Tối thứ Sáu, ngày 1/6/2001, tại một ngôi nhà trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Narayanhity đã diễn ra cuộc họp theo thông lệ hàng tháng. Cuộc họp qui tụ hàng chục thành viên Hoàng gia Nepal, chủ yếu bàn về chuyện kết hôn của Thái tử Dipendra. Khoảng 8 giờ 40 phút tối, Thái tử Dipendra xin phép rời phòng ăn vì có vẻ đã quá chén và buồn ngủ. Vài chục phút sau, những tiếng nổ từ bên trong lâu đài Hoàng gia ở Kathmandu phát ra. Trong sự kinh hãi của tất cả những người chứng kiến, “thần chết” thực sự đã gõ cửa gia đình hoàng tộc.
Rajiv Raj Shahi, con rể của Hoàng thân Dhirenda – em trai cố Quốc vương Birendra, người có mặt tại hiện trường vụ việc, là nhân chứng đầu tiên kể về buổi tối ngày thứ sáu đó. Theo Raj Shahi, ông cùng với Hoàng tử Nirajan và Paras đã đưa Thái tử Dipendra uống quá chén về phòng riêng của Thái tử để nghỉ ngơi. Khi ba người này trở lại, Quốc vương Birenda và 20 thành viên khác đã di chuyển tới phòng vẽ tranh hình chữ L, trong đó có một chiếc bàn bi – a, nơi họ ngồi thành từng nhóm nhỏ.
Thành viên thân cận của Hoàng gia này nói với các phóng viên rằng vụ xả súng xảy ra sau đó khoảng 1 tiếng, và những tiếng nổ ai oán – từng phát một nhằm vào những người có mặt – kéo dài khoảng 90s.
Vua Birendra bị bắn đầu tiên. Rajiv Shahi nói: “Khoảng 9 giờ tối, tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi nghĩ có ai đó đang chơi đùa. Nhưng rồi có tiếng la hét và tôi nghe một người nói ‘Quốc vương đã bị bắn’”. Đại uý Quân y Shahi kể tiếp: “Là một bác sĩ, tôi chạy về phía Quốc vương. Tôi cởi áo khoác của mình và chặn nó lên cổ nơi máu ngài đang chảy. Quốc vương nói ‘Ta bị bắn vào bụng nữa’. Tôi nói ngài đừng lo lắng bởi việc ngăn máu ngừng chảy lúc đó còn quan trọng hơn”.
Hai công chúa Shruti và Shobhi chạy tới bên Vua cha và cũng bị bắn. Công chúa Shruti chết tại chỗ, trong khi Shobhi bị thương. Đại uý Quân y Shahi cho biết ông đã chạy thoát qua đường cửa sổ để kêu gọi sự giúp đỡ của các cận vệ và xe cấp cứu, nên không chứng kiến những phát súng tiếp theo. Tuy nhiên, Shahi được kể rằng Hoàng tử Nirajan và Hoàng hậu Aiswarya bị bắn chết trong vườn.
Theo tờ Nepali Times, ngoài Vua Birendra và Công chúa Shruti, Hoàng hậu Aishwarya, Hoàng tử Narajan, Công chúa Shanti, anh trai Vua Birendra, hai em gái và em rể đức vua, Kuma Khadga cũng bị sát hại. Tổng cộng có 9 người trong hoàng tộc đã thiệt mạng trong vụ thảm sát hoàng gia kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Lúc 9 giờ 30 phút tối 1/6/2001, tờ Nepali Times nhận được thông báo từ Lajimpat về vụ nổ súng tại Cung điện Hoàng gia. Những chiếc xe được nhìn thấy chạy nhanh khỏi cổng Cung điện về hướng Bệnh viện Chhauni. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu mọi người dân Nepal là: Cung điện Hoàng gia đã bị một nhóm phiến quân tấn công. Trên thực tế, đó không phải điều đã xảy ra. Vua Birendra đã bị bắn, Hoàng hậu Aishwarya cũng bị bắn chết. Các thành viên khác trong gia đình hoàng gia đã nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Chhauni. Tờ Nepali Times cho biết đã điều tra và cố gắng xác định những thông tin thu thập được, nhưng quyết định rằng câu chuyện này quá nghiêm trọng để đưa ra kết luận một cách vội vàng.
