira là gái bán hoa hạng sang và có học, chuyên phục vụ giới thượng lưu. Không chỉ là vấn đề chăn gối, họ còn có thể bầu bạn với thân chủ, khá giống với tầng lớp geisha của Nhật Bản.

Còn gái hạng xoàng pornai (gốc của từ pornography – khiêu dâm – ngày nay trong tiếng Anh) hành nghề trong nhà thổ, tiếp mọi hạng người, miễn được trả tiền như ý.

GIÁO DỤC VÀ CHÁNH TRỊ

Phụ nữ Sparta cũng dễ đi học hơn các chị em ở Athen và những thành bang khác. Cấp “tiểu học” thì chủ yếu học tại gia, các chuyên môn phức tạp hơn thì họ đến trường.

Không phải tự nhiên mà phụ nữ Sparta được cho ăn học tử tế, lý do là vì đàn ông chỉ lo đánh nhau mà thôi, mọi công việc hành chính, thương mại đều do phụ nữ làm.

Một ví dụ điển hình là hoàng hậu Gorgo, khoảng thế kỷ 5 TCN. Là quý nữ của vua Cleomenes I, nàng được cho ăn học tử tế về đủ các môn: văn chương, văn hóa, đấu vật, đánh trận. Sử gia Herodotus cho biết nàng rất sáng dạ, thậm chí có thể cố vấn cho cha về các vấn đề quân sự, và được coi là một trong những nhà mật mã học đầu tiên trong lịch sử.

Số phận của giới chị em Athen thì tệ hơn, họ không được tham gia vào chính trị hay các công việc xã hội. Dù có được ăn học ít nhiều về việc thương mại thì luật pháp cũng không cho họ đứng tên trong bất kỳ hợp đồng nào có giá trị cao hơn một medimnos gạo, một khối lượng nhỏ chỉ dùng cho quy mô gia đình.

Tuy Athen là nơi khai sinh nền dân chủ, nhưng phụ nữ không bao giờ được coi là “người trưởng thành” trong mắt luật pháp.

Tình trạng bất bình đẳng này không phải chỉ ở Athen thời Hy Lạp cổ đại, mà còn kéo dài tới tận thế kỷ 20 ở nhiều nền văn hóa. Có lẽ phương đông và phương tây giao nhau nhau ở cách nhìn đối với phụ nữ.

NGHỆ THUẬT VÀ VĂN HÓA

Tuy giới văn sĩ không dung nạp phụ nữ, nhưng lạ thay một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại lại là một phụ nữ, đó là nàng Sappho.

Nàng sinh ở Eressos hoặc Mytilene, trên đảo Lesbos, có lẽ trong một gia đình giàu có (nên mới biết đọc biết viết).

Thơ của Sappho rất táo bạo về vấn đề sắc dục. Thậm chí Plato còn phong cho nàng danh hiệu “Tenth Muse” (Thi tiên thứ 10). Nàng còn được vinh danh trên một đồng tiền cổ đại.

Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy có bàn tay phụ nữ tham gia sáng tạo nghệ thuật, như nàng Kora xứ Sicyon, hoạt động khoảng năm 650 TCN. Cùng với cha nàng là Dibutades, hai người được coi là phát minh ra khí thuật tạo mẫu điêu khắc. Theo một câu chuyện truyền miệng thì Kora yêu một trong những học trò của cha, nên phác thảo đường nét khuân mặt anh ta bằng phấn. Dibutades về sau dựa theo đó nặn khuân đất sét, rồi tạo thành bức điêu khắc đầu tiên.

Một cô gái khác cũng bức ra khỏi khuân khổ xã hội là nàng Timarete, theo tác gia Pliny của La Mã sau này thì nàng “nhổ toẹt vào những bổn phận của phụ nữ, và theo cha đi làm nghệ thuật.”

You may also like

Leave a Comment