—————————
(Bài này được viết khá tranh thủ nên chắc chắn có thiếu sót, các bạn cứ góp ý tận tình).
Nguồn gốc danh xưng “Chính phủ”:
Chính phủ bắt nguồn từ tên gọi cơ quan làm việc của các tể tướng thời Đường Tống, nơi họ giải quyết chính sự.
Thời vua Lê chúa Trịnh thì đây là tên gọi Phủ Chúa Trịnh, khi chúa Trịnh Tùng sau khi có công giành lại được Thăng Long, được vua Lê phong Bình An vương, Đô nguyên soái Tổng quốc chính, được thế tập tước và nắm quyền trong tay cả văn lẫn võ. Trịnh Tùng lập phủ đệ bên cạnh kinh thành Thăng Long, đặt quan thuộc, hình thành một bộ máy quan lại riêng đồng thời nắm quyền kiểm soát triều đình vua Lê, các quan triều đình chỉ vào chầu vua Lê trong một số ngày nhất định, còn lại thời gian đều làm việc tại công sở của họ và trong phủ Chúa, do đó phủ Chúa còn có danh xưng là “Chính phủ” (phủ giải quyết việc triều chính).
Danh xưng Chính phủ được sử dụng cả bởi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chủ tịch thành lập (sau đổi gọi là Hội đồng Bộ trưởng), và nhà nước Quốc gia Việt Nam / Việt Nam Cộng hoà (danh xưng “Nội các” chỉ bao gồm những Bộ trưởng / Thứ trưởng, Tổng thống, Thủ tướng và có thể các Phó Tổng thống / Phó Thủ tướng. “Nội các” không được sử dụng ở VN hiện nay). Nước CH XHCN Việt Nam sau thống nhất bắt đầu sử dụng danh xưng Chính phủ theo Hiến pháp 1992, tên gọi chính thức là Chính phủ nước CH XHCN Việt Nam.
Các nước đồng văn (bao gồm Trung Quốc, Nam / Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan) gọi chính phủ của mình như sau (tên chính thức đầy đủ)
⁃ Trung Quốc ?? : Trung Hoa Nhân dân Cộng hoà quốc Quốc vụ viện.
⁃ Đài Loan ?? : Trung Hoa Dân quốc Hành chính viện.
⁃ Nhật Bản ?? : Nhật Bản quốc Chính phủ. “Nội các” tương tự như trên chỉ bao gồm Thủ tướng (Tổng lý Đại thần) và các Bộ trưởng (Đại thần).
⁃ Triều Tiên ??: Chính vụ viện (bị bãi bỏ năm 1998), hiện gọi chính thức là “Cộng hoà quốc Nội các” hay ngắn gọn là Nội các. Tương tự như trên, Nội các chỉ bao gồm Thủ tướng (Nội các Tổng lý) và các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trường hợp Triều Tiên thì hơi phức tạp do Uỷ ban Quốc vụ do Kim Jong-un làm Chủ tịch mới là trung tâm quyền lực chính quyền.
⁃ Hàn Quốc ??: Đại Hàn Dân Quốc Chính phủ. Người đứng đầu là Tổng thống, có chức Thủ tướng (gọi là Quốc vụ Tổng lý), tuy nhiên hoạt động như Phó Tổng thống hoặc Phó Thủ tướng thường trực, giúp việc cho Tổng thống.
Nguồn gốc danh xưng “Thủ tướng”:
Thủ tướng là viết tắt của Thủ tịch Tể tướng, tức là tể tướng nắm quyền cao nhất. Quan chế Trung Quốc cổ, nhất là thời Đường thường có nhiều tể tướng cùng tham dự chính sự một lúc, nên gọi như vậy để phân biệt cao thấp giữa các vị tể tướng.
“Thủ tướng” (shusho) là tên gọi không chính thức của chức Nội các Tổng lý Đại thần thời Đế quốc Nhật. Ở Việt Nam, từ Thủ tướng được sử dụng làm danh xưng chính thức cùng lúc với từ Chính phủ, xuất hiện năm 1945 với Bác Hồ là người đầu tiên giữ chức danh này. Trước đó người đứng đầu chính phủ thân Nhật là Trần Trọng Kim có chức danh là Tổng trưởng Nội các / Tổng lý. Danh xưng chính thức hiện tại là Thủ tướng Chính phủ nước CH XHCN Việt Nam.
Các nước đồng văn (trừ Đài Loan) đều gọi Thủ tướng của họ là Tổng lý. Danh xưng chính thức như sau:
⁃ Trung Quốc ?? : Trung Hoa Nhân dân Cộng hoà quốc Quốc vụ viện Tổng lý.
⁃ Đài Loan ?? : Trung Hoa Dân quốc Hành chính viện Viện trưởng.
⁃ Nhật Bản ?? : Nội các Tổng lý Đại thần
⁃ Triều Tiên ??: Nội các Tổng lý.
⁃ Hàn Quốc ??: Đại Hàn Dân Quốc Quốc vụ Tổng lý.