VƯỢT QUA NỖI SỢ NÓI NGOẠI NGỮ | PHẦN 1 

by admin

Thời gian đọc: 6 phút

Chúc các bạn đọc của Người Tích Luỹ có những giây phút đọc bài hiệu quả.

______________________

Những ngày đầu tiên nhận lớp, cô giáo dạy tiếng Trung của lớp mình – một người giáo viên vô cùng dày dạn kinh nghiệm – đã phải bật khóc vì bất lực trước những “đứa con ương ngạnh” không chịu dơ tay phát biểu. Mặc cho cô trút bầu tâm sự, chia sẻ cũng như hết lòng động viên, cả lớp vẫn chỉ có lác đác một vài cánh tay lặp đi lặp lại, heo hắt như ngọn nến phập phùng trước gió.

Nhờ có sự nỗ lực và chân thành của cô, những buổi học sau đó dần dần được cải thiện, nhiều cánh tay chủ động giơ lên, nhiều bạn học chủ động đóng góp xây dựng bài hơn, nhưng nếu tinh ý nhìn thật kĩ, cũng vẫn chỉ lặp đi lặp lại một vài con người đó, một vài cái tay đó.

Đây không phải lỗi ở cô. Lỗi là ở chúng mình, những đứa con ương ngạnh với cái miệng dính chặt như bị đổ xi măng. Sau một vài lần quan sát, mình phát hiện ra, rằng bất kì ai được gọi tên đều có thể hoàn thành khá tốt bài nói của mình, thậm chí là nói rất hay và lưu loát.

Bản thân mình cũng vậy, có những lần mình đã chuẩn bị rất kĩ, nhưng một thế lực vô hình nào đó luôn cố kéo mình lại, để rồi vụt mất cơ hội trong sự tiếc nuối.

Đây chỉ là một trong những ví dụ rất nhỏ nhưng cực kì điển hình khi nói về nỗi sợ nói ngoại ngữ của người học. Vậy điều gì đang cản trở chúng mình làm điều đó?

______________________

NGUỒN CƠN

1. NỖI SỢ THƯỜNG TRỰC VÀ TÂM LÍ TỰ AN ỦI

Một trong những nỗi sợ choán ngợp tâm trí chúng mình khi chuẩn bị mở miệng ra đó là sợ bị người khác đánh giá.

Trong khuôn khổ lớp học, người khác ở đây có thể là bạn học (người “có lẽ sẽ” cười và xì xào mình khi mình nói không hay), hoặc thầy cô giáo (người “có lẽ sẽ” phê bình và trách móc khi chúng mình nói sai).

Đây là một nghịch lí rất đỗi kì lạ, nhưng luôn thường trực trong mỗi chúng ta.

Cùng một lớp với nhau, chúng mình đều đang đi trên chung một con đường, đó là học và chinh phục một môn ngoại ngữ. Trên con đường ấy, chúng mình đều sẽ có những lần mắc lỗi: nói ấp úng, nói lòng vòng, nói sai, và đó là điều bình thường ở huyện. Có chăng việc bạn luôn thể hiện xuất sắc ở lớp mới mới là điều bất bình thường.

Còn thầy cô, người giảng dạy chúng ta sẽ chẳng bao giờ buông lời nặng nhẹ trước những học sinh chăm chỉ và không ngại thử.

Chúng ta bỏ tiền ra để đi học, bỏ tiền để được sửa lỗi, góp ý, bỏ tiền để có môi trường luyện tập, nhưng lại tự mình từ chối mọi đặc quyền ấy bằng cách im lặng. Âu cũng chỉ quy về nỗi sợ không nên có.

_______________

Dù nghịch lí kì lạ ấy hiển hiện quá rõ ràng, song lại rất ít người học nhận ra điều đó, trong đó có cả mình của trước đây. Lí do là bởi sâu bên trong, cơ thể đã khởi động chế độ tự an ủi khiến chúng mình không còn cảm thấy tội lỗi.

“Mình biết, mình hiểu, chẳng qua là mình không nói thôi.”

“Nếu mình đứng lên trả lời thì mình cũng sẽ trả lời tốt được như vậy”

“Thôi để lần sau, còn nhiều cơ hội mà”

Hai cơ chế này giống như một cặp bài trùng, người đánh kẻ xoa, khiến chúng mình mãi mãi lạc lối trong vòng luẩn quẩn sợ nói ngoại ngữ.

________________

Hay như khi bạn gặp một người ngoại quốc, hoặc có thể kết nối online với họ, dù ban đầu bạn cảm thấy rất hưng phấn: “Ê Tây kìa chúng mày ơi”, “Ê người Trung kìa”, nhưng khi có cơ hội được nói chuyện lại đùn đẩy nhau chẳng dám mở miệng, chung quy cũng chỉ quy vì nỗi sợ nói sai, sợ nghe không hiểu, sợ những nỗi sợ abcxyz… dù chưa hề cho bản thân một cơ hội để bắt đầu. Nếu bạn cứ để nỗi sợ ấy mãi chiếm ưu thế, dần dà bạn sẽ tin rằng mình không có khả năng, và mãi mãi đóng chặt cánh cửa kết nối với ngoại ngữ và thế giới tuyệt vời xoay quanh nó.

2. NỀN TẢNG NGOẠI NGỮ CHƯA VỮNG

Ở phần này, mình muốn đề cập tới 3 mảng chính: phát âm, khả năng nghe hiểu và từ vựng – ngữ pháp.

