Ý thức – trách nhiệm hay trò chơi ném đá giấu tay?

by admin

Tôi xài facebook cũng lâu rồi.

Coi như bao trending, bao drama, không ít thì nhiều cũng đều đã thấy qua. Mãi cũng chẳng có thấy gì lạ lẫm , mới mẽ.

Tôi nhận định là phần lớn thời gian đó, tôi chưa có ý thức xử lý thông tin, tư duy phản biện hay đầy đủ kiến thức để có khả năng sử dụng tiếng nói của chính mình để phản biện điều phi lý.

Tuy nhiên, gần đây bởi vì có đang học hành ở một lớp Luận lý học mà những thớ thịt trong não tôi cũng lớn lên không ít. Có lẽ là chúng đã biết vận dụng một ít điều học trên lớp mà khiến cho con mắt tôi có những cái nhìn khang khác về cách mọi người ứng xử trên mạng xã hội.

Mở đầu văn vẻ thế để cốt giải thích rằng vì sao chuyện này xuất hiện rất lâu rồi mà tôi không nói, nay lại nói đến thì có phải để tạo fame hay không. Thưa không, tôi là một kĩ sư, việc tôi viết content chỉ vì sự hạnh phúc chứ không phải hít fame kiếm tiền từ quảng cáo.

Mục đích tôi chia sẻ vấn đề này là mong mọi người hãy thật sự suy nghĩ khi bắt đầu một bài viết trên mạng, cụ thể là một bài phốt.

Chỉ vài hôm trước, chỗ tôi sống là một chung cư cũng khá khá mới ở Sài Gòn, trong nhóm cộng đồng chung có một bài đăng chụp ảnh vài bạn nữ khá lớn đang chơi ở khu trò chơi của trẻ con.

Bài đăng có đại ý là: Khu vui chơi này chỉ dành cho trẻ con dưới 12 tuổi nhưng các bạn này lại vô ý thức như thế.

Tôi thấy một điều buồn cười nhiều chút. Bởi tôi phân tích vấn đề có mấy câu hỏi như sau:

1. Vì sao lúc đấy không nhắc nhở mà lại chụp hình rồi phốt? Có phải đang cảm thấy hạnh phúc vì kiếm được một cái gì đó mà mình sẽ đóng vai là người có ý thức giữ gìn sự văn minh hay không?

2. Nếu nhắc nhở thì sợ vấn đề xảy ra với mình, vậy đăng lên nhằm làm gì? Để người khác nhắc nhở để vấn đề xảy ra với người khác thay vì mình? Một trò ném đá giấu tay lộ liễu.

3. Ý thức này có thật sự là ý thức hay không? Hay chỉ là sự khó chịu nhất thời và đăng bài chỉ nhằm giải tỏa căng thẳng do chính bản thân tạo ra vì không dám lên tiếng.

4. Tài sản của bản thân (vì cư dân cũng đóng tiền cho các dịch vụ này) nhưng không dám lên tiếng bảo vệ?

Sau khi tôi comment một dòng nhằm hỏi “tại sao anh không nhắc ngay lúc đấy mà lại đợi về mới đăng lên” thì tôi thấy tư duy của cư dân có thể chia thành mấy loại bình luận như sau:

1. Không cần biết tôi nói gì mà xông vào kết luận “tôi là đồng bọn, cũng là loại thiếu văn minh, vô ý thức”.

2. Cho rằng việc nhắc nhở là đang rước họa vào thân, nhắc nhở là vô ích, “mấy đứa” đó lớn rồi mà có phải bố mẹ chúng đâu mà nhắc nhở. Muốn nhắc nhở thì cần “thẩm quyền”.

3. Có comment đồng tình với tôi.

4. Có comment hỏi tôi “nếu người ta không nghe lời thì sao”.

Tôi xin phép không bình luận, phán xét bất kì loại comment nào ở trên, tuy nhiên tôi có những đánh giá chung thế này:

– Dần dần mọi người gần như sợ giao tiếp với nhau khi xảy ra vấn đề, thậm chí cho rằng nhắc nhở người khác cũng phải cần thẩm quyền to lớn, trong khi hằng ngày bao nhiêu báo đài đưa tin là “người dân thậm chí có quyền yêu cầu chứng minh, giấy tờ, giám sát người thi hành công vụ” thì việc nhắc nhở người khác tuân thủ quy định lại biện hộ là cần “thẩm quyền”.

– Rất ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi cá nhân mà thích hô hào bầy đàn với nhau để đứng sau lưng làm trò, đợi một cá nhân nào đứng ra để làm đầu tàu “chịu trách nhiệm”, có gì thì bản thân chạy trốn cho lẹ.

– Ý thức bảo vệ văn minh nửa mùa. Rất thích dùng văn minh như một công cụ phán xét người khác chứ không hề thích dùng sự văn minh như một văn hóa đích thực và hướng dẫn mọi người hướng đến lối sống đẹp, biểu hiện bằng hình ảnh chỉ thích phốt chứ không sẵn sàng lên tiếng hướng dẫn người ta sống văn minh – văn minh mõm.

Xã hội dần phức tạp theo sự phát triển của kinh tế. Cách người ta hành xử cũng trở nên đầy sự ghê gớm mà không biết theo cách tích cực hay tiêu cực.

Tôi nghĩ phốt phải nên trở thành một công cụ “rất bất đắc dĩ” mới cần sử dụng để lan truyền một hiện tượng hay một đối tượng thật sự độc hại, chứ không nên trở thành một công cụ cá nhân khi cứ thấy thứ gì không ưa là đem lên mạng xã hội.

Các bạn đọc của tôi, xin đừng trở thành những con người như thế. Hơn hết hãy dùng lời lẽ để giải quyết một vấn đề êm xui và giữ gìn sự gắn kết giữa người với người.

From: Thuật sư TaN

You may also like

Leave a Comment