Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương: Nếu không thể trở thành triệu phú hay thiên tài, hãy trở thành cha mẹ của triệu phú hoặc thiên tài

by admin

Yêu là bản năng của con người, càng là bản năng của mỗi bậc cha mẹ đối với con cái của mình. Nhưng làm thế nào để giá trị tình yêu luôn bền vững và trường tồn cùng thời gian thì không phải ai cũng biết. “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là cuốn sách chỉ cho mỗi chúng ta một con đường mới để gìn giữ giá trị tình cha mẹ.

Trên thế giới, cụm từ “bà mẹ Trung Quốc” được dùng để chỉ những người mẹ bảo bọc con cái quá mức cần thiết, khiến chúng mất đi khả năng tự lập và ý chí sinh tồn bị bào mòn. Tác giả của cuốn sách – Sara Imas – là một “bà mẹ Trung Quốc” dạy con kiểu Do Thái.

Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải. Bà có ba người con: hai trai, một gái. Đầu thập kỉ 90, Trung Quốc và Isarel chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, bà quyết định trở về cố quốc, đồng thời bắt đầu trải nghiệm giáo dục xuyên quốc gia của mình.

Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương

Điều đáng sợ nhất trong tình yêu thương của các bậc cha mẹ là gì? Đó là nuôi dạy chúng bằng hạnh phúc của mình.

Mọi người thường nói, tôi là cha, tôi là mẹ nên phải nhường mọi thứ cho con, hi sinh tất cả cho con, kể cả hạnh phúc của mình, như vậy mới là yêu thương con cái. Thật ra, đó chỉ là tình yêu quá trớn, hoàn toàn làm hại con. Nó khiến cho con trẻ trở thành một kẻ tàn phế suốt đời về mặt tư tưởng, tinh thần và nhân cách. Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc gọi là hạnh phúc.

Bản thân Sara Imas đã từng là một “bà mẹ Trung Quốc” điển hình. Các con của bà cũng đã từng được bà nuôi dạy bằng liều thuốc mang tên “hạnh phúc” kia, mãi cho đến khi bà trở về Isarel và được thức tỉnh bởi một người hàng xóm. Có trải nghiệm về nền giáo dục của cả hai quốc gia, Sara Imas đã hình dung chúng bằng hai hình ảnh hết sức thú vị: “Cha mẹ Trung Quốc yêu thương con cái giống như hình tử cung, còn các bậc cha mẹ Do Thái yêu thương con cái giống như hình ngọn lửa.” 

Tình yêu của các bậc cha mẹ Trung Quốc dành cho con cái của mình không hề kém các bậc cha mẹ Do Thái. Tuy nhiên, cách giáo dục của họ chú trọng vào mặt bao bọc và che chở, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu của con. Các bậc cha mẹ Do Thái thì ngược lại, họ tập trung giáo dục con tự lập, trách nhiệm, từ chối sự thỏa mãn và có làm có hưởng.

Yêu con cũng cần phải chừng mực, khoa học và lý trí. Bạn có thể lau nước mắt cho con mình một ngày, nhưng không thể tiếp tục việc đó cả đời. Biết buông tay cũng là một cách yêu.

Yêu con trong nguyên tắc: Có làm có hưởng

Việc dạy trẻ theo nguyên tắc có làm có hưởng giúp trẻ biết trân trọng giá trị của những thành quả mà chúng tự mình đạt được. Bên cạnh đó, nguyên tắc còn thúc đẩy khát khao tạo ra thành quả của chính trẻ. Khát khao ấy lại trở thành chất xúc tác cho nhiều kĩ năng thiết yếu hơn nữa tiềm ẩn trong bản thân trẻ.

Thế nhưng, chỉ biết tạo ra thành quả, hay nói một cách dễ hiểu hơn, chỉ biết làm việc không thôi là chưa đủ. Người Do Thái coi kĩ năng giao tiếp của con mình là một trong những kĩ năng quan trọng thiết yếu nhất. Bởi một cá nhân dẫu có chuyên cần đến đâu cũng không cáng đáng được hết thảy mọi việc.

Các bậc phụ huynh muốn rèn luyện kĩ năng giao tiếp cho con mình, thì không đơn giản chỉ là việc cứ đẩy chúng ra ngoài xã hội, mặc chúng tự bơi. Không can thiệp không có nghĩa là khoanh tay đứng nhìn, mặc con loay hoay. Cha mẹ không chỉ là người thầy dạy con cách ứng xử, mà còn là khuôn mẫu cho hành vi cử chỉ của con. Vì quan hệ với cha mẹ, chính là quan hệ xã hội đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ.

