Cậu giữ một cuốn nhật kí hành trình trong đó cậu viết về mình ở ngôi thứ 3 – như là một kẻ đơn độc dũng cảm, chối bỏ nền văn minh, tìm về với sự bao bọc của thiên nhiên.
Với những ai từng đọc tác phẩm kiểu “Một mình sống trong rừng” của Thoreau, sẽ đến thời điểm mà ý niệm về một cuộc sống cô độc trong một cabin nhỏ bé, cạnh một hồ nước và trồng rau củ bỗng đầy cuốn hút một cách kì lạ. Chắc chắn là nhiều chàng trai trẻ, trong đó có tôi, từng miệt mài giải thích cho mấy cô bạn gái kiên nhẫn về cảm giác thỏa mãn mà cuộc sống thiên nhiên thuần khiết và hoang dã mang lại. Christopher McCandless cũng không nằm ngoài vòng xoáy của giai đoạn trai trẻ này.
Vào trong hoang dã của Jon Krakauer lôi cuốn tôi vào nỗi sợ hãi đầy mê hoặc. Cuốn sách kể câu chuyện trong những năm tháng tuổi 20 của chàng trai vừa tốt nghiệp đại học và mang toàn bộ số tiền cao học của mình đi làm từ thiện. Theo cách dùng từ của Mark Twain, ấy là bỏ lại những tiện nghi, an toàn phía sau để đi tìm tư do, sự phiêu lưu và những cơ hội mới (lights out for the territory). Cậu đi về hướng tây đến khi không thể đi xa thêm được nữa sau đó xuôi về hướng bắc cho đến tận vùng hoang dã Alaska. Cậu mang theo những cuốn sách bỏ túi về kĩ năng sinh tồn và những giống cây dại có thể ăn được. Hình mẫu của cậu dường như giống với Jack London cho dù có lẽ, cậu quan tâm nhiều hơn đến cuốn “To buid a fire” của cùng tác giả hơn.
Phiên bản điện ảnh chuyển thể đầy mê đắm của Sean Penn bám rất sát nội dung sách. Chúng ta thấy một Christopher (Emile Hirsch) mơ mộng theo chủ nghĩa lý tưởng, đáp trả sự bất đồng của cha mẹ (William Hurt và Marcia Gay Harden) cùng cô em gái hay lạc lõng của mình(Jena Malone).
Cậu có thành tích tốt tại trường Emory, tương lai sáng sủa khi trường Luật nằm trong tầm với. Tại sao cậu phải chạy trốn cuộc sống của loài người, tại sao cậu bỏ lại chiếc xe. Cậu đang ở đâu, tại sao? Tại sao và tại sao?
Cậu giữ một cuốn nhật kí hành trình trong đó cậu viết về mình ở ngôi thứ 3 – như là một kẻ đơn độc dũng cảm, chối bỏ nền văn minh, tìm về với sự bao bọc của thiên nhiên. Hàng thế kỉ trước, những người như vậy có thể là những bậc hiền nhân, lui về một hang động hay giấu mình trong một tu viện ẩn dật, rũ bỏ bản thân khỏi tất cả những thú vui và chỉ tồn tại, vừa đủ sống. Cậu không coi mình như một kẻ không nhà, mà như một người tự do khỏi những mái ấm.
Trong cuốn sách này, Krakauer lần theo dấu vết của McCandless qua hồi tưởng của những người cậu bắt gặp trong cuộc hành trình của mình. Tìm được những con người ấy đã là cả một kì công đáng ấn tượng, và bộ phim của Penn còn thành công khi khắc họa họ một cách rất rõ nét và gần gũi. Họ là những người đã đón nhận cho chàng trai trẻ kì lạ, cho cậu đồ ăn, quần áo, nơi trú ẩn, chia sẻ về cuộc sống của họ, đưa ra những lời hướng dẫn và lo lắng mỗi khi cậu rời đi để tiếp tục cuộc thám hiểm – điều mà với họ, dường như có cái kết chẳng lành.
