VỤ ÁN XÁC LÕA THỂ TRONG VALY Ở GA TÀU HỎA

by admin

Mùa thu 1952, người dân xôn xao vì chiếc valy chứa thi thể khỏa thân không đầu, bốc mùi dưới gầm ghế của tàu hỏa. Vài ngày sau, phần còn lại của nạn nhân dạt vào bãi biển.

Sáng 29/8/1952, tờ The Hindu đăng bản tin với tiêu đề “Doanh nhân nổi tiếng thành phố mất tích!”. Nạn nhân là Alavandar, 42 tuổi, từng làm sĩ quan tại Bộ chỉ huy quân sự Ấn Độ trong Thế chiến II. Giải ngũ, anh khởi nghiệp ở Madras với ngành đồ nhựa.

Thời đại của nhựa bắt đầu ngay sau Thế chiến II và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Ấn Độ. Nhẹ và rẻ, các mặt hàng nhựa đã nhanh chóng trở thành mốt. Alavandar thành công và mở thêm một ngành kinh doanh khác: bán sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) theo hình thức trả góp. Đây là kiểu thanh toán vô cùng mới mẻ trong thời kỳ đó.

Alavandar bán sari trả góp chủ yếu để gần gũi với phụ nữ. Khách hàng là y tá, sinh viên ở trong ký túc xá, người chưa chồng, phụ nữ đi làm, những bà nội trợ rảnh rỗi. Khi khách hàng không có tiền trả, anh ta sẽ gợi ý lấy tình đổi tiền và đưa đến nhà nghỉ gần công ty. Một người bạn thân cho biết, anh ta thường khoe từng lên giường với hơn 400 phụ nữ thuộc mọi cộng đồng ở Ấn Độ.

Trong khi cảnh sát vẫn đang đào tung các góc khuất đời tư của doanh nhân này để thiết lập danh sách các nghi phạm liên quan vụ mất tích, trưa cùng ngày, hành khách trên chuyến tàu tốc hành Indo-Ceylon đã phàn nàn về mùi hôi bốc ra từ gầm ghế. Họ lôi ra chiếc hòm lớn bằng thép có mùi hôi bốc ra.

Chiếc hòm vô chủ, không nằm trong danh sách ký gửi. Cảnh sát địa phương quyết định sẽ mở nó ra trước sự chứng kiến của các nhân chứng độc lập. Bên trong có thi thể nam giới khỏa thân, không đầu, hai tay và hai chân bị chặt rời…

Việc khám nghiệm tử thi được tiến hành. Không may, bác sĩ X-quang đưa ra kết luận sai lầm rằng nạn nhân là nam giới 25 tuổi. Cảnh sát địa phương cũng góp thêm một sai lầm trong quá trình phân tích nhân thân bị hại.

Việc thi thể bị cắt bao quy đầu và sự hiện diện của đôi tất màu xanh lá cây trên chân khiến họ lầm tưởng rằng nó thuộc về người đàn ông Hồi giáo, căn cứ các quy định về tôn giáo. Tuy nhiên, cả hai kết luận, sau này đều được chứng minh là sai bởi chi tiết sợi dây màu đỏ quanh eo – thường được sử dụng bởi những người đàn ông theo đạo Hindu, nhằm mục đích giữ chiếc khố ở đúng vị trí. Phong tục này ngày nay hầu như đã biến mất. Nhưng rõ ràng cảnh sát đã không đủ tinh tế để nhận ra.

Khi này, ở Madras, cảnh sát đã xác định được, vị “khách hàng” mà Alavandar đi gặp trước khi mất tích là phụ nữ xinh đẹp có tên Devaki. Khi nhà chức trách đến nhà Devaki, họ chỉ còn thấy ổ khóa im ỉm ngoài cửa. Hàng xóm cho biết, vợ chồng cô vừa chuyển nhà đi Bombay (nay là Mumbai).

Vài ngày sau, người dân phát hiện một gói hàng bồng bềnh bị sóng biển dâng cao đẩy vào bờ cát, bên trong có áo sơ mi màu nâu, bọc quanh một chiếc đầu người. Sự việc gây xôn xao trên báo chí và “dậy sóng” cả thành phố nổi tiếng bé nhỏ yên bình.

Vợ Alavandar đã đến thăm nhà xác và xác định phần đầu là của chồng mình, với đặc điểm nhận dạng rõ nhất là hai chiếc răng hình thù kỳ dị ở hàm dưới bên trái.

Khi đầu và thân được đặt lại với nhau, ăn khớp hoàn hảo. Bác sĩ Gopalakrishna, một trong những nhà Pháp y giỏi nhất Ấn Độ, kết luận rằng chúng thuộc cùng một cơ thể. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn muốn chứng minh chắc chắn rằng nạn nhân là Alvandar.

Hồ sơ của Alavandar tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự đã đưa ra câu trả lời cuối cùng: Dấu vân tay nạn nhân trùng khớp.

Khi làm việc với cảnh sát, hàng xóm của Devaki nói thấy Alavandar hôm đó bước lên bậc thang và gõ cửa nhà Devaki, song không thấy đi ra.