Trì hoãn sự thỏa mãn trên danh nghĩa của tình yêu

Có một sự thật luôn hiển hiện trước mắt nhưng ít có bậc cha mẹ nào nhận ra hoặc nhận ra nhưng khó lòng thay đổi: cha mẹ càng hiểu, càng chăm bẵm, càng đáp ứng yêu cầu của con; thì con càng dày vò cha mẹ.

Cha mẹ dễ dàng đặt vị trí của mình vào con, từ đó thông cảm cho những khó khăn của con, dẫn đến việc nảy sinh tâm lý thương con và không muốn con chịu khổ. Thế nhưng, cha mẹ lại không cho con cái cơ hội để thấu hiểu khó khăn của chính mình. Khi không hiểu, chúng sẽ không bao giờ biết quý những gì mình nhận được.

Một đứa trẻ luôn được cha mẹ đáp ứng và thỏa mãn mọi yêu cầu, không chỉ đánh cắp tình yêu và giày vò cha mẹ; mà còn khó hòa nhập với xã hội, đồng thời sẽ mất đi tính bền bỉ và năng lực cạnh tranh.

 

Thành công do cần kiệm, thất bại do xa xỉ.

 

Tuy chúng ta luôn có khả năng mang lại cho trẻ một cuộc sống đầy đủ, nhưng đầy đủ không phải bao giờ cũng đem lại kĩ năng, nhiệt huyết và sự trưởng thành cho trẻ.

Càng yêu con càng cần lùi bước

Đây là bài học đặc biệt giành cho “Cha mẹ trực thăng”. “Cha mẹ trực thăng” là tên các nhà học giả giáo dục dùng để gọi những bậc cha mẹ “bao bọc quá độ” con cái, luôn bay lượn trên đầu và theo dõi nhất cử nhất động của trẻ. Họ rơi vào một cạm bẫy tình yêu, lầm tưởng rằng yêu con tức là phải quét sạch toàn bộ trở ngại, dốc sức giúp con giành chiến thắng ở ngay vạch xuất phát.

Phụ huynh càng “lái trực thăng”, con cái càng dễ trở thành thai nhi quá hạn, rồi phụ huynh lại cảm thấy con cần phải được bao bọc hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này sẽ khiến trẻ bộc lộ những yếu điểm không thể cứu vãn qua thời gian. Trẻ sẽ mất dần tính độc lập, tính kiên nhẫn và cả ý thức.

Đôi khi phụ huynh thường coi nhẹ quy luật phát triển và khả năng thích nghi của con rồi đặt quá nhiều kì vọng hoặc quá vội vàng, nôn nóng. Sự bao bọc quá mức của họ không những tăng thêm sự thất bại ở trẻ, mà còn khiến chúng mất đi động lực phấn đấu. Trên đường đời vạn dặm, tình thương của cha mẹ luôn nồng đượm trải dài năm tháng, “nuôi chậm” giống như phụ huynh xây dựng từng trạm xăng trên đại lộ, vừa cổ vũ con dốc sức chạy về phía trước, vừa đảm bảo nó có thể tiến xa hơn.

Cha mẹ nhẫn tâm để yêu thương con sâu đậm

“Nhẫn tâm” lùi ra khỏi cuộc sống của con, sẽ là cách giúp con trưởng thành hơn. Tuy nhiên, lùi một bước không bao giờ có nghĩa là bỏ mặc con hoàn toàn. Ranh giới giữa bỏ mặc và lùi một bước là rất nhỏ, nhưng lại tồn tại sự khác biệt vô cùng lớn. Lùi một bước, là sách lược nhìn xa trông rộng trong giáo dục gia đình. Nhưng khi thực hiện giáo dục đẩy trẻ lên “tuyến đầu” đúng lúc, nếu trẻ cần được bảo vệ hoặc vấp phải khó khăn vượt quá tầm xử lý của chúng, phụ huynh phải có sự hỗ trợ trẻ thật kịp thời. Nói cách khác, cha mẹ cần đứng ở “cự ly an toàn”, để bảo vệ, để trẻ biết rằng khi nguy cấp, cha mẹ nhất định sẽ xuất hiện.

Mỗi bậc cha mẹ đều kì vọng con mình thành tài, đều tích cực yêu thương con, song lớn lên, mỗi đứa trẻ lại có một tương lai khác nhau. Có trẻ tài năng xuất chúng, có trẻ vô cùng tầm thường, tại sao lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt ấy chỉ đơn giản là cách yêu con có khoa học hay không.

 

Trở thành cha mẹ, đồng nghĩa với sự song hành của khó khăn và vĩ đại, vất vả và hạnh phúc.

 

Vậy chúng ta hãy ấp ủ ước mơ và hy vọng, không ngừng trau dồi yêu thương và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn đang ở phía trước!

You may also like

Leave a Comment