Hành trình luyện nói ngoại ngữ của mình
Thời gian đọc: 6 phút
Chúc bạn đọc của Người Tích Luỹ có những khoảng thời gian đọc bài hiệu quả.
_________________________
Mình có sợ nói ngoại ngữ không? Sợ chứ.
Mỗi lần mình được gọi lên bảng trả lời, mình đều run như cầy sấy, dù nhiều lúc mình đã chuẩn bị bài rất kĩ.
Mỗi lần có cơ hội được gặp người nước ngoài, mình đều cố lảng đi hoặc làm “bóng đèn” cho mọi người.
Mãi sau này mình mới nhận ra, hoá ra là do cái bóng của nỗi sợ nói ngoại ngữ bên trong mình quá lớn, khiến mình không có lấy một chút tự tin để sử dụng thứ ngoại ngữ mà mình đang theo học.
Vậy nên trước khi đi vào chia sẻ với các bạn đọc các phương pháp luyện nói mà mình đã và đang áp dụng, mình rất hi vọng mọi người có thể gạt sự sợ hãi sang một bên. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn không được sợ, không được run, không được lo lắng, bởi đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể mà chúng mình khó lòng có thể thay đổi được.
Điều mình muốn nói ở đây là, dù có sợ đến mấy, có lo lắng đến mấy thì hãy cứ mạnh dạn nắm lấy cơ hội luyện tập, và nếu được thì chủ động tạo ra nó, thay vì chỉ ngồi đắn đo rồi ngậm ngùi tiếc nuối.
Nếu còn là học sinh, hãy chủ động giơ tay phát biểu thật nhiều trong giờ, đến mức bản thân không còn ngại việc chủ động đưa ra ý kiến nữa. Nếu gặp người nước ngoài, hãy chủ động bắt chuyện một lần, được thì vui, mà không được thì cũng chẳng mất gì mà, đúng không? Mình tin rằng chỉ cần sau một vài lần làm như vậy, tâm thế sử dụng ngoại ngữ của bạn sẽ có một sự chuyển biến rõ rệt.
Rồi, giờ thì cùng mình đi khám phá các phương pháp luyện nói mà mình đã và đang áp dụng nhé.
1. RÈN PHÁT ÂM
CẤP ĐỘ TỪ
Khi còn đang chập chững ở trình độ sơ cấp, một trong ba mảng mình tập trung nhất đó là phát âm.
Mình thuộc kiểu người tiếp thu hơi chậm và cần thời gian để tiêu hoá, nên thường biểu hiện ở trên lớp của mình so với các bạn khác thường có phần lép vế. Chẳng hạn như khi luyện đọc âm /θ/ của tiếng anh, hay âm /z/ của tiếng Trung, khi hầu hết các bạn trong lớp đều đã phát âm được, mình vẫn thực sự vô cùng mông lung và loay hoay với nó.
Những lúc như vậy, thay vì tự ti và nản lòng, mình thường dùng phương pháp “lấy thời gian áp đảo”, “lấy số lượng áp đảo”, tức nghĩa là luyện thật nhiều, luyện đến mức mồm mỏi, cổ họng hơi tấy và có dấu hiệu khàn đi. Nói vậy chứ chỉ cần dành ra chưa đến một tiếng mỗi ngày để luyện thì họng mình đã đủ đau rát rồi.
Cứ thế đều luyện tập đều đặn trong gần một tuần, bỗng nhiên một buổi sáng đẹp trời tỉnh dậy, mình nhận ra mình đã phát âm được hai âm đó. Ban đầu mình cũng ồ lên, kì diệu thật, nhưng thực chất chẳng có gì kì diệu ở đây cả, đơn giản chỉ là mình đã quen với khẩu hình của âm đó rồi mà thôi.
Tuy nhiên, có một điểm mà nếu mình được sửa lại, mình nhất định sẽ thay đổi. Đó là thay vì chỉ luyện chay đọc âm, mình sẽ kết hợp với phương pháp Shadowing – đọc nhại lại phần âm thanh có sẵn.
Ở cấp độ từ, bạn chỉ cần mở file nghe lên, tập trung nghe và đọc nối ngay sau khi băng phát xong từ đó. Như vậy tai chúng mình vừa được làm quen với âm đó, đồng thời miệng cũng dễ điều chỉnh để phát âm chính xác hơn.
Điều quan trọng ở đây là bạn cần luyện đủ nhiều, và mình thường lấy con số 5 làm mốc. Tai nghe, miệng đọc, kết hợp mắt nhìn một danh sách các từ và phiên âm có sẵn trong sách liên tục trong vòng 5 lần (hoặc có thể nhiều hơn), sau đó bắt đầu tự luyện không có băng (có thể thu âm lại để so sánh) liên tục 30’-45’ mỗi ngày và đều đặn trong vòng 1 tuần, mình chắc chắn khả năng phát âm của bạn sẽ có tiến triển rất lớn!
