Tuy không có nhiều biểu hiện mang tính bề nổi, được dư luận xã hội quan tâm nhiều giống như các hoạt động thưởng thức điện ảnh, thưởng thức âm nhạc nhưng sự đọc cũng có tồn tại hiện tượng say mê văn chương thần tượng. Vậy văn chương thần tượng là gì, tình trạng hiện nay ra sao?
Sự hình thành cơ chế thần tượng một lối viết
Giống như các hoạt động tinh thần khác, hành vi đọc – nhất là đọc các tác phẩm văn chương, cũng chứa trong nó nhiều yếu tố cấu thành. Từ góc độ người đọc, có thể nói đến các vấn đề như lựa chọn kiểu/ loại tác phẩm, lựa chọn tác giả. Tùy theo thiên hướng tâm lý, sở thích, nghề nghiệp, nền tảng hiểu biết văn hóa – xã hội… mà mỗi độc giả có những sự lựa chọn đọc riêng. Thậm chí, ở cùng một người đọc, trong mỗi thời gian khác nhau được quy hạn bởi những hoàn cảnh sống khác nhau, sẽ có những lựa chọn tiếp nhận khác nhau.
Việc thưởng thức văn chương, theo đó, là một thế giới muôn màu của cảm xúc. Chính vì mang tính cảm xúc của một hành vi thưởng thức nghệ thuật mà người đọc, trong quá trình đọc, cũng nảy sinh những thái độ tiếp nhận. Nhiều trong số đó sẽ dẫn đến việc có cảm giác thích thú nhiều hơn đối với một tác giả hoặc một [kiểu/loại] tác phẩm nhất định. Văn chương thần tượng, từ đây xuất hiện.
Có một vấn đề được đặt ra: vậy thế nào là văn chương thần tượng? Số đông người được hỏi hẳn sẽ nghĩ ngay đến những quyển sách bán chạy trên thị trường. Một bộ phận độc giả còn lại cho rằng, sâu xa hơn, đó là những tác phẩm mà họ ngưỡng vọng bởi nội dung đầy trí tuệ và giọng văn hết sức nghệ thuật. Tức là, cả dòng văn chương đại chúng lẫn văn chương tinh hoa đều có thể trở thành văn chương thần tượng trong cách đánh giá của bạn đọc. Nhưng vì, số độc giả của tác phẩm tinh hoa, hẳn rồi, bao giờ cũng chiếm số lượng khá khiêm tốn cho với số lượng bạn đọc đông đảo của văn chương đại chúng nên tiếng nói của họ, vì thế, trở nên có phần nhỏ bé.
Dù sao đi nữa, một khi đã có cho riêng mình một sở thích nho nhỏ trong việc lựa chọn tác phẩm, tác giả để đọc (hoặc bằng sự tự ý thức, tự đánh giá, tự trải nghiệm của cá nhân; hoặc bằng sự mời gọi của bè bạn, sự “điểm sách” của truyền thông) thì chứng tỏ người đọc đã chọn cho mình một con đường riêng để đến với sách. Ở cuối con đường ấy, đợi chờ độc giả là một giấc mơ. Một giấc mơ sau này mình sẽ viết hay giống như tác giả của quyển sách mà mình đang đọc. Một giấc mơ sau này mình sẽ được sống trong một thế giới giống như câu chuyện mình đang đọc.
Thêm một câu hỏi cần chúng ta xác tín là có hay không trường hợp tâm trí chúng ta không hề có sự tồn tại của khái niệm văn chương thần tượng, mặc dù sách chúng ta đọc không phải là ít? Tôi nghĩ có nhưng hiếm! Bởi quá trình đọc tự khiến chúng ta nảy sinh một cơ chế không chỉ đơn giản là lựa chọn tác phẩm để đọc mà còn tạo ra những xung động thần kinh hướng đến một lối viết nhất định. Chỉ khi thưởng thức lối viết đó, mới khiến chúng ta cảm thấy cuốn hút, thoải mái, hạnh phúc trong khi đọc. Chúng ta kiếm tìm ở lối viết đó một sự phóng chiếu như thể soi gương để nhìn thấy giấc mơ của bản thân, thậm chí là nhìn thấy bản thân trong viễn tượng của hy vọng.
