Chúng tôi xin giới thiệu phần đầu của loạt bài “Vì sao ta cần sống Hiện Sinh” của Cameron Shingleton – Tiến sĩ Triết học tốt nghiệp tại Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông – Tây. Anh là tác giả của cuốn sách “Những điều bạn chưa biết về trai Tây” (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt và là một cộng tác viên thân thiết của Trạm Đọc.
Việc chúng ta có mặt trên cuộc đời này là bị động; còn việc sống thế nào thì còn tùy, chủ động với nó hay vẫn tiếp tục với sự bị động? Sống hiện sinh có phải là một giải pháp cho những ai đang muốn chủ động “nhảy múa” trên cuộc sống đã trót bị, hoặc được trao cho này?
Ở bài viết trước, TS. Cameron đã đưa ra một cảnh toàn về chủ nghĩa hiện sinh: http://bit.ly/2Yef3J6 Nhưng để trả lời câu hỏi đặt ra một cách sâu sắc hơn và cũng để não bận rộn hơn chút đỉnh, chúng ta có thể đi vào từng cảnh cận đã được Cameron zoom vào: Chủ nghĩa hiện sinh và cơ thể, thời khắc hiện tại, tình yêu, cái chết, văn hoá VN… Nhạc đã nổi lên rồi. Hãy bắt đầu nhảy vào cảnh cận đầu tiên.
Bài 1: Cơ thể
Tôi không “có” cơ thể, tôi LÀ cơ thể. Cơ thể mình không chỉ gợi tôi nhớ đến tính hữu hậu của cuộc sống mình, khả năng tôi có thể bị đau hay bị bệnh, điều chắc chắn là tôi sẽ chết. Nó cũng tạo ra một sợi kết nối giữa tôi và thời khắc hiện đại theo ý nghĩa tích cực. Cơ thể của con người có “cuộc sống” của riêng nó, có thể nói nó có một sự khôn khéo riêng. Chúng ta sống cởi mở với nó, thay vì kiểm soát hay cải thiện nó như nhiều người làm, thì có thể sống tốt hơn, tự do hơn. Tóm tắt lại đó là cách suy nghĩ của người theo chủ nghĩa hiện sinh về cơ thể.
Quan điểm này đi ngược chiều cách suy nghĩ hay tư tưởng nào khác? Ở phương Tây nó chủ yếu trái ngược tư tưởng Thiên Chúa truyền thống mà cứ cho rằng nhiều tội lỗi, cám dỗ bắt nguồn từ cơ thể con người. Ở Việt Nam nó mâu thuẫn với tư tưởng truyền thống, được áp dụng khắc khe với phụ nữ hơn đàn ông, theo kiểu bản năng tình dục là điều đáng ngờ vực, xấu hổ, ngay cả nguy hiểm – cách suy nghĩ mà theo đó bản năng tình dục chỉ nên được thoả mãn dưới điều kiện nghiêm ngặt, được xã hội công nhận, không phải do cá nhân tự quyết định.
Kém phần rõ ràng hơn một chút, thái độ của người theo chủ nghĩa hiện sinh về cơ thể mâu thuẫn với “văn hoá cơ thể” hiện đại giục giã từng cá nhân phải theo dõi cơ thể mình chặt chẽ (để phát hiện dấu hiệu báo mình già đi hay bớt đẹp), thay đổi hay tô điểm cơ thể liên tục (để ngày nào cũng đẹp trong mắt của thiên hạ), gắng gượng hoàn thiện cơ thể hàng ngày (để nó là phương tiện hoàn hảo để gây ấn tượng với người khác hoặc chỉ để có một “điều” gì đó để tự hào).
Trong khi đạo Thiên Chúa và truyền thống phương Đông coi cơ thể con người, và nhất là cơ thể phụ nữ, như kiểu đối tượng đáng ngờ từ mặt đạo đức hay tập thể, văn hoá đại chúng hiện đại coi nó như là chiến trường trong một cuộc chiến để giành quyền kiểm soát cá nhân. Đối với chủ nghĩa hiện sinh cả ba cái nhìn này đều sai. Cơ thể tôi không phải là đối tượng tôi phải “quản lý” vì lý do đạo đức, xã hội hay thẩm mỹ mà là nền tảng của sự tồn tại cá nhân của tôi. Có thể nói cơ thể mình là điều kiện của tất cả trải nghiệm cá nhân, là điều (thực ra không phải chỉ là “điều”) tôi phải cố gắng có trải nghiệm “từ bên trong” thay vì coi nó như “từ bề trên”
Thực ra, luồng suy nghĩ của những nhà triết học hiện sinh về cơ thể con người mở rộng một quan điểm mới về bản thân con người nói chung. Rõ ràng ai muốn đi bước thứ nhất theo hướng này phải dừng việc coi trải nghiệm của mình từ góc nhìn của một cái “tôi” hay “linh hồn” riêng biệt điều khiển cơ thể như công cụ chỉ thuộc thế giới vật chất.
