Mèo tam thể là con mèo có bộ lông cơ bản mang ba màu tại ba vùng riêng biệt, thông thường là các màu vàng/nâu vàng/đỏ, đen/nâu đen và trắng. Các cá thể mèo tam thể xuất hiện ở nhiều nòi mèo khác nhau, vì vậy “mèo tam thể” chỉ là một cách phân loại mèo dựa trên màu lông chứ đó không phải là một nòi thật sự.
Có một thực tế là hầu hết mèo tam thể đều là giống cái. Theo trang Catbeep, 99,9667% mèo tam thể là con cái – tương đương với tỷ lệ 2.999/3.000. Nếu có mèo tam thể đực được sinh ra, chúng sẽ bị vô sinh và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Mèo tam thể đực vẫn có thể sống khỏe mạnh, nhưng cần người chăm nuôi rất tận tình.
Nguyên nhân chính khiến hiếm có mèo tam thể đực là vì cấu trúc nhiễm sắc thể (NST) độc đáo quyết định sự thay đổi màu sắc trên bộ lông của chúng.
Các NST giới tính (X và Y) xác định mèo sẽ là đực hay cái. Mỗi con mèo có một cặp NST giới tính với sự kết hợp có thể có của XX (nữ) và XY (nam). NST X cũng mang gen mã hóa cho màu đen và màu da cam trong bộ lông của mèo tam thể.
Mèo tam thể cái có hai NST X, do đó có hai NST với mã màu. Chỉ khi con mèo nhận gen X mã màu cam và một gen X mã màu đen thì mới được gọi là mèo tam thể.
Ví dụ, một con mèo nhận NST X từ mẹ gen lông đen và NST X từ bố gen lông cam. Chỉ cần một NST X để tạo nên màu lông nhất định, nhưng con cái lại đặc biệt có 2 NST X.
Trong quá trình phát triển, một NST X có thể ghi đè lên NST kia, cho phép màu đen hoặc cam trở thành màu chủ đạo trong một khu vực lông. Với các NST X chiếm ưu thế khác nhau, màu sắc của mèo cũng sẽ khác nhau, điều này khiến mèo tam thể có màu cam và đen.
Vậy các mảng lông trắng của mèo tam thể đến từ đâu? Để có được điều này, mèo tam thể cũng phải thừa hưởng một gen không liên quan đến NST X và Y để “mã hóa” bộ lông trắng.
Vì mèo đực có một NST X mã màu đen/cam và một NST Y không có gen màu nên về mặt định nghĩa, chúng không thể là mèo tam thể. Chúng sẽ chỉ có lông đen hoặc cam chứ không thể có cả hai.
Ảnh: Hai cô mèo tam thể cái âu yếm nhau tại TP. Hồ Chí Minh (Báo Thanh Niên chụp).
Nguồn: thesprucepets