Trên trang Goodreads, “Waking Up: A Guide to Spirituality Without Religion” được giới thiệu là cuốn sách dành cho 30% dân số nước Mỹ – những người vô thần nhưng muốn cải thiện đời sống tâm linh của mình. Tuy nhiên, đối tượng độc giả thật sự mà Sam Harris hướng tới có lẽ còn rộng hơn.
Thức Tỉnh Điều Vô Hình (Hành Trình Khám Phá Tâm Linh)
(56 lượt)
Mua sách giảm giá 30% >>
Nổi tiếng với nhiều bài viết chỉ trích các tôn giáo, Sam Harris là một cái tên gây ra không ít tranh cãi, thậm chí là sự thù ghét từ các tín đồ tôn giáo trên thế giới. Nhưng đồng thời, những cuốn sách của ông cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả và giới chuyên môn. Tác phẩm “The End of Faith” (tạm dịch: Sự kết thúc của Đức tin) của ông nhận được giải PEN cho tác phẩm phi hư cấu năm 2005, và những tác phẩm khác như “Letter to a Christian Nation”, “The Moral Landscape”, “Free Will and Lying”… đều là những cuốn sách bán chạy ở Mỹ. Vậy điều gì đã khiến những cuốn sách của Sam Harris thu hút đến thế?
“Waking Up: A Guide to Spirituality Without Religion”, được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Thức tỉnh điều vô hình: Hành trình khám phá tâm linh, sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời, không chỉ về một Sam Harris táo bạo nhưng lý trí, mà còn cho thấy những góc nhìn khác về tâm linh, ý thức con người và hành trình đến hạnh phúc.
Cuốn sách dành cho những kẻ vô thần?
Trên trang Goodreads, “Waking Up: A Guide to Spirituality Without Religion” được giới thiệu là cuốn sách dành cho 30% dân số nước Mỹ – những người vô thần nhưng muốn cải thiện đời sống tâm linh của mình. Tuy nhiên, đối tượng độc giả thật sự mà Sam Harris hướng tới có lẽ còn rộng hơn.
Sam Harris là một triết gia, một tiến sĩ khoa học thần kinh, đồng thời cũng nổi tiếng là 1 trong bộ Tứ kỵ sĩ của thuyết Vô thần mới ( the “Four Horsemen” of New Atheism) – một chủ nghĩa khuyến khích tranh luận về các tôn giáo, huyền thuật… thay vì chấp nhận chúng. Với tinh thần đó, tất nhiên Sam Harris sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò là một người vô thần viết cho những người vô thần, mà còn sẵn sàng thách thức, đón nhận phản ứng trái ngược, như cách ông thẳng thắn tự nhận mình “luôn là một kẻ to tiếng phê bình tôn giáo”.
Ông viết trong chương đầu của cuốn sách:
Không có gì trong quyển sách này cần viện tới đức tin để chấp nhận. Dù tôi tập trung vào tính chủ thể của con người – dẫu sao tôi cũng đang nói đến bản chất của chính sự trải nghiệm mà – nhưng tất cả các nhận xét của tôi đều có thể kiểm chứng lại trong phòng thí nghiệm cuộc đời của các bạn. Thật ra mục tiêu của tôi chính là khuyến khích các bạn làm thế.
Có thể nói, Sam Harris đã chọn cho mình một con đường mạo hiểm khi nói về chủ đề tâm linh khẳng định rằng tâm linh cần phải được tách khỏi khía cạnh tôn giáo.