McCandless đã đổi tên mình thành Alexander Supertramp. Cậu xác tín nó bởi phong cách sống mà cậu lựa chọn. Cậu gặp những người như Rainey và Jan (Brian Dieker and Catherine Keener) – cặp đôi hippy vẫn hạnh phúc khi sống ngoài xã hội; Wayne (Vince Vaughn) – gã nông dân thân thiện và uống lắm rượu. Mối quan hệ sâu sắc nhất mà cậu có là với Ron – người đàn ông đứng tuổi nhìn rõ bản chất con người cậu, với sự thấu hiểu, bắt đầu coi cậu như người cháu hoang tàng. Christopher diễn giải với Ron – một người đã từng trải qua hầu hết mọi chuyện, về những điều mà ông đã để mất và yêu cầu ông theo cậu trèo qua ngọn đồi dốc đứng để tìm thấy chân trời mới cho mình. Ron đã cố gắng, trước khi ông thừa nhận rằng ông không còn sức cho những việc như vậy nữa.
Rồi, McCandless biến mất khỏi bản đồ của trí nhớ mọi người, tiến tới mảnh đất Alaska khắc nghiệt. Đúng vậy, nó thật đẹp. Nó là tất cả giấc mơ của cậu. Cậu tìm thấy một cái xe buýt bị bỏ lại ở nơi đáng ra chẳng có cái xe buýt nào hết, và, biến nó thành nhà. Cậu cố gắng săn bắn nhưng không quá hiệu quả. Cậu sống dựa vào những thực phẩm sản sinh từ đất mẹ nhưng vùng đất này là một tổ – hợp – không – khoan – nhượng. Từ ghi chép của cậu và một số bằng chứng khác, Penn dựng lại những tuần cuối cùng của cậu. Emile Hirsch nhập vai trong màn biểu diễn như thôi miên khán giả, trở thành một bộ xương khô, nhãn cầu tụt vào hốc mắt trong khi mọi người vẫn tiếp tục lùng sục tìm kiếm. Một diễn xuất tuyệt vời, và, nhiều hơn là diễn xuất.
Đây là một bộ phim nghiêm túc đầy suy tư và tiếc nuối về một chàng trai trẻ bị cuốn đi bởi sự lựa chọn không thỏa hiệp của chính mình. Hai trong số rất nhiều những hiện thực của văn hóa đương đại đó là chúng ta cần sự giúp đỡ của bạn bè, và đôi khi ta phải phụ thuộc vào lòng tốt của những người xa lạ. Nếu bạn không biết 2 điều này và chấp nhận nó, có lẽ bạn cũng sẽ thấy kết cục của mình như là ở trên một chiếc xe bus đơn độc. Sean Penn bản thân là một người lí tưởng một cách quyết liệt, không thỏa hiệp, ít giận dữ, giờ đây, có lẽ đã phần nào phản chiếu tính cách của mình trong bộ phim. Bộ phim thành công một phần bởi vì nó chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa, cho cả người cầm bút ( viết kịch bản) và nhà làm phim. Nó như là một lời tuyên bố rằng Christopher đã khăc tên mình trong thiên nhiên hoang dã.
Tôi lớn lên ở Urbana, cách 3 nhà là gia đình hàng xóm Sanderson: ông Milton và bà Virginia cùng những cậu con trai của họ: Steve và Joe. Joe là cậu bạn thân của tôi. Phòng ngủ của cậu chất đầy những bể kính nuôi cá cảnh, vườn ươm thực vật, rắn, hamster, nhện, bướm và một bộ sưu tập những con bọ cánh cứng. Tôi điên cuồng ghen tị với cậu ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu bắt đầu hành trình du ngoạn của mình. Cậu không để hành trình bị gián đoạn bởi cha mẹ nhưng họ hiếm khi biết cậu đang ở đâu. Đôi khi, cậu trở về nhà và mẹ của cậu sẽ khâu vào mép quần jean của cậu một tờ 100$. Cậu biến mất ở Nicaragua, thi thể của cậu được nhận dạng như một chiến binh Sandinista tự do. Từ một ngôi nhà xinh xắn xum xuê cây lá ở đầu kia của Washington Street, cậu ra đi để tìm kiếm điều mình khao khát. Tôi tin tưởng Christopher McCandless của Sean Penn. Tôi lớn lên cùng một người như vậy.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Rogerebert.com