PHÁT ÂM

Một phần không nhỏ người học ngoại ngữ của Việt Nam không quá coi trọng việc học phát âm, với suy nghĩ rằng chỉ cần nói dễ nghe một chút là được.

Đúng vậy, mục đích của việc học ngoại ngữ suy cho cùng cũng chỉ là để truyền đạt thông tin, tuy nhiên việc hiểu và biết cách phát âm một âm thế nào, rồi kết nối với nhịp điệu trong câu ra sao đóng góp một phần không nhỏ trong việc nghe hiểu ngoại ngữ, đặc biệt là những ngoại ngữ có nhiều “linking sound” – âm nối như tiếng Anh.

Nếu phát âm của chúng mình quá thuần Việt, hoặc trong trường hợp xấu hơn là phát âm sai, hoặc không biết phát âm như thế nào thì chỉ cần một vài lần nhận lại phản hồi không tốt, chúng mình rất dễ bị rơi vào tình trạng sợ nói ngoại ngữ.

NGHE

Nỗi sợ nói sẽ còn đáng sợ hơn khi chúng mình không nghe hiểu người đối diện dang nói cái gì. Chúng mình chẳng thể nào cứ gật đầu mãi được, cũng chẳng thể trả lời đại một cách qua loa đại khái cho xong, để rồi cuộc nói chuyện chẳng đi đến đâu.

Từ quan sát của mình, những người sợ nói ngoại ngữ thường dành khá ít thời gian cho việc luyện nghe, đặc biệt là luyện nghe người bản địa trong trường hợp thực tế trò chuyện như thế nào.

Nếu chỉ dành chút xíu thời gian để luyện nghe bài tập trong sách vở thì thực sự không đủ, bởi tốc độ, cách dùng từ, cụm từ, hay ngữ điệu của của người bản địa trong đó và trong thực tiễn thực sự có một khoảng cách khá lớn.

Người học thường rất dễ bị ngợp khi bắt đầu tiếp cận với các cuộc trò chuyện thực tế nếu chỉ đặt mình ở trong quả bong bóng tự bản thân tạo ra, và cũng dễ vỡ y như cách bong bóng nổ lốp đốp trong mưa khi không đủ sự can đảm và tiếp tục dành thời gian chinh chiến môn ngoại ngữ đó.

TỪ VỰNG VÀ NGỮ PHÁP

Trong quá trình học ngoại ngữ, người học không tránh khỏi việc thiếu từ vựng cần thiết trong giao tiếp thực tiễn nếu không chủ động nạp từ vựng ngoài những bộ giáo trình hạn hẹp và đã lỗi thời.

Việc học từ vựng sai phương pháp cũng khiến lượng kiến thức chúng ta tiếp thu không đủ sức để chen chân vào trí nhớ dài hạn, và dần dà nối đuôi nhau chạy ra khỏi não.

Thiếu từ vựng, không chú trọng vào việc học theo cụm – collocation khiến diễn đạt của chúng ta thiếu sức hút và dễ bị lủng củng, lòng vòng và khó hiểu.

Bên cạnh đó, người học ở Việt Nam khá chú trọng vào việc học ngữ pháp và thường học rất sâu, rất chi tiết các trường hợp bất quy tắc. Cách học này dễ gây cảm giác nhàm chán cho người học, đồng thời làm thêm các rào cản cho việc nói ngoại ngữ trong trường hợp thực tế.

3. LƯỜI LUYỆN NÓI – CHƯA BIẾT PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

Cản trở cuối cùng, cũng là một nghịch lí dễ nhận thấy nhất ở người học ngoại ngữ, đó là muốn nói giỏi nhưng lại lười luyện nói.

Nhiều người học, trong đó có mình, luôn thắc mắc rằng tại sao một ngày bản thân dành nhiều thời gian cho ngoại ngữ đến vậy mà không thể nói ngoại ngữ một cách lưu loát.

Câu trả lời vô cùng đơn giản: vậy trong khoảng “nhiều thời gian” ấy, liệu có bao nhiêu phần trăm được dành cho việc luyện nói? Và bao nhiêu phần trăm là thời gian tập trung cao độ? Và với mình ở thời điểm đặt ra câu hỏi đó, lượng thời gian mình dành ra luôn tiệm cận hoặc chạm ngưỡng số 0!

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lười luyện nói không xuất phát từ bản chất người học lười, có những người học vô cùng chăm chỉ, nhưng đơn giản là họ không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, thông qua phương tiện nào,….Tuy nhiên, lỗi của họ nằm ở chỗ chưa tìm hiểu và thử đủ nhiều phương pháp để tìm ra phương pháp nào phù hợp với bản thân mình.

Vậy mình và bạn phải làm gì để vượt qua nỗi sợ nói ngoại ngữ?

Hãy cùng mình khám phá ở số bài viết tiếp theo nhé.

LỜI KẾT TẠM

Bài viết được sáng tác dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình trên hành trình luyện nói ngoại ngữ, cũng như được tham khảo từ một số tư liệu mà dạo gần đây mà mình đang nghiên cứu. Mình không khẳng định những điều mình viết đúng với tất cả mọi người, và mình rất sẵn lòng tiếp nhận những đóng góp, chia sẻ để bài viết được hoàn thiện hơn.

Mình hi vọng các bạn nhận được giá trị từ bài viết lần này.

See you next time!

Nguồn: Người Tích Lũy

You may also like

Leave a Comment