Về “con át” chủ bài của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam

by admin

Cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” là tập hợp loạt ký sự nói trên của hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú cùng với phần bổ sung hoạt động sau năm 1975 của ông do chính người học trò là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cung cấp tư liệu.

Sách Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu HạngSách Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu Hạng

Sách Ông Tướng Tình Báo Bí Ẩn Và Những Điệp Vụ Siêu Hạng

 

Thành công của cách mạng Việt Nam là tấm thảm trải bước hòa bình được dệt nên từ những cống hiến của biết bao vị anh hùng dân tộc vĩ đại. Trong những lực lượng nòng cốt tiêu biểu phải kể đến các nhà tình báo với cuộc sống và sự hy sinh thầm lặng trong lòng địch. Thiếu tướng Đặng Trần Đức với bí danh Ba Quốc là một trang sử hào hùng như thế. Ông sống kín tiếng bên trong vỏ bọc của mình, hoàn toàn là một nhân vật bí ẩn ngay cả với lực lượng vũ trang và lãnh đạo đất nước, trừ số ít vị ở cấp cao nhất trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng. Phải đến khi hàng loạt ký sự về ông Ba Quốc đăng trên báo Thanh niên năm 2004, công chúng mới lần đầu tiên biết đến hoạt động lừng lẫy với những chiến công thầm lặng của ông.

Cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” là tập hợp loạt ký sự nói trên của hai nhà báo Hoàng Hải Vân và Tấn Tú cùng với phần bổ sung hoạt động sau năm 1975 của ông do chính người học trò là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cung cấp tư liệu. Bằng lối viết giản dị và chân thực, tác phẩm đã khái quát hành trình cách mạng vẻ vang của nhà tình báo tài ba. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Ba Quốc để lại khối di sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự – chính trị Việt Nam, di sản đó sẽ là bất diệt qua mọi thời đại và nó cần được trao truyền qua các thế hệ như ngọn đuốc không bao giờ tắt.

*Ông Ba Quốc – Điệp viên lỗi lạc giữa sào huyệt tình báo địch*

Cuộc đời tình báo của ông Ba Quốc bắt đầu từ tháng 5 năm 1949. Tổ chức giới thiệu ông với điệp báo viên Đặng Văn Hàm – con rể ông Đàm Y, quận trưởng của quận 1 (Hàng Trống), khét tiếng chống Việt Minh và là tay chân đắc lực của Tổng trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện. Với sự khéo léo của mình, ông đã lấy được lòng tin của Đàm Y đến mức “Ông Đàm Y không có con trai, ông ta muốn lo mọi chuyện cho ông Ba Quốc để sau này Ba Quốc lo cho ông ta lúc tuổi già”. Được sự giúp đỡ đắc lực, ông che dấu thân phận là Việt Minh, vào làm công an của chế độ Bảo Đại và sau đó xin làm Đồn trưởng Công an Từ Sơn (thuộc phía đối phương) nhằm bắt liên lạc với cấp trên, lấy lý do làm ở vị trí đó ông mới có điều kiện tìm được vợ con.

Hai mươi năm trong cơ quan mật vụ tối cao của đối phương

Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, ông Ba Quốc hoạt động tình báo đơn độc trong những cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, từng bước đi lên và củng cố địa vị, làm việc cần mẫn, tĩnh lặng như cơn sóng ngầm trong lòng địch.

Vào nam, lúc đầu ông được bố trí làm kế toán viên tại Nha Công an Nam phần. Nhờ biết được người Pháp đang có kế hoạch chuyển một số vàng rất lớn về Pháp, ông đã thông tin cho Trưởng ban công tác đặc biệt Phủ Tổng thống là Trần Kim Tuyến. Nhờ đó ông được chuyển về ban công tác đặc biệt Phủ Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa, đặc trách tổ chức việc thu thập thông tin buôn lậu vàng. Sau sự việc này, ông chính thức được điều về Sở Nghiên cứu chính trị – xã hội do Trần Kim Tuyến đứng đầu, với cấp bậc là chuyên viên bậc 3. “Ở đây, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc hàng ngày, ông vừa nhanh chóng tìm hiểu để biết rõ những cái mạnh và cái yếu của Cơ quan mật vụ Phủ tổng thống” bởi “biết địch biết ta” là chìa khóa chiến thắng.

