GS.TS Bjorn Sundmark từ Đại học Malmo, Thụy Điển, tham dự hội thảo qua Zoom. Ông cho rằng nền văn học thiếu nhi Thụy Điển từ xưa đã xây dựng hình tượng những đứa trẻ láu cá, lém lỉnh. Chúng không nhất thiết phải luôn nghe lời người lớn, mà chính trong những tình huống hiểm nghèo, các nhân vật nhí thể hiện tinh thần tự chủ đáng ca ngợi.
Nhiều tác phẩm được xây dựng với motif răn đe trẻ em không nghe lời người lớn để bị đẩy vào tình huống nguy hiểm, nhưng chính trong những tình huống ấy, những đứa trẻ chứng minh được trí thông minh, khả năng xử lý của mình. “Thực tế, trẻ em có thể rất mạnh mẽ”, ông Sundmark phát biểu.
Những nhân vật nổi tiếng như Pippi Tất Dài không phải là một cá tính chuẩn mực mà người lớn muốn trẻ con hướng đến, nhưng nhân vật anh hùng lệch chuẩn như Pippi Tất Dài lại hiện hữu như một người bạn đồng hành, một người bạn tốt, đem lại niềm vui cho trẻ nhỏ, cho chúng thấy chúng không cần “hoàn hảo” để trở thành một “anh hùng”.
Buổi hội thảo còn có sự tham dự (trực tuyến) của bà Georgina Segarra Ros từ Nhà xuất bản Gemser, Tây Ban Nha, bà Cinzia Grieco, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM kiêm Tổng lãnh sự Italy tại TP.HCM và bà Jana Mikota, GS.TS tại Đại học Siegen, Đức. Đại diện từ các quốc gia châu Âu chia sẻ xu hướng phát triển văn học thiếu nhi tại đất nước họ.
Qua các bài phát biểu, khách dự hội thảo có thể rút ra xu hướng chung của văn học thiếu nhi tại châu Âu là khai thác các chủ đề mang tính thời sự như môi trường, đa dạng sắc tộc, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới…
GS.TS Jana Mikota cho biết nước Đức đã chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường từ năm 1970. Nhiều tác phẩm truyền tải ý nghĩa về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên được đẩy mạnh quảng bá nhằm tập trung lan truyền thông điệp đến thế hệ trẻ. Những người trẻ truyền cảm hứng như nhà hoạt động xã hội Greta Thunberg trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách bán chạy.
Đặc biệt, một số quốc gia cho thấy sự quan tâm đến các hình thức sách mới lạ hơn như sách tranh, tiểu thuyết đồ họa.
Bằng cách tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với sách, với văn chương, gài cắm các chi tiết, nhân vật văn học vào đời sống thường ngày và sử dụng các chất liệu, các chủ đề thời sự để các sáng tác văn học trở nên hấp dẫn với trẻ em, từ đó các em sẽ hình thành sự tự chủ và chủ động chọn sách đọc.
Nguồn: Zingnews