CẤP ĐỘ CÂU VÀ ĐOẠN
Ở cấp độ này, đặc trưng của mỗi ngôn ngữ sẽ được thể hiện vô cùng rõ ràng, vậy nên phương pháp và nội dung luyện phát âm cũng có một số điểm khác nhau.
Chẳng hạn như tiếng Anh nổi bật với các âm nối – Linking sound, mình cần hiểu được nguyên lí nối âm và cách nối âm trong trường hợp thực tế sẽ diễn ra như thế nào. Đối với phần này, mình đề xuất bạn tạo tài khoản trên web tienganh123.com, đây là trang web góp phần không nhỏ trong việc định hình phát âm của mình khi mình còn là một học sinh phổ thông.
Ở cấp độ này, bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp Shadowing bằng cách sử dụng sách nói kèm với sách giấy (hoặc pdf), nhại lại theo các mẩu phim hoặc video ngắn,….Mình sẽ chia sẻ cách luyện tập Shadowing trong số bài viết khác, mọi người nhớ theo dõi và đón đọc nhé.
Ngoài ra, cách luyện phát âm hiệu quả nhất mà mình từng luyện, đó là đọc thành tiếng sách ngoại văn. Bạn có thể sử dụng sách ngoại văn, hoặc chỉ đơn giản là một bài báo, một mẩu chuyện tuỳ thích, sau đó đọc thành tiếng nội dung trong vòng 15-30’ mỗi ngày. Trong quá trình đọc, đừng ngại mà thêm chút nhấn nhá, chút cử chỉ, tưởng tượng như mình đang giảng bài, hoặc đang kể chuyện cho ai đó một cách đầy say mê. Như vậy, mình không chỉ được tiếp thu thêm được kiến thức mới, mà tốc độ, nhịp điệu, linh hồn trong việc phát âm của mình cũng dần dần được cải thiện.
Chỉ cần luyện tập chăm chỉ và đều đặn, việc cảm được âm và phát âm chuẩn sẽ không còn khó khăn như trước nữa.
2. RÈN TƯ DUY BẰNG NGÔN NGỮ ĐÍCH (NGÔN NGỮ MÀ BẠN ĐANG HỌC)
Mình có một tật xấu khi nói ngoại ngữ, đó là nói lòng vòng, thiếu logic, hoặc hay ngừng giữa chừng khi đang nói vì không biết phải diễn đạt ý tưởng trong đầu như thế nào. Mỗi lúc ngừng lại như thế, mình thường có xu hướng đầu hàng với một khuôn mặt không thể căng thẳng hơn, thay vì chủ động tìm cách diễn đạt tương tự.
Đây là một hệ quả khá tiêu cực của lối tư duy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Với lối tư duy này, mình luôn cố gắng dịch chính xác toàn bộ những gì nảy ra trong đầu, từ ngôn ngữ mẹ sang ngôn ngữ đích. Điều này đối với một phiên dịch viên lâu năm còn khó, chứ đừng nói là mình, một cậu sinh viên đang phải không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ của bản thân. Nó khiến mình mắc kẹt tại những “vũng lầy ngôn ngữ” – nơi mình không biết phải dịch cách diễn đạt đó như thế nào.
Vậy mình đã làm gì để thoát khỏi vũng lấy đó?
TẠO MÔI TRƯỜNG TƯ DUY BẰNG NGÔN NGỮ ĐÍCH
Chia sẻ về trải nghiệm sau khi đọc phần một của bài viết, một anh bạn của mình đang du học bên Nga chia sẻ:
“Lúc mới sang Nga, lớp học chỉ có mình tôi là người nước ngoài. Thời điểm đó tôi cũng ngại nói tiếng Nga lắm, vì không biết nhiều từ vựng, phát âm thì đặc sệt giọng tiếng Việt. Nhưng trong lớp không phải bạn nào cũng có thể nói tiếng Anh, để có thể hoà nhập với mọi người, tôi buộc phải học cách trở thành “người nói tiếng Nga toàn thời gian”.
Hay giống như một số cô chú người Việt ở Nga, họ chủ yếu bán hàng ở các khu chợ, các trung tâm thương mại. Là chủ một gian hàng, nếu không thể nói được tiếng Nga, họ sẽ chẳng thể nào kinh doanh được, dẫn đến không có đủ khả năng nuôi sống gia đình nơi đất khách quê người. Điều này tạo cho họ một động cơ để học tiếng, và họ tiến bộ rất nhanh, chỉ sau 2-3 tháng là có thể tự tin đứng bán hàng một mình.”
