XÁC ƯỚP ‘ÔNG KẸ’ VÀ VỤ ÁN GIẾT NGƯỜI CHẤN ĐỘNG THÁI LAN THẾ KỶ TRƯỚC

by admin

Si Quey bị xem là hiện thân ác quỷ ở Thái Lan với xác ướp bị trưng bày trong bệnh viện. Dù vậy, nhiều người Thái Lan đang muốn lật lại vụ án này, hay ít ra chấm dứt việc trưng bày.

Gần như không ai ở Thái Lan không biết đến Si Quey: kẻ giết người hàng loạt man rợ, chuyên nhắm vào trẻ em và còn ăn thịt nạn nhân.

Bị xem là hiện thân ác quỷ ở Thái Lan, Si Quey đã trở thành một phần trong văn hoá dân gian. Suốt nhiều thế hệ, các phụ huynh ở đất nước Chùa Vàng nhắc đến Si Quey như một Ông Kẹ để răn dạy con cái. Nếu trẻ em cư xử không đúng, về muộn hay trốn học, chúng sẽ bị Si Quey ăn gan.

Tuy nhiên, được đặt tại một bảo tàng y học nhỏ ở bệnh viện Siriraj (Bangkok), xác ướp Si Quey lại nhìn không hề có vẻ hăm doạ. Trái lại, nhiều người đến tham quan còn cảm thấy thi thể ấy thật đáng thương.

South China Morning Post miêu tả đó là những gì còn lại của Si Quey: một xác ướp khô quắt đứng trong tủ kính cao, được trưng bày tại Bảo tàng Pháp y của bệnh viện. Phủ trong một lớp sáp cứng, làn da sần sùi của ông ta sáng loáng dưới ánh đèn huỳnh quang trong phòng.

Trong khi đó, The Nation đưa tin một phong trào đang được phát động tại Thái Lan nhằm “trả lại nhân phẩm cho Si Quey”, hoặc ít ra ngưng việc trưng bày xác của ông.

“Ông Kẹ” trong lồng kính

Dựa trên bức ảnh cắt từ tờ báo cũ được treo cùng chỗ, sinh thời Si Quey là một người đàn ông nhỏ người nhưng săn chắc. Tại phiên xử vào tháng 3/1958, phóng viên đã chụp được khoảnh khắc Si Quey đang ngáp, trông ông ta nhìn không khác một con quỷ đang gầm gừ.

Si Quey không phải là xác ướp duy nhất ở đây. Ngay từ cửa, khách tham quan được chào đón bằng một bức tường với những bức ảnh chụp người chết vì bị đâm, bắn, tự sát hoặc đa chấn thương.

Sâu hơn bên trong bảo tàng là những bình thuỷ tinh chứa các bào thai và trẻ sơ sinh với nhiều dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, bảo tàng cũng đặt trong tủ trưng bày nhiều mẫu vật khác như sọ người bị búa đánh nứt, não nhiễm bệnh, thậm chí cả một cái bìu khổng lồ của người đàn ông nhiễm căn bệnh lạ. Tuy nhiên, Si Quey vẫn luôn là “ngôi sao số một” của bảo tàng.

“Không thể chối cãi rằng ông ta là mẫu vật được yêu thích nhất”, một nhân viên bảo tàng chia sẻ dưới ánh đèn mờ của căn phòng nơi Si Quey đứng nổi bật giữa những vật trưng bày khác.

Đứng quan sát, khách tham quan có thể thấy rõ những lỗ đạn trên ngực Si Quey khi thi hành án vào tháng 9/1959. Khi ấy, ông mới 32 tuổi.

“Người Thái luôn bị xác ướp Si Quey thu hút”, nhân viên này giải thích. “Rất nhiều người Trung Quốc cũng đến đây chỉ để vì ông ta”.

Điều khiến rất đông người quan tâm Si Quey chính là những trọng tội mà ông được cho là thủ phạm.

Si Quey sinh năm 1927 trong một gia đình nông dân ở phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trước khi đến Thái Lan, Si Quey tham gia quân đội chống phát xít Nhật trong cuộc Thế chiến II. Sau đó, ông di cư đến Thái trên một con tàu chở hàng, làm nhiều công việc để kiếm sống.

Giữa những năm 1950, Si Quey được cho đã bắt đầu thực hiện các vụ giết người hàng loạt. Liên tiếp từ năm 1954-1958, Si Quey đã đâm chết 6 bé trai và gái ở nhiều nơi trên lãnh thổ Thái Lan. Nạn nhân trẻ nhất khi ấy mới lên 5, còn lớn nhất 11 tuổi.

Theo lời kể của nhiều nguồn, Si Quey thậm chí còn ăn thịt nạn nhân. Theo lời khai thẳng thừng của Si Quey với cảnh sát, ông làm vậy để bồi bổ bản thân. Đối tượng Si Quey chọn là trẻ em vì chúng dễ mắc bẫy hơn người lớn.

