Vì sao đám cưới cấm trẻ em ngày càng phổ biến! 

by admin

Xu hướng đám cưới “chỉ đón tiếp người lớn” ngày càng được ưa chuộng vì nhiều cô dâu và chú rể không muốn sự xáo trộn có thể xảy đến khi trẻ em có mặt.

Sau 6 năm gắn bó, ca sĩ Minh Hằng sẽ tổ chức đám cưới với bạn trai doanh nhân vào ngày 18/6 tới.

Trong thiệp cưới gửi tới bạn bè và người thân, ngoài thông tin về thời gian, địa điểm, Minh Hằng còn đưa ra một số lưu ý với khách mời như không dắt theo trẻ em “vì đây là tiệc người lớn”.

Theo Bloomberg, “có hay không nên đón tiếp trẻ em trong đám cưới” luôn là vấn đề gây tranh cãi. Đặc biệt là sau dịch, số lượng đám cưới bùng nổ nhưng ngân sách cũng eo hẹp hơn bao giờ hết đối với nhiều người.

Sợ tiệc bị náo loạn

Samantha (28 tuổi) tổ chức đám cưới cấm trẻ em ở Nam Carolina, Mỹ vào tháng 10 năm ngoái. Vợ chồng cô không có con và muốn hôn lễ của mình là bữa tiệc vui nhộn thay vì giống sinh nhật của một đứa trẻ.

Trong khi nhiều vị khách vui mừng vì có một đêm thoát khỏi nghĩa vụ làm cha mẹ, những người khác nhất quyết mang theo con cái vì không tìm được nơi giữ trẻ. Số còn lại, lấy lý do đám cưới không đón tiếp trẻ em, thẳng thừng từ chối lời mời.

Theo Glamour, có 3 loại đám cưới chính: dành cho mọi lứa tuổi, không đón tiếp trẻ em, chỉ mời khách trong độ tuổi nhất định mà ở đó, những đứa trẻ xuất hiện với tư cách thành viên trong gia đình hoặc tham gia vào các nghi lễ.

Meredith Bartel, chuyên gia tổ chức đám cưới ở Mỹ, cho biết giới trẻ ngày nay ưa chuộng hôn lễ “chỉ dành cho người lớn” vì số tiền họ phải chi cho một đêm tiệc tùng là hàng chục nghìn USD.

“Người trẻ không còn dựa dẫm cha mẹ để chi trả cho đám cưới như vài thập kỷ trước. Do đó, họ đưa ra lựa chọn của riêng mình. Thực tế, mỗi đứa trẻ trong danh sách khách mời đều sẽ tác động đến ngân sách”, cô nói.

Khoảng 60% cặp vợ chồng thuê dịch vụ của Bartel chọn tổ chức ngày vui không có hoặc giới hạn số lượng trẻ em. Tất cả để người lớn thoải mái với bữa tiệc nhảy nhót và đồ uống có cồn.

Khi Laura Cottle, giáo viên mầm non ở Anh, kết hôn năm 2016, cô và chồng cân nhắc nhiều về việc đón tiếp trẻ em cho đến khi quyết định làm điều ngược lại.

“Chúng tôi không có con hay cháu vào thời điểm đó nên bữa tiệc có trẻ em là không phù hợp. Hơn nữa, công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ nên cũng muốn một ngày không có chúng vây quanh”, cô nhớ lại.

Đám cưới của Cottle được tổ chức ở địa điểm “không hẳn an toàn cho trẻ em” nên hầu hết khách mời, kể cả người có con, đều đồng ý với tâm nguyện của cô dâu và chú rể, theo Harper’s Bazaar.

Nhiều bạn bè của cặp đôi phải tìm người trông trẻ vào hôm đó để dự tiệc. Trong đó, bạn thân nhất của Cottle, là bà mẹ 2 con, tâm sự: “Đám cưới không trẻ em là kiểu yêu thích của tôi. Bạn được ăn diện, tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ mà không phải lo lắng về tã, bỉm hay con cái quấy khóc”.

Kerry Conway, người sáng tạo nội dung cho trang web nuôi dạy con cái, cũng nói không với trẻ em trong đám cưới của mình vào năm 2016. Cô cho biết lý do lớn nhất là hạn chế về không gian.

“Gia đình tôi có khá nhiều trẻ con, mỗi khách mời mang theo một đứa trẻ sẽ làm tăng gấp đôi số lượng. Điều đó có nghĩa là vợ chồng tôi cần thuê phòng tiệc lớn hơn mà tôi thực sự không thích, chưa kể còn tốn kém hơn. Một số khó chịu với quyết định của tôi, nhưng dù sao đó cũng là ngày vui của tôi”, cô nói.