Với vị trí này, ông Ba Quốc đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ siêu hạng bằng sự khôn khéo, nhanh nhạy của mình. Trong số đó phải kể đến vụ giải cứu ông Nguyễn Văn Linh và chín đặc khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định. Trong tình thế gam go khi một đặc khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định đang hoạt động ở nội thành tên Huỳnh Kim Hiệp đã phản bội, báo tất cả danh sách đặc khu ủy, gồm bí thư và 9 đặc khu ủy viên, nơi ở và các hoạt động hằng ngày của họ và Trần Kim Tuyến cử chính ông Ba Quốc phụ trách vụ này. Theo chân hành trình của người chiến sĩ cách mạng qua lời tự sự của chính ông khiến độc giả nín thở hồi hộp không thua kém bất kì một bộ phim trinh thám nào. Ta đi từ sự lo lắng khi ông vướng trong tình thế đơn phương độc mã đến thở phào nhẹ nhõm khi ông báo được tin cho đồng đội thoát nạn và bình an vô sự. Toàn bộ những câu chuyện từ vị tướng già được hai nhà báo ghi chép chân thật và rõ nét đến từng xúc cảm: “Lúc đó tôi rất hồi hộp nhưng tất nhiên vẫn giữ được khuôn mặt bình thản” hay “Tim tôi như đứng lại mặc dù tôi vẫn giữ vẻ ngoài hoàn toàn bình tĩnh”. Ấy là những cảm xúc được chôn chặt trong chiếc mặt nạ hoàn mỹ của nhà tình báo tài ba, là tình đồng chí đồng đội và lòng yêu nước.

 Là một nhà tình báo có nhãn quan chính trị tuyệt vời, dù trong hoàn cảnh nào ông cũng tư duy nhanh nhạy để đặt lợi ích của cách mạng lên hàng đầu và đảm bảo an toàn thực hiện nhiệm vụ, đó là sự nhanh nhạy khi thương thuyết với Trịnh Quốc Khánh – một trong các lãnh tụ “Hòa Hảo dân xã” để vừa lấy được cảm tình của Khánh, vừa củng cố niềm tin từ Trần Kim Tuyến và đồng thời thành công kích động và khai thác mâu thuẫn nội bộ địch; đó là sự dũng cảm thông minh khi bố trí cho bom nổ lệch giờ, kịp thời cứu mạng Hoàng thân Sihanouk. Ông kể “Tôi làm như vậy vì theo dõi đài tôi thấy ta có thái độ tốt với ông Sihanouk”. Nhanh nhạy như một chiếc rada, việc làm khôn khéo này của ông đã giúp quân ta có thêm sự ủng hộ công khai từ phía Sihanouk.

STAY BEHIND IN NORTH VIETNAM là tên bộ hồ sơ về bảy ổ gián điệp do Mỹ cài ở miền Bắc được ông phát hiện và gửi về tổ chức. Ông Mười Nho đánh giá cao về vai trò của ông Ba Quốc: “Các ổ gián điệp đó bị ta làm sạch hết. Đó là thành công lớn của chúng ta. Ta cài người vào trong các cơ quan của nó thì rất nhiều, còn Mỹ cài vào được bao nhiêu đều bị ta tóm sạch hết”. Thành tựu này là kết quả của cả quá trình làm việc cần mẫn và tỉ mỉ, tĩnh lặng và liều lĩnh của ông.

Sau khi chế độ Diệm sụp đổ, trải qua những năm biến động chính trị của miền nam, Ba Quốc lại thâm nhập vào Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Lúc này ông nằm trong cụm điệp báo H67, có lúc leo lên đến trợ lý Cục trưởng Cục Tình báo Quốc nội, kiêm nhiệm Trưởng ban Đoàn thể (phụ trách việc theo dõi hoạt động của các tổ chức chính trị). Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng trong mạng lưới tình báo của Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, “ông lợi dụng mâu thuẫn giữa Đặc ủy trưởng Nguyễn Khắc Bình với Tổng tham mưu trưởng quân đội Cao Văn Viên để lấy cắp các tài liệu mật”.

Năm 1974, do giao liên bị bắt, trước nguy cơ bị lộ, ông được lệnh rút ra mật cứ, rồi từ đó theo đường mòn Hồ Chí Minh ra bắc. Về Hà Nội, ông báo cáo tình hình chính trị miền nam cho Bộ Chính trị, và sau đó được phiên quân hàm Trung đoàn bậc phó tương đương thiếu tá. Tại miền bắc, ông đoàn tụ với gia đình sau 21 năm cách biệt vì nhiệm vụ. Có thể nói ông Ba Quốc là điệp viên xuất sắc với những chiến công lớn ở mặt trận vô hình Sài Gòn.

