Năm 1898, Liên Bang Hoa Kỳ tuyên chiến với cường quốc thuộc địa cũ là Tây Ban Nha. Hoa Kỳ đã tổn thất 250 triệu Mỹ kim và 3000 nhân mạng (với 90% từ các loại bệnh truyền nhiễm miền nhiệt đới) để dành được các Quần đảo như Cuba, Guam, Puerto Rico, và Philippines. Được miêu tả là “lừng danh tiểu chiến dịch” bởi những người đề xướng, cuộc chiến chống lại Tây Ban Nha chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 năm, 3 tháng và 2 ngày. Tuy nhiên người Mỹ lại học được một bài học đau đớn khi họ đóng quân tại Philippines trong thập kỷ tới.
Trong khi Tây Ban Nha chánh thức bàn giao quần đảo cho quân đội Hoa Kỳ, người dân Philippines lại mong đợi độc lập chủ quyền và tiến hành soạn thảo một bản Tuyên ngôn Độc lập mà Hoa Kỳ không thừa nhận. Căng thẳng bùng lên thành một cuộc nổi dậy có vũ trang, nơi cả hai bên thực hiện các hành động tàn bạo đối đầu nhau. Khi cuộc nổi dậy ngày một trở nên bạo lực hơn, một phong trào lớn chống chủ nghĩa đế quốc đã nổi lên ở Hoa Kỳ nhằm tố cáo cuộc chiến đã kéo dài 3 năm. Người Mỹ muốn làm dịu người Philippines bản địa giống như cách họ đã làm với người da đỏ. Họ tập trung chú ý vào các hòn đảo phía Nam Philippines của người Moro, một nhóm thiểu số Hồi giáo.
Vào thế kỷ 13, các giáo sỹ Hồi giáo từ Vịnh Ba Tư đã tới khu vực này của Philippines và cải đạo người bản địa sang Hồi giáo và thành lập chế độ Sultanate trên khắp các hòn đảo. Người Moro là một bộ tộc bị chia cắt thành các phe phái nhỏ hơn do một thủ lãnh gọi là “Datu” lãnh đạo, và các Datu sẽ nằm dưới sự kiểm soát của một Sultan. Trong nhiều thế kỷ, người Moro được biết tới như là những tên thảo khấu và hải tặc tàn bạo đối với những người hàng xóm ngoại đạo hay theo đạo Cơ Đốc. Khi người Tây Ban Nha nắm quyền kiểm soát Philippines vào những năm 1500, trong hơn 300 năm, họ đã phải chiến đấu với người Moro nhưng không thể kiểm soát được họ. Người Moro chủ yếu là những chiến binh cận chiến sử dụng loại kiếm hai lưỡi được gọi là “kris”, “kalise”, hoặc “barong”. Họ cũng là những du kích quân lão luyện tham gia vào các cuộc tấn công “tử vì đạo” mà người Tây Ban Nha gọi là “Juramentados”.
Với sự xuất hiện của quân đội Hoa Kỳ tại vùng đất của người Moro, không mất nhiều thời gian để lính Mỹ bị du kích quân Moro giết chết. Bắt đầu từ năm 1903 và kéo dài tới năm 1913, Hoa Kỳ đã đạt được tiến độ chậm chạp trong việc đưa lãnh thổ Moro vào quyền kiểm soát thông qua các cuộc tiến công mở rộng chống lại các Datu nổi loạn, những người trú ẩn trong các pháo đài trên đỉnh núi được gọi là “cotta”. Hoa Kỳ nhận thấy phong tục của người Moro quá lạc hậu theo thời gian, và muốn buộc họ phải bãi bỏ chế độ nô lệ và chế độ đa thê. Nhiều báo cáo từ những người lính Mỹ trong cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ này đã bình luận về người Moro giống như là những kẻ cuồng dã, sử dụng hạt Aneca có đặc tính giống như chất kích thích để có thể chịu được nhiều phát súng trong chiến đấu. Loại vũ khí phụ tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ, khẩu súng lục ổ quay .38 đã được chứng minh là lỗi thời, từ đó giúp phát minh ra và áp dụng súng lục .45 vào năm 1911.
Một trong những “cotta” nổi tiếng nhứt của người Moro nằm ở Bud Dajo trên Đảo Jolo. Nó nằm bên trong một miệng núi lửa trên một ngọn núi khổng lồ, là nơi sinh sống của hơn 1000 người Moro. Vào ngày 2 tháng 3, chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Philippines là Leonard Wood đã ra lệnh cho một lực lượng viễn chinh đổ bộ lên hòn đảo và giải quyết những tên Moro ngoan cố. Lực lượng Hoa Kỳ đã cử đặc phái viên lên núi để cầu xin người Moro cho phụ nữ và trẻ em rời khỏi núi, nhưng họ từ chối.
Trong trận chiến kéo dài 3 ngày này, nhiều phụ nữ Moro cùng tham gia chiến đấu, và một sỹ quan Mỹ mém bị giết ngay trước mặt cấp dưới, điều này đã góp phần thiết lập nên quan điểm không nương tay. Cuộc chiến diễn ra rất dữ dội khi quân đội Hoa Kỳ leo lên một ngọn núi dưới làn đạn của những kẻ tử thủ. Hơn 20 người Mỹ thiệt mạng trong cuộc giao tranh và 70 người khác bị thương nặng.
Việc Hoa Kỳ chiếm đóng Philippines thu hút một phong trào chống chủ nghĩa đế quốc ở nội địa. Và khi tin tức và hình ảnh của Trận Bud Dajo về tới Hoa Kỳ, người Mỹ đã rất phẫn nộ. Họ gọi đây là “Thảm sát miệng núi lửa Moro”. Cuộc nổi dậy của người Moro tiếp tục diễn ra cho tới năm 1913. Phong trào chống chủ nghĩa đế quốc sử dụng sự đàn áp người Moro để làm hoen ố hình ảnh của quân đội và chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ngày nay người ta đã quên hẳn nó. Người Moro vẫn là dân tộc thiểu số không theo đạo Cơ Đốc lớn nhứt ở Philippines và tiếp tục nổi dậy trong suốt thế kỷ 20, bao gồm cả năm 2018 khi chống lại tổng thống Philippines hiện tại Rodrigo Duterte./.