Đừng giấu tim mình trong một cái chai.
Có một thời gian, cư dân mạng chia sẻ với nhau về phim ngắn Lá thư cuối cùng từ Facebook cá nhân của Ngoa Phùng. Phim được đánh giá là “chạm đến lòng trắc ẩn của người xem, lấy đi nhiều nước mắt của nhiều người.”
Chuyện phim kể về một người cha già lâm trọng bệnh. Ông tìm tới con, hy vọng các con sẽ về nhà vào ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, con cháu mỗi người đều có kế hoạch của mình. Tổ chức xong sinh nhật cho người vợ đã chết, ông chọn cách đi theo bà, đồng thời để lại lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng cho các con của mình. Đoạn kết cũng là thông điệp phim: “Thời gian không thể trở lại. Hãy trân trọng những người thân yêu nhất. Xin dành tặng bộ phim đến những ông bố, bà mẹ vĩ đại nhất của chúng ta.” Một thông điệp có thể hoàn toàn nhắc nhở được nhiều người. Ai trong đời không do ba mẹ sinh ra? Đôi khi chúng ta cứ vô tư tận hưởng tình thương đó như khí trời. Người Nhật có câu: “Chỉ có không khí là miễn phí, còn lại đều phải lao động mà có.” Tôi nghĩ có một thứ miễn phí khác, chính là tình yêu của cha mẹ dành cho con.
Phim chạm vào trái tim của nhiều người, đơn giản vì chúng ta thấy mình ở trong đó. Chúng ta cũng có những tháng ngày vô tâm như thế. Chúng ta cũng hối hả lao vào cuộc sống với những kế hoạch, những bận rộn. Chúng ta luôn mặc định rằng: Ba mẹ cứ ở đó thôi. Bất cứ khi nào ta cần, bất cứ khi nào khốn khổ vỉ ai đó, vì điều gì đó, ta mới quay về. Quay về để được xoa dịu, được vỗ về, được yêu thương vô điều kiện. Vì ta biết ba mẹ luôn luôn chờ mình ở đó.
Tuy nhiên…
Có vài điều không thể không suy nghĩ. Thứ nhất, chuyện chúng ta có được quyết định cái chết của mình không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tôi đứng về phía những người cho rằng chúng ta chỉ có thể chết khi… đến thời khắc. Kể cả khi ta hoàn thành việc đã đưa ta đến cuộc đời này thì ta vẫn phải đợi thời khắc đã được định sẵn của riêng mình. Đó là khi thần chết cầm lưỡi hái tự xuất hiện và ra hiệu: “Đi thôi, đã xong một kiếp người”.
Cái chết của người cha trong phim, cách ông để lại lá thư, có gây cảm động cho mọi người không? Câu trả lời là: Có. Nhưng nếu có một người cha như thế thật trong đời, con của ông ấy sẽ sống tiếp ra sao. Sống với mặc cảm tội lỗi, dằn vặt vì mình đã không yêu thương, không dành thì giờ cho cha ư? Đó có phải là điều những người làm cha mẹ mong muốn không? Tất nhiên là không.
Có không ít người đem cái chết để bày tỏ những oan khuất, có người chết để được thấu hiểu, có người chết để chấm dứt một nỗi đau đớn về tinh thần hay thể xác, cũng có người chết, nói một cách nhẫn tâm là… để ăn vạ người đã phụ mình. Không phải người trưởng thành nào cũng tránh được mãnh lực… ăn vạ của cái chết. Cách người cha chết trong phim, như ông tự nhận là ích kỷ. Lá thư là cách tác giả giải quyết vấn đề, chuyển tải thông điệp của mình, đánh động người xem, đồng thời cũng là lời trách móc. Cách ông che mặt ngồi bán rau bên đường để nhìn con cái đi qua mỗi ngày. Cảm động không? Có. Nhưng bất nhẫn không? Có. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là lựa chọn của ông. Ông có thể chọn thăm con, nhìn con theo cách này hay một cách nào đó làm ông hạnh phúc nhất. Nếu việc ngồi bán rau trên đường để được nhìn con là một hạnh phúc… thì có sao đâu, ông đã hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Tất nhiên , đây chỉ là câu chuyện trong phim, và phim đương nhiên là hư cấu, dù có thật bao nhiêu phần trăm đi nữa. Nhưng người viết bài này không định bình phim, càng không định đánh giá, nhận xét gì tác giả. Ai trong chúng ta cũng là những đứa con trước khi được làm cha mẹ. Xem phim, chỉ chợt nghĩ, đúng là bọn trẻ vô tâm và hời hợt. Khi con chúng ta lớn lên, chúng sẽ còn bận rộn hơn, còn xa cách hơn, có khi còn thờ ơ hơn. Vì cuộc sống đang phát triển theo cách của công nghệ, nhanh hơn và hiện đại hơn. Con người trong dòng chảy tất yếu đó càng… xa xôi hơn mà. Nhưng nếu chỉ trách những người làm con, e cũng thiếu công bằng.
Nếu những người làm cha mẹ biết sắp xếp cuộc sống của mình, không chỉ là việc dự trữ tiền bạc mà còn dự trữ cả tình cảm nữa: tình cảm gia đình, bè bạn, người thân và tình cảm với chính bản thân mình thì cha mẹ hay con cái đều sẽ an tâm về nhau dù cách xa nhau đến mấy. Đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, kinh doanh cần tiền bạc và thời gian. Đầu tư tình cảm cần sự quan tâm, chăm sóc va thời gian. Tiền sinh ra tiền. Sự quan tâm chăm sóc sinh ra niềm vui. Niềm vui từ mọi người xung quanh, niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt là niềm vui ta hái được từ việc chăm sóc con người bên trong của mình. Và khi đó, yêu thương không phải là trách nhiệm. Yêu thương là tự do. Con cái chúng ta cũng sẽ được tự do.
Trần Lê Sơn Ý
Bài viết này được trích trong cuốn “Yêu Thương Là Tự Do” của tác giả Trần Lê Sơn Ý, một nhà báo hiện đang sống và viết tại Sài Gòn.