Các báo cáo chính thức cũng khẳng định Si Quey rất thích thịt người. Lần đầu tiên ông ăn thịt đồng loại là trong một cuộc bao vây của lính Nhật. Khi lương thực cạn kiệt, ông ăn thịt những đồng đội đã ngã xuống của mình để sinh tồn.

Nghi vấn xung quanh cáo buộc

Đã 60 năm trôi qua từ khi Si Quey bị hành hình nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều người Thái muốn lật lại hồ sơ vụ án. Họ nghi ngờ liệu Si Quey, người duy nhất bị toà án Thái Lan kết tội ăn thịt người, thật sự đã làm như vậy, hay chẳng qua bị đem ra làm vật thế thân.

“Giai đoạn đó, người dân rất dễ bị dắt mũi. Họ tin vào mọi điều mà không cần bằng chứng”, ông Sakorn Khunain, 50 tuổi, một người quan tâm đến Si Quey và đang hành nghề tài xế taxi ở Bangkok, chia sẻ.

“Mọi người ở Thái đều biết câu chuyện này, còn tôi thì luôn muốn biết liệu đó có phải là sự thật”.

Những thám tử nghiệp dư như Sakorn đã lục lại hồ sơ vụ án của Si Quey, tìm đọc những bản tin đương thời, cân nhắc các chứng cứ và cùng nhau bàn thảo trên mạng xã hội. Ngoài ra, việc truyền thông bắt đầu quan tâm trở lại Si Quey cũng đã cung cấp cho họ nhiều nguồn phim tài liệu và bài viết tham khảo.

Họ nghi ngờ hầu hết tội danh mà Si Quey được cho là đã thừa nhận trong các bản khai với cảnh sát và trước toà lúc đó.

Tuy nhiên, có một vụ án vào đầu năm 1958 mà dường như không thể phủ nhận Si Quey là thủ phạm. Khi ấy, tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Rayong, miền Đông nước Thái, cậu bé 8 tuổi Somboon Boonyakan rời nhà một buổi chiều để đến trang trại nơi Si Quey đang làm thuê để mua rau củ. Khi không thấy con về nhà, bố mẹ Somboon đã đi tìm cậu. Ông Boonyakan gặp Si Quey, khi ấy đang chuẩn bị châm lửa đốt cành và lá khô.

Ông Boonyakan kinh hoàng nhận ra thi thể bị cắt xén của con trai mình ở trong đống lá. Nhiều thập niên sau, mỗi khi được phỏng vấn, cặp vợ chồng vẫn khăng khăng rằng Si Quey đã mổ bụng con trai mình để ăn nội tạng.

Mặc dù những lời nhận tội của Si Quey được ghi lại đầy đủ, việc anh ăn thịt người vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Lời khai của Si Quey không khớp với chứng cứ thu được, và phía cảnh sát cũng không thể cung cấp bằng chứng rõ ràng liên kết ông và các vụ án. Có thể, ông ta đang bị dùng làm thế thân cho những vụ giết trẻ em không thể tìm thủ phạm đã diễn ra những năm trước đó.

Giáo sư Wasana Wongsurawat, sử gia tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, ủng hộ luận điểm này: “Tôi nghĩ rằng hệ thống tư pháp đã hại ông ta. Si Quey đã bị xét xử không đúng quy trình”.

Sau 60 năm, người dân Thái Lan muốn khôi phục hình ảnh của Si Quey. Hàng chục nghìn người đã ký tên trong một kiến nghị trực tuyến nhằm chấm dứt việc trưng bày xác ướp của Si Quey.

“Linh hồn ông ấy không được yên nghỉ và vẫn đang tìm kiếm công lý. Tôi chắc chắn là thế,” Suttisa Rattanasri, một sinh viên đại học, cho biết. “Khi nhìn thấy Si Quey ở bảo tàng, tôi cảm thấy buồn cho ông ta. Bị nhốt trong lồng kính để mọi người đi qua xì xầm chỉ trỏ vào mình, ông ta không khác gì đang bị nguyền rủ”.

Tài xế taxi Sakorn đồng tình. “Dù cho ông ấy thật sự là thủ phạm, chuyện diễn ra cách đây lâu rồi. Chúng ta không nên giam ông ta lại như thế. Còn nếu đúng là ông ấy vô tội thì còn tệ hơn, vì ông ấy sẽ mãi mãi bị kỳ thị và điều đó thật không công bằng”.

“Về nguyên tắc, xác của Si Quey phải được trả về cho gia đình hoặc người giám hộ để lo đám ma đàng hoàng cho ông ấy”, The Nation dẫn lời Chủ tịch Quỹ Cross Cultural Surapong Kongchantuk. “Không ai có quyền giữa thi thể đó (mà không được phép), đừng nói là gọi đó là một kẻ ăn thịt người”.

Nguồn: Zingnews

You may also like

Leave a Comment