Buổi sáng hôm sau, nhiều người dân ở Kathmadu vẫn chưa nhận thức được điều gì đã xảy ra. Họ tụ tập trên các con phố, nghe những bản nhạc thê lương trên đài phát thanh. Hầu hết các tờ báo không đưa tin. Và thay vì cố gắng dập tắt những tin đồn về vụ thảm sát, truyền thông nhà nước Nepal đã giữ im lặng. Được biết, Chính phủ Nepal đã lập tức kiểm soát chặt chẽ các tin tức trên các phương tiện truyền thông nhà nước, đài phát thanh và truyền hình chỉ được phép phát nhạc tang.
Các thành viên trong gia đình hoàng tộc Nepal, cũng như các quan chức trong Chính phủ Nepal rơi vào tình trạng hỗn loạn. Họ không đưa ra được lời giải thích ai là người thực sự phải chịu trách nhiệm.
Tại Bệnh viện Chhauni, ngoài Thái tử Dipendra bị hôn mê và đang cố gắng giành giật sự sống, các thành viên khác của Hoàng gia được đưa tới cấp cứu đều đã không qua khỏi.
Buổi chiều sau đó, một thông báo chính thức công bố rằng Vua Birenda và Hoàng hậu Aish đã chết, nhưng không nêu nguyên nhân. Thông báo này cũng tuyên bố Thái tử Dipendra nối ngôi Vua, và chú của Thái tử – Hoàng thân Gyanendra làm Nhiếp chính.
Một quan chức cấp cao của Cung điện Hoàng gia nói với CNN rằng những thành viên Hoàng tộc đã bị sát hại bởi “một vũ khí tự động đột nhiên phát nổ”, mà không hề đề cập đến người đã cầm vũ khí đó.
Chỉ sau đó vài ngày, ngày 4/6/2001, Tân vương Dipendra qua đời. Theo thứ tự ưu tiên, ngôi vương được chuyển cho em trai cố Quốc vương – Hoàng thân Gyanendra. Hoàng thân Gyanendra lên ngôi Vua và hứa với người dân Nepal rằng sẽ mở “cuộc điều tra kỹ lưỡng” về vụ thảm sát. Tờ Nepali Times ra phiên bản đặc biệt ngày 6/6 với hình ảnh Vua Gyanendra lên ngôi. Như vậy, chỉ trong vỏn vẹn 4 ngày, Nepal đã có 3 Quốc vương.
Từ đây, những lời đồn thổi về nguyên nhân vụ thảm sát bắt đầu xuất hiện. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Hoàng thân Gyanendra, người đã trở thành Vua Nepal quá chóng vánh, lại không có mặt trong buổi tối xảy ra vụ thảm sát. Tuy nhiên, những mối nghi ngờ này không quan trọng bằng sự thực rằng Nepal và những người dân của Vương quốc này đã phải chịu sự mất mát quá lớn.
Hàng trăm nghìn người phủ phục trên những con phố chờ linh cữu Quốc vương, Hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc được rước qua. Những tiếng khóc nức nở, những khuôn mặt nín lặng trước thảm kịch bất ngờ. Người dân tham dự lễ tang đã cạo trọc đầu và Nepal trải qua 13 ngày quốc tang.
Vậy ai là người đã ra tay sát hại cả gia đình hoàng tộc, gây ra nỗi đau cho những người dân Nepal? Những người may mắn sống sót sau buổi tối định mệnh biết ai là hung thủ.
