Tôi từng gặp chị đôi ba lần. Làn da ngăm khỏe khoắn, khi cười lộ ra chiếc răng khểnh rất duyên. Mỗi khi gặp nhau, chị đều tặng tôi một quyển sách làm quà. Chị và bạn quen nhau hai năm hơn, bỗng dưng một ngày bạn quyết định chia tay, đến tận vài tháng sau bạn mới kể tôi hay.
“Sao đang yên đang lành lại tự dưng chia tay? Quen ngần ấy thời gian, tao còn chưa bao giờ thấy hai người cãi cọ ầm ĩ hay mày cần tao khuyên gì cơ mà?”
“Chị ấy mắc chứng trầm cảm, thường xuyên nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Đôi lần, chị ấy còn tự gây hại cho chính mình, may mà tao kịp thời phát hiện.
Ban đầu tao vẫn đinh ninh bản thân có đủ cả tình yêu lẫn sự kiên nhẫn để cả hai đồng hành cùng nhau. Nhưng thật khó khăn khi đôi lúc tao phải tự giải quyết hết áp lực đến từ công việc hoặc gia đình, sau đó chăm chút cho cảm xúc của chị ấy.
Tao biết, chị ấy nhận thức được mọi thứ, chưa bao giờ chị ấy muốn trở thành gánh nặng của tao cả. Tuy nhiên, nhận thức là một chuyện, không thể khống chế được lại là vấn đề khác.
Chia tay ở thời điểm hiện tại là lựa chọn tốt nhất. Tao không muốn đến một ngày, mất đi toàn bộ sự kiên nhẫn, nói ra những lời khiến đối phương tổn thương.”
“Chị ấy có bảo gì không?”
“Chị ấy xin lỗi vì làm khổ tao nhiều rồi. Cảm ơn vì hai năm vừa qua tao đã luôn yêu thương, thấu hiểu và nhẫn nại. Cho đến khi trạng thái tinh thần trở nên tốt hơn, chị ấy sẽ không bắt đầu một mối tình mới nào nữa cả.”
“Mày cảm thấy thế nào?”
“Tao không rõ nữa. Lúc bắt đầu, tao chắc chắn mình yêu thật lòng, ở bên chị ấy vào thời điểm tồi tệ nhất, cùng nhau đến nơi trị liệu. Thế nhưng hiện tại, tao cảm giác phần nào đó trong lòng trở nên nhẹ nhõm, giống như được giải thoát vậy.
Đó là lí do tao từ chối nhận lời cảm ơn, bởi tao nghĩ bản thân đã nảy sinh những cảm xúc khiến mình trở thành kẻ tồi tệ.”
–
Câu chuyện xảy ra vào thời điểm 5 năm trước, khi người ta vẫn chưa chú ý quá nhiều đến chứng trầm cảm. May mắn thay, tôi có dịp gặp lại chị vào dịp Tết năm nay, bởi vì chị chủ động liên lạc lại với bạn tôi, hẹn một chầu cà phê.
Chị vẫn cười duyên như ngày nào, điểm khác biệt duy nhất chính là dáng vẻ tràn đầy sức sống, chẳng còn nét buồn bã ảm đạm. Chị bảo, hiện tại mình rất hạnh phúc. Bạn tôi nhìn chị, thành thật nói về cảm xúc ích kỉ của mình ngày trước. Chị khẽ lắc đầu, mỉm cười.
“Lúc ấy, bản thân chị cũng trách em nhiều lắm chứ. Trách em vì sao bỏ lại chị, trách em đã không hoàn thành lời hứa. Cho đến khi chị thấy dáng vẻ tồi tệ của chính mình, nhìn thấy em đã phải cố gắng cân bằng giữa chị và công việc ra sao.
Nếu ngày trước em không ở bên cạnh chữa lành, luôn đặt chị trong tầm mắt, rất có thể chị đã ôm khư khư cái suy nghĩ mình không xứng đáng được yêu thương cùng trăm điều tiêu cực khác rời khỏi thế giới này rồi. Điều quan trọng nhất là, chẳng phải bây giờ chúng ta đều khỏe mạnh, ngồi nói chuyện với nhau hay sao?”
–
Đối với tôi, yêu người mắc chứng trầm cảm là cả quá trình dài đằng đẵng. Chúng ta luôn nghĩ rằng, tình yêu sẽ bao dung được mọi thứ mà quên mất mỗi người đều phải đối diện với gánh nặng cùng áp lực trong cuộc sống.
Người đầu ấp tay gối không thể cùng bạn san sẻ cho dù họ luôn cố gắng hết sức, dáng vẻ mệt nhoài của bạn khiến họ càng cảm thấy bản thân vô dụng. Cảm giác thiếu an toàn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất đồng trong việc thấu hiểu, càng tồi tệ hơn nếu đối phương không đủ sự nhẫn nại.
Nếu không thể đảm đương nổi trọng trách, càng không thể cam kết, khiến họ cảm nhận được tình yêu, xin đừng xông vào thế giới của họ, hứa hẹn huyên thuyên.
Thảng hoặc nếu bạn đã yêu hết lòng, không thể tiếp tục đoạn đường về sau thì xin hãy nghiêm túc nói rõ mọi thứ trước khi rời đi. Ít nhất, đó chính là sự tử tế trọn vẹn nhất.
Yêu người mắc chứng trầm cảm,
mong bạn hãy thật dịu dàng,
mong cả hai đều trân trọng lẫn nhau.