Có động cơ học ngoại ngữ, kết hợp với có một môi trường để đắm mình trong đó quả thật là một điều kiện vô cùng tuyệt vời để nâng trình ngoại ngữ, đặc biệt là khả năng nói. Trong quá trình “tập nói”, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều những hoàn cảnh “không biết phải diễn tả như thế nào”, song bằng khả năng ứng biến linh hoạt và bắt buộc của hoàn cảnh, chúng ta rất nhanh có thể nảy ra được một cách diễn đạt khác bằng những từ vựng, cấu trúc quen thuộc và đơn giản hơn.
Não bộ của chúng ta cũng tự động loại bỏ dần quá trình phiên dịch trong đầu, vì nó tiêu tốn quá nhiều năng lượng không cần thiết. Cứ như vậy, chúng ta sẽ suy nghĩ và tư duy bằng ngoại ngữ từ lúc nào không biết.
__________________
Hiểu được tầm quan trọng của môi trường trong việc rèn khả năng tư duy bằng ngoại ngữ, mình luôn cố gắng để bản thân có cơ hội được “đắm mình trong ngoại ngữ đó”. Để làm được điều này, mình cần nhìn lại toàn bộ những thói quen mà mình thường làm hàng ngày và thay đổi ngôn ngữ mình sử dụng trong đó.
Chẳng hạn như mình thường xem phim vào lúc ăn cơm và sau khi dạy xong ca học buổi tối, thay vì xem phim tiếng Hàn hay phim Việt Nam, mình chọn xem phim tiếng Trung và tiếng Anh không có phần phụ đề dịch (không sub).
Mình hay nghe podcast vào lúc nấu cơm hoặc sau khi ngủ dậy vào đầu giờ chiều, bên cạnh những kênh podcast tiếng Việt quen thuộc, mình dần chuyển hướng sang nghe các số podcast tiếng Trung và tiếng Anh dài từ 30’ đến 1 tiếng đồng hồ. Mọi người có thể nghe thử kênh 故事FM trên Apple Podcast hoặc Spotify nhé.
Trong quá trình ngoại ngữ, thay vì sử dụng từ điển Anh – Việt hoặc Trung – Việt, mình chọn sử dụng từ điển nội ngữ Oxford hoặc 百度汉语。
Như vậy, một lượng lớn khoảng thời gian trong ngày của mình đã được chuyển hoá để “đắm mình trong ngoại ngữ” mà vẫn có thể tiết kiệm thời gian cho những đầu việc quan trọng khác.
Ngoài ra, bạn có thể kiến tạo môi trường rèn tư duy ngoại ngữ bằng cách: ở chung nhà với một người bạn đam mê ngôn ngữ mà bạn đang theo học và giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ đó, viết nhật ký bằng ngoại ngữ, đọc sách ngoại văn, thay đổi ngôn ngữ trong điện thoại (đổi vầy là đổi cả google map á nha) hoặc tham gia các diễn đàn của người nước ngoài và kết nối với họ (Reddit, 抖音…)
Cuối cùng, nếu như có cơ hội, bạn nên xách ba lô và đi du học hoặc làm việc tại đất nước đang nói ngôn ngữ mà bạn yêu thích, mình tin rằng đây sẽ là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
3. LUYỆN NÓI MỘT MÌNH
Song hành với quá trình rèn tư duy bằng ngôn ngữ đích (input), bạn cần có một phương tiện, một hoạt động để thực hành và cải tiến nó (output). Đó là lúc các kĩ thuật của việc luyện nói một mình phát huy tác dụng.
Đối với mình ở thời điểm hiện tại, mình tập trung vào luyện ở 3 mảng chính: kể chuyện (tự sự), thuyết trình, trình bày quan điểm và tranh biện.
Tự sự là hình thức luyện nói đơn giản nhất. Mình thường tự thủ thỉ với bản thân rằng một ngày đã trôi qua như thế nào, chuyện gì khiến mình vui, điều gì khiến mình buồn và thất vọng. Sau đó mình thường hoá thân vào người ngoài cuộc để đưa ra quan điểm của bản thân một cách khách quan, rồi tự đúc kết ra một bài học nào đó.
Mình cũng thường làm vậy khi đụng phải một số tình huống khiến cảm xúc mình đột nhiên cao vọt, chẳng hạn như gặp phải một số thanh niên lái xe ẩu, xem xong một bộ phim,…
Mình cũng dành ra tương đối thời gian để luyện thuyết trình nhằm phục vụ cho mục đích đi tour. Hiểu được các địa điểm trong tour là một chuyện, nhưng trình bày thế nào, nhip điệu nhấn nhá ra sao, ngôn ngữ hình thể cùng khả năng ứng biến như thế nào cũng đóng góp một phần không nhỏ cho một chiếc tour thành công. Mỗi khi mình luyện tập hình thức này, mình luôn tưởng tượng như bản thân đang thực sự ở trong một chiếc tour và kể cho khách nghe, điều này giúp mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều mỗi khi tour đến.
