“Winter Is Coming”

by admin

Đó là tên của tập đầu tiên trong loạt phim truyền hình nổi tiếng “Trò chơi vương quyền” (Games of Thrones). “Winter Is Coming” tức Mùa đông đang đến, là những chữ ngắn gọn mà đầy sức nặng, gợi lên trách nhiệm phải chuẩn bị cho những thách thức, sợ hãi đói rét và cả những bóng trắng đe dọa sự bình yên.

“Mùa đông đang đến” cũng là điều mà phương Tây đang lo sợ đối mặt nếu tình hình chiến sự Nga-Ukraine không tìm thấy lối thoát. Nga giống như đang muốn “đua” xem ai chịu được khổ hơn. Sẽ là Nga sụp đổ vì cấm vận kinh tế trước? Hay Phương Tây gục ngã vì khủng hoảng năng lượng trước?

Ngày hôm qua, chính phủ Italia đã sụp đổ. Việc Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 của EU sụp đổ chính phủ đã trở thành tiếng chuông đầu tiên báo hiệu những khốc liệt mà EU sẽ phải nếm trải trong thời gian sắp tới. 80 năm trước, Italia trở thành gánh nặng của chính Hitler trong cuộc chiến của phe trục. 80 năm sau, lại vẫn là Italia khiến người ta sợ hãi đây là “tổ mối trong cái đê vỡ”. Hai ngày trước, tác giả Hans van Leeuwen đã đăng trên ARF bài viết “Mây đen kinh tế phủ lên Châu Âu” và đánh giá việc ECB tăng lãi suất và đổ tiền vào chính là cố gắng kiềm chế biên độ dao động lãi suất trái phiếu công giữa Đức và Italia, nguyên nhân cũng đến từ sự quản lý yếu kém về kinh tế và chính trị của Italia.

Trong 17 tháng đứng đầu chính phủ của mình, ông Draghi đã luôn là người chống Nga và ủng hộ Ukraine quyết liệt nhất. Tuy nhiên, người dân Italia không lo quá nhiều những chuyện xa xôi, họ đã quá chật vật với lạm phát leo thang và lo sợ thiếu hụt nhiên liệu khi giao tranh Ukraine kéo dài. Họ không muốn “gánh” thêm việc nuôi Ukraine nữa. Kết quả khi đối mặt với những sức ép từ bên trong quốc hội, ông Draghi đã phải tự kết thúc. Mùa đông đang đến gần, Italia vẫn đang phụ thuộc vào khí đốt Nga, và mọi thứ có vẻ như chưa tìm được lối thoát.

Còn về phía Nga, lệnh cấm vận đã xóa sổ 15 năm thành tựu kinh tế Nga. Quốc gia này cũng vượt qua cả Cuba hay Iran để trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới với hơn 5.000 lệnh trừng phạt khác nhau. Hơn một nửa gián điệp và tất cả các tài sản của tỷ phú Nga tại nước ngoài bị đóng băng.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn trong cuộc chiến lần này: hình như Putin biết chính xác mình muốn gì, còn những Macron, Scholz, Draghi hay Johnson thì không! Đó là lý do của việc khi chiến sự Nga-Ukraine trở nên khó lường hơn bao giờ hết, càng lúc càng kéo dài, thì những hệ lụy lại đang xuất hiện nhiều hơn, và dần dần trải ra trên khắp lục địa già. Cuộc chiến này đã bắt đầu lộ ra hình hài của nó, một cuộc chiến đã kéo dài từ 10 thế kỷ nay: vẫn là cuộc chiến giữa Nga và phương Tây, là chương sau của trận đánh giữa Kutuzov với Napoleon ở thế kỷ 18, giữa Zhukov và Hitler ở thế kỷ 20. Và tôn giáo, như thường lệ, vẫn là thứ dẫn lối bí ẩn phía sau màn trướng của mọi xung đột: Công giáo tại La Mã và Chính thống giáo tại Nga!

Khác chăng chỉ là lần này không còn là 1 đối 1, mà sử dụng Ukraine như một SỰ LỢI DỤNG. Không phải chiến tranh ủy nhiệm, mà là lợi dụng. Mỹ và phương Tây muốn lấy Ukraine ra khỏi Nga để biến Nga thành một quốc gia cô đơn, không đường ra biển nóng, và bị một lưỡi dao kề ngày cổ. Còn Nga đã nín nhịn cho cuộc chiến này từ rất lâu, để dùng Ukraine như một con bệnh ăn vạ vũ khí, lương thực, tiền bạc và đẩy người tị nạn, phát xít mới qua cho phương Tây lạm phát, thiếu hàng sản xuất, và thiếu khí đốt.

Thêm một lần nữa, mùa đông lại xuất hiện và ở bên nước Nga. Như vị thần bảo hộ của quốc gia này.