Vậy khái niệm “tâm linh” của Sam Harris rốt cuộc là gì? Và ông dự định dẫn chúng ta đến một cuộc sống tâm linh tốt đẹp hơn bằng cách nào
Khởi đầu thật sự của đời sống tâm linh
Từ spirit (tâm linh, hay tinh thần) xuất phát từ spiritus trong tiếng La Tinh, dịch từ tiếng Hy Lạp là pneuma, nghĩa là “hơi thở”. Khái niệm tâm linh trải qua một thời gian dài đã bị nhuốm màu tôn giáo, huyền bí, tuy nhiên Sam Harris nhấn mạnh rằng “tâm linh phải tách rời khỏi tôn giáo – vì con người thuộc mọi tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng đều có những kiểu trải nghiệm tâm linh giống nhau.” Những trải nghiệm như tình yêu tự siêu, nhập định, hạnh phúc, nội quang soi sáng… mà chúng ta có thể bắt gặp trong cuộc đời, chúng cần một nguyên lý khác (sâu sắc hơn, và không bị bó buộc bởi niềm tin tôn giáo) để lý giải.
Nguyên lý ấy chính là điều mà Sam Harris muốn chứng minh thông qua cuốn sách này. Ông cho rằng cái “tôi”, hay “bản ngã” thực chất không tồn tại. “Chúng ta nên tin rằng ta đồng nhất với thể xác và não bộ của mình hơn là tin vào một kẻ trú ngụ ám muội bên trong.” Vì vậy, Sam Harris tập trung phân tích ý thức không bản ngã của con người, những cảm giác hoang mang, đau khổ, minh triết, hạnh phúc… bằng cách đặt chúng trong bối cảnh khoa học thần kinh, tâm lý học và các ngành khoa học liên quan. Đây cũng là điểm thú vị để ngay cả những người không đồng tình với tác giả cũng có thể tham khảo, bởi nó bao hàm lượng lớn kiến thức khoa học và nhiều lập luận mang tính đột phá từ tác giả.
Sam Harris cho rằng, nếu tiếp tục đào sâu hiểu biết này, và liên tục đi xuyên qua những ảo tưởng của bản thân, chúng ta có thể tìm thấy cái gọi là “tâm linh” thật sự. “Chỉ ý thức mới hiểu được bản thân nó – và hiểu một cách trực tiếp, thông qua trải nghiệm ngôi thứ nhất. Do đó, nó sẽ dẫn đến sự quán chiếu sâu sắc – “tâm linh” theo nghĩa rộng nhất của từ này – chính là một phần không thể thiếu trong quá trình thấu hiểu bản chất của tâm trí.”
Không chỉ thiên hoàn toàn về mặt khoa học để giải thích tâm linh – điều mà hẳn sẽ khiến cuốn sách này trở thành một tác phẩm khô khan, xuyên suốt cuốn sách tác giả còn lồng ghép nhiều trải nghiệm của riêng mình. Đó là những suy nghiệm, nhận định, hoài nghi của ông trong hành trình khám phá tâm linh của bản thân, ví dụ như ông đã có những trải nghiệm tâm linh gì, tu tập ra sao, đã thử những chất kích thích não bộ như thế nào, và tại sao cuối cùng ông chọn thiền tập là cách khai mở tâm trí hiệu quả mà ít nguy hại hơn. Những đúc kết cá nhân này, được bổ trợ bởi các kiến thức khoa học và triết học nói trên, sẽ là sự chỉ dẫn quý giá cho những ai mong muốn thay đổi tâm trí và có một cuộc sống tốt đẹp.
“Trải nghiệm trực tiếp nó – chứ không chỉ đơn thuần tư duy về nó – chính là sự khởi đầu đích thực của đời sống tinh thần.” – Sam Harris viết.
Mặt khác, khi được dịch và xuất bản ở Việt Nam – nơi mà màu sắc tôn giáo đã trở thành một phần của văn hóa, những câu chuyện tâm linh có ở khắp nơi… có lẽ thái độ chỉ trích tôn giáo và thế giới huyền ảo của Sam Harris sẽ là một trở ngại lớn đối với nhiều bạn đọc. Tuy vậy, với một tâm thế cởi mở hơn, đây cũng là cơ hội để chúng ta kiểm chứng niềm tin của bản thân, và thử đặt các trải nghiệm của bản thân dưới một góc độ phổ quát, lý tính và thế tục, để xem liệu chúng ta có thể khám phá được gì từ hành trình này.