Ủy ban điều tra đặc biệt, do Quốc vương Gyanendra thành lập, gồm Chánh án Tòa án tối cao Nepal Keshav Prasad Upadhaya và Chủ tịch Quốc hội Taranath Ranabhat, đã mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ thảm sát.
Sau khi thẩm vấn hơn 100 người bao gồm nhân chứng và nhân viên làm việc trong cung điện, ngày 14/6/2001, Ủy ban điều tra này kết luận rằng thủ phạm ra tay sát hại các thành viên hoàng tộc không ai khác chính là Thái tử Dipendra. Câu trả lời chính thức của ủy ban như một nhát dao nữa đâm vào trái tim của người dân Nepal. Đau lòng hơn, động cơ của Thái tử Dipendra khi ra tay sát hại những người thân thiết ruột thịt được cho là do bị ngăn cấm chuyện hôn nhân.
Trong buổi tối đầu tiên của tháng 6/2001, cuộc họp hoàng gia được tổ chức để bàn việc hôn nhân bị ngăn cấm của Thái tử. Cả Quốc vương và Hoàng hậu đều phản đối Devyani Rana – cô gái mà Thái tử muốn lấy làm vợ. Nhưng bất chấp sự ngăn cấm, Thái tử Dipendra đã bí mật làm lễ đính hôn với cô gái đó. Khi sự việc bị bại lộ, Quốc vương Birendra đã dọa không truyền ngôi cho Thái tử mà trao quyền kế vị cho em trai của Dipendra là Hoàng tử Nirajan. Trong buổi tối định mệnh ấy, một thảm kịch kinh hoàng đã xảy ra.
19 giờ 30 ngày 1/6/2001, Thái tử Dipendra tới cuộc họp Hoàng gia như thường lệ. Thái tử chơi bi-a một mình trong phòng bi-a Cung điện và uống chút rượu whisky Famous Grouse. Đến 20 giờ 12, theo ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, Thái tử đã gọi điện và nói chuyện với Rana trong 1 phút 14 giây.
20 giờ 19 phút, Thái tử yêu cầu một cận vệ đưa cho vài điếu thuốc. Một số người có mặt nhìn thấy Thái tử “nghiêng ngả, không thể đứng thẳng” trong phòng bi-a. Mọi người cho rằng Thái tử say rượu và 4 người, trong đó có Hoàng tử Nirajan và Paras đã giúp đưa Thái tử về phòng.
20 giờ 25 phút, sau khi nói chuyện và thấy Thái tử có vẻ không khỏe, Rana gọi cho các cận vệ và yêu cầu họ kiểm tra tình trạng của Thái tử. Các cận vệ đã vào phòng giúp Thái tử cởi đồ và đưa Thái tử vào nhà tắm. Họ nghe thấy tiếng nôn. Sau khi ra khỏi nhà tắm, Thái tử Dipendra cho họ lui.
20 giờ 39 phút, Thái tử tiếp tục nói chuyện với Rana trong 32 giây. Thái tử nói: “Anh chuẩn bị ngủ đây… Ngủ ngon nhé, chúng ta sẽ nói chuyện vào ngày mai”. Sau cuộc điện thoại này, Thái tử ra khỏi phòng ngủ, tay cầm súng và tiến về phía phòng chơi bi-a. Tại phòng chơi bi-a, Thái tử nổ súng xuống sàn nhà, nhằm vào Quốc vương đang đứng nói chuyện với những người khác ở cuối phòng. Sau đó, Thái tử bước ra khỏi phòng và ném một trong những khẩu súng gần cầu thang về phía khu vườn, ở phía đông của phòng bi-a. Dipendra lại bước vào phòng bi-a, bắn Quốc vương, em rể Gorakh, em trai Quốc vương Birendra – Dhirendra và em rể Quốc vương – Kuma Khadga.
