VƯƠNG TRIỀU SEVERAN (TỪ NĂM 193-235 CÔNG NGUYÊN)

by admin

Vương triều Severan là đệ tứ Hoàng triều La Mã bao gồm các đời Hoàng đế Septimus Severus, Caracalla, Geta, Elagabalus và Alexander Severus. Họ cai trị Đế chế La Mã từ năm 193 cho tới năm 235 Công Nguyên, khi Alexander Severus bị chính đội quân của mình ám sát.

Quyền kiểm soát toàn đế chế của nhà Severan bị gián đoạn bởi kẻ đồng trị vì là Macrinus và con trai Diadumenian vào năm 217-8, sau khi ám sát Caracalla. Phụ nữ nhà Severan, bao gồm Julia Domna, mẹ của Caracalla và Geta, và 2 đứa cháu là Julia Soaemias và Julia Mamaea, mẹ của Elagabalus và Alexander Severus, và mẹ của họ, Julia Maesa, nắm giữ quyền lực to lớn trong triều, lấy đó làm công cụ để bảo toàn vị trí cho con trai họ.

1/. DƯỚI QUYỀN CAI TRỊ CỦA SEPTIMUS SEVERUS

Septimus Severus tiến lên nắm quyền vào năm 193, là thời Nhứt Niên Ngũ Hoàng, sau khi Hoàng đế Petinax bị đội Vệ binh Praetorian ám sát. Trong khi đang là tỉnh trưởng Tỉnh Thượng Pannonia, ông được suy tôn hoàng đế bởi đội thân binh và nhanh chóng hành quân về thành Rome để phế truất Didius Julianus, người được đội Vệ binh Praetorian đưa lên ngai. Sau đó, Severus phải đối phó với 2 kẻ thù bất đồng, đánh bại Pescennius Niger, tỉnh trưởng Tỉnh Syria, tại Trận Issus năm 194 và đánh bại Clodius Albinus, tỉnh trưởng Tỉnh Britannia, tại Trận Lugdunum năm 197.

Sau khi lo nội chiến, Septimus Severus tiến hành các chiến dịch chống lại người Parthia trong năm 197 và chống lại người Caledonia ở Bắc Britannia trong 2 năm 209 và 210, đồng thời gia cố sức mạnh Trường Thành Hadrian và tái chiếm Trường Thành Antonine. Ông còn cho xây dựng Khải Hoàn Môn Septimus Severus ở Rome và Đền Septizodium (tiếng Latin nghĩa là Đền thờ 7 Mặt Trời) ở quê hương ông Lepcis Magna. Để trang trải chiến phí, ông cho giảm giá trị tiền tệ La Mã, làm bất ổn nền kinh tế. Severus ngã bệnh trong chiến dịch vào Caledonia và qua đời ở xứ York năm 211. Thừa kế ông là 2 người con Caracalla và Geta.

2/. DƯỚI QUYỀN TRỊ VÌ CỦA CARACALLA

Sau cái chết của cha mình, Caracalla cùng người anh em Geta đồng cai trị đế chế cho tới khi Geta bị đội Vệ binh Praetorian ám sát cuối năm 211, khiến ông trở thành người cai trị duy nhứt. Caracalla chán công việc trị vì này nên trao hết quyền hành cho mẹ ông và các quan lại. Ông mở 2 chiến dịch quân sự chống lại người Alamanni trong năm 213-4 và chống lại người Parthia trong năm 216. Đáng chú ý trong thời kỳ trị vì của ông chính là ban hành Sắc lệnh Caracalla trong năm 212, trao cho tất cả đàn ông tự do bên trong đế chế quyền công dân La Mã, cho xây dựng chuỗi Nhà tắm công cộng Caracalla ở Rome và giới thiệu hệ thống tiền tệ mới, gọi là Antoninianus, có giá trị gấp đôi đồng denarius. Ngày 8 tháng 3 năm 217, Caracalla bị một người lính bất mãn ám sát khi ông đang trên đường tới Carrhae. Thừa kế ông là trưởng đội Vệ binh Praetorian, người truyền lòng dũng cảm cho binh sỹ, M. Opellius Macrinus.

3/. DƯỚI QUYỀN TRỊ VÌ CỦA GETA

Sau cái chết của cha, Geta và Caracalla quay trở lại Rome và trở thành đồng hoàng đế chia sẻ quyền lực với nhau, nhưng không thực sự hòa hợp. Hoàng Cung được chia thành 2 khu vực riêng biệt và họ chỉ gặp nhau mỗi khi có mẹ và vệ sỹ hiện diện bởi vì cả hai đều sợ bị người kia ám sát. Sự ổn định trong thời kỳ trị vì của họ đều là do bà mẹ Julia Domna đồng hành với các giám quan cùng tướng lãnh hỗ trợ. Cho tới cuối năm 211, vấn đề lên tới đỉnh điểm. Caracalla nhờ mẹ sắp xếp một buổi họp mặt thân tình với người anh em Geta tại hành cung của bà mẹ, nhằm tách Geta với đội vệ sỹ, rồi ra lệnh cho đội Vệ binh Praetorian ám sát Geta. Sau đó, Caracalla ra tuyên bố “Damnatio Memoriae” (hình phạt xóa kí ức mang tính lăng nhục nặng nhứt La Mã) lên Geta.

4/. DƯỚI QUYỀN TRỊ VÌ CỦA ELAGABALUS

Elagabalus được quân đội phía Đông đưa lên làm Hoàng đế trong suốt cuộc nổi dậy chống lại Macrinus do bà của ông là Julia Maesa, chị em với Julia Domna, khởi xướng năm 218. Trước đó, ông đang làm thầy tư tế cho việc cúng bái thần Elagabal. Thời kỳ trị vì ngắn ngủi của ông nổi bật vì các bê bối tình dục lẫn tranh cãi xung quanh tôn giáo. Ông chối bỏ các vị thần La Mã truyền thống và thay thế vị trí của thần Jupiter bằng thần Elagabal. Ông cưới 4 người phụ nữ, trong đó có một Trinh nữ giữ Ngọn lửa (Vestal Virgin), và dành sự ưu ái cho các nam cận thận, những người được cho là người tình của ông. Các hành vi này khiến ông không được lòng đội Vệ binh Praetorian, Viện Nguyên Lão và thường dân. Tháng 3 năm 222, ông bị đội Vệ binh Praetorian ám sát theo lệnh của Julia Maesa và người anh em họ của ông là Alexander Severus được đưa lên thay.

5/. DƯỚI QUYỀN TRỊ VÌ CỦA ALEXANDER SEVERUS

Alexander Severus lên làm hoàng đế khi mới 14 tuổi. Do không có kinh nghiệm cai trị nên ông trao toàn bộ quyền hành cho bà mình là Julia Maesa và mẹ mình là Julia Mamaea, giai đoạn này nói chung khá thạnh vượng. Tuy nhiên, năm 231, ông đối mặt với một Đế chế Sassanid đang trỗi dậy. Ông mở một số chiến dịch chống lại người Sassanid, nhưng khi phải đối mặt với cuộc xâm lược của các tộc người German trong năm 234, Alexander nỗ lực đem lại hòa bình bằng con đường ngoại giao và mua chuộc. Điều này khiến cho quân đội La Mã xa lánh ông, dẫn tới việc việc ông và mẹ mình bị ám sát vào ngày 22 tháng 3 năm 235 tại Mainz. Cái chết của Alexander Severus đánh dấu cho sự khởi đầu của Cuộc Khủng Hoảng Thế Kỷ 3./.

Jason Ho

You may also like

Leave a Comment