Kerry, hiện đã có con, phải từ chối nhiều lời mời đám cưới không đón tiếp trẻ em từ bạn bè. Cô không hối tiếc vì quyết định năm nào.

“Tôi biết rất nhiều người vui vẻ tận hưởng tiệc cưới không có trẻ em. Điều đó khiến họ bớt căng thẳng hơn. Nói chung, tôi nghĩ đám cưới sẽ thú vị hơn đối với những khách mời mà con cái của họ không ở đó. Tuy nhiên, cô dâu và chú rể cũng cần hiểu rằng không phải ai cũng có thể làm được điều này”.

Phân biệt đối xử?

Đối với Emily Jaeger, mẹ của đứa trẻ 9 tháng tuổi ở Mỹ, việc liên tiếp nhận thiệp cưới từ bạn bè trong năm nay khiến cô cảm thấy căng thẳng. Bởi lẽ hơn một nửa trong đó là đám cưới chỉ dành cho người lớn, Parents đưa tin.

Theo Jaeger, hầu hết đám cưới diễn ra ở tiểu bang khác, chưa kể nỗi lo về Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất khi con gái cô chưa được tiêm vaccine.

Ban đầu, Jaeger cảm thấy khó chịu khi nhận được lời mời tới dự đám cưới một mình. Sau đó, cô nhẩm tính số tiền phải chi ra cho mỗi lần đi ăn cưới.

“Quà cưới tối thiểu 50 USD, phòng khách sạn cho 2 đêm 350 USD, tiền thuê người giữ trẻ 100-600 USD (thuê tại chỗ hoặc đưa người theo từ nhà), chưa kể phí đi lại, cầu đường. Nói chung, tôi dự tính tiêu tốn gần 2.000 USD để tham dự một hôn lễ không đón tiếp trẻ em”, cô nói.

Sau khi tham khảo ý kiến từ diễn đàn dành cho các bà mẹ, Jaeger nhận ra rằng rất có thể, những lời mời dự đám cưới cấm trẻ em mà cô nhận được không nhằm mục đích gây tổn thương.

Nhiều cặp đôi phải đối mặt với những quyết định căng thẳng và khó khăn trong quá trình tổ chức hôn lễ. Họ cũng chấp nhận rằng khi quyết định không đón tiếp trẻ em trong đám cưới, nhiều khách mời sẽ chọn không đến chung vui.

Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia quyết liệt nhất trong việc quy định rõ khu vực hạn chế trẻ em (No kids zone) không chỉ trong đám cưới mà còn tại các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm du lịch nổi tiếng.

Theo Korea Joongang Daily, thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra vào khoảng năm 2014. Trong khi một số người lên án đây là sự phân biệt đối xử, xu hướng này được nhiều người Hàn Quốc ủng hộ vì họ muốn tận hưởng không gian yên tĩnh mà không có tiếng quấy khóc hoặc hành vi ngỗ nghịch của trẻ em.

Cuộc khảo sát của Hankook Research vào tháng 12/2021 cho thấy 71% người lớn ủng hộ “khu vực cấm trẻ em” và chỉ 17% phản đối. Hiện tại, hơn 400 doanh nghiệp trên khắp xứ sở kim chi được gắn thẻ là “nơi hạn chế trẻ em” trên bản đồ.

Lucy Hume, biên tập viên của trang web cưới hỏi, thừa nhận sự hiện diện của trẻ em trong đám cưới “có thể gây tranh cãi”. Vì vậy, cô dâu và chú rể nên khéo léo chia sẻ lý do tổ chức hôn lễ không đón tiếp trẻ nhỏ.

“Việc nói thẳng thừng với khách mời có thể gây khó xử hoặc cảm giác thô lỗ. Vì vậy, hãy tỏ ra lịch sự và giải thích lý do, ví như không gian hạn chế”, cô khuyên.

Chuyên gia về đám cưới Rachel Darke cũng đề nghị cách giải thích rõ ràng và ngắn gọn về quyết định của mình.

“Đó là đám cưới của bạn và quyết định nằm ở chính bạn. Đừng giải thích quá mức về lý do. Việc hạn chế trẻ em có thể gây phản cảm đối với một số người, nhưng bạn có thể giải thích rằng mình bị giới hạn về số lượng. Nếu khách bày tỏ sự khó chịu, hãy giải thích rằng bạn thấy quyết định khó khăn nhưng ngân sách có hạn hoặc hạn chế về không gian”, Darke nói.

Soure: Zing

You may also like

Leave a Comment