Lần thứ 3 nổ súng điên loạn, Thái tử đã chĩa súng vào em gái mình – Công chúa Shruti, Công nương Sharada – vợ của Khadaga, cô của Thái tử – Công nương Shanti và em họ – Công chúa Jayanti. Hoàng tử Nirajan và Hoàng hậu Aishwarya đã rời phòng bi-a và chạy về phía khu vườn. Thái tử truy đuổi và nổ súng bắn chết họ. Tất cả đã chết dưới tay Thái tử.
Theo Ủy ban điều tra, sau khi giết người thân, Thái tử Dipendra đã tự sát. Xác Thái tử nằm trên một cây cầu bắc qua hồ gần phòng riêng. Thái tử được đưa tới bệnh viện vào lúc 21 giờ 24 ngày 1/6/2001 và qua đời tại bệnh viện vì vết thương nặng ở đầu sau đó 3 ngày.
Kết luận về thủ phạm vụ thảm sát Hoàng gia làm dấy lên làn sóng tranh cãi cả trong và ngoài Nepal. Nhiều người dân Nepal không muốn tin rằng chính Thái tử lại là kẻ sát nhân. Sau vụ thảm sát, một loạt cuộc biểu tình nổi dậy diễn ra làm hàng chục người thương vong. Chính phủ mới đã phải ban hành một lệnh giới nghiêm kéo dài 3 ngày để chấm dứt tình trạng này.
Một trợ lý thân cận của Dipendra nói rằng: “Thái tử có thể từ bỏ ngôi vương vì tình yêu, chứ không bao giờ làm chuyện này”. Trong khi đó, nhiều người đặt nghi vấn tại sao Hoàng thân Gyanendra không có mặt trong cuộc họp hoàng gia tối 1/6, trong khi con trai của Hoàng thân này, Paras Shah lại rời khỏi hiện trường chỉ ít phút trước khi vụ thảm sát xảy ra.
Đại úy Shahi kể rằng mình đã chạy thoát khỏi họng súng của Thái tử Dipendra và gọi trợ giúp. Một nhân chứng sống sót khác, chú của cố Quốc vương, Maheshwar Prasad Singh, nói: “Tôi rất tiếc phải nói điều này nhưng Dipendra đã nổ súng”. Lời khai của các thành viên Hoàng gia này đã phần nào giúp Quốc vương Nepal Gyanendra giũ bỏ những gièm pha về cuộc điều tra nguyên nhân thảm sát do chính ông chỉ đạo. Sự chấp nhận của người dân chắc hẳn là điều mà ông Gyanendra mong muốn trong bối cảnh rất nhiều người cho rằng ông có liên quan trong vụ thảm sát.
Tại thủ đô Kathmandu, vài ngày sau lệnh giới nghiêm, sự giận dữ trong lòng dân chúng dần lắng dịu. Trong số hàng nghìn người xếp hàng ký vào sổ tang tại cổng cung điện, một số người nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Thái tử Dipendra chính là thủ phạm sát hại các thành viên Hoàng gia. “Tôi không nghĩ nó là sự thật, nhưng chúng tôi có thể nói gì? Giờ chúng tôi đã có một quốc vương mới”, một người dân nói.
7 năm sau vụ thảm sát, năm 2008, một thông tin gây chấn động nói rằng Thái tử Dipendra thật ra là người bị giết chết đầu tiên. Theo báo Nepal Naya Patrika, đó là tuyên bố của cảnh vệ Lal Bahadur Lamteri Magar – người có mặt tại đêm án mạng năm 2001.
Tuy nhiên, cho tới nay, nguyên nhân khiến Thái tử Dipendra ra tay sát hại những người thân, hay sự thực liệu có phải Thái tử chính là thủ phạm thảm sát hay không, vẫn chưa được xác định rõ. Trong khi đó, nhiều người vẫn tin rằng kẻ tình nghi lớn nhất trong tấn bi kịch này là ông Gyanendra, người đã lấy lại được ngôi vua bị mất thuở ấu thơ.
