“Cách hung thủ trói từng nạn nhân rồi dùng gậy đánh chết không chỉ một mà nhiều người là hành vi man rợ, đê hèn cá biệt, từ trước đến nay từng thấy ở VN”, PGS.TS Trương Công Am, Trưởng Bộ môn Tâm lý tội phạm, Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an) đã đưa ra một số phân tích nhận định về tâm lý tội phạm trong vụ thảm sát 5 người thợ rừng.
“Khi nói đến tâm lý của những kẻ giết người thì bao giờ cũng phải nói đến động cơ, mục đích. Vụ án này cho thấy động cơ đó rất rõ. Các đối tượng khai nhận do thua bạc nên bàn nhau đi cướp nên có động cơ vụ lợi, vì tiền và bịt đầu mối”, ông Am nói.
Theo ông Am, vụ việc giết người này có tính chất đồng phạm, nhiều người cùng tham gia, nên tâm lý của những kẻ phạm tội khác với tâm lý người phạm tội đơn lẻ trong các vụ án khác.
“Người phạm tội đơn lẻ khi hành động sẽ căng thẳng, đấu tranh quyết liệt nhưng đối với tội phạm nhóm, việc có nhiều người tham gia thì ý thức về trách nhiệm hình sự bị giảm thiểu rất nhiều. Đông người tham gia sẽ dễ thống nhất quyết định phạm tội, chỉ cần một đối tượng khởi xướng phải giết ngay không sẽ bị lộ thì lập tức được các đối tượng khác hưởng ứng. Do tâm lý phạm tội theo nhóm có đặc điểm lan nhiễm nên các đối tượng dễ thống nhất khi được một người khơi lên”, PGS.TS Am nhận định.
Ông Am lấy ví dụ cụ thể về tâm lý tội phạm nhóm, trong một vụ chống người thi hành công vụ, nếu một người ra đường vi phạm giao thông khi bị CSGT giữ lại chỉ phản ứng ở mức độ chửi bới, nhưng nếu có vài ba người trở lên thì sẽ được ủng hộ về mặt tinh thần và quyết tâm phạm tội đến cùng.
Cũng theo PGT.TS Trương Công Am, trong vụ án này, có một số đặc điểm đáng chú ý. Ông cho biết: “Hành vi giết người bị chi phối bởi nhận thức của đối tượng. Tôi cho rằng các đối tượng trong vụ án này thuộc diện không được giáo dục đầy đủ về trình độ nhận thức, ý thức pháp luật rất kém. Nếu trong số đó có người có trình độ nhận thức thì sẽ hiểu ngay là hành vi giết người rất dễ bị phát hiện, bởi giết người là hành vi nghiêm trọng sẽ bị cơ quan điều tra tập trung làm rõ. Trong vụ việc này, các đối tượng cho rằng vụ việc xảy ra trong rừng nên không thể bị phát hiện nên đã tạo ra niềm tin cho các đối tượng hành động”.
Từ đó, PGS.TS Trương Công Am cũng cho rằng việc truy tố xét xử vụ án này cần phải được tuyên truyền rộng rãi để giáo dục răn đe, nâng cao nhận thức pháp luật đối với người dân, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa
? Diễn biến vụ sát hại 5 thợ rừng
?Ngày 26.3, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện thi thể 5 thợ tìm trầm trong rừng thuộc bản Tà Păng, Lào; cách đường biên giới Việt Nam chừng 700 m.
?Chiều 27.3, gia đình đã đưa các thi thể của 5 thợ tìm trầm gồm: Đinh Xuân Thân, Trần Văn Trị (cùng ngụ ở xã Quảng Sơn); Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sáu và Trương Thanh Hiền (cùng ngụ xã Quảng Minh) về nhà mai táng.
?Thông tin ban đầu, 5 người đều bị nhóm bắt cóc và đánh đến chết.
?Chiều 29.3, Ban chuyên án lấy lời khai của hai anh Đỗ Văn Hiền (25 tuổi) và Hoàng Văn Hà (37 tuổi, cùng ngụ H.Quảng Trạch, Quảng Bình), những người may mắn còn sống sót sau vụ thảm sát.
?Chiều 2.4, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ được 2 nghi phạm thủ ác đầu tiên là: Hồ Văn Công (37 tuổi, trú xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), Hồ Văn Thành (39 tuổi, trú xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa).
?Chiều 4.4, nghi phạm thứ 3 là Hồ Văn Nguyên (tên gọi khác là La Khon, quốc tịch Lào, 29 tuổi, trú ở bản Ta Poong, H.Sepon, tỉnh Savanakhet) đã bị bắt giữ.
Nguồn: Thanh Niên