Dường như với tôi, văn chương cũng là như vậy, mặc dù có vẻ giống đời thực (nó bắt chước đời hay đời bắt chước nó thì còn là vấn đề cần tranh luận), nhưng thực tế văn chương không liên quan gì tới cuộc đời thực cả, và nó nên như vậy.
Có một bộ phim tôi không thực nhớ nội dung, một bộ phim của Woody Allen mang tên “Đóa hồng tím ở Cairo”, câu chuyện mang máng mà tôi còn nhớ, đó là một người phụ nữ thất bại trong tất cả mọi khía cạnh cuộc đời, rồi cô vào một rạp chiếu bóng, xem một bộ phim, và trong giây phút ấy, cô quên béng mất cuộc đời mình, cô òa khóc, không phải vì mình, mà vì những nhân vật trong phim. Dường như với tôi, văn chương cũng là như vậy, mặc dù có vẻ giống đời thực (nó bắt chước đời hay đời bắt chước nó thì còn là vấn đề cần tranh luận), nhưng thực tế văn chương không liên quan gì tới cuộc đời thực cả, và nó nên như vậy.
Kết luận ấy có thể là vội vã, bởi không có thứ văn chương nào không có chút dính líu đến những trải nghiệm đời thực, ngay cả khi Kafka viết về một người đàn ông bỗng một đêm tỉnh dậy thấy mình biến thành một con bọ gì đó, thì nó ắt cũng sinh ra từ một cảm thức về sự méo mó và lạc loài – những cảm thức có thực. Chứ đừng nói đến Chiến tranh và hòa bình rõ ràng là về cuộc chiến chống Pháp của người Nga. Nhưng có lẽ, cũng giống như nghịch lý cái tàu biển, khi cứ thay dần những bộ phận trên một con tàu sang một bộ phận mới, thì đến bao giờ con tàu không còn là con tàu cũ nữa? Và khi những dữ liệu thực tế được thay dần bằng những diễn ngôn văn học thì đến bao giờ thực tế không còn là thực tế nữa? Tôi thì tin rằng ngay từ khi thay “bộ phận” đầu tiên, dù đó có thể nhỏ như một cây đinh hay một con ốc vít, thì chính lúc này, thực tế đã bị biến dạng và đánh mất mình, con tàu thực tế đã hóa thành con tàu mộng ảo văn chương.
Tôi viết tập truyện ngắn Dưới mái hiên đêm, những khách lạ với một tâm thế như vậy, “con tàu nền móng” của tôi là những câu hỏi thực tế mà một độc giả văn học, một khán giả hội họa, một thính giả âm nhạc hẳn đều đã từng nghĩ qua: Shakespeare có thật đã viết ra những vở kịch vĩ đại ấy? Mà Shakespeare thật sự là ai? Elvis Presley có phải đã chết không hay vẫn còn sống đâu đó trên đời? Hemingway tại sao lại tự sát? Mối quan hệ giữa Gauguin và Van Gogh phải chăng có gì đó gần giống một tình yêu, hay một dục vọng hủy hoại lẫn nhau, như trong những áng văn của Yukio Mishima vậy? Tại sao Van Gogh phát điên? Người ta đã lấy trái tim của Chopin ra như thế nào sau khi ông mất? Hay trong văn chương Việt Nam, chẳng nhẽ bạn không tò mò Nguyễn Tuân đã quay Cánh đồng ma như thế nào và đã diễn ra sao ở Hương Cảng ư? Tôi thì có. Và tôi cũng luôn thấy thật bí hiểm, cái cách mà một văn nhân như Tố Như lại đi giang hồ trong suốt ba năm.
Không, tôi không muốn cố gắng đưa ra một giả thuyết cho những điều ấy – nếu muốn đọc giả thuyết, người ta có thể, chỉ mất ba giây, tra trên Google, nghiên cứu có mà thuyết âm mưu cũng có. Tôi cũng không muốn làm sáng tỏ bất cứ câu hỏi nào, bởi lẽ, tôi tin người ta không (nên) tìm đến văn chương vì sự sáng tỏ: người viết văn có thể am tường một chủ đề nào đó nhưng lại không thể chính xác như người viết sử hay những người làm khoa học, người viết văn cũng suy tư về cuộc đời nhưng lại cũng không thể sâu xa lắm lí lẽ như một triết gia, nói rằng người viết văn cần nắm bắt tâm lý con người cũng đúng nhưng họ cũng không hiểu nó thấu đáo như một nhà tâm lý, và bạn thấy đấy, có nghĩa văn chương vốn dĩ đã không cần thiết, nó chỉ nằm ở lưng chừng cho những ai quyết định rằng, tôi chỉ muốn vãn cảnh dạo chơi, đừng bắt tôi khăn gói đi tới tận cùng của những tận cùng. Tất nhiên, có những cuộc “vãn cảnh” chất chứa những trò chơi mạo hiểm, như cuộc viết của Dostoevsky, của Lev Tolstoi, của Kafka, và nhiều nữa.