Phải chăng sự si tình, khát khao được kết hôn cùng người mình yêu thương tha thiết nhưng bị ngăn cấm đã khiến Thái tử Dipendra trong phút mù quáng mà hành động loạn trí?
Nếu câu trả lời là đúng, hẳn rất nhiều người muốn biết về mối tình trái ngang ấy, về người con gái mà Thái tử hết lòng yêu thương và dám làm mọi thứ vì nàng. Cô gái ấy là Devyani Rana, con gái cựu Bộ trưởng Tài chính Nepal Pashupati Shumshere Rana và một công nương Ấn Độ. Devyani Rana thông minh, tài giỏi, học vấn cao. Cô từng học Đại học Kinh tế London và làm việc cho một số tổ chức quốc tế.
Tuy xinh đẹp và xuất thân danh giá, nhưng dòng họ Rana của Devyani từ lâu vốn xung khắc với dòng họ Shah của Thái tử Dipendra. Nhiều người đồn đoán rằng chính những bất đồng kéo dài lâu năm giữa hai dòng họ là lý do mẹ của Thái tử – Hoàng hậu Aishwarya và Vua cha – Quốc vương Birendra kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân này. Thái tử Dipendra và Rana đã có cuộc tình 10 năm đầy hạnh phúc xen lẫn khổ đau vì bị gia đình hai bên phản đối.
Từ năm 1987 – 1990, Thái tử Dipendra sang Anh học tập. Tại đây, Thái tử có người giám hộ ở địa phương là ông Baronet Jeremy Bagge. Ông Bagge có con trai Charles cũng học ở Đại học Eton cùng Thái tử. Còn con gái Shelly của ông Bagge lại là một người bạn của Devyani, lúc đó cũng đang học tại Anh. Thái tử Dipendra và Devyani lần đầu gặp gỡ tại nhà của ông Bagge ở Norfolk. Thái tử ngay lập tức đem lòng cảm mến cô gái Devyani xinh đẹp. Khi đó, cả hai đều mới bước sang tuổi 20. Trước mặt Charles và Shelly, Thái tử Dipendra đã hỏi cưới Devyani, muốn cô trở thành hoàng hậu tương lai của Nepal. Kể từ đó, mối tình giữa Thái tử và Devyani dần trở nên sâu đậm.
Khoảng thời gian từ 1993 – 1994, Hoàng gia Nepal cũng như cha mẹ của Devyani chưa hay biết về mối tình này. Trong khi đó, bà ngoại của Dipendra – Shree Rajya Laxmi Rana, được giao trọng trách lựa chọn cô gái thích hợp kết hôn với Thái tử. Garima Rana, Supriya Shah và Devyani Rana là 3 cô gái lọt vào danh sách vợ tương lai của Thái tử Dipendra. Trong số này, Supriya Shah, bạn gái thân thiết với Thái tử từ thuở nhỏ và là người Nepal thuần chủng, được cho là người phù hợp nhất với Thái tử. Các nguồn tin cho hay bà Shree Rajya Laxmi từng liên lạc với mẹ của Devyani. Mẹ của Devyani, do không biết gì về mối tình của con gái, đã nói với bà ngoại Thái tử rằng Devyani sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, và rằng cô là cháu gái của Vijaya Raje Scindia ở tiểu quốc Gwalior, nổi tiếng vì giàu có. Bà còn nói thêm rằng Hoàng gia Nepal rất nghèo và bà phải nghĩ nghiêm túc liệu con gái mình có chịu đựng nổi nếu được gả cho một gia đình nghèo khó hay không.
Chính câu nói vô ý trên mà cánh cửa hy vọng của cuộc hôn nhân giữa Devyani và Thái tử Dipendra đã mãi mãi đóng lại. Hoàng gia Nepal cho rằng Devyani quá tham vọng. Theo các nguồn tin của Nepali Times, Devyani có hơn 50 triệu rupee Nepal ở các ngân hàng khác nhau, trong khi Thái tử Dipendra phải xoay xở với mức trợ cấp 2,4 triệu rupee Nepal của chính phủ.