Bản thân Phương Tây tưởng như mình đứng ngoài cuộc chơi để “hà hơi thổi ngạt” cho Ukraine thì lại đang đối diện với lần thứ 3 thất bại ở cái quốc gia này chỉ vì cái lạnh. Nhưng như đã nói ở bên trên, vì Nga biết mình muốn gì, còn EU thì không. Người ta có quyền nghi ngờ Nga đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ rất lâu nếu lục lại một sự kiện diễn ra cách đây một năm, khi Nga mua 4 tấn vàng miếng và xu vàng trong 9 tháng và đưa tỷ trọng vàng trong dự trữ của quốc gia này tăng từ 20,8% lên 22,9%, trong khi tỷ trọng của đồng USD giảm từ 23,7% xuống 22,2%. Premier League, cầu thủ Zinchenko, hay hiệp hội động vật mèo, cuộc thi hóa học quốc tế … khi thay avatar vàng-xanh có lẽ đã không hiểu tính phức tạp của cuộc chiến này.

Mục đích của Nga không đơn thuần là giữ Kiev Rus, Russia và Belarus phải ở cùng nhau như trong lồng một quả trứng của lịch sử. Mục đích của Nga là chia lại bàn cờ thế giới. Putin đã công khai nói ra điều này không chỉ qua chuyến thăm Iran đang gây xôn xao, mà còn trong một diễn đàn kinh doanh ở Moskva hôm 20/7: “Những thay đổi lớn lao, mang tính cách mạng thực sự sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới”.

Nhưng cuộc chiến này có thật chỉ có Nga, Ukraine, và EU? Không. Còn có Trung Quốc và Mỹ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn cờ lớn”, học giả Brzezinski đã khuyên Mỹ và phương Tây đừng đụng vào Ukraine, vì với Nga thì Ukraine có ảnh hưởng lịch sử và vai trò địa chính trị lớn khủng khiếp không thể mất. Nhưng quan trọng nhất là ông có một quan sát cực kỳ tinh tế đó là Trung Quốc cũng không muốn Nga mất Ukraine. Tại sao? Vì nếu không còn khống chế được Ukraine, thì Nga sẽ quay ngược trở lại vùng Trung Á để gây ảnh hưởng. Trong khi Trung Á (cùng với Châu Phi), là nơi mà Trung Quốc đang chia bàn cờ của mình. Tương tự cách Tào Tháo và Tôn Quyền liên minh để đập Quan Vũ trong trận Kinh Châu-Phàn Thành thôi!

Trung Quốc là sân sau của Nga trong cuộc chiến này. Cần nhớ Mỹ và phương Tây chỉ coi Nga là siêu cường quân sự, không coi Nga là siêu cường kinh tế (lý do họ chỉ đánh Nga bằng kinh tế). Nhưng với Trung Quốc thì khác. Trung Quốc là siêu cường quân sự lẫn kinh tế. Những gì mà Mỹ đang tự hào về văn hóa, công nghệ, về phim ảnh, hay về truyền thông, thì Trung Quốc cũng có ảnh hưởng không kém, và càng tỏ rõ đi sau ưu việt hơn, lại lợi thế hơn về sản xuất. Được Trung Quốc chống lưng về kinh tế, Nga mới trụ nổi trước 5000 lệnh cấm vận để kéo cuộc chiến đến mùa đông thần thánh.

Mỹ

“Thiên chúa đặc biệt ưu ái những tên ngốc, kẻ say và Hoa Kỳ” – lời Otto von Bismarck. Mỹ nằm biệt lập và là đại ca của Châu Mỹ, tách biệt với một đám Châu Âu hiếu chiến và có đầy rẫy những mối thù lịch sử cộng mâu thuẫn tôn giáo. Mỹ đứng đó, mỉm cười và giàu có trên cái cảnh tương tàn ở Châu Âu. Với Đại Tây Dương bên tay trái và Thái Bình Dương bên tay phải, Mỹ khiến người ta phải rùng mình vì sự khủng khiếp và lợi hại của nó. Mỹ luôn đứng sau và giờ khi EU đang liêu xiêu, chật vật, thêm một lần nữa họ lại phải quay đầu nhìn về Mỹ ở bên kia đại dương. Mọi mộng chống đối xếp xó. Mỹ vẫn là sen đầm của thế giới.

Đấy là lý do Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm qua nói với Reuters rằng Ukraine sẽ không bao giờ thắng trong cuộc chiến này vì sự bất đối xứng trong quân đội hai bên. Nhưng vì sao không có hòa đàm và chiến tranh kéo dài, là: “Bởi vì Nga muốn được đảm bảo an ninh, cuộc chiến này chỉ có thể được kết thúc bằng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Mỹ.”

Có thể võ đoán cá nhân chăng? Vào cái ngày mùa đông khốc liệt nhất, cũng sẽ là ngày Nga kéo được Mỹ vào bàn đàm phán. Nhưng người cười cuối cùng sẽ là Trung Quốc. Đài Loan sẽ khóc và Việt Nam và Đông Nam Á lại đi trên sợi dây mong manh của một trật tự như trứng mỏng.

(24/7/2022)

Cre: Dũng Phan

You may also like

Leave a Comment