Dù chúng ta dễ dàng bắt gặp các sản phẩm giá rẻ, có chất lượng tốt (đồng hồ túi xách, xe hơi…) được bày bán tràn lan trên thị trường nhưng kỳ lạ thay, chúng ta lại luôn khao khát sở hữu những sản phẩm đắt tiền.
Nhìn thoáng qua, hai chiếc đồng hồ dưới đây trông rất giống nhau. Cả hai sản phẩm đều có chức năng chống thấm nước, có thể dùng để đo cự ly chạy chính xác đến từng phần trăm giây và đều có thiết kế thanh lịch. Không những vậy, chủ nhân của hai chiếc đồng hồ cũng có thể xem được lịch âm. Tuy vậy, sự khác biệt chính của hai chiếc đồng hồ này lại nằm ở giá cả: một chiếc có giá £100 và chiếc còn lại được bán với giá £20000.
Có lẽ bạn sẽ nhanh chóng đặt ra câu hỏi: Vì sao ai đó lại chi ra một số tiền gấp hàng trăm lần so với những người khác chỉ để sở hữu một chiếc đồng hồ?
Xét ở một khía cạnh nào đó, lý do duy nhất khiến mọi người muốn mua sản phẩm đắt tiền là vì họ thích phô trương, thể hiện sự giàu sang của bản thân và cố gắng làm bẽ mặt người khác. Nói tóm lại, mua hàng là sự tự khẳng định cái tôi một cách hung hăng.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt minh chứng cho sự tiến bộ của loài người lại không nằm ở cách chúng ta phê phán một thói quen nào đó mà ở cách chúng ta giải thích các hoạt động bên trong các hành vi có vấn đề (dù là hành vi ăn trộm, cảm giác cuồng ăn hay việc móc hầu bao mua một chiếc đồng hồ Rolex). Nếu như chúng ta hiểu rõ hơn về động cơ “gây án” thì chúng ta cũng rất cần nhận biết vì sao chúng ta lại khó lòng cưỡng lại khao khát sở hữu các hàng hoá xa xỉ. “Căn bệnh” này cần được chữa trị bằng sự tử tế và sáng suốt.
Chúng ta đang sống trong một xã hội coi trọng hàng hoá xa xỉ, xem hàng hoá xa xỉ là một nhu cầu cần thiết và là thứ mang lại một cuộc sống tốt đẹp. Và vì vậy, nếu “căn bệnh” này không được chữa trị khẩn cấp thì nó sẽ ngày càng nặng hơn. Triết lý ngầm của hàng hoá xa xỉ là giá của những món đồ này đã vượt lên trên mức lương trung bình trong xã hội, khiến phần đông mọi người trong xã hội cảm thấy bản thân thật túng thiếu. Theo định nghĩa, “xa xỉ” là thứ 95% dân số không thể mua được hoặc chỉ một số ít (với nỗ lực rất lớn) mới đủ sức chi trả. Do vậy, ai cũng có nhu cầu chính đáng khi trở thành chủ nhân của những món hàng đắt đỏ nhằm khẳng định mình đang đứng ở vị trí trung tâm trong xã hội.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, chúng ta cũng có thể cho rằng, việc mua sắm hàng hoá xa xỉ không xuất phát từ lòng tham hay khao khát làm nhục người khác. Việc làm này bắt nguồn từ hai động lực. Đầu tiên là nỗi sợ hãi của hầu hết mọi người. Ai cũng cảm thấy không an toàn khi là một kẻ bình thường. Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là bằng chứng cho thấy, con người luôn hứng chịu cảm giác tủi thân khi bị xếp ở vị trí bình thường trong xã hội. Nhiều người có thể chẳng cần đến những món đồ trang sức bằng vàng, kim cương nhưng họ lại cảm thấy cần thiết khi có thể tách biệt bản thân ra khỏi thế giới nghèo khổ bên ngoài kia. Đó là cách họ tự bảo vệ bản thân trước nỗi khiếp sợ một cuộc sống bình thường, trong một xã hội mà mức sống trung bình là điều kinh hoàng.
Cảm giác xa xỉ không chỉ được định nghĩa thông qua mức độ phát triển của mỗi quốc gia mà nó còn được định nghĩa dựa trên vị trí của một người trong xã hội. Động lực ở đây là: Họ khao khát mọi người công nhận họ “khác biệt”, đây là con đường ngắn nhất để chứng tỏ nhân phẩm và cảm giác họ được tôn trọng
Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi Rolex và Louis Vuitton, Prada và Aston Martin đã tạo ra một ấn tượng tệ hại tại Đan Mạch, quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đứng hàng thứ 3 thế giới và mức sống của người dân tại nước này đồng đều nhất thế giới.
Trường hợp của Đan Mạch đã minh hoạ cho một giải pháp lớn lao đối với vấn đề hàng xa xỉ đang nổi cộm trong xã hội. Khao khát có được món hàng xa xỉ hoàn toàn đối lập với phẩm giá của một cuộc sống bình thường; khi phẩm giá được nâng lên cao thì khao khát sở hữu hàng xa xỉ lại xuống thấp.
Trong bức tranh được vẽ vào năm 1850 của John Everett Millais, mang tựa đề “Chúa ở trong nhà bố mẹ của Người”, nhân vật trung tâm và được tôn sùng nhất trong Đạo Thiên Chúa, xuất hiện ở chính giữa bức tranh. Millais đã cẩn thận phác hoạ sàn nhà đất nung lộn xộn, những bức tường thô sơ, bộ quần áo giản dị và hoàn toàn vắng bóng các đồ dùng đắt tiền. Tuy nhiên, cùng lúc đó, người hoạ sĩ cũng yêu cầu chúng ta hãy quan sát cảnh tượng một cách nghiêm túc. Những thứ quý giá nhất trên thế giới nằm ở đây, chứ chẳng cần đến những buổi trưng bày ở bất cứ đâu. Bức tranh muốn chuyển đến người xem thông điệp rằng, điều bình thường đôi khi lại không tầm thường chút nào.
Bạn không cần phải theo tôn giáo này hoặc thông cảm với các nguyên lý tín ngưỡng để hiểu được ý nghĩa của bức tranh. Nhưng đây lại chính là nền tảng để phát triển một cuộc sống độc lập; chúng ta xem xét điều này thông qua nghệ thuật thị giác mà không cần bất cứ nền tảng mê tín dị đoan nào.
Chúng ta nên hiểu rằng, lý do khiến chúng ta mê mẩn hàng hoá xa xỉ không phải vì chúng ta sợ mức sống quá đỗi bình thường mà đây là một hội chứng lòng tin dành cho các nhà chức trách. Lòng tin vào các nhà chức trách là một điều tốt. Đó chính là thứ chúng ta nhận được khi đến trường, cho phép chúng ta lái xe an toàn ở những thành phố lớn. Điều này có nghĩa là chúng ta sẵn sàng đứng xếp hàng ở sân bay và làm theo chỉ dẫn của nhân viên cứu hoả.
Tình yêu đối với hàng hoá xa xỉ không phải là điều gì kỳ quặc. Nó phù hợp với những nhu cầu chính đáng của con người. Hàng hoá xa xỉ sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm cho đến khi chúng ta tìm được giải pháp tốt hơn cho các vấn đề nhức nhối, vốn đã tồn tại bấy lâu nay trong xã hội.
Theo The Book of Life
Minh Phương