Mặc dù gia đình phản đối chuyện kết hôn với Devyani, Thái tử Dipendra đã không thể quên được cô và không ngày nào Thái tử không gặp người yêu. Những người hầu cận của Thái tử thường xuyên đưa rước Devyani mỗi ngày.
Một thời gian sau, khi Thái tử Dipendra nói với Devyani rằng gia đình mình phản đối chuyện kết hôn, Devyani đã đáp lại rằng cô sẵn sàng cưới một người khác. Quá yêu Devyani, Thái tử không muốn đề cập đến chuyện này nữa. Trong khi hai người vẫn yêu nhau say đắm, những lời cầu hôn Devyani tới tấp đến từ các gia đình dòng dõi.
Một giai đoạn sóng gió đã đến với Thái tử Dipendra và Devyani. Cô yêu cầu Thái tử đưa ra quyết định cuối cùng. Có nguồn tin cho rằng Thái tử đã tới nhà cô ở Bijay Bas với một chai thuốc độc và đe dọa nếu Devyani không cưới mình, Thái tử sẽ tự vẫn. Sau vụ việc này, cha mẹ của Devyani thẳng thừng phản đối chuyện hôn nhân giữa con gái và người kế vị ngôi vương Nepal.
Thế nhưng, chàng Thái tử si tình không thể tưởng tượng cuộc sống một ngày thiếu vắng Devyani. Trước khi vụ thảm sát xảy ra một năm, Thái tử tham dự khóa huấn luyện nhảy dù. Vào ngày nhảy dù đầu tiên, Thái tử gọi cho Devyani nói rằng mình chỉ nhảy dù nếu cô làm bữa sáng cho anh. Devyani đã làm vậy, và họ gặp nhau tại sân bay với bữa sáng mà cô chuẩn bị riêng cho Thái tử. Thái tử ăn hết bữa sáng và đi nhảy dù, trong khi Devyani tới bờ sông Manahra nơi Thái tử dự kiến sẽ đáp xuống. Sau đó, chàng và nàng hạnh phúc đưa nhau về. Đó chỉ là một trong những dịp mà người ngoài được chứng kiến tình cảm mặn nồng của đôi trai gái.
Hai người còn có sở thích mua những món quà tặng xa xỉ cho nhau khi đi nước ngoài. Chiếc đồng hồ Omega đắt tiền mà Thái tử đeo là một món quà của Devyani. Chiếc máy ảnh mà Thái tử dùng cũng là quà của cô. Devyani cũng mua áo giá nghìn bảng tại London tặng cho Thái tử. Đổi lại, Thái tử Dipendra cũng vô cùng chiều chuộng người yêu khi mua cho nàng vô số quà tặng.
Do đã quá say đắm trong tình yêu, thật khó để họ có thể rời xa nhau. Hoàng gia Nepal không hiểu điều này. Chỉ có Garima, một trong những cô gái được lựa chọn làm vợ Thái tử, biết về mối tình ngang trái. Garima đã lịch sự rút lui và kết hôn sau đó. Supriya cũng dần nhận ra và tránh xa câu chuyện tình phức tạp của Thái tử.
Thế nhưng, gia đình hoàng tộc không thay đổi quan điểm. Thái tử Dipendra cũng vậy. Thái tử đã yêu Devyani một cách cuồng si, tình yêu khiến chàng trở nên điên loạn và gây nên tội ác thảm khốc với cả gia đình vào tối 1/6/2001, kết liễu đoạn đường tình sâu đậm cũng như chính mạng sống của mình.
Sau khi vụ thảm sát xảy ra, Devyani Rana đã phải lánh nạn một thời gian do nguy cơ bị những kẻ quá khích tấn công. 5 năm sau, cô kết hôn với Ashwarya Singh, cháu nội của một thành viên trong nội các trước đây, một trong những gia đình danh giá hàng đầu ở Ấn Độ.