Xuyên suốt tập hồi kí là những lần “tìm manh mối” từ các nguồn tài liệu cũ, từ những người ở lại của hai nhà báo nhằm tái hiện một cách chân thực nhất chân dung nhà tình báo lỗi lạc Đặng Trần Đức bởi ông luôn là một người kín tiếng và khiêm nhường. Vậy ông Ba Quốc qua lăng kính khách quan của đồng đội và người thân như thế nào?

 

* Phẩm giá người chiến sĩ cách mạng *

 

“Dũng cảm đến mức liều lĩnh” là những gì ông Sáu Trí – Thủ trưởng Cơ quan Tình báo Miền trong nhận xét về ông Ba Quốc. “Ông Sáu Trí coi ông Ba Quốc là một điển hình cơ cán tình báo đi sâu, tận tụy, cần mẫn, dũng cảm, làm việc hết mình cho kháng chiến với cường độ lao động rất lớn”. Tuy nhiên ông không tán thành cách làm việc mạo hiểm của Ba Quốc. Ông kể lại những lần Ba Quốc chuốc rượu say đối phương rồi tranh thủ chép lại tài liệu hay mở tủ hồ sơ mật trong Phủ Đặc ủy nhân cơ hội người trông coi uống cà phê mỗi sáng và bày tỏ quan ngại về sự liều lĩnh táo tợn của đồng đội. Khi nhà báo hỏi ông Ba Quốc: “Ông có bao giờ thấy căng thẳng không?”, ông trả lời “Tôi không bao giờ thấy căng thẳng cả”. Có lẽ sự điềm tĩnh can trường trong mọi hoàn cảnh đó đã giúp ông nhập vai và thành công thoát khỏi sự kiểm tra của máy phát hiện nói dối từ phe địch.

Trong mắt ông Mười Nho:

“Ảnh rất trung thành, rất có kỷ luật. Cái đó khó lắm. Cũng có anh làm ăn không được, bí quá nên báo cáo sai hoặc xào nấu thông tin trên báo chí để báo cáo, nhưng anh Ba Quốc thì rất trung thực. Có lúc không có tin tức thì ảnh không báo cáo chứ không báo cáo sai. Làm tình báo rất cần cái này”.

Và trong mặt người vợ ở miền Nam là bà Ngô Thị Xuân cùng nhiều đồng chí khác, ông Ba Quốc không bao giờ nóng giận, không vỗ ngực tự khoe. Ông tướng “liều mạng” này còn là một người trọng tình trọng nghĩa.

“Tuy đã là cấp tướng, nhưng cứ mỗi lần đi công tác, dù ở hậu phương hay ở chiến trường, bao giờ ông cũng giành ngồi ở vị trí chiến đấu bên cạnh tài xế. Vị trí đó bao giờ cũng nguy hiểm đến tính mạng khi bị tấn công”.

Là một tấm gương sáng theo lối sống và phong cách bộ đội cụ Hồ, suốt những năm hoạt động, “ông sống rất kham khổ, hầu như không có ngày nào được nghỉ ngơi” và “giữa Sài Gòn phồn hoa đô thị, ông đã sống như một nhà tu”, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng cho đến ngày ông vào bệnh viện. Theo lời người con trai kể lại, ông thậm chí không bao giờ nghỉ phép cho dù chủ nhật hay ngày lễ: “Tết đến ông đi làm từ mùng 1”. Dòng máu cách mạng sôi sục trong huyết quản thôi thúc ông đấu tranh hết mình vì nhân dân, vì Tổ quốc thân yêu.

Không giống như những chiến sĩ giải phóng cầm súng khác, ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Ba Quốc vẫn tiếp tục miệt mài công việc tình báo, chuyển từ một điệp viên bí mật sang làm cán bộ tình báo công khai, nhanh chóng tổ chức các điệp viên và kết nối các mối quan hệ, phái người đến những nơi cần đến để bất cứ khi nào cần sẽ chỉ thị. Từ đây ông đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc.