Quy tắc xã hội, sinh hoạt đời thường
Trong mắt một người theo chủ nghĩa hiện sinh những quy tắc xã hội chủ yếu là cái Sartre gọi là “guardrails against anxiety”, có thể dịch đại khái là thanh chắn giúp ta chống lại sự bồn chồn lo lắng. Những sinh hoạt đời thường ngoài xã hội như có công việc và khả năng kiếm tiền cũng có bản chất tương đương. Theo chủ nghĩa hiện sinh, tất cả những điều này ngăn cản chúng ta nhận ra cuộc sống không có mục đích cao cả hay cuối cùng, nói đúng hơn chúng che giấu sự thật đầy thách thức là nếu cuộc sống có mục đích gì thì đó là cái ta phải tự đặt, chứ không phải thụ động để xã hội xung quanh đặt giùm.
Tại sao chủ nghĩa hiện sinh coi “thái độ thông thường” đối với công việc, tiền bạc hay của cải như những nguồn gốc của sự ép buộc thiếu ý nghĩa, chủ yếu tồn tại để giữ ngoài tầm nhìn sự tự do vốn có của ta? Có thể nói từ “góc nhìn hiện sinh” cách sống của phần lớn người mâu thuẫn đến độ nghịch lý. Họ tưởng họ làm việc vất vả ĐỂ SỐNG, nhưng sự thật là họ sống chủ yếu để làm; cuộc sống của họ bị công việc chi phối gần như hoàn toàn. Hoặc họ tin chắc họ chỉ kiểm tiền ĐỂ SỐNG TỐT, nhưng chẳng chóng thì chày việc kiếm tiền choáng hết thì giờ và năng lượng của họ; họ chỉ sống để kiếm tiền. Quan điểm thông thường là phải vất vả làm ăn, cặm cụi mưu sinh, chính để tự do hơn, có nhiều sự nhàn hạ hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Nhưng trên thực tế cái vốn được coi là phương tiện (lao động, tiền bạc) trở thành mục tiêu riêng; việc sử dụng mấy phương tiện đó làm giảm sự tự do, thời gian rảnh và sự lựa chọn xuống mức độ rất thấp so với mức độ tiềm ẩn.
Chuyện phần lớn người coi công việc của họ về cơ bản là vô ý nghĩa không phải điều chủ nghĩa hiện sinh mặc nhiên thừa nhận. Cuộc nghiên cứu xã hội học cũng cho thấy nhiều công việc ngày nay thuộc dạng ngay cả người làm cũng thầm nghĩ rằng không cần thiết, lẽ ra không nên có, thậm chí khiến cho xã hội xấu đi. Ý thức của gần như phân nửa người sống ở các nước phát triển về công việc hàng ngày của họ là vậy; không quá khó dự đoán tỷ lệ người Việt có cảm tưởng tương tự sẽ lớn hơn nữa.
Vậy phải làm sao? Hình như từ “góc nhìn hiện sinh” có hai phương án chính. Một là chọn một nghề mà thực sự “ăn khớp” bản thân bạn, bất kể mức độ lương bổng hay địa vị liên quan, và quyết tâm theo nó trong tinh thần của cái hay được gọi là “sự cam kết hiện sinh”. Thứ hai là giải quyết mâu thuẫn mà thiên hạ hay mắc phải một cách ít tham vọng hơn: công nhận đầy đủ công việc của mình vô nghĩa, không cần thiết (cần thiết chỉ theo nghĩa giới hạn là nó giúp mình làm những điều có ý nghĩa hơn với mình). Phương án thứ hai là sống với “khoảng trời riêng” giữa mình và công việc, chu toàn với công việc một cách nhẹ nhàng, hơi mỉa mai.
Còn để bớt áp lực về mặt tài chính thì một người theo chủ nghĩa hiện sinh có thể lựa chọn “sống quy mô nhỏ”, không ham tiền, không ham của là phong cách sống tuyệt vời để không bị vướng vào nhiều rắc rối. Như nhân vật chính trong bộ phim “Fight Club” từng nói, chúng ta cứ mua những thứ chúng ta không cần, với số tiền chúng ta không có, nhằm mục đích gây ấn tượng với những người chúng ta không thích – và đó là một cách gần như hoàn hảo để khổ sở. Nhà triết học Đức Nietzsche, thường được coi là “ông nội” của chủ nghĩa hiện sinh, đã từng liên kết khả năng “sống nhỏ nhẹ” với sự tự do. Phần lớn người dễ thành “sở hữu của sở hữu họ”; theo Nietzsche “chúng ta sở hữu càng ít thì càng khó có thể thành sở hữu của kẻ khác.”
Tóm lại, giảm nhu cầu vật chất xuống mức độ tối thiểu không chỉ tốt về mặt môi trường hay tài chính, nó còn giúp ta sống con người hơn (nếu từ “con người” được hiểu là một tồn tại tự do theo nghĩa cực đoan mà sự tự do đó rất dễ bị loại bỏ vì điều kiện vật chất ta đôi khi tự đặt hoặc vì mù quáng theo những quy tắc xã hội).
Cameron Shingleton