Đã có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh vụ thảm sát Hoàng gia Nepal. Mặc dù lời khai của những nhân chứng có mặt tại hiện trường, cũng như kết luận của Ủy ban Điều tra đã rõ ràng, người dân Nepal vẫn không tin nổi sự thật. Giữa lúc mọi sự rối bời, nhiều người bắt đầu nhớ về cảnh báo của những nhà chiêm tinh, về những lời tiên tri cách đó nhiều năm.
Hoàng gia Nepal cũng như người dân nước này rất tin tưởng các nhà chiêm tinh, nhà tiên tri và người xem chỉ tay. Dựa vào kĩ năng phân tích các chòm sao và khả năng “quản lý” các hành tinh, các nhà chiêm tinh giúp người xem định hướng cuộc sống. Theo truyền thông nước này, các nhà chiêm tinh học từng cảnh báo rằng Quốc vương Birenda sẽ chết nếu Thái tử Dipendra kết hôn trước năm 35 tuổi. Trên thực tế, Thái tử Dipendra đã bí mật tổ chức lễ đính hôn với Devyani Rana và muốn mau chóng “thành gia lập thất” cùng nàng bất chấp sự can ngăn của gia đình vào năm 29 tuổi. Theo nguồn tin này, các nhà chiêm tinh đã cảnh báo rằng lá số của Thái tử và người yêu “không hợp nhau”.
Tuy vậy, sau vụ thảm sát ngày 1/6/2001, một nhà chiêm tinh của Hoàng gia Nepal đã thừa nhận rằng đã “không thể tiên đoán được” vụ thảm sát chấn động. Theo Telegraph, Mangal Raj Joshi, nhà chiêm tinh có dòng họ nhiều đời phụng sự cho triều đại Shah của Nepal, đã nói: “Không ai thấy được điều này. Tôi không thể giải thích điều gì đã xảy ra nhưng nó thật khủng khiếp”. Nhà chiêm tinh năm đó 81 tuổi, ngồi khoanh chân trong căn phòng tối ở ngoại ô thủ đô Kathmandu, xung quanh ngổn ngang các bảng chiêm tinh, lá số tử vi và bức tranh nhòe nhoẹt của Quốc vương Birenda và Hoàng hậu Aishwaraya bị sát hại. Ông nói: “Những hành tinh tuyệt đẹp kiểm soát mọi sự dưới trần gian và đôi khi chúng ta không thể giải thích đầy đủ”. Ông Joshi cho biết ông đã không tham khảo ý kiến với hai nhà chiêm tinh khác của Hoàng gia sau vụ thảm sát tối 1/6 bởi cái chết của 10 người đã “làm tê liệt” tất cả các nhà chiêm tinh của đất nước.
Ông khẳng định rằng không có kiến thức nào của thuật chiêm tinh cảnh báo triều đại Shah kết thúc nếu Thái tử Dipendra kết hôn trước 35 tuổi. Tuy nhiên, nhà chiêm tinh này thú nhận rằng đã không thể xem được tử vi cho Quốc vương Birenda vốn gồm các sơ đồ hình học và các ký hiệu tiếng Phạn được lập ra trên cơ sở ngày giờ và nơi sinh chính xác của cố Quốc vương. Biểu đồ này sẽ vạch ra chi tiết cuộc đời của Quốc vương Birenda. Mangal Raj Joshi, giảng dạy môn chiêm tinh học tại Đại học Tribhuvan ở Kathmandu, thừa nhận rằng xác định ngày qua đời của một ai đó đòi hỏi “sự nghiên cứu sâu sắc và tập trung cao độ”. Ông Joshi từng là thầy giáo dạy địa lý trong chương trình thạc sỹ của Thái tử Dipendra, ngoài việc đưa ra những lời khuyên từ “vũ trụ” cho Thái tử. Ông từng được cố Vương Birendra trao Huy chương Cánh tay phải của Gorkha. Các nhiệm vụ của nhà chiêm tinh này tại Cung điện Hoàng gia bao gồm quyết định ngày giờ cho tất cả các sự kiện hoàng gia lớn và chủ trì các lễ kỷ niệm ngày sinh của Quốc vương.
