Cuốn sách Xưởng khoa học của Leonardo giới thiệu tới các bạn nhỏ cách học tập, khám phá theo tinh thần giáo dục STEAM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán học).
Các nhà nghiên cứu tiểu sử Leonardo cho rằng, trong suốt cuộc đời mình ông đã viết khoảng 20.000 đến 28.000 trang bản thảo gồm văn bản và vẽ phác thảo chi tiết về giải phẫu, thực vật, triết học, sinh lý, kỹ thuật, kiến trúc, động vật học, hội hoạ, hình học, địa lý và nhiều lĩnh vực khác. Rất nhiều trong số đó đã thất lạc. Ngày nay, chúng ta vẫn chỉ tiếp cận được khoảng 7.200 trang bản thảo của Leonardo da Vinci. Chúng ta còn đang mất rất nhiều nghiên cứu, ý tưởng, câu hỏi và trả lời của ông. Nhưng vẫn rất may mắn khi ta có thể tìm hiểu về cuộc đời và các công trình của Leonardo qua 7.200 trang bản thảo còn lại.
Leonardo (1452-1519) được công nhận là một trong các thiên tài vĩ đại nhất thời Phục Hưng, kéo dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 ở châu Âu. Không những thế, ông còn được đánh giá là một trong những thiên tài vĩ đại nhất mọi thời đại. Di sản của ông nói lên điều đó. Bức hoạ Mona Lisa nổi tiếng nhất thế giới chỉ là một trong rất nhiều món quà Leonardo dành cho chúng ta. Tranh của ông rất giàu cảm hứng, nhưng cái cách mà ông tạo ra chúng thậm chí còn thú vị hơn nữa. Thiên phú của Leonardo nằm ở cách tư duy – ta có thể học hỏi, áp dụng nó vào việc học tập của chính mình.
Điểm đặc biệt quan trọng ở Leonardo là ông không bao giờ đặt nghệ thuật ngoài khoa học hay tách biệt khoa học với kỹ thuật. Những nghiên cứu dưới góc độ một nhà khoa học và kỹ sư giúp các tác phẩm nghệ thuật của ông đi xa hơn nhờ hiểu biết về giải phẫu, vật lý, tự nhiên và hình học. Ngược lại, các phác thảo về máy móc và phát minh công nghệ của ông đẹp đến vậy là nhờ chú trọng đến ánh sáng, bóng đổ và từng chi tiết nhỏ, cứ như chúng là bản phác thảo của những tác phẩm nghệ thuật vậy.
Leonardo có phong cách viết ngược rất nổi tiếng. Ông thuận tay trái nên viết từ phải qua trái là chuyện rất dễ dàng; người khác muốn đọc những gì ông viết cần phải đọc qua gương. Điều thú vị là nó cho ta biết ông làm việc theo “kiểu” của mình như thế nào. Thứ khiến Leonardo trở thành thiên tài chính là bản tính tò mò vô tận, mong muốn hiểu về cách thức mọi vật vận hành, theo đuổi các ý tưởng, thích vén màn bí mật của tự nhiên và khoa học. Ông không bao giờ ngừng đặt những câu hỏi như “Tại sao bầu trời có màu xanh?”, tìm đáp án cho chúng, đồng thời viết ý tưởng vào sổ tay.
Cuốn sách Xưởng khoa học của Leonardo giới thiệu tới các bạn nhỏ cách học tập, khám phá theo tinh thần giáo dục STEAM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán học). Đây cũng chính là tinh thần nghiên cứu của Leonardo, thứ đã giúp ông trở thành một người am hiểu về nhiều lĩnh vực, không chỉ hội họa mà còn nhiều ngành khoa học. Cách thức học tập nghiên cứu của ông giúp các bạn nhỏ có được cái nhìn tổng quát, đa chiều trước mỗi sự vật, hiện tượng mà mình tiếp xúc.