Tiếp cận trên văn bản
Mỹ từ “thần tượng” trong tâm thức của đại đa số chúng ta thường nảy sinh sự liên tưởng đến tính toàn vẹn, hình ảnh của hoàn hảo. Và như thế, trong tính hai mặt tương đối của mọi vấn đề, nhiều trường hợp sẽ dẫn đến những hoàn cảnh tiêu cực. Khi cảm thấy hụt hẫng về một tác phẩm nào đó, một nhà văn nào đó, độc giả cảm thấy không còn hứng khởi hay tin tưởng vào sự đọc.
Tôi muốn nhắc đến tác phẩm “Hoàng hôn của những thần tượng” của nhà triết học người Phổ Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 –1900). Trong tác phẩm mang tính tổng quát lại mọi tư tưởng triết học của ông như thể là một di chúc triết học, Nietzsche đã cho rằng “Thần tượng là chân lý. Chân lý nào rồi cũng sụp đổ, cũng đến lúc bước vào hoàng hôn, lụi tàn và biến mất. Tất cả thực tại, quan điểm, lý tưởng, đều sẽ tiêu vong. Nhưng dòng chảy cuộc sống thì vẫn không ngừng, và sẽ chỉ đi theo chính bản năng, chỉ có bản năng là đẹp đẽ”.
Lập luận đó sẽ còn được diễn giải theo nhiều cách bởi nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy vậy, chúng ta có thể tạm thời thống nhất với nhau rằng văn chương thần tượng không phù hợp để chịu thử thách cho việc đồng nhất giữa cốt truyện của tác phẩm và cuộc sống thực của nhà văn. Chủ nhân của những tác phẩm lãng mạn không nhất thiết phải là một con người dễ biểu hiện cảm xúc trong cuộc đời thực. Nhân vật là nhân vật và nhà văn là nhà văn.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường xem các sách bán chạy trên thị trường là đích đến của việc đọc. Các bạn trẻ ứng xử với văn chương thần tượng không khác gì sản phẩm văn hóa thần tượng như phim ảnh, âm nhạc. Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống. Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc.
Không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì “fan cuồng” xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Điều đó cho thấy bối cảnh của văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ trong sự tác động của văn hóa xã hội đương đại. Tuy vậy, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài.
Cách tốt nhất với tác giả là sự tĩnh tâm, sự cô độc trong khi sáng tác. Một nhà văn thường xuyên xuất hiện ở nơi công cộng thì khó lòng để có một tác phẩm chất lượng. Còn đối với độc giả chỉ nên tiếp cận trên văn bản, hoàn toàn với những gì có trong văn bản. – Trần Xuân Tiến
Văn chương chuyển thể và thái độ của “fan cuồng”
Một trong những khả năng của văn chương để nó mở rộng con đường tiếp cận bạn đọc là sự chuyển thể của nó sang các loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, âm nhạc (các thể loại tuồng, chèo, cải lương…), hội họa (truyện tranh). Trong bối cảnh đó, phiên bản tái sinh của nó, tất yếu phải chịu sự so sánh với chính nó (tức nguyên tác). Sự hóa thân được đặt lên bàn cân.
Với những “fan cuồng”, quan niệm kiên định của họ là việc tôn trọng nhất mực có thể đối với nguyên tác. Họ khó chấp nhận những phóng tác quá đà, hoặc những yếu tố thay đổi cho phù hợp vói chiếc áo thể loại mới. Họ đòi hỏi địa vị tối thượng của nguyên tác, và xem nguyên tác là khởi sinh của mọi sự.
Ngược lại, ở một thái cực mang tính mở, có những độc giả cảm thấy cần phải đặt tác phẩm phái sinh trong hoàn cảnh ra đời và sự liên kết của nó với thể loại mới. Họ cho rằng, người chuyển thể có tư cách như một đồng tác giả với những hành động đồng sáng tạo cần được thừa nhận một cách công bằng.
Dễ nhận thấy, trường hợp một thường xảy ra ở các tác phẩm văn chương đại chúng khi chúng được chuyển thể. Lúc này, thái độ của độc giả không khác gì nhiều so với hiện tượng công chúng mộ điệu thần tượng diễn viên, ca sĩ. Sự thần tượng quá mức khiến họ trở nên khắt khe với tất cả. Áp lực chiều lòng người thưởng thức khiến cho những tác phẩm văn chương đại chúng lại có thêm một phiên bản đại chúng không kém trong hình hài của thể loại khác.
Trong khuôn khổ của một chia sẻ ngắn, chưa thể viết cho đầy đặn mọi khía cạnh của vấn đề, người viết bài này tin và mong rằng bài viết sẽ là một sự châm ngòi be bé để mọi người cùng nhau thảo luận những ý kiến đa chiều.
Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)