Trong khi đó, có một truyền thuyết xa xưa kể về “lời nguyền” rằng triều đại Shah sẽ sụp đổ sau 10 đời. Truyền thuyết đó kể rằng, vào năm 1768, Prithvi Narayan Shah đã chinh phục các tiểu quốc và có công hợp nhất Vương quốc Nepal. Một lần, khi đang trên đường tới thung lũng Kathmandu, Quốc vương Prithivi Narayan Shah đã tình cờ gặp một nhà hiền triết. Nhà hiền triết này chính là vị thần Hindu Gorakh Nath đóng giả. Quốc vương Prithivi Narayan Shah liền mời nhà hiền triết dùng một chút sữa đông mang theo. Nhà hiền triết uống vào rồi nhổ ra và trả lại Quốc vương. Ngùn ngụt tức giận, Quốc vương ném món quà xuống đất. Sữa đông chảy xuống 10 ngón chân của ngài.
Nhà hiền triết chỉ trích sự ngạo mạn của Quốc vương. Ông nói rằng nếu Quốc vương chịu nuốt lại sữa đông, mọi lời ước nguyện của ngài sẽ trở thành hiện thực. Nếu không, Vương triều của Quốc vương sẽ sụp đổ sau 10 thế hệ bởi sữa đông dính vào 10 ngón chân của ngài. Quốc vương nhất quyết không làm theo đề nghị này.
Lời nguyền đen tối này dường như đã linh ứng bởi Quốc vương Birendra, người qua đời trong vụ thảm sát tháng 6/2001, là hậu duệ thứ 11 của triều đại Shah.
Khác với anh trai Birendra, Quốc vương Gyanendra lên ngôi nhưng không được lòng dân. Tin đồn về sự liên quan của ông trong vụ thảm sát Hoàng gia năm 2001 vẫn kéo dài tới tận nhiều năm về sau bởi cuộc điều tra do ông chỉ đạo với kết luận Thái tử Dipendra là thủ phạm thảm sát Hoàng gia vẫn còn nhiều chi tiết mù mờ.
Sau khi lên ngôi, năm 2002, Quốc vương Gyanendra đã cách chức thủ tướng và đưa một thuộc hạ lên tiếp quản vị trí này. Từ năm 2002 – 2005, ông thay ba thủ tướng và giải tán chính phủ. Lúc này, chính ông giữ chức thủ tướng và nắm giữ quyền lực độc tài. Tháng 2/2005, Quốc vương Gyanendra giải tán chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba, ban chiếu chỉ quản thúc tại gia một số chính trị gia quan trọng, ban bố tình trạng khẩn cấp.
Những quyết định sai lầm của ông đã chất chồng những bất ổn chính trị tại Nepal, dẫn tới làn sóng phản đối của dân chúng. Năm 2006, làn sóng biểu tình rầm rộ chống hoàng gia ở Kathmandu buộc ông Gyanendra phải thành lập một quốc hội lâm thời. Lại một ngày thứ sáu, 28/12/2007, Quốc hội Nepal bỏ phiếu ủng hộ bãi bỏ nền quân chủ, phế truất quyền lực của Quốc vương. Tới ngày 28/5/2008, Nepal chính thức trở thành nước cộng hoà, chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến với các triều đại “cha truyền con nối” kéo dài hơn 2 thế kỷ.
Lời tiên tri đen tối hàng trăm năm trước đã thành sự thực, triều đại Shah đã kết thúc và Gyanendra đi vào lịch sử là quốc vương cuối cùng của Nepal.