Theo trải nghiệm của cá nhân mình, chúng ta thường tìm kiếm sự tự tin ở những thế mạnh của bản thân.
Đó có thể là thế mạnh về trí tuệ, ở những năng lực (competence) hoặc ở kinh nghiệm mà bạn có.
Mình nhận ra rằng có vẻ như “thế mạnh” là nguồn năng lượng trực tiếp tạo nên sự tự tin bên trong mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, gần đây mình cũng đồng thời nhận ra rằng, dường như có một loại hình “thiếu tự tin” (under-confidence) chỉ xuất hiện những khi chúng ta trở nên “quá tự tin vào thế mạnh” của bản thân.
Nghe có vẻ hơi nghịch lý ha.
Theo cá nhân mình, “quá tự tin vào thế mạnh” không nhất thiết đồng nghĩa với thói kiêu căng, tự mãn.
Mình cho rằng “quá tự tin vào thế mạnh” của bản thân là khi ta khiến cho thế mạnh ấy là tất cả những gì định nghĩa giá trị của bản thân ta, hoặc khi ta sử dụng chúng như là một thước đo của phẩm giá (dignity).
Và kết quả thường sẽ là những nỗi sợ.
Ta trở nên sợ làm sai. Sợ bị chê cười. Sợ bị trông như kẻ ngốc. Sự bị đánh giá thấp.
Và rồi đến cuối cùng, ta sẽ thấy e ngại tất cả những gì nằm ngoài “vòng tròn an toàn” của những thế mạnh ta sở hữu.
Ta sẽ trở nên thiếu tự tin, thậm chí là sợ sệt, khi phải thử những điều mới mẻ.
Mình nhận ra rằng những sự thiếu tự tin như trên dường như cũng không phải là hiếm.
Bạn có thể đã từng lưỡng lự khi hỏi đường một người dân địa phương tại một thành phố xa lạ.
Bạn có thể đã chẳng có can đảm để làm thân với crush.
Hay có lẽ bạn đã không đủ tự tin để xin được thăng chức tại cơ quan.
Khi ta bị bủa vây bởi nỗi sợ làm sai và áp lực “không bao giờ trở thành trò cười”, ta cũng sẽ thường mất đi khả năng bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân, và vì vậy – rất thường xuyên – ta bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống.
Cá nhân mình cho rằng, bên trong tâm trí mỗi người chúng ta đều có một bức tranh.
Trong bức tranh đó có hình ảnh của bản thân chúng ta khi ta đang ở trong tâm thế và tư thế kiêu hãnh nhất, cũng đồng thời là hình ảnh của “sự tự tin” mà ta luôn muốn hướng tới.
Bức tranh ấy được dựng lên từ cái ngày mà mỗi người chúng ta bắt đầu không còn ưa việc “bị chê cười” nữa.
Dường như chúng ta đều tin rằng sau khi ta đã trải qua một độ tuổi nào đó rồi, thì ta sẽ không nên chấp nhận việc bản thân bị coi như “kẻ hay mắc lỗi” nữa.
Mình viết bài viết này, không phải với ý định khuyên bạn không nên tiếp tục tự tin vào điểm mạnh của bản thân, hay không nên xem trọng phẩm giá của bạn.
Với bài viết này, mình muốn chia sẻ quan điểm rằng: Tất cả con người chúng ta – dù cho có nổi tiếng hay vĩ đại tới đâu – đều là những “kẻ hay mắc lỗi” cả.
Chúng ta ai cũng đều đã từng đưa ra những quyết định kém logic.
Chúng ta đều từng để những thú vui nhất thời khiến ta xao lãng.
Chúng ta đều ít nhiều mê tín hoặc từng bị dẫn dắt bởi những niềm tin sai lầm.
Và có lẽ, chúng ta ai cũng đều đã từng ngại ngùng khi phải trò chuyện với người lạ.
Cá nhân mình tin rằng, hay mắc lỗi cũng không sao hết, điều quan trọng là bạn có rút ra được bài học từ sai lầm của quá khứ để từ đó tiếp tục nuôi dưỡng sự tự tin hay không mà thôi.
Với mình, “dám làm thử và dám làm sai” là một đức tính xứng đáng để bạn tự hào về bản thân.
Đây là đức tính sẽ luôn cho phép bạn phát triển bản thân, bằng cách luôn hướng tới những giá trị mới mẻ và thử nghiệm với chúng, bất chấp cho những điều ấy có thuộc vào “vòng tròn” thế mạnh của bạn hay không.
Bởi vậy nên mình cũng tin rằng, con đường để đạt được sự tự tin tuyệt đối, không chỉ nằm ở việc bạn cảm thấy chắc chắn (certain) thế nào trong những gì bạn đang làm, mà nó còn nằm ở cả khả năng cảm thấy thoải mái với sự không chắc chắn (uncertain) trong những gì bạn chưa từng làm.
Cũng trong video TEDx Talks mà mình trích dẫn ở đầu bài viết, diễn giả Ivan Joseph có chia sẻ quan điểm rằng:
Chúng ta đều có khả năng lặp lại (repeat) điều gì đó nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có sự kiên trì (persist).
Chúng ta đều đang là những “kẻ hay làm sai” ở hiện tại.
Chúng ta đã từng làm sai ở quá khứ.
Chúng ta sẽ còn tiếp tục làm sai ở tương lai.
Và mình tin rằng điều đó là hoàn toàn bình thường.
Đương nhiên, người dân mà ta vừa hỏi đường có thể có lối ăn nói khá cọc cằn với ta.
Crush có thể sẽ từ chối tình cảm của ta.
Sếp và đồng nghiệp có thể sẽ chê cười ta.
Tự tin không phải lúc nào cũng là chìa khóa để giải quyết vấn đề, nhưng nó thường là bước đầu tiên cho mọi quyết định và hành động mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Không có sự tự tin làm đòn bẩy, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào vòng xoáy của lối sống mòn, hoặc phụ thuộc vào người khác.
Với sự tự tin xuất phát từ tinh thần “dám làm thử và dám làm sai”, chúng ta sẽ có thể trở nên cởi mở hơn với mọi cơ hội ta chạm được tay vào trong cuộc đời, bởi lẽ khi ấy ta đã thừa biết rằng: Sai lầm là một phương án có thể chấp nhận được.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và Minh họa: Tom’s Sharing.