Về cái ấn “Hoàng Đế chi bảo” đang được rao bán bên Pháp. Gần đây thấy cư dân mạng bàn tán xôn xao về bảo vật này của Việt Nam bị Pháp “cướp” đi rồi giờ lại đem đấu giá. Cái này chỉ đúng có một nửa.

by admin

Đúng, ấn này là bảo vật của Việt Nam là điều không phải bàn cãi, nhưng bảo rằng nó bị Pháp “cướp” đi thì không chính xác. Thực dân Pháp quả thực đã cướp rất nhiều thứ ở Việt Nam mang về nước, nhưng cái này thì không phải.

Khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên trước khi rút lên Việt Bắc đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt đã phát hiện ra bộ ấn kiếm này. Ngày 3/3/1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ long trọng trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, khi đó với tư cách “Quốc trưởng” của một Chính phủ tay sai mới.

Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, Bảo Đại đã ủy quyền cho “thứ phi” là bà Bùi Mộng Điệp (tình nhân, không có hôn thú) mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do “cựu thái tử” Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý bộ ấn kiếm trên thuộc về bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng (cưới năm 1982, tự xưng danh hiệu là Hoàng phi Vĩnh Thụy) cất giữ. Từ đó, không còn tin tức gì về kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nữa. “Hoàng phi” Monique Vĩnh Thụy qua đời ngày 21 tháng 9 năm 2021, không có con cái. Có lẽ đó là lý do mà chiếc ấn bây giờ được mang ra bán đấu giá.

Vậy nếu chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” này là thật, thì nó vốn là bảo vật quốc gia, nhưng đã bị đem sang Pháp và sang tay như tài sản cá nhân. Nếu có ai “cướp” nó đi thì kẻ đó là Bảo Đại, không phải người Pháp. Rất mong chính phủ Việt Nam có biện pháp đưa bảo vật này trở về.

You may also like

Leave a Comment