Quay lại câu chuyện của cá nhân mình, vâng, tôi không có ý định rằng, sau khi đọc xong bạn sẽ sáng tỏ Shakespeare là ai, Hemingway vì đâu tự sát, mối quan hệ của Gauguin và Van Gogh thực chất là gì. Dù muốn hay không, tôi nhận ra rằng mỗi con người này, ngay cả khi tôi đọc một tiểu sử trình bày cu ti củ tỉ từng mốc thời gian cuộc đời họ, thì vẫn còn rất nhiều những khoảng trống, những ngày nằm giữa các cột mốc đó, vẫn còn trắng xóa, mờ mịt và bí ẩn. Tất cả những cuốn tiểu sử (và cả cáo phó nữa, hỡi ôi!) đều dựa trên giả định rằng, cuộc đời con người là những gạch đầu dòng, những sự kiện ngắt quãng nhau, trong khi đó, cuộc đời thực là những chuỗi ngày nối liên tục, những giờ trôi qua không ngưng nghỉ, hay ít nhất ảo tưởng về thời gian khiến con người cảm nhận thế, nhưng tóm lại sẽ có những ngày vĩ nhân chẳng làm gì cả, họ đi ngủ, có thể là nằm mơ, có thể họ sẽ thức dậy ăn một trái táo và nghĩ mông lung về một điều gì đó – nhưng chúng hóa ra lại rất quan trọng trong tiến trình đời họ. Có rất nhiều những lỗ hổng, những khúc ngoặt nho nhỏ, những mật thất, những giấc mơ như thế trong cuộc đời của một con người, những phần mà sự thật dù dày một ngàn bốn trăm tám chục trang cũng không thể chạm đến. Và trên tư cách một người viết, tôi coi đó là những bộ phận thuyền đã han gỉ đến mức không rõ hình thù, rồi tôi thay chúng bằng những bộ phận trong tưởng tượng.
Có thể là, thậm chí không giúp người ta sáng tỏ hơn, những truyện ngắn trong cuốn sách này còn khiến bạn rối trí hơn. Nhưng nói cho cùng, tôi nghĩ điều ấy được phép, bởi con người không sinh ra để được hiểu, ngoài lề một chút, tôi nhận ra điều đó khi là một người hâm mộ ban nhạc The Beatles. Có đến hàng trăm cuốn sách về họ, và cứ mỗi năm lại xuất hiện những cuốn mới, những bài báo mới, tuyên bố rằng đây mới là sự thật tối hậu về The Beatles, nhiều đến mức dường như chẳng có sự thật nào hết. Và người ta hàng chục năm qua đã châu đầu vào nghiên cứu The Beatles mà có hiểu họ hết đâu? Vậy thì rõ ràng con người không sinh ra để được hiểu. Đó là thực tế quan trọng nhất đối với một người viết, tôi nghĩ vậy, và tôi vẫn luôn tự hỏi rằng liệu Dostoevsky vì lẽ gì để nhân vật Stavrogin trong Lũ người quỷ ám bỗng nhiên cắn tai một người? Cái hành động bột phát ấy dường như xuất phát từ một tầng sâu không thể đo đếm. Nhưng nó thoáng cho ta thấy một điều gì mà những lý luận của các triết gia hay sự thật của các nhà khoa học không thể cho ta thấy. Điều gì đó ấy có thể không quan trọng lắm đâu, nhưng chí ít, đó là thứ cảm xúc duy nhất mà chỉ văn chương mới có thể đem lại cho ta: sự khai sáng về sự mù mờ của thế giới.
Ba truyện cá nhân tôi ưng ý nhất trong tập sách này là: Đêm cứ rơi, cứ rơi (về Shakespeare), Đêm sau cái chết luôn là một đêm dài (về Elvis Presley), và Trong y, một tảng băng trôi (về Hemingway). Đặc biệt là truyện về Shakespeare, nó bắt nguồn từ câu hỏi tại sao Shakespeare, sau Đêm thứ mười hai (hay Muốn gọi là gì cũng được), không còn viết hài kịch nữa, chỉ viết bi kịch, và nếu còn viết hài kịch thì là những hài kịch đen tối? Và cả câu hỏi Shakespeare là ai? Có thật ông đã viết những tác phẩm này? Tôi kết nối chúng trong một sự thật khác, rằng ông là người đầu tiên trên thế giới viết ra hai tiếng “lonely” (cô đơn) (vâng, một từ nhưng hai tiếng). Tất cả còn lại, là trí tưởng tượng của tôi về những chuyến phiêu du của ông, về tuổi trẻ của ông, hay đúng hơn, sự thất lạc tuổi trẻ của ông.
Nếu còn điều gì muốn chia sẻ thêm về Dưới mái hiên đêm, những khách lạ, thì đó là tôi, trên tư cách một người luôn tin rằng âm nhạc, bằng cách không nói gì cả, lại nói được nhiều hơn ngàn vạn chữ nghĩa, đã cố gắng bằng mọi cách, để âm nhạc tràn vào cấu tứ của cuốn sách. Hãy coi như một giấc mơ hão huyền của tôi, là thông qua ngôn ngữ, tôi có thể tập tành nguệch ngoạc nên một giai điệu nào đó. Bởi tôi thực cho rằng, những kỹ thuật viết suy cho cùng đều rất tương thích với nhịp điệu một bản nhạc: những đoạn cao trào – fortissimo, và ngay sau đó, những rủ rỉ rù rì – pianissimo, những đoạn dồn dập mạnh dần chơi đùa với thần kinh – crescendo, những hố bí ẩn thoáng run lên rồi thoáng biến mất như chưa từng có gì xảy đến – tremolo…
Và phần trích nhập đề tựa đầu tiên mà tôi đã chép từ nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn: “Ngôn từ, với tôi, thật khả nghi, thật mập mờ và thật dễ hiểu nhầm khi so cùng âm nhạc, thứ lấp đầy hồn ta bằng cả ngàn điều đẹp hơn ngôn từ.”
Theo Hiền Trang/Tạp chí Tia Sáng