 

* Cánh chim không mỏi *

 

Năm 1977, cụm điệp báo Hà Tiên/Kiên Giang mà ông là cụm trưởng, đã móc nối thành công với Heng Samrin – tư lệnh sư đoàn 4 của Khmer Đỏ, nắm được ý đồ của Khmer đỏ coi “Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp”. Từ đó Trung ương Đảng xác định, đây không chỉ là “xung đột biên giới” đơn thuần mà là cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ Quốc. Năm 1978, ông Heng Sarim tiến hành đảo chính không thành công, Việt Nam buộc phải tiến hành biện pháp cứng, phản công trên toàn biên giới tây nam với hơn 25 vạn quân và tiến vào Phnom Penh lật đổ chế độ Khmer đỏ.

Nếu không có các hoạt động tình báo hữu hiệu sớm nắm bắt dã tâm của địch, làm thất bại âm mưu, ý đồ chiến lược, cắt đứt hậu cần của chúng thì nhân dân Campuchia càng tang thương hơn nữa và sự tổn thất của đất nước ta, của quân đội ta là rất khó lường.

Sau đó ông công tác tại đoàn 817 – cục 12, tham gia chỉ huy hoạt động tình báo của quân đội Việt Nam tại Campuchia. Trong thời kỳ 10 năm ở Campuchia, ông là người tổ chức và chỉ huy Tình báo Việt Nam, phá vỡ các màng lưới tình báo Khmer đỏ để lại, triệt phá các kênh ngầm viện trợ cho Khmer đỏ do liên minh Thái-Mỹ-Trung Quốc đứng đầu, cũng như hỗ trợ đắc lực tin tức tình báo cho Bộ Tư lệnh Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tại đây ông đào tạo được nhiều lớp cán bộ tình báo tài ba, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – người gắn bó với ông nhiều năm, được ưu ái xem là “sản phẩm đắc ý nhất” trong thế hệ học trò của ông Ba Quốc.

Công tác tình báo của vị tướng tài ba chưa bao giờ bị cản trở bởi tuổi tác. Năm 1988, trước tình hình biến động tại Đông Âu, khi được cấp trên yêu cầu đánh giá, ông dự đoán rằng CIA sẽ can thiệp để hình thành cái gọi là Xã hội dân chủ ở Liên Xô, nhằm làm sụp đổ chế độ Cộng sản từ bên trong. Nhờ vào đó, nhà nước Việt Nam đã không bị động trước những biến động chính trị ở Đông Âu trong giai đoạn này, một phần dự trữ vàng và ngoại tệ ở Đông Đức và Liên Xô, đã được bí mật đưa về nước trước khi thể chế chính trị thay đổi.

Giai đoạn bình thường hóa quan hệ quốc tế, khi còn phụ trách Cục 12 và sau khi về hưu, ông cũng tham mưu và đề xuất với Ban Chỉ đạo Điệp báo Tổng cục trong việc xây dựng lực lượng Tình báo Kinh tế – Công nghệ.

Ông là người duy nhất đi từ tình báo viên trong chiến tranh Việt Nam, trở thành cán bộ tình báo rồi lãnh đạo tình báo quốc phòng sau chiến tranh. Nói như lời cuối của cuốn sách:

Ông Ba Quốc cả đời hiến dâng cho đất nước, ông làm tất cả những gì mà ông có thể, không cần phải được ghi nhận công lao và tuyệt đối không tham quyền cố vị. Ông đã đề nghị tướng Vịnh – là người học trò của mình thay ông làm Cục trưởng, và ông đã giao ngay công việc điều hành cho tướng Vịnh trước khi có quyết định của cấp trên”.

Khép lại cuốn sách với cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi với những cống hiến to lớn cho hòa bình dân tộc của Thiếu tướng Đặng Trần Đức, chúng ta có thể tự hào về một nhà tình báo lỗi lạc thấm đẫm nhân nghĩa và tình người hiếm thấy trên thế giới để tin tưởng vào nền quốc phòng vừa toàn dân vừa chuyên nghiệp nổi trội của chúng ta, đủ sức bảo vệ đất nước trước bất cứ kẻ xâm lược nào, trong bất cứ tình huống nào.

Vị tướng tài ba với những phẩm chất quý giá của người chiến sĩ cách mạng ấy cũng như thế hệ cha ông đi trước sinh ra trong máu lửa, lấy thân mình làm lá chắn hòa bình mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo và dốc sức mình dựng xây đất nước. Hãy cùng chiêm ngưỡng trang sử hào hùng của dân tộc qua “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” bạn nhé. 

You may also like

Leave a Comment