Hình thức cuối cùng – hình thức mình yêu thích nhất, nhưng cũng ngại làm nhất, đó chính là tranh biện. Tranh biện với người khác đã khó, tranh biện với chính bản thân mình còn khó hơn. Nhưng dù đối tượng tranh biện là ai thì trước khi đi vào cuộc chiến nảy lửa, mình đều phải đi tìm kiếm thông tin chi tiết, chính xác, thuyết phục, và quá trình này khiến mình tiêu tốn không ít thời gian. Tuy nhiên sau mỗi lần tranh biện như vậy, lượng kiến thức nền của mình lại được tích luỹ thêm chút đỉnh. Mình học được thêm một số cách diễn đạt thuần ngôn ngữ đích hơn, đồng thời cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quan điểm của mình bằng ngôn ngữ đích.
4. TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Được luyện nói với người nước ngoài thực sự rất tuyệt vời, nhưng đi đâu để tìm người trò chuyện bây giờ?
Nếu bạn muốn được trò chuyện trực tiếp, sẽ không khó để bắt gặp người nước ngoài ở quanh Hồ Tây, hay khu phố cổ,…Bạn cũng có thể tham gia một số tổ chức giúp bạn kết nối với người nước ngoài, như Hanoikids – Câu lạc bộ dẫn tour tình nguyện cho du khách quốc tế.
Nếu điều kiện về vị trí không cho phép, bạn hoàn toàn có thể kết nối với họ thông qua các trang web, ứng dụng trực tuyến miễn phí hoặc trả phí.
Mình đề xuất bạn sử dụng Free4talk, một trang web không mất phí giúp kết nối những người yêu thích việc học ngoại ngữ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được giao lưu với các bạn bè xuất sắc ở trong nước mà còn được kết nối với người học ngoại ngữ trên thế giới, đặc biệt là những người đến từ đất nước của ngôn ngữ bạn đang theo học.
____________________
Nhưng cứ cho là chúng mình kết nối được với nhau rồi, thì sau khi tay bắt mặt mừng chúng mình phải nói gì đây? Làm sao để chúng mình duy trì cuộc trò chuyện được lâu hơn, và xa hơn là duy trì kết nối với họ?
Trước khi trò chuyện ở Free4talk, trong đầu mình thường mường tượng trước một số chủ đề có thể trao đổi. Chủ đề quen thuộc nhất mà mình thường gợi chuyện đó là cuộc sống hiện tại của hai người, từ đó mở rộng ra sự khác biệt giữa hai quốc gia trên các phương diện như văn hoá, lịch sử, chính trị, lối sống,..
Để có thể trò chuyện được ở những chủ đề này, bạn cần tự trang bị cho mình một lượng từ vựng phong phú, đồng thời chăm đọc, nghe, xem về những chủ đề nói trên bằng cả tiếng Việt và ngôn ngữ đích.
Sau một mùa hè chật vật, hiện tại điều này không còn quá khó với mình nữa, bởi ngoài khối kiến thức nền mà mình tích luỹ được từ bậc phổ thông, từ khi tham gia Hanoikids, mình được tìm hiểu rất nhiều về các đặc điểm văn hoá, lịch sử, kiến trúc,…của Việt Nam và rèn luyện thuyết trình nó bằng tiếng Anh. Khi mình có một bộ kiến thức nền đủ rộng, mình có thể chém gió về bất kì thứ gì mà không phải gặp quá nhiều trở ngại trong quá trình giao tiếp.
Sau khi trò chuyện và cảm thấy hợp năng lượng, mình thường xin thông tin liên lạc với họ qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Wechat,…và tiếp tục trao đổi qua tin nhắn và hẹn lịch trò chuyện tiếp theo.
LỜI KẾT
Trên đây là một số kỹ thuật chính mình đã và đang sử dụng trên hành trình nói giỏi ngoại ngữ. Tuy vẫn còn khá nhiều kỹ thuật nhỏ xoay quanh, song mình tin rằng bạn hoàn toàn có thể vượt qua nỗi sợ và làm chủ được môn ngoại ngữ mà bạn đang theo học nếu kiên trì thực hiện đều đặn các kỹ thuật nên trên. Mình chỉ muốn chia sẻ một điều cuối cùng đó là: bạn sẽ khó có thể nhìn thấy kết quả ngay trong vòng 1-2 tháng đầu tiên, vậy nên đừng nản lòng khi chưa thấy bản thân mình tiến bộ. Thực chất chúng mình đều đang tiến bộ từng ngày, bộ máy tích luỹ vẫn hoạt động hết công suất, chỉ chờ đến khi đủ về lượng để bùng nổ và bước sang trang mới mà thôi. Chúc mọi người sớm vượt qua nỗi sợ nói ngoại ngữ và chinh phục được nó ở một ngày không xa.
Nguồn: Người Tích Lũy