Cảnh sát Madras đến Bombay và lần ra tung tích vợ chồng Devaki. Người chồng, Menon, đang đi dạo ngoài bãi biển, lập tức bỏ chạy khi thấy bóng cảnh sát.

Hai người bị bắt, dẫn độ về Madras với cáo buộc giết người.

Cảnh sát đã cố gắng thỏa thuận với Devaki về việc sẽ xóa tội nếu cô làm chứng chống lại chồng song bị từ chối thẳng thừng. Devaki nói chồng giết người để cứu danh dự của vợ. Do đó, Devaki sẽ không phản bội người chồng tốt như vậy. Còn Menon phủ nhận mọi cáo buộc.

Gia đình Menon có người hầu là cậu bé tỉnh lẻ được thuê chạy việc vặt và ngủ lại tầng hầm. Cậu bé nói đêm trước có nghe thấy vợ chồng ông chủ thảo luận về một người tên Alavandar và kế hoạch trừ khử. Devaki khóc nhiều suốt cuộc thảo luận đó.

Theo cậu bé, Menon đã gây áp lực buộc vợ phải đưa Alavandar về nhà của họ. Ngày xảy ra án mạng, Menon đưa cậu bé người hầu một số tiền tiêu vặt và yêu cầu đi chơi vòng quanh thành phố ngắm cảnh. Là người mới đến Madras, cậu bé vui vẻ làm theo, cảm ơn ông chủ tốt bụng.

Cảnh sát cũng lần theo dấu vết ở nhà ga xe lửa Egmore, nơi phát hiện ra chiếc hộp thép với phân thi thể không đầu. Họ tìm được người khuân vác thuê và đưa cho anh ta một loạt ảnh và hỏi có nhận ra ai là người thuê mình. Người này nhặt ra đúng bức ảnh của Menon.

Quanh khu nhà ga, cảnh sát tìm thấy trong bụi rậm chiếc sari dính máu của Devaki và con dao hung khí. Cửa hàng bán dao xác định Devaki mua nó vào buổi sáng xảy ra án mạng.

Tháng 8/1953, vợ chồng Devaki, Devaki hầu tòa. Công tố viên cáo buộc, Devaki và Alavandar có quan hệ tình cảm. Song năm 1951, biết anh có vợ, cô cắt đứt và cưới Menon. Khi Alavandar vẫn tiếp tục quấy rối, vợ chồng Devaki quyết định “bịt miệng”. Devaki dụ Alavandar đến nhà, đánh thuốc mê vào đồ uống rồi Menon thực hiện tội ác.

Luật sư bào chữa đưa ra phiên bản khác. Theo đó, Alavandar đến nhà trong khi Menon đi vắng, ép Devaki quan hệ. Menon về nhà nhìn thấy đã không kiểm soát cơn giận và dùng dao bảo vệ vợ.

Bác sĩ Gopalakrishna với tư cách là nhân chứng chính đã phủ nhận bằng những kết luận pháp y. Theo ông, phổi và gan bên trái của nạn nhân bị đâm nát bởi con dao, được dùng với lực đâm thẳng xuống theo hướng bên phải. Chính vết thương này đã gây ra cái chết. Bản chất của chấn thương không phù hợp với phiên bản phòng thủ, vật lộn.

Nhát đâm đã được thực hiện bằng con dao sắc nhọn, sử dụng lực đáng kể nhằm gây ra thiệt hại không thể cứu. Người nạn nhân không có vết bầm tím của việc vật lộn. “Tất cả chứng minh đây không phải vô ý giết người mà là cuộc tấn công máu lạnh”, bác sĩ pháp y cho hay.

Ông cũng tạo ra một mô hình nạn nhân bằng thạch cao và mô tả cách thức gây án tại tòa.

Bất chấp những chứng cứ mạnh mẽ, yếu tố đóng vai trò chính trong kết quả của vụ án lại là thẩm phán – một tín đồ Thanh giáo truyền thống. Nhận định công khai tại tòa, ông cho rằng nạn nhân là kẻ lừa đảo đáng khinh trong xã hội nên “những người như vậy đáng bị loại bỏ”. Thẩm phán ủng hộ lý thuyết phía luật sư bào chữa và tuyên án tù 7 năm với Menon, 3 năm cho Devaki.

Sau hai năm thi hành án, vợ chồng Menon được ân xá và chuyển đến Kerala, kinh doanh phát đạt và xây dựng khách sạn ở một thị trấn lớn tại Keral. Nơi trang trọng nhất của khách sạn này là chân dung của thẩm phán, được họ ca ngợi là “ân nhân cứu mạng”.

Vụ án Alavandar được ghi nhận là một trong những vụ án nổi tiếng và giật gân nhất trong lịch sử tội phạm ở Ấn Độ. Năm 1995, bộ phim truyền hình dài tập gồm 13 phần bằng tiếng Tamil xung quanh vụ án thi thể không đầu của Alavandar được phát, vẫn làm “dậy sóng” Ấn Độ sau 40 năm.

Nguồn: Vnexpress

Có thể là hình ảnh về văn bản

You may also like

Leave a Comment